Tuesday, July 21, 2009
BAO GIỜ ASEAN CÓ MỘT TỔ CHỨC BẢO VỆ NHÂN QUYỀN THỰC SỰ ?
Đến bao giờ, ASEAN mới được trang bị một cơ quan bảo vệ Nhân quyền ?
Mai Vân
Bài đăng ngày 21/07/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 21/07/2009 16:26 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4270.asp
Tuy không có thực quyền, nhưng việc cơ chế Nhân quyền đầu tiên xuất hiện ở Châu Á, được nhiều tổ chức phi chính phủ xem là một bước tiến tích cực. Nếu xã hội dân sự biết gây sức ép, vai trò của cơ quan có thể sẽ được mở rộng thêm với thời gian
Cơ quan Nhân quyền mà khối ASEAN đã thông qua quy chế hoạt động ngày hôm qua, bị chỉ trích là hữu danh vô thực. Cơ chế này bị giới hạn ở chỗ quãng bá cho Nhân quyền, thay vì bảo vệ cho hơn 500 triệu người Đông Nam Á chống lại các vụ vi phạm nhân quyền.
Hơn nữa, thành phần nhân sự của cơ quan này lại do các Nhà Nước bổ nhiệm chứ không bao gồm các nhân vật độc lập.
Thông tín viên Arnaud Dubus tường trình từ Bangkok:
"Đây là tổ chức nhân quyền khu vực đầu tiên ở Châu Á. Tổ chức này được đặt dưới quyền điều hành của các Ủy viên do chính quyền 10 quốc gia thành viên đề cử.
Đây là một tiến bộ đối với ASEAN, một hiệp hội luôn luôn bịt tai khi nghe nhắc đến từ ngữ "nhân quyền". Tuy nhiên các quốc gia Đông Nam Á đã chọn điểm đồng thuận tối thiểu về các quyền tự do cơ bản, tức là theo áp đặt của Miến Điện.
Các tổ chức xã hội dân sự đã rất thất vọng trước Ủy ban này, một Ủy ban không có một phương tiện thực sự nào để bảo vệ nhân quyền. Nạn nhân các vụ đàn áp sẽ không kêu cứu được trước Ủy ban, cơ chế này cũng không được quyền điều tra, thậm chí cũng không thể báo cáo thường xuyên về tình trạng nhân quyền ở các nước thành viên.
Ủy ban Nhân quyền ASEAN phải tôn trọng một trong những nguyên tắc cơ bản của hiệp hội, đó là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Vậy thì cơ chế này có thể làm gì ? Ủy ban chủ yếu quảng bá ý thức về nhân quyền trong dân chúng các nước trong khu vực bằng cách tổ chức các chiến dịch tuyên truyền hay các cuộc hội thảo.
Tuy nhiên, mặc dù thất vọng nhưng xã hội dân sự nhận thấy là vai trò của Ủy ban Nhân quyền này có thể được mở rộng với thời gian và sức ép của các tổ chức phi chính phủ".
‘‘Một bước đầu còn nhiều thiếu sót’’
Khác hẳn với các định chế khác như Toà Án Nhân quyền Châu Âu, nơi mà bất cứ công dân nào cũng có quyền nộp đơn khiếu kiện, Cơ quan Nhân quyền ASEAN không được trang bị chức năng bảo vệ, điều tra hay xét xử các vụ vi phạm. Tuy không có thực quyền, nhưng việc cơ chế Nhân quyền đầu tiên xuất hiện ở Châu Á, được nhiều tổ chức phi chính phủ xem là một bước tiến tích cực.
Ông David Mathieson thuộc Human Rights Watch cho rằng : ‘‘Đây là bước khởi đầu và một bước đầu còn nhiều thiếu sót’’. Theo Debbie Stothard, thuộc Alternative ASEAN Network, cơ chế này phản ảnh sự đồng thuận thấp nhất trong khối ASEAN về Nhân quyền và đáp ứng yêu cầu các chế độ khắc nghiệt nhất như Miến Điện.
Theo AFP, không chỉ có Miến Điện mà ngay cả Việt Nam và Lào cũng tìm cách giới hạn các chức năng của cơ quan Nhân quyền, trong khi các quốc gia khác như Indonesia lại chủ trương mở rộng các quyền dân chủ và phát huy quyền lực của định chế này.
Tuy sinh sau đẻ muộn và bị buộc chặt vào nhiệm vụ cổ vũ, giáo dục, nhưng cơ chế Nhân quyền của khu vực Đông Nam Á, một khi tồn tại, có khả năng được cải thiện để đáp ứng với nguyện vọng của người dân. Cũng như mọi cơ chế khác của ASEAN, các nhà quan sát lạc quan đánh giá, việc này đánh dấu một tiến trình đã được khởi động.
Ông David Mathieson kết luận : hiện nay quả bóng nằm trên sân chơi của xã hội dân sự và của các Nhà Nước để biến cơ chế này thành điều có ích. Ông Ukrist Pathmanand, giáo sư thỉnh giảng chính trị học tại Đại học Chulalongkorn của Bangkok cũng chia sẽ quan điểm này và tuyên bố : Đây là một bước lịch sử cho Nhân quyền trong khu vực. Vai trò của cơ quan trong chặng đường sắp tới sẽ mang tính quyết định.
------------------------------
ASEAN tiến một bước về nhân quyền? (BBC)
ASEAN lập ủy hội nhân quyền (BBC).
ASEAN ủng hộ cơ quan nhân quyền mới (VOA).
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment