Sunday, July 19, 2009
CAMSA PHẢN ĐỐI CÔNG TY SONY
CAMSA: Công Ty Sony Phải Ngưng Buôn Bán Công Nhân
Ngày 17 tháng 7, 2009
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1650
Một liên minh quốc tế vừa phát động chiến dịch vận động giới tiêu thụ trên khắp thế giới áp lực Sony phải cấp thời giải quyết tình cảnh bi thương của 15 phụ nữ Việt làm công cho hãng điện tử này ở Mã Lai.
Trong sáu tháng qua các công nhân này bị giam tại một khu chứa người biệt lập, bán đi cho các chủ sử dụng khác nhau, và thường phải lao động không công để đánh đổi lấy miếng ăn. Sổ thông hành của họ bị công ty môi giới Mã Lai tịch thu; muốn về nước, họ phải đóng một khoản tiền to lớn mà họ không có. Thiếu tiền, họ không có cả phương tiện để liên lạc với gia đình ở Việt Nam.
Quý vị có thể tham gia chiến dịch vận động bằng cách gửi thư kèm đây đến chi nhánh Sony ở Hoa Kỳ:
Bấm vào đây để tải về bản pdf.
Bấm vào đây để tải về bản doc.
“Đây đúng là một trường hợp buôn người điển hình. Các công nhân này đã bị lường gạt bởi công ty môi giới ở Việt Nam khi ký hợp đồng sang Mã Lai làm việc. Ỡ Mã Lai họ bị bóc lột và bây giờ không có đường thoát,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, lên tiếng đại diện cho Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA).
Cuối tháng sáu vừa qua, Ts. Thắng hướng dẫn phái đoàn CAMSA tiếp xúc với số nữ công nhân này tại khu chứa người của JR Holdings, công ty môi giới Mã Lai đã tiếp nhận để rồi chuyển họ cho công ty Sony. Theo Ông, khu chứa người này giống như một trại giam lớn, có cổng sắt, có hàng rào kẽm gai và có nhân viên bảo vệ; việc ra vào rất hạn chế.
Qua một giàn xếp đặc biệt, hai trong số các nữ công nhân Việt này đã được ra ngoài để tiếp xúc với phái đoàn trong một tiếng đồng hồ. Cùng tham gia trong phái đoàn gồm có một ký giả và người chụp ảnh cho một tờ báo địa phương, người quay phim của CAMSA, và hai nhân viên của Tenaganita--một tổ chức chống buôn người của Mã Lai.
Số 15 nữ công nhân này đã phải đóng trên 20 triệu đồng mỗi người cho các công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam để được sang Mãy Lai lao động. Bản hợp đồng họ ký với các công ty này và với JR Holdings bảo đảm 27 tháng làm việc với Sony với mức lương tối thiểu là 768 Ringgits (220 USD), bắt đầu.vào cuối năm 2007. Nhưng chưa đầy một năm công ty Sony giao trả họ lại cho JR Holdings với lập luận rằng không còn việc làm.
“Đây là một vi phạm hợp đồng trắng trợn. Lẽ ra Sony và JR Holdings phải tiếp tục trả mức lương theo hợp đồng dù không có việc làm, hoặc phải hồi hương công nhân sau khi đền bù xứng đáng cho việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn,” Ts. Thắng giải thích.
Ngược lại, công ty JR Holdings đã chuyển số công nhân này về khu chứa người ở cách thủ đô Kuala Lumpur trên một tiếng lái xe và giam giữ họ ở nơi này trong suốt sáu tháng qua. Họ bị chuyển đi lao động ở nhiều nơi, làm những công việc tạp lục không đúng với hợp đồng, và thường không được trả tiền.
“Chị em chúng em đói nên phải thay phiên nhau leo rào trốn ra ngoài đi nhặt rau hay xin tiền để sống. Khi bị phát giác, chúng em bị nhân viên bảo vệ trừng phạt và sỉ nhục,” một nữ công nhân tâm sự.
Các công nhân cho biết một hình thức phạt là phải ngồi ngay bên ngoài cổng suốt ba tiếng đồng hồ dưới nắng chang chang buổi trưa, để mọi người thấy.
Sau một thời gian bị bóc lột và ngược đãi, các công nhân quyết tâm phản đối và đòi về nước. Họ bị người của JR Holdings đe doạ, nạt nộ, và quấy nhiễu liên tục. Có khi người quản lý đã vất hết đồ đạc, quần áo và đuổi mấy chị em ra đường giữa đêm khuya; mấy tiếng đồng hồ sau mới được trở vào phòng ngủ. Có khi quản lý cắt điện và nước dẫn vào phòng của họ.
Tâm sự với phái đoàn, một nữ công nhân cho biết vì thiếu ăn đã có người phải đi cặp bồ với những người lao động nam ở khu gần đó để được nuôi ăn. Theo nữ công nhân này, đây là một điều tủi nhục đã gây tổn thưởng tâm lý cho các nạn nhân.
Ts. Thắng cho biết CAMSA đã gửi một văn thư cho công ty Sony ở Mã Lai vào cuối tháng Sáu và tiếp theo là văn thư cho công ty mẹ ở Nhật vào đầu tháng Bẩy, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Công nhân cho biết rằng trong mấy ngày qua đại diện của công ty JR Holdings, của công ty xuất khẩu lao động Việt Nam và của toà đại sứ Việt Nam ở Mã Lai đã cùng đến khu ký túc xá để điều đình nhằm đưa họ trở lại làm việc cho Sony.
“Điều này cho thấy đã có một vài chuyển động từ các thành phần hữu trách, nhưng họ vẫn chưa thực hiện trách nhiệm đến nơi đến chốn--họ không hề nhắc đến việc hoàn trả sáu tháng lương thiếu và bồi thường những tổn thương về thể xác và tâm thần cho nạn nhân,” Ts. Thắng nhận định.
Trước tình hình này, Liên Minh CAMSA đã lập hồ sơ chuyển cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và chính phủ Mã Lai, và đồng thời phát động chiến dịch dư luận nhắm vào Sony.
“Chúng tôi kêu gọi giới tiêu thu, nhất là sinh viên và chuyên gia, lên tiếng với Sony để đòi công lý cho các nạn nhân người Việt này,” Ts. Thắng nói.
Mục đích của CAMSA là Sony và JR Holdings phải trả lại toàn bộ các tháng lương trả thiếu, bồi thường thiệt hại, và thu nhận lại những ai muốn tiếp tục làm việc; đối với người muốn về nước thì phải được trang trải mọi phí tổn di chuyển cũng như phải nhận được tiền bồi thường vì hợp đồng đã không được Sony tôn trọng.
Ông cho biết đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một nỗ lực ngày càng gia tăng cho đến khi mọi thành phần trách nhiệm, kể cả Sony và JR Holdings, hai chính phủ Việt Nam và Mã Lai cũng như các công ty xuất khẩu lao động, thực thi đúng trách nhiệm của họ.
Văn Phòng Hỗ Trợ Công Nhân Việt Nam do Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA trong tiếng Anh, phối hợp với tổ chức Tenaganita ở Malaysia thành lập đầu năm 2008. Liên Minh CAMSA hiện gồm năm tổ chức: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita. Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - USA
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment