Wednesday, July 8, 2009
CÁ DA TRƠN hay MẶT DA TRƠN
Cá Da Trơn Hay Mặt Da Trơn
NGUYỄN XUÂN NGHĨA - RFI
Việt Báo Thứ Tư, 7/8/2009, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=146725
Cá ba sa Việt Nam tiếp tục bị ‘đòn hiểm’ của giới nuôi catfish Hoa Kỳ...
Số phận cá da trơn của Việt Nam trên thị trường Mỹ lại bị đe dọa. Mấy năm trước, loại cá này chỉ được vào Mỹ sau nhiều cửa ải, và với tên gọi "cá tra" hay "cá ba sa", chứ không được gọi là "catfish" vì sợ lầm với cá nội địa của Mỹ. Bây giờ, chính các hiệp hội nuôi cá catfish tại Mỹ lại nêu vấn đề về danh xưng và đòi con cá Việt Nam cũng phải được gọi tên là "catfish"! Vì sao lại có chuyện rắc rối ấy ? Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California (Hoa Kỳ), hồ sơ khá bi hài này cũng phản ánh xu hướng bảo hộ mậu dịch của giới sản xuất Mỹ mỗi khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Theo tiết lộ của hãng tin Mỹ AP vào cuối tháng 06/2009, Bộ trưởng Nông Nghiệp Mỹ ông Tom Vilsack sắp ban hành quyết định về việc quy định loại cá nào bán trên thị trường Hoa Kỳ phải được gọi là ''catfish''. Nội dung quyết định này chưa rõ, nhưng một bản dự thảo mà hãng tin Mỹ đọc được đã liệt loại cá ba sa thuộc họ "pangasius" của Việt Nam vào diện "catfish".
Bị gọi là catfish, cá Việt Nam sẽ khó vào thị trường Mỹ
Một khi bị xếp loại là catfish, cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ phải tuân thủ một chế độ kiểm tra ngặt nghèo do bộ Nông Nghiệp Mỹ ấn định, chặt chẽ hơn rất nhiều so với chế độ thông thường của Cơ quan Thực phẩm và Dược Phẩm Mỹ FDA. Theo hãng AP, điều này sẽ trở thành một rào cản cực kỳ kiên cố, chặn đứng đường vào thị trường Hoa Kỳ của cá Việt Nam vì lẽ phía Việt Nam phải thiết lập một hệ thống kiểm tra việc nuôi và xử lý cá cực kỳ phức tạp, và chứng minh được là hệ thống này tương đương với những gì hiện hành tại Mỹ. Để có được một hệ thống như vậy, theo AP, Việt Nam sẽ phải mất rất nhiều năm.
Thế nhưng vì sao mà chính quyền Hoa Kỳ lại có thể có quyết định khắt khe đối với cá nhập khẩu từ Việt Nam như vậy, nhất là khi việc xếp cá basa và cá tra Việt Nam vào diện ''catfish'' lại hoàn toàn trái ngược với quyết định vào năm 2002, theo đó cá nhập từ Việt Nam không có quyền mang tên gọi catfish ?
Nguyên nhân rất đơn giản : đó là do áp lực của giới nuôi cá catfish Hoa Kỳ, chủ yếu tại các tiểu bang miền Nam nước Mỹ như Mississipi, Alabama và Arkansas. Vì không cạnh tranh nổi với cá nhập từ Việt Nam, họ đã thành công trong việc vận động quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2002 một đạo luật cấm không cho cá nhập từ Việt Nam được mang tên "catfish". Họ cho rằng việc được gọi là catfish đã giúp Việt Nam đánh lừa người tiêu dùng ở Hoa Kỳ vốn chuộng loại catfish chính cống "made in USA". Không những thế, một năm sau, giới nuôi cá catfish ở Mỹ còn thành công trong việc vận động chính quyền áp thuế chống phá giá trên cá Việt Nam.
Cho dù vậy, họ vẫn không ngăn chặn được cá Việt Nam. Theo bộ Thương mại Hoa Kỳ, từ 13 triệu đô la vào năm 1999, đến năm 2008, trị giá cá Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đã lên đến 77 triệu đô la! Trong cùng thời gian, sản lượng của ngành nuôi catfish tại Hoa Kỳ đã giảm gần như là tương đương với mức tăng của Việt Nam, từ 488 triệu đô la xuống còn 410 triệu đô la.
Thế là các nhà sản xuất Mỹ lại bày ra mưu kế khác, vận động Quốc Hội Mỹ ra quy định bắt buộc kiểm tra đối với cá catfish, rồi vận động tiếp để đưa cá nhập từ Việt Nam vào diện catfish cho dù điều này hoàn toàn trái ngược với yêu cầu của họ trước đây.
Biểu hiện rõ rệt của bảo hộ mậu dịch
Trả lời cuộc phỏng vấn của Trọng Nghĩa trên đài RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California (Hoa Kỳ) đã phê phán xu hướng bảo hộ mậu dịch thể hiện qua các quyết định đầy mâu thuẫn tại Hoa Kỳ trên hồ sơ cá ba sa Việt Nam.
Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi không biết là ta nên gọi "cá da trơn" hay "mặt da trơn" vì chuyện lật lọng ấy từ một số thế lực chính trị Hoa Kỳ! Nói cho gọn thì mỗi lần Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Canh nông (Farm Bill) như năm 2002 hay 2008, các quốc gia buôn bán nông ngư hải sản với Hoa Kỳ lại phải coi chừng vì đấy là đạo luật bảo hộ nông ngư nghiệp của họ. Việt Nam đang bị kẹt vì chuyện ấy.
Về bối cảnh thì dân Mỹ đơn giản gọi chung các loại cá da trơn nước ngọt và có râu là "catfish" - trong khi ta có cá bông lau, cá ba sa, cá trê, cá tra, cá hú, cá vồ... Vì muốn bảo vệ kỹ nghệ nuôi cá da trơn của họ, năm 2002, Đạo luật Canh nông có hiệu lực 5 năm của Mỹ đã quy định rằng cá da trơn của Việt Nam bán qua Mỹ thì không được phép gọi là cá "catfish" - là tên dành riêng cho cá Mỹ - mà phải gọi là cá "tra" hay cá "basa", vì thuộc về một họ khác. Qua việc đó, người ta muốn giới tiêu thụ Mỹ phân biệt để mong là sẽ chiếu cố cá Mỹ.
- Nhưng dù không có được "mỹ danh" là catfish, con cá Việt Nam vẫn băng qua biển và tiến vào các bàn ăn hay nhà hàng Mỹ nên cạnh tranh rất mạnh với cá Mỹ. Vì thế, giới nuôi cá tại Mỹ lại vận động nhiều đợt ngăn chặn khác. Chẳng hạn như đả kích cá Việt Nam bán vào quá rẻ vì không được nuôi dưỡng đúng tiêu chuẩn, tức là phải vượt qua được sự thanh lọc về vệ sinh y tế. Qua năm 2003, Hiệp hội Catfish Hoa Kỳ còn vận động Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ dựng thêm hàng rào thuế quan từ 37 đến 46% để chặn cá tra của Việt Nam. Mà tình hình vẫn không khả quan hơn...
RFI : Thế rồi năm ngoái, Quốc hội Mỹ lại thông qua một Đạo luật Nông nghiệp mới và vì vậy bây giờ cá Việt Nam mới gặp vấn đề ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : - Đây là Quốc hội Mỹ giăng lưới bắt cá Việt Nam mà đáng lẽ ta phải thấy trước từ năm ngoái.
- Sau 5 năm, Đạo luật Canh nông 2002 lẽ ra phải hết hiệu lực từ giữa năm 2007, nhưng việc thảo luận và tái tục lại kéo dài cả năm. Khi đó, Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ chiếm thế mạnh, với xu hướng bao cấp, bảo hộ mậu dịch và bảo vệ môi sinh đã thắng thế sau cuộc bầu cử cuối năm 2006. Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đánh nhau cả năm mới hoàn tất Đạo luật mới với chiều hướng nâng đỡ nông gia Mỹ còn nặng hơn, lên tới 450 tỷ đô la.
- Đạo luật ấy bị cả Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới WTO/OMC đả kích vì chế độ trợ cấp nông gia quá nặng, gây thiệt hại cho nông nghiệp nước khác và bị Tổng thống Bush phủ quyết. Nhưng cuối cùng thì số phiếu quá lớn của đảng Dân Chủ và một số Dân biểu Cộng Hoà giúp Hạ Viện đánh bại quyền phủ quyết ấy của ông Bush vào tháng Năm năm ngoái. Từ đó, Hoa Kỳ có Đạo luật Canh nông mới, với cái tên chính thức rất ôm đồm là Đạo luật về Thực phẩm, Bảo tồn và Năng lượng, làm cả thế giới thất vọng.
RFI : Xin hỏi ngay anh một câu vì thính giả có thể thắc mắc là tại sao lại có tên là Bảo tồn và Năng lượng trong Đạo luật về Nông nghiệp của Mỹ ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : - Đó là thủ thuật của các nhà làm luật Mỹ khi nhồi vào đạo luật các điều khoản có lợi cho cử tri hay địa phương của họ, hoặc phù hợp với tư duy hay triết lý chính trị của họ. Bảo tồn vì có vấn đề môi sinh hay y tế, và Năng lượng vì có chuyện trợ cấp cho nông phẩm hay ngũ cốc chế cất thành cồn để thay xăng! Đạo luật do Hạ viện thông qua vào năm 2007, trước khi được thông qua năm 2008 còn có cái tên dài dòng và đầy đủ không kém, đó là "Nông trại, Dưỡng sinh và Năng lượng Sinh học" !
150.000 đô la để vận động chặn cá Việt Nam
RFI : Hiện nay, chuyện vận động của giới nuôi cá da trơn của Mỹ tiến hành ra sao và sẽ có ảnh hưởng như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa : - Trong kỹ nghệ ngư hải sản nói chung, ngành nuôi cá nước ngọt và riêng cá da trơn tại Mỹ mới chỉ có từ năm chục năm trở lại và tập trung tại các tiểu bang miền Đông Nam như Alabama, Arkansas, Kansas, Louisiana, Mississippi và Oklahoma, với 95% sản lượng catfish đến từ bốn tiểu bang Mississippi, Alabama, Arkansas và Louisiana. Kỹ nghệ nuôi catfish này không lớn với số thương vụ chỉ có chừng 400 triệu Mỹ kim một năm, quy tụ chừng 250 doanh nghiệp mà thôi. Nếu so sánh thì Việt Nam có thể xuất cảng một năm 1,3 tỷ Mỹ kim cá da trơn, bằng một phần ba tổng số xuất cảng về thủy sản, và là ngành hoạt động nuôi sống cả triệu người.
- Trở lại chuyện con cá, năm 2008, nông gia nuôi catfish tại Mỹ vẫn thấy quá khó cạnh tranh với cá nhập khẩu và vận động một Nghị sĩ Mississippi gài vào đạo luật một điều khoản về kiểm tra sản phẩm riêng cho loại cá catfish. Lý do họ nêu ra là vì thủy sản mua của Trung Quốc vào năm 2007 có nhiều độc chất, nhưng gian ý là chỉ nêu tên một loại catfish thôi trong khi cá catfish của Mỹ lại bán được ngày một ít hơn so với cá da trơn của Việt Nam. Theo thống kê, năm ngoái họ đã chi ra 150.000 đô la cho việc vận động, một ngân khoản thật ra không lớn.
- Về nội dung thì do Đạo luật năm 2008, ngày nay bộ Canh nông chứ không phải cơ quan Kiểm soát Lương thực và Dược phầm FDA sẽ phải quy định thêm luật lệ thanh tra giống cá catfish theo thủ tục nhiêu khê rắc rối hơn. Bây giờ, hiệp hội nông gia nuôi cá của Mỹ mới đòi tiếp là từ nay, cá tra hay cá basa của Việt Nam cũng phải được gọi là catfish. Họ giăng lưới nâng cá Việt Nam lên bằng với cá Mỹ để bị kiểm tra theo tiêu chuẩn Mỹ và chờ đợi quyết định của bộ Canh nông Mỹ về việc này.
- Nếu họ vận động thành công thì thủ tục cải danh để nâng cấp thanh tra theo tiêu chuẩn Mỹ khiến cá da trơn của Việt Nam sẽ nằm đợi vài năm nữa mới xong. Trong khi ấy, nông gia nuôi catfish của Mỹ có cơ hội giành lại thị trường. Và nếu họ thành công thì có khi sẽ vận động kiểm tra các loại cá khác như Cá rô Phi. Ta không quên rằng giới nuôi cá tại Mỹ mới xin chính phủ trợ cấp cho 50 triệu Mỹ kim vì giá thực phẩm nuôi cá đã từ 250 Mỹ kim một tấn vào đầu năm 2008, đã tăng lên tới 400 đô la hiện nay trong khi giá cá của họ lại giàm.
Cần phải quảng bá phẩm chất tốt của cá Việt Nam
RFI : Liệu cá Việt Nam có hy vọng thoát hiểm không ? Chính quyền của Tổng thống Barack Obama có quan điểm thế nào về chuyện này và khác nhau thế nào với Chính quyền Bush ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : - Nói về hy vọng của cá Việt Nam thì, thứ nhất về phẩm chất, các cơ quan độc lập của Mỹ đã công nhận phẩm chất cá nhập cảng là an toàn và biết rằng đây chỉ là chuyện cạnh tranh. Thứ hai, hiệp hội các nhà nhập cảng và phân phối cá tại Mỹ cũng thấy bị thiệt hại vì sự cạnh tranh mà họ coi là bất chính đó và bắt đầu lên tiếng. Thứ ba, giới tiêu thụ Mỹ đã quen và ưa chuộng các loại cá nhập khẩu, kể cả cá da trơn dù gọi dưới tên rất lạ như cá tra hay basa. Yếu tố này rất quan trọng về căn bản, nhưng chỉ có tính cách quyết định khi giới tiêu thụ được biết về trò cạnh tranh và hiểu rằng nó gây thiệt hại cho họ. Vì vậy, việc thông tin và quảng cáo về tiêu chuẩn an toàn và phẩm chất ẩm thực của cá Việt Nam là cần thiết. Thí dụ như tháng Tư vừa rồi, tiểu bang Alabama đã chặn cá da trơn của Trung Quốc vì kiểm tra thấy bên trong có nhiều chất kháng sinh thì đấy là lúc Việt Nam phải cho biết tiêu chuẩn đáng tin cậy hơn của cá Việt Nam.
- Mặt khác, nhiều quốc gia khác cũng có thể bị thiệt vì trào lưu bảo hộ mậu dịch hiện nay tại Mỹ và có thể cùng nêu vấn đề với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO/OMC về chuyện thủy sản. Ngoài ra, nếu vấn đề được đưa vào đó, các thành phần sản xuất hay doanh nghiệp Mỹ có lợi trong việc bán hàng cho Việt Nam sẽ chú ý đến vấn đề vì ngại hậu quả bất lợi cho họ. Thí dụ như nếu cá da trơn của Việt Nam bị chặn đường vào Mỹ thì việc bán thịt bò Mỹ cho Việt Nam có thể bị trở ngại, là điều mà các tiểu bang nuôi bò cần được biết để vận động ngược chống lại cuộc vận động của hiệp hội catfsh Mỹ.
- Về phần chính quyền Obama thì tôi nghĩ là chúng ta nên dè dặt vì chuyện con cá là ưu tiên rất nhỏ so với các vấn đề quá lớn họ đang phải giải quyết. Thứ nữa, chính quyền này cũng có tinh thần bảo hộ mậu dịch và khó cưỡng lại Quốc hội hoặc trào lưu gia tăng vai trò kiểm soát của nhà nước. Ngày nay, cả Hành pháp và Lập pháp Mỹ đều ở trong tay đảng Dân Chủ và có xu hướng bảo hộ mạnh hơn Chính quyền Bush. Phải nhớ rằng vào năm ngoái ông Bush đã muốn phủ quyết Đạo luật Canh nông mà không nổi. Cho nên, chúng ta có thể chờ xem phản ứng của chính quyền Obama qua quyết định sắp tới của bộ Canh nông...
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment