Đối chiếu hai khái niệm “Phản động” và
“Đối lập” trong bối cảnh chính trị Việt Nam hiện nay
Đỗ Kim Thêm
02/07/2025
https://boxitvn.online/?p=94214
Trong
sinh hoạt chính trị tại Việt Nam hiện nay, hai khái niệm “thế lực phản động” và
“đối lập chính trị” thường được sử dụng với nội hàm và vai trò khác biệt. Bài
viết này nhằm so sánh bản chất và nội dung giữa hai khái niệm này và đồng thời
đề xuất một cách tiếp cận khác – hy vọng là sẽ phù hợp hơn với thực tiễn chính
trị đang biến chuyển tích cực theo yêu cầu phát triển xã hội và đảm bảo ổn định
bền vững của đất nước.
*
Khái niệm “Phản động”
.
Nguồn gốc lý luận
Khái niệm “Phản động” không phải là sản phẩm đặc thù của
Việt Nam, mà có nguồn gốc từ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848). Karl Marx
và Friedrich Engels chỉ rõ: “Tất cả các giai cấp từng giữ vai trò thống trị
trong lịch sử, đến một lúc nào đó, đều trở thành giai cấp phản động, tức là
giai cấp cản trở sự tiến bộ xã hội.”
Nhìn trong bối cảnh châu Âu thời hậu cách mạng Pháp, học
thuyết Marxist phân loại các giai cấp đối lập với tiến trình cách mạng vô sản
như địa chủ, quý tộc, tư sản – những lực lượng gắn chặt lợi ích với chế độ
phong kiến hoặc tư bản – là phản động. Bên cạnh đó, các lực lượng “giả cách mạng”
hay “cải lương” như dân chủ tư sản và tiểu tư sản, cũng bị xếp vào nhóm phản động
vì họ không triệt để xóa bỏ hệ thống bóc lột, mà chỉ muốn cải cách hạn chế.
.
Diễn giải và áp dụng tại các quốc
gia Cộng sản
Tùy theo hoàn cảnh, các nước như Liên Xô, Trung Quốc và
Việt Nam có những phương sách riêng về khái niệm này:
· Tại
Liên Xô, Lenin xem phản động là bất kỳ lực lượng nào cản trở cách mạng vô sản,
kể cả các đồng minh cũ như Menshevik. Chuyên chính vô sản và bạo lực cách mạng
được coi là công cụ cần thiết để tiêu diệt phản động.
· Tại
Trung Quốc, Mao Trạch Đông mở rộng định nghĩa phản động ra mọi lực lượng “chống
lại nhân dân”, chống Đảng Cộng sản, tư tưởng Mao và con đường xã hội chủ nghĩa.
Mao hóa tư tưởng cá nhân dẫn đến việc quy kết hàng loạt tầng lớp xã hội – từ địa
chủ đến trí thức – là phản động, và sử dụng đấu tố quần chúng như một biện pháp
kiểm soát có hiệu quả.
· Tại
Việt Nam, khái niệm phản động được sử dụng từ thời kháng chiến chống Pháp để chỉ
các lực lượng chống phá Việt Minh. Sau này, trong và sau thời kỳ kháng chiến chống
Mỹ, phản động được hiểu là những ai ủng hộ Việt Nam Cộng hòa, “chống Cộng” ở nước
ngoài hoặc tỏ thái độ bất mãn với chính quyền.
.
Phản động trong đời sống chính trị
Việt Nam
Hiện nay, “thế lực phản động” tiếp tục được dùng để chỉ
các cá nhân hoặc tổ chức đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
– bao gồm tuyên truyền trái với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kích
động, lôi kéo người dân, hay hợp tác với các tổ chức nước ngoài để gây phương hại
cho chính quyền.
Mặc dù không có định nghĩa cụ thể trong văn bản luật,
khái niệm này được áp dụng gián tiếp thông qua:
· Điều
109 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về “Tội hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân”.
· Điều
331 về “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Tuy nhiên, Điều 331 gây nhiều tranh cãi vì lý do là không
định nghĩa thế nào là “lợi dụng” hay “xâm phạm lợi ích”, dễ dẫn đến lạm dụng và
áp đặt chủ quan – nhất là đối với những người bày tỏ ý kiến trái chiều, trong
đó có cả các nhà báo độc lập hay người sử dụng mạng xã hội.
.
Tự do báo chí và nghịch lý pháp lý
Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền tự do
ngôn luận, báo chí, lập hội, biểu tình, nhưng các quyền này chưa có cơ chế thực
thi hiệu quả. Các lý do chủ yếu gồm có:
· Không
có báo chí tư nhân tại Việt Nam; toàn bộ hệ thống báo chí thuộc sở hữu Nhà nước,
hoạt động theo định hướng của Đảng.
· Báo
chí không đại diện cho công luận, mà phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền do các cơ
quan chỉ đạo như Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông.
· Các
trường hợp bị bắt giữ, kiểm duyệt, rút bài hoặc xử lý hình sự với nhà báo độc lập
không còn là điều hiếm thấy.
Điều này đặt ra nghịch lý là khi quyền tự do ngôn luận
không được thực thi đầy đủ, thì việc cáo buộc ai đó “lợi dụng” những quyền vốn
không tồn tại trên thực tế trở thành vô lý cả về pháp lý lẫn đạo lý.
Hai chỉ số quốc tế minh chứng cho tình trạng này là:
· Việt
Nam được xếp vào hạng 173/180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí toàn cầu năm
2024 (theo RSF).
· Việt
Nam là quốc gia có số nhà báo bị giam giữ đứng thứ 7 trên thế giới (theo CPJ,
2024).
Các tổ chức như Human Rights Watch, Amnesty International
nhiều lần kêu gọi Việt Nam nên sửa đổi Điều 331 để phù hợp hơn với chuẩn mực quốc
tế về nhân quyền, nhưng đến nay chưa có chuyển biến đáng kể.
.
Khái niệm “Đối lập chính trị”
Đối lập chính trị là một hoạt động thiết yếu trong các quốc
gia dân chủ phương Tây. Các đảng phái, tổ chức và cá nhân có cơ hội hợp pháp để
phản biện các chính sách của chính phủ đương nhiệm. Trong nghị viện, trên truyền
thông hay trước công chúng, họ tranh luận về những ưu và khuyết điểm của chính
sách hiện hành và đề xuất các giải pháp thay thế. Đồng thời, họ giám sát chặt
chẽ các hoạt động công quyền nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền. Phe đối lập được tự
do vận động tranh cử, và nếu giành chiến thắng, họ có thể thay thế chính phủ
đương nhiệm thông qua một tiến trình chuyển giao quyền lực ôn hòa và hợp pháp.
.
Nguồn gốc lý luận
Các hoạt động đối lập chính trị là kết quả của một quá
trình phát triển lâu dài, khởi nguồn từ thời kỳ Khai sáng (thế kỷ XVII–XVIII).
Trong tác phẩm Tinh thần pháp luật (1748), Montesquieu
(1689–1755) đã đặt nền móng cho tư tưởng đối lập thông qua học thuyết phân quyền
giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm quyền. Cơ chế kiểm
soát và cân bằng quyền lực mà ông đề xuất giúp cho giới đối lập có vai trò giám
sát hiệu quả trong hệ thống chính trị.
Tiếp theo là tác phẩm Chủ thuyết tự do chính trị của
John Locke (1632–1704). Ông cho rằng quyền lực chính trị xuất phát từ ý chí của
nhân dân, vì vậy người dân có quyền phản kháng khi quyền lợi chính đáng bị xâm
phạm. Locke đề cao quyền tự do ngôn luận và lập hội – hai điều kiện cần thiết để
phe đối lập tồn tại và hoạt động hợp pháp. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng sâu rộng
đến tiến trình hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ và các nền dân chủ hiện đại.
Jean-Jacques Rousseau (1712–1778) với tác phẩm Hợp
đồng xã hội cũng góp phần quan trọng. Dù nghiêng về mô hình “dân chủ
trực tiếp”, Rousseau nhấn mạnh đến vai trò của ý chí chung và sự cần thiết phải
chấp nhận ý kiến đa dạng. Theo ông, đối lập chính trị phản ánh sự khác biệt
trong xã hội – điều không chỉ là bình thường mà còn cần được tôn trọng.
Diễn giải và áp dụng tại các quốc
gia
Những tư tưởng này được thể hiện rõ ràng trong thực tiễn
chính trị tại Anh, nơi Quốc hội phát triển khái niệm “đối lập trung thành” (loyal
opposition). Theo đó, các đảng không cầm quyền có thể phản đối chính sách của
nội các đương nhiệm nhưng vẫn trung thành với các thể chế chính thống như hoàng
gia hoặc hiến pháp. Khái niệm này được John Hobhouse đưa ra năm 1826 trong một
cuộc tranh luận tại Quốc hội, khi ông khẳng định là phe đối lập luôn trung
thành với Vương quốc Anh.
Ở một chiều hướng khác, Hoa Kỳ theo mô hình lưỡng đảng (bipartisanship),
trong đó hai đảng chính luân phiên cầm quyền thông qua bầu cử và hoạt động đối
lập. Không giống chế độ quân chủ nghị viện như Anh, mô hình tổng thống chế của
Hoa Kỳ đòi hỏi sự thoả hiệp để giải quyết mâu thuẫn giữa hai đảng. Dù Hiến pháp
Hoa Kỳ không đề cập trực tiếp đến “đối lập chính trị”, nhưng Tu chính án thứ Nhất
– bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội và kiến nghị – tạo điều kiện
cho sinh hoạt đối lập phát triển mạnh mẽ.
Tại Đức, Điều 21 của Hiến pháp (Grundgesetz) quy định về
hoạt động của các đảng chính trị, và Tòa Bảo hiến có trách nhiệm bảo vệ quyền đối
lập như một thành phần chủ yếu của trật tự dân chủ.
Nói chung, dù nhiều bản hiến pháp không đề cập rõ đến
khái niệm “đối lập”, nhưng các quyền tự do căn bản như lập hội, ngôn luận và bầu
cử vẫn đảm bảo làm cho các hoạt động đối lập được diễn ra hợp pháp và hiệu quả.
Còn Việt Nam thì sao?
Dù
đất nước thống nhất muộn màng, Việt Nam lại không tiếp thu được những tinh
hoa dân chủ nói trên. Điều 4 Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của
Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, đồng thời không thừa nhận chế
độ đa đảng hay đối lập chính trị hợp pháp.
Hiện nay, câu
hỏi được đặt ra là Đảng Cộng sản Việt Nam có nên từ bỏ khái niệm “phản động”
để chấp nhận “đối lập chính trị” không? Câu trả lời rõ ràng là không,
vì Đảng đang cầm quyền và có ý định duy trì vị thế đó trong dài hạn. Lý do
chính là Đảng thiếu ý chí chính trị để xem xét lại bản chất quyền lực và tính
chính danh của mình, và cũng chưa nhận thấy cần thiết phải thay đổi nhận thức
nhằm mở rộng không gian chính trị. Vậy, ai có thể thay đổi tư duy của Đảng? Có
hai tác nhân tiềm năng là một thiểu số trong Đảng
và quần chúng nhân dân muốn đổi mới.
Đảng
đang nghĩ gì và làm gì đất nước?
Sau 50 năm thống nhất đất nước, dù đã trải qua nhiều biến động, nhìn chung, tư duy chính trị của
Đảng vẫn còn bảo thủ với ba biểu hiện rõ nét:
1. Đồng
hóa bất đồng chính kiến với hành vi lật đổ: Đảng thường gộp cả hai vào một
nhóm để dễ xử lý. Hệ quả là các ý kiến phản biện nghiêm túc và có thiện chí bị
dập tắt, từ đó làm gia tăng mâu thuẫn xã hội.
2. Tư
duy loại trừ theo kiểu thời chiến: Ai không giống mình thì là kẻ địch. Người
đặt câu hỏi bị nghi ngờ về lòng trung thành với chế độ.
3. Tư
duy khép kín: Phản biện không được xem là cơ hội cải thiện chính sách, mà
đe dọa đến sự ổn định và tính chính danh của Đảng.
Trong bối cảnh mới, khi an ninh chính trị không còn là mối
nguy cấp bách, đây chính là thời điểm thuận lợi để Đảng có thể phân loại lại
các hình thức phản biện cho phù hợp hơn. Người góp ý nên được xem là cộng tác;
người có tư tưởng khác biệt nhưng ôn hòa nên được đối thoại chân thành; người
kêu gọi bạo lực, thù hận cần bị xử lý theo pháp luật.
Việc thay đổi ngôn ngữ chính trị có thể
dẫn tới những hệ quả tích cực. Nếu không còn gán cho mọi tiếng nói khác biệt là
“thế lực thù địch”, bộ máy công quyền sẽ có thêm đồng minh để cải cách. Thay vì
dùng từ “phản động”, hãy nói đến “phản biện xã hội” hay “tiếng nói khác biệt” –
nhờ đó mà các tranh luận sẽ dễ đi đến tình trạng đồng thuận và nền chính trị sẽ
ổn định hơn trong dài hạn.
Dân chúng đang nghĩ gì và có thể làm
gì?
Người dân là đối tượng trực tiếp chịu tác động từ các
chính sách và họ đang cảm thấy mình thiếu tiếng nói chính trị thực sự vì không
có tự do báo chí. Hậu quả là các sai lầm và lạm quyền khó bị phát hiện, đời sống
bị tổn hại toàn diện. Mạng xã hội đã trở thành công cụ hiệu quả để lên tiếng,
nhưng chưa tạo ra giải pháp thực chất.
Nếu người dân có hiểu biết chính trị, kỹ năng phản biện
ôn hòa và biết tổ chức các yêu cầu về minh bạch và trách nhiệm giải trình, họ sẽ
góp phần thúc đẩy sự chuyển hóa tư duy chính trị và xây dựng ổn định trên cơ sở
đồng thuận.
Giới trẻ cần hiểu rõ quyền công dân, biết phản biện xây dựng
và phân biệt giữa chống đối cực đoan với tranh luận dân chủ. Họ cần khẳng định
rằng đối lập không phải là phá hoại, mà là yếu tố giúp tạo nên sự ổn định lâu
dài trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.
Kinh nghiệm tại các quốc gia khu vực
Trong khi các nền dân chủ phương Tây đang đối mặt với sự
thoái trào và trào lưu dân túy ngày càng tăng, mô hình chuyển hóa tuần tự tại một
số quốc gia châu Á lại mang đến những bài học đáng chú ý. Indonesia dưới thời
Suharto, dù từng là chế độ độc tài quân sự, đã chuyển sang đa đảng, đối lập hợp
pháp mà vẫn giữ được ổn định và tăng trưởng. Đài Loan từ độc đảng của Quốc Dân
Đảng nay đã có nền dân chủ cạnh tranh, nơi đảng đối lập có thể thắng cử nếu được
dân tin tưởng. Singapore dù bị xem là “đa đảng hình thức”, vẫn có đối lập trong
quốc hội để tạo đối trọng và góp phần cải thiện chính sách.
Kết luận
Việc phân biệt giữa “phản động” và “đối lập” không đơn
thuần là vấn đề ngôn ngữ, mà phản ánh một lựa chọn chiến lược về thể chế và văn
hóa chính trị. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng và đối mặt
với yêu cầu cải cách toàn diện, một cuộc thảo luận nghiêm túc, minh bạch và cởi
mở về vai trò hợp pháp của đối lập chính trị là điều cần thiết – nếu mục tiêu
chung là xây dựng một nhà nước pháp quyền thực chất, dân chủ và ổn định lâu
dài.
Theo chiều hướng này, một vấn đề quan trọng cần được đặt
ra là liệu Đảng có đủ thành tâm và thiện chí để đổi mới tư duy cầm quyền không?
Và liệu người dân có đủ nhận thức, bản lĩnh và ý chí để nắm bắt cơ hội chuyển
hoá, dấn thân vì một tương lai tiến bộ hơn không? Đây là hai điều kiện tiên quyết,
nhưng chưa thể trả lời trọn vẹn trong phạm vi bài viết này.
Đ.K.T.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment