Friday, July 10, 2009

BIẾN ĐỘNG TẠI TÂN CƯƠNG và THAM VỌNG của BẮC KINH


Biến động tại Tân Cương và tham vọng của Bắc Kinh
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Tuesday, July 07, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=97636&z=196
LTS: Cuộc nổi dậy của sắc dân Uighur tại Tân Cương trong xứ Trung Quốc đã bị công an đàn áp tàn nhẫn khiến ít nhất 156 người bị tử nạn. Tình hình Tân Cương sẽ diễn biến ra sao và liệu có là mồi lửa gây nên đám cháy lớn có thể đẩy Trung Quốc vào bạo động hay không? Người Việt hỏi ý kiến bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa qua bài phỏng vấn sau đây do Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.

-------------------------------

ÐQA Thái: Là người theo dõi thời sự quốc tế và đặc biệt chú trọng đến tình hình Trung Quốc từ nhiều năm nay, ông có ngạc nhiên về vụ nổi dậy vừa qua tại Tân Cương hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ngạc nhiên thì không vì quy luật “tức nước vỡ bờ,” nhưng có thấy bất ngờ vì lãnh đạo Bắc Kinh đã để xảy ra vụ này vào thời điểm hiện nay.
Về thời điểm, Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào đang có mặt tại Roma để tham dự thượng đỉnh của nhóm G-8, dù là trong tư thế quan sát viên thì cũng là một cách khẳng định uy thế Trung Quốc. Cùng lúc ấy, Bắc Kinh phải theo dõi rất sát thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Moscow và nội tình Uighur lại vỡ lở vào đúng ngày hôm đó.

ÐQA Thái: Ông hay có lối nhìn bất ngờ nhưng vì sao ông lại chú trọng tới quan hệ Nga-Mỹ khi xảy ra vụ nổi dậy ở Tân Cương?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Với dân số gấp mười và sản lượng kinh tế gấp bốn nước Nga - gần như ngang bằng với Nhật Bản và đứng hàng thứ nhì thế giới - Trung Quốc có thể tự nghĩ rằng mình là đại cường của thế kỷ 21, còn Liên Bang Nga chỉ là đại cường của thế kỷ 20 và tham gia diễn đàn G-8 của tám đại gia thế giới nhờ vang bóng của thời xưa. Lãnh đạo Bắc Kinh càng quan tâm theo dõi chuyện Nga-Mỹ vì những thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước này, trong đó có chuyện Nga cho Hoa Kỳ mượn đường tiếp vận vào chiến trường A Phú Hãn, là điều chưa chắc đã khiến Bắc Kinh yên tâm. Ðúng lúc ấy, vụ nội loạn Tân Cương cho thấy nhược điểm nội tại của Trung Quốc, mà lại bùng nổ tại khu vực Hồi Giáo tiếp cận với các nước Cộng Hòa Hồi Giáo trong vùng ảnh hưởng của Nga.

ÐQA Thái: Vụ Tân Cương nổi dậy có nguồn gốc sâu xa hay chỉ là một đột biến mà thôi?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tân Cương hay “Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ” là một khu vực phiên trấn của Trung Quốc, là vùng trái độn quân sự để bảo vệ lãnh thổ xứ này theo nhãn quan khiếp sợ và tự kỷ ám thị của lãnh đạo Bắc Kinh. Với diện tích gấp năm Việt Nam cho một dân số chưa đầy 19 triệu mà gần phân nửa là người Duy Ngô Nhĩ, ngày xưa cứ bị coi là “rợ Ðột Quyết,” khu vực này đã tiếp nhận ồ ạt người Hán trong nỗ lực đồng hóa và kiểm soát, cho nên mâu thuẫn và xung đột rất dễ xảy ra khi tộc Hán có tư thế ưu đãi hơn và dân bản địa chỉ là công dân hạng nhì bị khinh miệt là man rợ, là thổ phỉ.
Gần đây Tân Cương không chỉ là vùng trái độn mà đã được phát triển mạnh nhờ tài nguyên khoáng sản và là đường trung chuyển dầu khí với các nước Trung Á từ đó qua tới Cận Ðông, nên đã trở thành khu vực chiến lược về năng lượng. Kế hoạch phát triển vì vậy càng gây mâu thuẫn với dân bản địa, gồm có tám triệu người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo, vốn có quan hệ sắc tộc và tôn giáo khắng khít với các sắc dân bên kia biên giới.
Vụ khủng bố 9-11 năm 2001 tại Mỹ đã gây chấn động toàn cầu và việc người Hồi Giáo tại Tân Cương đòi quyền tự trị đích thực trở thành vấn nạn lớn. Một số người tại đây còn đòi ly khai và sẵn sàng đấu tranh võ trang nên bị kết án là khủng bố và bị đàn áp rất mạnh.

ÐQA Thái: Thưa ông, nhìn như vậy thì vấn đề Hồi Giáo có là điểm nóng cho nội tình Trung Quốc không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ðây là một điểm nóng tại một khu vực địa dư chiến lược nhưng không là điểm nóng duy nhất của Trung Quốc.
Xứ này có hiện tượng tôi xin gọi là “nhất quốc tam kinh,” một quốc gia mà có ba nền kinh tế phát triển không đồng trên ba khu vực, nên gặp mâu thuẫn nặng và có thể bị khủng hoảng. Ngoài khu vực phiên trấn gồm có cao nguyên Thanh Tạng, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu, hai khu vực “duyên hải” và “nội địa” còn lại cũng có mâu thuẫn và tranh chấp quyền lợi giữa đảng bộ các tỉnh mà trung ương không giải quyết nổi. Thứ ba, nạn suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay càng đào sâu mâu thuẫn này, với hậu quả là thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp. Mà hậu quả lại nặng nhẹ khác nhau trong từng khu vực và giữa các thành phố với nông thôn.

ÐQA Thái: Liệu cuộc nổi dậy của Tân Cương có khơi mào cho nhiều biến động của các nơi khác hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ðây là kịch bản đáng sợ nhất cho lãnh đạo Bắc Kinh nên họ phải dẹp cho tan để khỏi tạo ra tiền lệ, mà cũng vì vậy, sẽ đi vào chu kỳ đáng ngại là càng gây sức ép lại càng bị sức bật mạnh hơn. Càng đàn áp càng dễ đưa tới nổi dậy và nổi dậy khác với sinh viên tại Thiên An Môn hai chục năm về trước: nổi dậy vì sinh tồn.
Nhìn rộng ra ngoài, Bắc Kinh thấy ra hai ba hướng đáng sợ. Dân Tây Tạng thì đòi quyền tự trị một cách ôn hòa theo chủ trương của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, nhưng nếu cứ bị cự tuyệt và đàn áp mãi, một số người Tây Tạng có thể ngả theo hướng bạo động của dân Hồi Giáo tại Tân Cương và đấy là kịch bản vết dầu loang.
Trong khi ấy, ta không quên là bên kia biên giới Nội Mông, Cộng Hòa Mông Cổ cũng đã tự chuyển hóa thành một quốc gia dân chủ hơn nên cũng là một cám dỗ cho sắc tộc Mông Cổ bên trong Trung Quốc.
Ðã vậy, nhìn từ Bắc Kinh thì ngần ấy khu vực phiên trấn lại tiếp cận với các quốc gia láng giềng mà họ rất sợ và đã từng có xung đột, như với Ấn Ðộ, các nước Trung Á, với Mông Cổ và Nga. Mắc bệnh tự kỷ ám thị, Bắc Kinh e là các nước bên ngoài - kể cả Hoa Kỳ - sẽ nhúng tay vào các khu vực ấy để xé Trung Quốc ra nhiều mảnh. Không có dân chủ theo thể chế liên bang như các nước lớn khác, Trung Quốc không thể thoát khỏi vấn đề và sẽ còn bị động loạn, dù có ra sức đàn áp.

ÐQA Thái: Xưa nay Bắc Kinh vẫn muốn Hán hóa các dân tộc chung quanh, điển hình là Tây Tạng mà ông vừa nhắc tới. Những năm gần đây, Bắc Kinh càng ngang ngược đối với Việt Nam qua việc lấn chiếm các quần đảo ngoài biển Ðông. Theo nhận định của ông thì đấy có nằm trong mưu đồ Hán hóa của họ không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trải mấy ngàn năm, Hán tộc của Trung Quốc có phản ứng tự nhiên đã thành bản chất theo ba cấp. Thứ nhất là củng cố được trung tâm sinh hoạt của họ tại Trung Nguyên, là các tỉnh duyên hải, có lưu vực của ba con sông lớn là Hoàng Hà, Dương Tử và Châu Giang tại Quảng Ðông. Cấp thứ hai là khống chế được các tỉnh bị khóa trong nội địa, là khu vực lạc hậu, khó canh tác và giao thông, nhưng cũng có một vựa người rất lớn thường vào lật đổ triều đình trung ương, lần cuối là cuộc Vạn Lý Trường Chinh của Mao Trạch Ðông với đoàn quân chân đất từ khu vực này. Ở cấp thứ ba, Hán tộc phải kiểm soát được khu vực phiên trấn, bằng quân sự, để phòng ngừa bị tấn công từ bên ngoài như đã từng bị nhiều lần trong lịch sử.
Ðây là phản ứng ngàn năm của lãnh đạo Trung Quốc, trong chế độ kinh tế tự cung tự cấp của Hán tộc, với niềm kiêu hãnh là cuối cùng thì họ sẽ đồng hóa được tất cả. Ðến cuối thế kỷ 20 thì tình hình đã đổi khác vì xứ này cần giao tiếp với bên ngoài để phát triển - chủ yếu là cần nguyên nhiên vật liệu và thị trường xuất cảng của thế giới. Mà có giao tiếp là bị ảnh hưởng về văn hóa, về tư duy và cách sinh hoạt. Nhiều người Hán nay đang mơ là công dân của thế giới trong hoàn cảnh kinh doanh toàn cầu hóa! Ðấy là một vấn đề và gây mâu thuẫn nội bộ về bản sắc của Hán tộc, về quyền lực của trung ương với sức ly tâm của các tỉnh duyên hải do sự cám dỗ từ bên ngoài.
Cũng nhờ đã có tăng trưởng cao, qua thế kỷ 21, Trung Quốc đang mơ ước trở thành đại cường hải dương thay vì chỉ là đại cực lục địa như trong lịch sử. Theo chiều hướng đó, Hán tộc của họ coi Ðông hải của Việt Nam là vùng phiên trấn ngoài biển, như Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông là phiên trấn trên đất liền. Họ làm như vậy được vì đã nắm lãnh đạo Hà Nội ở trong túi.
Nếu nhìn lại địa dư hình thể Trung Quốc thì tại ngần ấy khu vực biên cương, Trung Quốc chỉ có thể bành trướng là qua lãnh thổ của Việt Nam - lần cuối là vào năm 1979 - chứ các nơi khác đều gặp thiên nhiên hiểm trở nên không vượt qua được. Bây giờ thì nhờ Hà Nội, Bắc Kinh đã có thể thi hành việc đó sau khi sửa lại biên cương trên đất liền, khống chế xứ Lào trước đây nằm trong vùng ảnh hưởng của Hà Nội, và kiểm soát luôn Ðông hải của Việt Nam.

ÐQA Thái: Câu hỏi cuối, thưa ông, Việt Nam có thể làm gì để chặn đứng tham vọng bành trướng của Trung Quốc?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu trả lời của tôi là “Việt Nam nào?” Là lãnh đạo tại Hà Nội hiện nay hay là cộng đồng dân tộc Việt Nam? Sở dĩ như vậy vì “vấn đề Trung Quốc của Việt Nam” nằm tại Hà Nội. Ngày nào chế độ hiện hành còn cai trị Việt Nam thì ngày đó ta rất khó giải quyết vấn đề Trung Quốc.
Nhìn ra khỏi sự đớn hèn của lãnh đạo Cộng Sản thì người Việt Nam có thể thấy ra và xoay trở cách khác. Sự bành trướng của Trung Quốc có gây vấn đề cho các quốc gia khác, từ Nhật Bản, Ðài Loan, tới các nước Ðông Nam Á đang sử dụng eo biển Malacca, tới Úc Ðại Lợi, Ấn Ðộ và cả Liên Bang Nga lẫn Hoa Kỳ. Nếu Việt Nam quan tâm đến “vấn đề Trung Quốc của thế giới” thì sẽ có hướng vận động thế giới cùng hợp tác để giải quyết.
Sau cùng, Việt Nam cũng nên tự chuẩn bị cho kịch bản Trung Quốc có loạn. Trong hoàn cảnh đó, chế độ hiện hành tại Hà Nội sẽ sụp đổ thì người Việt, trong và ngoài đảng, xoay trở ra sao và có sẵn giải pháp gì để thay thế? Và làm sao để tránh cho Việt Nam khỏi bị vạ lây? Ðây cũng là lý do khiến ta nên theo dõi và học hỏi kinh nghiệm của dân Uighur hay Tây Tạng... Sẽ có ngày dân ta gặp chuyện đó với lực lượng công an võ trang của Hà Nội - do Bắc Kinh điều động! Và ta nên để ý tới điều ấy khi lãnh đạo Bắc Kinh gỡ bí bằng cách khích động tinh thần Hán tộc ngụy trạng là lòng yêu nước, một phương pháp rất giống Ðức Quốc Xã ngày xưa...

ÐQAThái: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

No comments: