Monday, July 13, 2009

AI LÊN XỨ LẠNG


AI LÊN XỨ LẠNG
VŨ NAM

http://daohieu.com/website/?pg=gl&id=778

Đồng Đăng có phố kỳ lừa
Có nàng Tô Thị họ vừa nung vôi


Xứ Lạng trong tuổi thơ tôi đẹp và hùng vĩ quá. Sau khi đi về tôi thấy tiếc, giá mà không đi thì không thất vọng. Không đi thì vẫn nghĩ xứ Lạng đẹp như trong mấy câu ca dao mà bà tôi đọc cho khi còn nhỏ:
Đồng Đăng có phố kỳ lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò

Giờ đây xứ Lạng là một bức tranh không chủ đề, không gam màu chính, một bức tranh ảm đạm từ đời sống chính trị, văn hóa, cuộc sống của người dân…

Động Tam Thanh “được” sở văn hóa Lạng Sơn làm cho nó “đẹp” hơn bằng cách xây một cổng tam quan bịt kín cửa động( Sáng kiến này có lẽ được học hỏi từ Sở Văn Hóa tỉnh Hải Dương. Nơi người ta xây một cái chòi bịt kín bàn cờ tiên trên đỉnh núi Côn Sơn). Nhân nói đến chuyện Văn hóa- Giáo dục, tôi sẽ phạm tội bất kính nếu không nhắc đến sáng kiến của ông nguyên hiệu trưởng trường sư phạm Lạng Sơn có sáng kiến tuyển giáo viên có đồng thời hai năng khiếu Âm Nhạc và Mỹ Thuật để dạy nhạc và dạy họa. Khi người ta thắc mắc thì ông trả lời: Các vị không thấy SGK in chung hai môn Âm Nhạc và Mỹ Thuật đấy thôi. Sáng kiến này có được dựa trên sự tiếp thu sáng tạo cách làm của các bác ở Bộ Giáo Dục. Khi người ta thắc mắc là Việt Nam nhiều đầu sách giáo khoa quá, các bác nhà ta có sáng kiến gộp hai quyển Âm nhạc và Mỹ thuật làm một. Nửa đầu là Âm Nhạc, nửa sau là Mỹ Thuật. Vì sáng kiến này mà ông được đề bạt giữ chức Giám Đốc Sở Giáo Dục Lạng Sơn. Kính mong ông có nhiều sáng kiến hơn nữa. Tôi xin đề cử ông thay bác Nhân nhà ta khi bác thôi giữ chức Bộ Trưởng Giáo Dục. Được các bác lãnh đạo chẳng bao lâu nữa con cháu chúng ta không phải chen lấn trong các đô thị chật hẹp, không phải lo vất vả kiếm sống ở nông thôn nữa. Đất nước ta sẽ là quốc gia đứng đầu về du lịch ( Vì lúc đó con cháu chúng ta thành vượn hết, chúng dắt nhau vào rừng cả, khách du lịch sẽ đổ xô đến mà xem các loại vượn không ở đâu có ngoài Việt Nam ).

Nhân đây cũng xin nhắc lại để con cháu đừng quên ghi công những người thấy tượng Nàng Tô Thị bằng đá đứng chông chênh quá, nó bị nắng mưa bào mòn, nghĩ mà xót xa. Do vậy các bác nhà ta có sáng kiến giật bức tượng đó xuống nung vôi, đúc một bức tượng xi măng to đẹp hơn, hoành tá tràng hơn dựng lên để con cháu chiêm ngưỡng ( Chuyện này xảy ra những năm 90 của thế kỷ trước chắc nhiều người còn nhớ ).

Ai đã từng đến Lạng Sơn đều qua chợ cửa khẩu Tân Thanh, đến thăm cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự giao lưu buôn bán và văn hóa Trung -Việt. Người dân lạng Sơn vẫn kể cho du khách nghe về tinh thần hữu nghị, lòng hiếu khách và lòng thương người Việt của các bác lãnh đạo Trung Quốc.
Khi dân Việt qua của khẩu sang chợ phía bên kia mà xếp hàng không thẳng không đứng vào hàng khi mua vé thì các đồng chí công an Trung Quốc sẽ ân cần chỉ bảo bằng “dùi cui điện” cho bọn dân ngu vô kỷ luật lần sau không dám nữa. Khi tôi nói chuyện về việc ngư dân bị bắt và đòi mang tiền sang chuộc thì người dân ở đây nói: Chuyện đó xưa như Diễm!!!. Họ có thể kể cho du khách nghe ngày này qua ngày khác về chuyện bắt người và chuộc người xảy ra hàng ngày ở đây.

- Chẳng hạn một người sang chợ mua xà phòng, khi mua xong mang hàng đi được một đoạn thì bị chủ hàng gọi lại vì bị mất xà phòng. Mặc cho ông ta yêu cầu kiểm tra, mặc cho ông ta thanh minh này nọ. Chủ hàng kết luận bằng một chân lý đơn giản “ Từ lúc bán cho mày không có ai vào đây vậy chỉ có mày lấy”. Kết quả là ông ta bị trói giật tay ra phía sau, giải ra giữa ruộng, buộc đá vào tay và phải quỳ ở đó từ sáng đến tối. Một người bạn đi cùng thấy thương quá mang nước ra cho uống liền bị trói luôn vào đó, hai nhà phải mang tiền sang bên kia biên giới chuộc, hai ngày sau họ mới được về.

Sao người dân không nhờ chính quyền hai bên can thiệp?
- Cũng có người cậy có thế lực khi bị bắt không chịu nộp tiền mà nhờ chính quyền bên phía Việt Nam can thiệp. Kết quả là khoảng một tuần sau nhận được thông báo cho tất cả người nhà sang thăm. Khi gặp nhau họ hỏi có mang theo tiền chuộc không? Khi người nhà trả lời không mang thì họ cho bác sỹ ra tiêm cho một mũi tiêm thì người đó gục xuống. Phía bên kia bảo đợi mang người nhà về. Khoảng một tiếng sau thấy họ mang ra cho một lọ tro…

Tôi dạo một vòng quanh chợ Tân Thanh, hỏi thử định mua mấy đôi chiếu trúc về làm quà cho bạn bè. Thấy đòi giá đắt hơn ở Hà Nội thì thôi, mấy cô bán hàng gọi với theo:
- Anh mua chiếu làm gì, vào đây mua thuốc sướng bọn em bán cho!

Xứ Lạng tháng 7 năm 2009

Vũ Nam

No comments: