Monday, July 13, 2009
CÙ LAO UNG THƯ (THỚI SƠN, TIỀN GIANG)
‘Cù lao Ung Thư’ và chuyện bán rẻ môi trường
Bài và ảnh: Thiên Thư/Người Việt
Sunday, July 12, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=97913&z=1
Ðặt chân lên cù lao Thới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, những ngày này, chúng tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Nơi đây được quảng bá là một trong những địa chỉ du lịch độc đáo và hấp dẫn nhất khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long (ÐBSCL), hàng năm thu hút hàng trăm ngàn du khách quốc tế.
Nhưng bây giờ, trước mắt chúng tôi là một quang cảnh hoang tàn, vắng lặng. Con đường chính trên cù lao dài hơn 8 cây số gập ghềnh sỏi đá, bụi bay mịt mù, những vườn nhãn ven hai bên đường xơ xác vì bị chủ nhân bỏ mặc. Thỉnh thoảng mới thấy những chiếc xe gắn máy thồ chiếc cần-xế chôm chôm ra chợ, nhưng xăng lên giá mà chôm chôm thì rớt giá khiến bà con nơi đây phải lắc đầu ngao ngán. Gần 3 năm qua, hàng trăm héc ta vườn cây ăn trái trên cù lao này đã bị bỏ hoang, xơ xác. Hơn 6 ngàn dân trên đất cù lao mất ăn mất ngủ, lo sợ không biết lúc nào bị “giải tỏa” dọn đi nơi khác bởi cái “siêu dự án” của công ty cổ phần quốc tế Lê Ðại Nam treo lơ lửng trên đầu.
Ðã có 47 người ở cù lao Thới Sơn này chết vì ung thư.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/97913-medium_VN_090712_CuLao-1.jpg
Khu công nghiệp Mỹ Tho
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/97913-medium_VN_090712_CuLao-2.jpg
Nước thải từ các khu công nghiệp Mỹ Tho xả thẳng ra sông Tiền.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/97913-medium_VN_090712_CuLao-3.jpg
Việc “quy hoạch treo” kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của người dân nơi đây. Ðến nay dù đã có tin chính thức về việc bỏ dự án “siêu quốc tế” có sân golf 36 lỗ nhưng người dân cù lao vẫn còn hoang mang. Bởi người ta lại vừa chính thức “tái khởi động” lại dự án Du Lịch Thới Sơn trên quy mô 77 héc ta đã bị treo từ năm 2006 đến nay. Ðiệp khúc “quy hoạch chồng quy hoạch” đã làm một cù lao Thới Sơn đầy tiềm năng trở nên hoang tàn, đời sống người dân bấp bênh.
Một lão nông xứ này chia sẻ, “Dân bây giờ ở đâu cũng vậy, nhắc đến quy hoạch là sợ lắm. Mất đất trước rồi sẽ thất nghiệp sau. Khổ nỗi, mấy ông nhà nước không làm thì nói một tiếng cho dân biết, họ cứ dây dưa từ năm này sang tháng nọ khiến bà con nơi đây không dám và không thể làm gì với đất đai nhà cửa của mình. Con cái thì đi làm thuê làm mướn, có đứa làm ‘tua’ (tour) bơi xuồng chở khách du lịch, cuộc sống bấp bênh. Tương lai mịt mờ!”
Nghèo khổ vì “dự án treo” chưa dứt thì bóng ma của căn bệnh ung thư quái ác đang gây hoang mang cho dân xứ cù lao Thới Sơn này. Cuối Tháng Sáu vừa qua, báo chí trong nước dẫn nguồn tin của Bác Sĩ Nguyễn Thị Oanh, trưởng trạm y tế xã Thới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Từ năm 2003 đến nay tại xã có 47 bệnh nhân bị ung thư và tử vong. Trong đó, tại ấp Thới Thuận có hơn 10 người qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo này. Tin này không chỉ gây hoang mang cho người dân cù lao Thới Sơn, nơi mà chỉ có hơn 6,000 con người mà số người chết vì bệnh ung thư với tỷ lệ cao như thế là điều đáng báo động. Ðáng lo ngại hơn là khu vực nguồn nước bị ô nhiễm ở gần khu công nghiệp Mỹ Tho cũng là nơi công ty Cấp Thoát Nước Tiền Giang đặt ống lấy nước rồi cung cấp cho thành phố Mỹ Tho và vùng lân cận.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi men theo một đoạn sông Tiền dài hơn 2 cây số “mặt hậu” của khu công nghiệp Mỹ Tho, dù thời điểm nước triều lên cao nhưng cả một đoạn sông đỏ ngầu hôi thối. Bà con địa phương cho biết, “Các doanh nghiệp rất ‘cáo’ (khôn ranh), chúng đặt ống ngầm ra sông, và tập trung thải vào ban đêm! Lâu lâu có đoàn đến kiểm tra thì chúng mới cho hệ thống lọc nước hoạt động, nước thải không đạt yêu cầu thì chỉ bị phạt vài chục triệu rồi thôi! Tình trạng này đã kéo dài cả chục năm nay chứ có ít đâu!”
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở khu công nghiệp Mỹ Tho đều đã ghi danh lập hệ thống lọc chất thải, song ít có cơ quan nào thực hiện đúng quy trình cam kết. Ðúng như phản ánh của người dân địa phương, khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra (có thông báo trước), thì những doanh nghiệp này mới vận hành hệ thống lọc nước thải. Và khi không có cơ quan chức năng kiểm tra thì các doanh nghiệp này thản nhiên xả nước thải chưa lọc vào ban đêm, chưa kể việc các doanh nghiệp này lắp đặt hệ thống ngầm xả trực tiếp ra sông. Những thủ đoạn kiểu này đã quá cũ, hơn ai hết chính các cơ quan chức năng là người rõ nhất nhưng họ vô ý tắc trách hay cố tình bao che và tiếp tay cho những kẻ bức tử môi trường.
Những con số thống kê sơ lược về số người chết do bệnh ung thư ở cù lao du lịch Thới Sơn có thể chỉ khiến người dân Tiền Giang rùng mình. Nhưng những câu phát biểu của các vị lãnh đạo cùng thanh tra Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Tiền Giang trong vụ công ty Sao Mai Xanh ở xã Tân Hòa, huyện Tân Phước bị người dân tố giác và cung cấp chứng cớ đang chôn chất thải độc hại dưới nền nhà xưởng của công ty này, mới đáng sợ hơn, “Nếu phóng viên có bằng chứng thì cung cấp cho đoàn thanh tra để làm rõ... Nếu đào lên mà không có thì ai chịu trách nhiệm?”
Chả hiểu được các vị, các bộ thanh tra này làm việc gì và phục vụ cho ai. Chắc hẳn là lãnh lương từ thuế của dân nhưng họ không phục vụ và bênh vực quyền lợi cho người dân. Vụ việc đang diễn biến với chiều hướng “xuồng sắp chìm” khi mà thanh tra ra tay làm việc kín với doanh nghiệp, phóng viên và người dân chỉ là kẻ ngóng tin!
Có thể khẳng định một điều Tiền Giang là một tỉnh công nghiệp có tốc độ phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng khá cao đứng vào hàng nhất nhì khu vực ÐBSCL, hàng chục khu công nghiệp cùng vài chục cụm công nghiệp đang xếp hàng chờ được cấp phép. Thế nhưng, có ai đứng ra đảm bảo rằng nơi những khu công nghiệp đó mọc lên môi trường sẽ không bị bức tử? Và người dân sẽ thôi không còn những cái chết ung thư vì người ta đã bán rẻ môi trường? (T.T)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment