Sunday, May 18, 2025

GS ĐOÀN VIẾT HOẠT, NHÀ HOẠT ĐỘNG DÂN CHỦ NỔI TIẾNG, VỪA QUA ĐỜI (Người Việt Online)

 



GS Đoàn Viết Hoạt, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, qua đời

Người Việt Online

May 15, 2025 : 8:32 PM

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/gs-doan-viet-hoat-nha-hoat-dong-dan-chu-noi-tieng-qua-doi/

 

FOUNTAIN VALLEY, California (NV)Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, một cựu tù nhân lương tâm, một nhà đấu tranh,… vừa qua đời lúc 4 giờ chiều Thứ Tư, 14 Tháng Năm, tại bệnh viện UCI Health-Fountain Valley, hưởng thọ 83 tuổi, bà Trần Thị Thức, hiền thê của ông, xác nhận với nhật báo Người Việt.

 

Theo Wikipedia, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt sinh ngày 24 Tháng Mười Hai, 1942, tại làng Mai Lĩnh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội).

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/05/DP-Doan-Viet-Hoat.webp

Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt. (Hình: PEN America)

 

Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào miền Nam Việt Nam. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông theo học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Năm 1965, ông tốt nghiệp đại học và tham gia giảng dạy Anh Ngữ ở một số trường trung học như Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho và Chu Văn An ở Sài Gòn. Năm 1966, ông được học bổng của Asia Foundation đi du học tại Mỹ, lấy bằng tiến sĩ Quản Trị Học Đường đại học Florida State University năm 1971. Về nước, ông giảng dạy tại Viện Đại Học Vạn Hạnh và giữ chức phụ tá viện trưởng cho đến năm 1975.

 

Sau khi Cuộc Chiến Việt Nam kết thúc, Viện Đại Học Vạn Hạnh bị giải thể, ông chuyển sang hoạt động chính trị, gia nhập các nhóm phản đối chính quyền Cộng Sản.

 

Năm 1976, ông bị bắt, với nhiều bản án khác nhau tổng cộng 22 năm, qua nhiều nhà tù khác nhau, trong đó có bốn năm rưỡi bị biệt giam.

 

Dù vậy, ông vẫn kiên trì đấu tranh và, dù ở trong tù, tiếp tục đưa ra các tuyên bố liên quan đến các vấn đề quan trọng của nền dân chủ đất nước.

 

Tháng Chín, 1998, sau nhiều áp lực quốc tế, chính quyền CSVN phải trả tự do cho ông và để ông đến Mỹ định cư.

 

Tại Hoa Kỳ, ông tiếp tục hoạt động cổ xúy cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam qua việc phối hợp làm việc với nhiều nhân sĩ và tổ chức, và thường tham gia các điều trần và hội thảo tại Quốc Hội Hoa Kỳ liên quan đến Việt Nam.

 

Ông được nhiều tổ chức quốc tế trao giải thưởng, ví dụ như Giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế (1993), Giải Nhân Quyền Robert F. Kennedy (1995), Giải Bút Vàng Tự Do (1998), và giải “World Press Freedom Hero” (2000).

 

Theo tổ chức Robert F. Kennedy Human Rights, trong một lần nói chuyện với bà Mary Kerry Kennedy, con gái cố Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy, vào năm 2000, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt chia sẻ: “Thời gian trôi qua quá chậm cho đất nước và người dân nước tôi, làm cho họ bị chịu đựng quá lâu. Chính suy nghĩ này làm cho tôi không thể im lặng – kiến thức, tầm nhìn, và tình yêu quê hương của tôi bắt tôi phải lên tiếng. Tôi luôn tin sự thật, công lý, và lòng trắc ẩn sẽ chiến thắng, cho dù các nhà độc tài mạnh mẽ tới đâu, cho dù tình trạng có thể tệ đến đâu.” (Đ.D.)

 

 

==============================

 

Đoàn Viết Hoạt – Wikipedia tiếng Việt

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90o%C3%A0n_Vi%E1%BA%BFt_Ho%E1%BA%A1t

 

 

 

 



ĐOÀN VIẾT HOẠT : NGƯỜI THỰC HIỆN SỨ MẠNG XƯƠNG RỒNG (Đỗ Thái Nhiên / Báo Tiếng Dân)

 



Đoàn Viết Hoạt: Người thực hiện sứ mạng xương rồng

Đỗ Thái Nhiên

17/05/2025

https://baotiengdan.com/2025/05/17/doan-viet-hoat-nguoi-thuc-hien-su-mang-xuong-rong/

 

LGT: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng và là cựu tù nhân lương tâm ở Việt Nam, qua đời ngày 14-5-2025, tại một bệnh viện ở quận Cam, hưởng thọ 83 tuổi. Nhân dịp này, chúng tôi xin được giới thiệu một bài viết cũ của LS Đỗ Thái Nhiên: “Đoàn Viết Hoạt: Người thực hiện sứ mạng xương rồng”.

                                                          ***

So với các loài thực vật khác, xương rồng là loại cây có sức chịu đựng cao cấp  và trường kỳ nhất đối với mọi tình huống khắc nghiệt của đất đai và của thời tiết. Sứ mệnh như thế nào được gọi là sứ mệnh xương rồng? Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi vừa nêu, bài viết này kính mời bạn đọc hãy theo dõi câu chuyện: “Đoàn Viết Hoạt: Người thực hiện sứ mệnh xương rồng”.

 

Chuyện kể như sau:

 

Tối hôm ấy tại phòng giam tập thể số 14 khu BC khám Chí Hòa, người ta thấy một người đàn ông trạc ngoài tứ tuần: Trán cao, đầu lại hói, mặc dầu nằm đằng sau cặp kính cận thị gọng đen, đôi mắt vẫn lộ rõ nét thông minh, da trắng xanh, mình mặc bộ bà ba nâu sồng, người gầy và tầm thước, hai tay đưa cao nắm lấy song sắt của phòng giam, mắt hơi ngước lên trời, chăm chú nhìn mặt trăng ngày rằm đang lửng lơ trên sân cỏ nằm ở trung tâm của khám đường. Một cách rất thanh thản, người đàn ông đó cất tiếng hát, âm điệu khi thiết tha, khi dồn dập, hát rằng:

 

Trăng đã lên trên đỉnh nhà tù,

luồn qua khe cửa sắt, trải một vệt trắng ngà

trên thân thể ta trong xà lim tăm tối…

 

Ôi ánh trăng đã từng làm ta đắm đuối

suốt những đêm dài trong tuổi đôi mươi

suốt những tháng năm còn đầy tiếc nuối

đã từng cùng ta ươm mộng xanh tươi…

 

Ôi ánh trăng nồng nàn trên da thịt em,

bừng cháy trong trái tim ta,

qua suốt những năm tháng nào…

ngọt ngào tình yêu đằm thắm

dưới bầu trời lồng lộng trăng sao…

 

Trăng đã lên trên đỉnh nhà tù,

trăng của tháng Tư năm Kỷ Mùi 79

vẫn ngọt ngào như giòng sữa mẹ

trên quê hương còn phủ ngập tang thương

vẫn tưới mát bao tâm hồn son trẻ

đang âm thầm chiến đấu cho quê hương

 

Trăng đã lên… trăng đã lên.

 

Vừa dứt tiếng hát, người đàn ông quay sang nhìn tôi, mỉm cười và nói:

 

– “Bài này tớ sáng tác năm ngoái vào thời kỳ tớ còn đang bị cùm chân tại xà lim. Hôm nay thấy trăng thu, lại nhớ đến nhạc cũ, tớ hát cho cậu nghe đỡ buồn. Cậu có cảm nghĩ gì không?”

 

Người đàn ông đang nói chuyện với tôi chính là anh Đoàn Viết Hoạt. Tôi nhìn mung lên bầu trời vằng vặc trăng sao, trả lời Hoạt:

 

– “Bản nhạc hết sức phong phú tình cảm: tình yêu thiên nhiên quấn quyện lấy tình nhà, tình nước… Anh tài hoa và lãng mạn, dáng dấp rất thư sinh, nét mặt lại vừa trí thức vừa ngây thơ vô tội… Nhìn anh không ai lại nghĩ anh là người làm những chuyện động trời!”

 

Hoạt cười, hai đuôi mắt cười theo:

– “Cậu chỉ được cái tài nói móc ! Sự thực tớ chẳng bao giờ có chủ tâm “làm chuyện động trời”. Tớ sinh ra và lớn lên vào giai đoạn dân tộc lâm cảnh điêu đứng: hàng  triệu người đã “tử biệt” trong chiến tranh và hàng triệu triệu người khác đã “sinh ly” trên đói khổ và tử biệt ngoài biển khơi sau khi tiếng súng ngừng nổ. Điều mà cậu gọi là “chuyện động trời” chẳng qua chỉ là phản ứng tự nhiên của một người dân nhằm thiết thực chia sẻ với những người dân khác tất cả đau đớn, nhọc nhằn mà toàn dân đang phải chịu đựng một cách miên viễn: xã hội hiện tại rối loạn, xã hội tương lai mịt mù, lừa đảo lẫn nhau trở thành vừa là phép xử thế căn bản, vừa là loại công lý đương nhiên trong quan hệ giữa người dân với người dân, giữa người dân với cơ quan công quyền và giữa các cơ quan công quyền với nhau”

 

Đoàn Viết Hoạt sanh năm 1942 tại Nam định. Năm 1954 theo gia đình di cư vào Nam. Năm 1965 tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sàigòn ban Anh Văn. Năm 1966 lập gia đình với chị Trần Thị Thức, một nữ sinh viên trong phong trào sinh viên Saigon lúc bấy giờ. Năm 1967 ĐVHoạt du học Hoa Kỳ về môn Tổ Chức và Quản Trị Đại Học tại Đại học Florida State (FSU), Tallahassee, Florida. Năm 1971, đậu Ph.D. về Giáo Dục. Sau đó, Đoàn Viết Hoạt trở về nước giữ chức vụ Phụ tá Viện trưởng  tại Viện Đại học Vạn Hạnh cho đến 30 tháng Tư, 1975.

 

Thân sinh Đoàn Viết Hoạt là một nhà nho tự học, tinh thông Hán học, Phật học và Dịch học, một đệ tử chân truyền của nhà cách mạng Lý Đông A. Được thân phụ giáo dục rất cẩn thận về lòng yêu nước và về đạo làm người, ngay từ thuở niên thiếu, Đoàn Viết Hoạt đã xem lòng Yêu Nước và Yêu Người như nền tảng tự nhiên và hằng cửu của lương tâm. Do đòi hỏi của lương tâm tự nhiên và hằng cửu đó, anh đã tự ý quyết định ở lại Việt Nam mặc dầu những ngày gần 30 tháng Tư, 75, Hoạt có thừa cơ hội để bỏ nước ra đi.

 

Hoạt nhiều lần tâm sự với bạn bè rằng: “Mỗi người có những khó khăn riêng, mỗi người có một thái độ yêu nước riêng, chúng ta không nên nghiêm khắc phê bình những người đã rời Việt Nam năm 1975. Tuy nhiên, đối với cá nhân tôi, thái độ yêu nước thiết tha và cụ thể nhất vẫn là thái độ kiên trì đứng trong hàng ngũ nhân dân vào những giai đoạn nghiệt ngã của lịch sử. Những cay đắng mà một người đã trực tiếp cùng nhân dân chịu đựng cộng với các nhận thức cần thiết sẽ hối thúc người đó kết hợp với những người yêu nước khác làm cho lịch sử thăng hoa”.

 

Lời tâm sự rành mạch kể trên của Đoàn Viết Hoạt đã một lần nữa giải thích cặn kẽ và dứt khoát sự có mặt của Đoàn Viết Hoạt tại Việt Nam sau 30 tháng Tư, 1975. Thế nhưng lòng yêu nước trong sáng đó đã bị CSVN vùi dập một cách phũ phàng: 29 tháng Tám năm 1976, công an CS đã ập vào nhà người trí thức ái quốc này để bắt giam anh với hai “tội danh” kể như sau:

 

– Đoàn Viết Hoạt: truyền bá tư tưởng yêu nước nhưng không chấp nhận cộng sản. Tư tưởng này được thầy Hoạt mang ra rao giảng tại Đại học Vạn Hạnh trước 1975. Một vài cán bộ CS đã len lỏi vào đám “học trò của thầy” bằng cách giả dạng sinh viên. Vì vậy ngay sau 30 tháng Tư, 1975 tên của “thầy Hoạt” lập tức bị nằm trong danh sách của những người mà công an cho là cần phải bắt giam khẩn cấp.

 

– Đoàn Viết Hoạt thực hiện công tác tình báo văn hóa cho “đế quốc” Mỹ: công an CS đã “chuẩn đoán” rằng Đoàn Viết Hoạt được “đế quốc” Mỹ nuôi cho ăn học để sau đó trở về Việt Nam tìm cách “Mỹ hóa” Phật giáo Việt Nam thông qua cửa ngõ của Đại học Vạn Hạnh. Đó là nội dung cốt lõi của tội “tình báo văn hóa” theo “hình luật truyền khẩu” do CSVN tuỳ nghi biến chế.

 

Bằng vào hai “tội danh” thượng dẫn và bằng những cuộc thẩm vấn gay gắt và tỉ mỉ do ban giám đốc sở công an thành phố trực tiếp chỉ huy và điều động kéo dài trong gần ba năm từ 1976 đến 1978. Đoàn Viết Hoạt tự biết cuộc đời tù của anh sẽ kéo dài bất tận. Hẳn nhiên trong cái bất tận đó, Hoạt cũng như bất kỳ người tù nào dưới chế độ cộng sản, đều có thể đột ngột từ trần chỉ vì một cơn bệnh đơn giản: Tiêu chảy, cảm sốt hoặc suy nhược toàn diện… Không ai có thể đoán biết một cách chính xác ở đâu và lúc nào người đó sẽ lìa đời. Thế nhưng, điều có thể nhận biết chính xác và dứt khoát nhất là: Đối với Đoàn Viết Hoạt, thêm một ngày tù là thêm một chuẩn bị cẩn thận hơn, công phu hơn để khi chết đi, người tù trí thức, dũng cảm này sẽ được người đời ghi nhớ trong cảm động: cảm động về lòng yêu nước sắt son. Chính lòng yêu nước sắt son đã hối thúc Đoàn Viết Hoạt, bất chấp kỷ luật khắt khe của nhà tù, tiếp tục và tích cực truyền bá tư tưởng yêu nước đến tận tim óc của mỗi người bạn đồng tù. Nội dung chủ yếu của tư tưởng yêu nước do anh trình bày bao giờ cũng nhằm vào hai trọng điểm:

 

– “Yêu nước tức là yêu Xã hội Chủ nghĩa” chỉ là một luận điệu tuyên truyền bịp bợm nhưng không thông minh. Yêu nước bao gồm mọi tư duy và hành động nhằm mang lại tự do và hạnh phúc cho đời sống tinh thần của nhân dân, mang lại cơm no áo ấm cho đời sống thể chất của đồng bào. Trong khi đó, “Xã hội Chủ nghĩa” của CS chỉ xây dựng xã hội trên gông cùm và đói rách, tại sao lại có thể bảo “Yêu nước là yêu Xã hội Chủ nghĩa”?

 

– Yêu nước không thể chỉ là tình cảm uỷ mị thưong khóc cho cảnh cùng khổ của quê hương. Yêu nước phải là những lời nói, việc làm mạnh mẽ và cụ thể nhằm nâng cao dân trí và nhằm xây dựng cho nhân dân một chế độ dân chủ đích thực – dân chủ đa nguyên.

 

Mỗi lần rao giảng lòng yêu nước cho một bạn tù nào đó là mỗi lần Đoàn Viết Hoạt chi tiết hoá và phong phú hóa hai trọng điểm kể trên của lòng yêu nước. Mặc dầu đã rất nhiều lần nói về lòng yêu nước, nhưng lần nào Đoàn Viết Hoạt cũng mang tất cả tim óc đặt vào hai chữ quê hương. Đoàn Viết Hoạt hăng say mang quê hương đến với kẻ già, người trẻ, kẻ xảo trá, người ngay tình. Trong thái độ hăng say vừa nói, Đoàn Viết Hoạt đã có lắm lần rơi vào phòng giam kỷ luật về tội  “thuyết phục tù “antène” nên yêu nước”. Rút kinh nghiệm đối với những trường hợp bị tù “antène” ám hại, Đoàn Viết Hoạt thường gợi ý xem tử vi cho người nào mà Hoạt đã chọn làm đối tượng của việc rao giảng đạo yêu nước. Hoạt cho rằng lá số tử vi của một người thường báo cho chúng ta biết là người đó có phải là bạn hiền hay không. Thế nhưng, chỉ sau vài lần giải đoán tử vi, Đoàn Viết Hoạt lại bị tống giam vào xà lim kỷ luật về “tội” đã truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan. Một lần khác, nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương, Hoạt nói với tôi:

 

Muốn đánh đuổi ‘tổ’ Marx Lenine đang tìm đường xâm nhập văn hoá Việt Nam, chúng ta phải quyết tâm làm lễ giỗ tổ Hùng Vương hàng năm”.

 

Tối hôm ấy, sau hồi kẻng giới nghiêm, toàn thể phòng tù đang giữ im lặng chờ giấc ngủ, Đoàn Viết Hoạt đột ngột đứng lên, trang trọng nói với bạn tù vài lời về ý nghĩa giỗ tổ Hùng Vương, sau đó, anh ta bắt giọng hát: “Tổ quốc ơi! Ta đã nghe lời sông núi…” Một số bạn tù thuộc bài hát này đã hát theo. Sáng hôm sau, do báo cáo của tù “antène”, Đoàn Viết Hoạt đã nhanh chóng bị mang đi phòng kỷ luật. Đối với bạn tù cùng phòng cũng như đối với bạn tù ở các phòng cùng một hành lang, hình ảnh Đoàn Viết Hoạt mình trần, chân đất, râu cằm, râu mép mọc tự do, mặt vẫn trắng vẫn tươi, vẫn “vô tội”, vui vẻ bước vào xà lim kỷ luật là hình ảnh quen thuộc gần như hàng tháng. Mỗi chuyến phạt kỷ luật kéo dài 15 ngày.

 

Bên trong nhà tù, cuộc đời Đoàn Viết Hoạt cứ như vậy mà nổi trôi: rao giảng lòng ái quốc rồi đi phòng kỷ luật. Từ phòng kỷ luật trở về nhà giam tập thể, tiếp tục truyền bá tư tưởng tự do dân chủ, rồi lại đi phòng kỷ luật. Có một lần vừa mới mãn hạn kỷ luật, Đoàn Viết Hoạt đã phải tiếp nhận một mệnh lệnh kỳ lạ của sở công an thành phố. Lệnh này cho rằng đoàn Viết Hoạt và bốn người tù khác thuộc loại “bất khả cải tạo”. Vì vậy sở công an ra lệnh cho giám thị khám Chí Hoà cấm tù nhân cùng phòng không ai được phép giao thiệp hoặc chuyện trò với năm người tù có tên sau đây:

 

– Đoàn Viết Hoạt

 

– Như Phong Lê Văn Tiến (Tổng Thư Ký Báo Tự Do)

 

– Nguyễn Đan Quế (Bác Sĩ)

 

– Cao Dao Nguyễn Trần Huyên

 

– Lý Thiếu Hoan.

 

Đoàn Viết Hoạt đã dí dỏm gọi năm người tù vừa kể là “tù bị đông lạnh”. Tuy nhiên, mặc cho biện pháp đông lạnh, mặc cho các loại hình phạt kỷ luật, Đoàn Viết Hoạt vẫn bền bỉ và âm thầm chiến đấu cho quê hương. Song song với cuộc chiến đấu âm thầm đó, sinh mệnh chính trị của CSVN càng ngày càng trở nên tệ hại. Bên ngoài nước, hệ thống CS thế giới tan rã chẳng khác nào một hình nộm bằng giấy sau cơn mưa bão. Bên trong nước, CSVN tham ô bao nhiêu chia rẽ bấy nhiêu, toàn bộ xã hội VN chìm trong đói khổ và rối loạn cùng cực; quyền lãnh đạo của CSVN hiển nhiên đã trở thành quyền “ăn xôi” của những kẻ “chịu đấm”. Mỗi phẫn hận của nhân dân là một quả đấm. Nhằm giảm thiểu sức ép của “mưa đấm”, CSVN không còn con đường nào khác hơn là con đường trả tự do cho một số tù chính trị đã bị giam giữ quá lâu. Đó là lý do chủ yếu nhất giải thích tại sao chiều 9 tháng Hai năm 1988, Đoàn Viết Hoạt ung dung bước ra khỏi cổng khám Chí Hòa. Chiều hôm ấy nhằm chiều 23 Tết: nắng Sàigòn vẫn vàng, gió Sàigòn có vẻ như không hay biết gì về tâm tình của nhân dân, họ đang chuẩn bị đón một cái Tết đói khát: đói cơm áo và khát tự do dân chủ.

 

Thoáng một cái, Đoàn Viết Hoạt đã trải qua 12 năm ngục tù với đầy ắp nhọc nhằn. Những ngày còn sống bên nhau trong khám Chí Hoà, Hoạt thường tâm sự với tôi:

 

“Tớ ước mong là khi tớ trở về nhà, thầy mẹ tớ vẫn còn khoẻ mạnh, vợ con tớ vẫn bằng yên và nếu quê hương của chúng ta chưa thái hoà, tớ sẽ quyết tâm tiếp tục đấu tranh cho tự do dân chủ của nhân dân”.

 

Thế rồi, khi Hoạt trở về, căn nhà tường mốc, cửa long ở gần cổng xe lửa Trương Minh Giảng vẫn còn đó, nhưng mẹ Hoạt đã qua đời năm 1985 và năm sau, ông cụ thân sinh của Hoạt cũng qui tiên.

 

Khi Hoạt trở về, hai con trai lớn của Hoạt đã vượt biên, định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ. Gia đình của Hoạt chỉ còn lại bà vợ chung thuỷ và đảm đang cùng cậu trai út, tên ở nhà là “bé Cọp”.

 

Khi Hoạt trở về, quê hương vốn điêu tàn đã trở nên điêu tàn ngoài khả năng tưởng tượng của mọi người. Đảng CSVN trở thành một loại Mafia, họ tồn tại nhờ vào nỗ lực bóc lột nhân dân thông qua chế độ lãnh chúa. Mọi đạo đức và tình cảm có tính truyền thống dân tộc đều bị triệt để huỷ diệt bởi hoạ CS.

 

Những gì mà Hoạt đã nhìn và đã suy nghĩ từ bức tranh “khi Hoạt trở về” đã thực sự làm cho Hoạt vừa ngậm ngùi vừa phẫn hận. Thế nên, chỉ sau vài ngày ăn Tết với vợ con, Hoạt quyết định lao mình vào cuộc đấu tranh mới, cuộc đấu tranh mà Hoạt khẳng định rằng: “Một cuộc chiến mới đã bắt đầu: chiến đấu chống nghèo đói lạc hậu, độc đoán, đòi phú cường, tiến bộ và tự do dân chủ. Trong cuộc chiến đấu mới này, chỉ có một kẻ thắng là sự thực, là dân tộc VN, là dân chúng VN; một kẻ bại là giáo điều, giả dối, lạc hậu và độc đoán. Đây phải là một tâm niệm chỉ đạo rõ rệt, không chút mơ hồ nào của tất cả chúng ta” (Trích băng nhựa “Nói với đồng bào” do nhóm Diễn Đàn Tự Do bí mật phổ biến trên toàn VN tháng Hai năm 1990).

 

Ở một đoạn khác của cuốn băng nhựa đã dẫn, Đoàn Viết Hoạt đưa ra các nhận định dứt khoát và cụ thể về tình hình VN:

 

“Thực tế hiện nay là tình hình đất nước còn tuỳ thuộc hầu như hoàn toàn vào những quyết định độc quyền của một thiểu số người trong Bộ Chính Trị tại Hà Nội, trong khi đó chỗ dựa vững chắc trước đây của họ là chủ nghĩa Marx Lenine lại đang bể vỡ từng mảng lớn quan trọng. Họ còn có thể hy vọng học được những kinh nghiệm gì của Trung Quốc trong việc đối phó với tình hình mới? Còn những liều thuốc đang được thử nghiệm ở Đông Âu và Liên Xô thì chắc chắn là quá cay đắng, có thể nào nuốt được? Nếu nhìn thẳng vào sự thực, thì phải chăng chính những nhà lãnh đạo CS già nua hiện nay ở Hà Nội cũng tự hiểu rằng, bản thân chủ nghĩa Marx chẳng còn mấy ý nghĩa nữa. Nhưng nếu từ bỏ chủ nghĩa Marx thì còn nhân danh gì để CSVN có thể lý giải vị trí độc quyền lãnh đạo quốc dân của họ? Đó phải chăng chính là ý nghĩa thật đằng sau những mưu toan đổi mới dân chủ của Bộ Chính Trị CS ở Hà Nội?”

 

Đứng trước tình hình như đã nhận định, Đoàn Viết Hoạt một mặt kết hợp với anh chị em trí thức trong quốc nội để vừa phổ biến băng nhựa “Tiếng Nói Diễn Đàn Tự Do”, vừa bí mật ấn hành nguyệt san “Diễn Đàn Tự Do”, truyền bá tư tưởng tự do dân chủ đích thực, đồng thời vạch trần mọi âm mưu đổi mới mị dân của CS. Mặt khác, lợi dụng thời gian được trả tự do và thời gian ngành Công An đang bận rộn với vô vàn hành vi tham ô của chính họ, Đoàn Viết Hoạt đã đi từ Nam ra Bắc để kín đáo thuyết phục mọi người Việt: Cộng sản hay không Cộng sản, không phân biệt tôn giáo, địa phương, nam nữ, tuổi tác, tất cả hãy kết hợp lại thành một phong trào “Toàn dân đấu tranh cho tự do dân chủ và thịnh vượng chung của xã hội”.

 

Trong băng nhựa, trên báo mật, cũng như tại những buổi nói chuyện từng nhóm vài ba cá nhân, Đoàn Viết Hoạt bao giờ cũng trình bày quan điểm đấu tranh chính trị với CS trên nền tảng của các luận cứ sau:

 

Một trong những phương pháp đấu tranh chính trị hữu hiệu nhất nhằm chống lại bạo quyền CS chính là phương pháp “gậy ông đập lưng ông”.

 

– Trên mọi loại giấy tờ kinh tế, hành chính cũng như luật pháp, nhà cầm quyền CS bao giờ cũng nêu bật tiêu đề Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Chúng ta hãy phân tích cho người CS biểu hiện tình quốc nội và quốc tế để từ đó đi đến kết luận rằng ba chữ độc lập, tự do, hạnh phúc mà CSVN thường rêu rao chỉ là ba cái bông giấy quá cũ, quá bạc màu, hoàn toàn vô nghĩa ngoại trừ ý nghĩa mỉa mai một cách cay độc đời sống cùng khổ ngày nay của nhân dân.

 

– Người Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là quý vị Cộng sản già nua ở Hà Nội, mãi cho đến ngày nay vẫn làm ra vẻ tự hào về “chủ nghĩa Marx Lenine vô địch muôn năm”. Chúng ta hãy nói với những người CS về Đông Âu, về Liên Xô, về Trung Quốc và nhất là về CS Nam Tư sau nhiều thập niên nỗ lực “đổi mới”. Những “nói về” vừa kể chính là lời khẳng định gián tiếp nhưng mạnh mẽ rằng: “Chủ nghĩa Marx Lenine vô địch muôn năm” hiển nhiên chỉ là lối diễn đạt tư tưởng không ngay thẳng của những người có trình độ văn hoá tổng quát rất đáng bị than phiền.

 

– Đặc biệt trước nguy cơ sụp đổ của chế độ, người CSVN hoặc trực tiếp kêu gọi hòa hợp hòa giải, hoặc gián tiếp kêu gọi mọi người Việt hãy nắm tay nhau để xây dựng lại quê hương. Lời kêu gọi hòa hợp hòa giải của CSVN rõ ràng hàm ngụ hai ẩn ý:

 

+ Quyền lãnh đạo của đảng CSVN là một quyền đương nhiên, chuyên độc và vĩnh viễn. Xin nhân dân chớ hề đặt vấn đề lật đổ đảng (!)

 

+ Hòa hợp hòa giải đối với CS chỉ có nghĩa đơn giản là toàn dân hãy đoàn kết chặt chẽ sau lưng đảng để đảng tiếp tục cai trị xã hội theo phong cách của những kẻ quan liêu và tham ô (!)

 

Nói tới CSVN là nói tới thủ đoạn bóp méo chữ nghĩa. Họ sẵn sàng bóp méo chữ nghĩa trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trường hợp hành vi bóp méo phải diễn ra trong trắng trợn và vụng về. Chữ với nghĩa là thành phần quan trọng của kho tàng văn hóa dân tộc. Chúng ta không được phép “biếu không” cho CS những chữ mà họ đã bóp méo bằng cách không dám nhắc tới hoặc tỏ ra dị ứng mỗi lần nghe nói tới những chữ đó. Ngược lại, chúng ta hãy mạnh mẽ đấu tranh với CS để buộc họ phải thực hiện theo chính danh những từ ngữ đã bị bóp méo.

 

Bây giờ hãy trở lại với vấn đề hòa hợp hòa giải. Đoàn Viết Hoạt lý luận: Trong thực chất, lịch sử của loài người là lịch sử hòa hợp hòa giải. Thực vậy, lịch sử tình bạn của hai người chẳng là gì khác hơn là lịch sử của những lần hai người này gặp những xung khắc hoặc va chạm. Tuy nhiên, ngay sau những xung khắc hoặc va chạm đó, hai người bạn lại cố gắng hòa giải lẫn nhau trên căn bản tình bạn, để sau đó đôi bên lại tiếp tục hòa hợp trên liên hệ bằng hữu.

 

Lịch sử của gia đình chẳng gì khác hơn là lịch sử của những lần hòa giải và hòa hợp giữa vợ chồng với nhau, hoặc giữa cha mẹ và con cái, giữa anh, chị, em với nhau trên căn bản quyền lợi chung của gia đình. Lịch sử của một quốc gia trong phạm vi quốc nội chẳng là gì khác hơn là lịch sử của những lần hòa giải để đi đến hòa hợp giữa nhà cầm quyền và quần chúng trên căn bản thượng tôn quyền lợi dân tộc. Nhà cầm quyền nào không thực tâm tôn trọng nguyên tắc thượng tôn quyền lợi dân tộc, nhà cầm quyền đó không sớm thì muộn sẽ bị lịch sử đào thải. Lịch sử của quốc gia trên bình diện quốc tế chẳng là gì khác hơn là lịch sử của chiến tranh và hòa bình. Mỗi lần chiến tranh xảy ra giữa hai hay nhiều quốc gia là mỗi lần quốc tế nỗ lực hòa giải các quốc gia lâm chiến, để mọi quốc gia đều hòa hợp trong cộng đồng quốc tế trên căn bản hòa bình và thịnh vượng chung của toàn nhân loại.

 

Thông qua hình ảnh điển hình của hòa hợp hòa giải trong lịch sử, mọi người đều dễ dàng đạt đến nhận định rằng: hòa hợp hòa giải chính danh bao giờ cũng đòi hỏi một chân lý căn bản để trên đó, hòa hợp hòa giải được diễn ra. Trong phạm vi sinh hoạt nội bộ tại Việt Nam ngày nay, chân lý căn bản của hòa hợp hòa giải đương nhiên phải là tính thượng tôn dân tộc.

 

– Hòa hợp hòa giải dứt khoát không thể là toàn dân đoàn kết sau lưng đảng CS quang vinh.

 

– Hòa hợp hòa giải không hề là đòi hỏi đảng CSVN hãy mị dân bằng các loại bánh vẽ tự do dân chủ và đổi mới kinh tế nửa vời hoặc chiếu lệ.

 

– Hòa hợp hòa giải đối với hiện tình lịch sử Việt Nam chỉ có thể là đảng CSVN hãy qui thuận nhân dân, hãy trả lại cho nhân dân tất cả những gì thuộc về nhân dân, nhất là hãy trả lại cho nhân dân quyền được trực tiếp cầm nắm tương lai của dân tộc,bằng cách chỉ định một số công bộc được phép đứng lên thay mặt nhân dân để điều hành guồng máy quốc gia. Nói một cách gãy gọn: đảng CSVN hãy trả lại cho nhân dân VN quyền bầu cử phổ thông, kín và tự do, chữ tự do ở đây phải được hiểu theo nghĩa nghiêm chỉnh nhất của luật pháp. Mặt khác, không thể có tự do bầu cử nếu quyền tự do ứng cử bị hạn chế.

 

Nói tóm lại, khởi đi từ khẩu hiệu “hòa hợp hòa giải” của CSVN, Đoàn Viết Hoạt dùng lý luận khúc chiết và khoa học để biến khẩu hiệu đó thành tuyên ngôn đòi hỏi toàn dân phải có quyền bầu cử và ứng cử. Không cần phải mất thời giờ suy nghĩ, mọi người Việt Nam đều thừa hiểu là quyền tự do ứng cử, bầu cử của nhân dân và quyền tự do dùng lá phiếu để truất phế độc tài CSVN chỉ là một. Vì vậy trong diễn trình đấu tranh cho tự do dân chủ của Đoàn Viết Hoạt, người ta không hề thấy một lần nào đó, Đoàn Viết Hoạt kêu gọi nhân dân hãy lật đổ bạo quyền Cộng sản hoặc kêu gọi những người chống Cộng hãy triệt để “diệt Cộng”.

 

Mặc dầu Đoàn Viết Hoạt đã chống đối bạo quyền một cách “tế nhị” như kể trên, ngày 17 tháng Mười Một năm 1990, Đoàn Viết Hoạt đã bị công an CS bắt giam lần thứ hai. Theo một nguồn tin từ nhóm Diễn Đàn Tự Do tại Việt Nam, nhà cầm quyền CSVN đã quyết định truy tố Đoàn Viết Hoạt về tội âm mưu lật đổ nhà cầm quyền CS trước tòa án nhân dân của CS tại Sàigòn Ngày giờ đăng đường của vụ án sẽ được công bố sau. Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, tội “âm mưu lật đổ” nhà cầm quyền Cộng sản của “bị can” Đoàn Viết Hoạt chính là “tội” do “bị can” đã “ủng hộ” khẩu hiệu hòa hợp hòa giải của CSVN bằng cách mạnh mẽ yêu cầu nhà cầm quyền CS hãy trả lại cho nhân dân Việt Nam quyền được sử dụng lá phiếu, để tuyển định các giới chức giữ trọng trách quản trị xã hội.

 

Kể từ sau khi Đoàn Viết Hoạt bị CSVN bắt giam, do nhu cầu bảo vệ an toàn cho các anh chị em còn tiếp tục hoạt động bí mật, nhóm Diễn Đàn Tự Do quyết định giữ im lặng đối với mọi tin tức có liên hệ đến vụ án Đoàn Viết Hoạt. Đến nay, giai đoạn bảo toàn lực lượng đã kết thúc, nhóm Diễn Đàn Tự Do quyết định phổ biến toàn bộ hoạt động đấu tranh của người sĩ phu họ Đoàn.  Hành động phổ biến này nhằm các chủ ý kể sau:

 

– Chủ ý một: Tố cáo trước dư luận quốc nội và quốc tế thái độ xảo trá của CSVN qua việc bắt giam và truy tố một người không hề hoạt động lật đổ nhà cầm quyền CS, Đoàn Viết Hoạt chỉ thực hiện khẩu hiệu “hòa hợp hòa giải” của chính CS bằng cách kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả lại cho nhân dân Việt Nam quyền tự do bầu cử và ứng cử của họ. Phải chăng dưới mắt CSVN, hành động vừa nêu của Đoàn Viết Hoạt là một trọng tội hình sự? Và phải chăng đó là “hình sự quan” của những người văn minh, những người tự nhận là đang ngồi trên “đỉnh cao trí tuệ của loài người?”

 

– Chủ ý hai: vinh danh Đoàn Viết Hoạt như một dũng sĩ trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của nhân dân VN. Thái độ vinh danh này không hề xuất phát từ tâm lý suy tôn cá nhân. Vinh danh Đoàn Viết Hoạt chính là lời kêu gọi gián tiếp nhưng thiết tha rằng, mọi người Việt Nam hãy kiên trì với công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ trên quê hương thân yêu, và rằng công cuộc đấu tranh này chắc chắn sẽ đi đến toàn thắng, bởi lẽ tự do dân chủ là xu thế lịch sử của mọi dân tộc, và bởi lẽ kẻ nào, nhà cầm quyền nào chống đối tự do dân chủ tức là kẻ đó, nhà cầm quyền đó tự biến sinh mệnh chính trị của họ thành những phế vật mà lịch sử cần phải đào thải.

 

Trình bày ý kiến vinh danh Đoàn Viết Hoạt sau khi người chiến sĩ dân chủ- nhân quyền sĩ này bước vào khám Chí Hòa lần thứ hai, bài viết có ý muốn gợi sự chú ý của người đọc về tập tục của một tôn giáo trong diễn trình đào tạo giáo sĩ. Tập tục này đòi hỏi người theo tu học để trở thành giáo sĩ  phải trãi qua thời gian tu luyện thông thường là mười năm. Sau khi hoàn tất lớp tu luyện năm thứ chin, mỗi đệ tử sẽ được tu viện cho phép xuất viện để trở lại “sống với đời” trong vòng một năm. Trong một năm đó (gọi là năm thử thách), người đệ tử “hồi tục” được phép nếm mùi trần tục trên bất kỳ địa bàn nào, kể cả địa bàn tứ đổ tường. Hết hạn một năm thử thách, nếu đương sự tự ý quyết định trở lại con đường tu luyện thì vị đệ tử đó sẽ được tu viện nhìn nhận là người xứng đáng trở thành giáo sĩ về khả năng cũng như về đức hạnh.

 

Nếu suy nghĩ về dòng sống của một dân tộc bằng ngôn ngữ tôn giáo, thì “Ái Quốc” là Đạo Cả và mỗi người tận tụy phục vụ dân tộc là một giáo sĩ của Đạo Ái Quốc. Đối với trường hợp của Đoàn Viết Hoạt, mười hai năm (từ 1976 đến 1988) tại khám Chí Hòa chính là thời kỳ tu luyện đầu tiên của diễn trình đào tạo “giáo sĩ ái quốc”. Thời gian từ 1988 đến 1990 hiển nhiên là hai năm thử thách dành cho Đoàn Viết Hoạt. Trong hai năm thử thách, thay vì trùm chăn chờ thời, thay vì nạp đơn đi HO hoặc ODP (Hoạt có hai con tại Hoa Kỳ) để được sống an vui với vợ hiền con thảo, Đoàn Viết Hoạt điềm nhiên tiếp tục đấu tranh cho tự do dân chủ của nhân dân, đấu tranh một cách rất nhã nhặn, mềm dẻo nhưng vô cùng kiên định trên lập trường dân tộc.

 

Giai đoạn thử thách của “giáo sĩ” Đoàn Viết Hoạt đã kết thúc ngày 16 tháng 11 năm 1990 bằng lệnh bắt giam của CSVN, đó là ngày Hoạt tự nguyện trở lại “tu viện” Chí Hòa. Hẳn nhiên chẳng có người nào tự nguyện trở lại ngục tù, thế nhưng dưới chế độ độc tài chuyên chế kiểu CSVN, người nào dấn thân vào con đường đấu tranh chống bạo quyền, người đó kể như đã chấp nhận ngay từ đầu mọi khổ nạn của ngục tù. “Chấp nhận ngay từ đầu”, chính là ý nghĩa của “tự nguyện”.

 

Với tâm tư và trí dũng của một “giáo sĩ ái quốc” như đã trình bày ở trên, Đoàn Viết Hoạt bao giờ cũng quyết tâm sống kề cận với nhân dân trong những hoàn cảnh khắc nghiệt của lịch sử. Cuộc đời đấu tranh của Hoạt chẳng khác nào cuộc sống của cây xương rồng. Xương rồng tồn tại trên cát khô và dưới ánh nắng rực lửa. Đoàn Viết Hoạt đấu tranh cho tự do dân chủ ngay trong lòng của một chế độ hà khắc và cực kỳ độc đoán. Ý nghĩ cho rằng xương rồng là một thách đố ngoạn mục đối với đất đai và thời tiết khắc nghiệt chỉ là ý nghĩ “nhân cách hóa” cây xương rồng. Đoàn Viết Hoạt là một loại xương rồng có tư tưởng. Sự việc xương rồng Đoàn Viết Hoạt sau 12 năm ở tù, tạm ngưng ở tù hai năm, nay lại trở về với ngục tù là một thách đố tích cực đối với bạo quyền CSVN. Thái độ thách đố này hàm ý rằng: Nếu nắng gió của sa mạc không thể ngăn cản được sức sống của cây xương rồng thì mọi mức độ độc tài áp bức của CSVN cũng không thể triệt tiêu được ý chí của Đoàn Viết Hoạt trong đấu tranh cho tự do dân chủ của nhân dân VN. Đó là chân ý nghĩa của câu chuyện “Đoàn Viết Hoạt: Người thực hiện sứ mệnh xương rồng” vậy.

 





NHỮNG CẢI CÁCH NÀY CÓ CHÂN THÀNH HAY KHÔNG? (Nguyễn Đắc Kiên / Facebook)

 



NHỮNG CẢI CÁCH NÀY CÓ CHÂN THÀNH HAY KHÔNG?  

Nguyễn Đắc Kiên

18-5-2025  01:44   

https://www.facebook.com/nguyendackien/posts/pfbid0D1zoUtFMJ9faa1mZWuDgMvVfU8hoEA9jRgeEMjQ83jXL9hMkmhZ4F6VTjC3CKe8Hl?locale=vi_VN

 

“Thể chế, pháp luật là động lực, nền tảng phát triển đất nước, “ai cũng phải làm việc theo pháp luật mới có sức mạnh””

 

Phát biểu trên của TBT Tô Lâm tại phiên họp tổ Quốc hội chiều 17/5 (được báo chí dẫn lại) có thể đã hàm chứa ý tưởng định hướng phát triển đất nước trong vòng 100 năm tới.

 

Trong các thảo luận về Nghị quyết 68 (về phát triển kinh tế tư nhân), có hai câu hỏi được giới chuyên gia và doanh nhân trở đi trở lại đó là: “Nhà nước chân thành đến đâu với kinh tế thị trường?”; và “Những chính sách này bền vững đến đâu, có khi nào lại “quay xe” nữa không?”

 

Nhìn lại lịch sử, những băn khoăn của giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân trong hai câu hỏi trên là hoàn toàn chính đáng. Nhưng, đó là một cách đặt vấn đề có phần “phiến diện”, mà một câu trả lời đầy đủ, một cách nhìn toàn diện hơn, có thể tìm thấy được ngay trong lời TBT Tô Lâm tôi vừa trích dẫn ở trên.

 

“Ai cũng phải làm việc theo pháp luật mới có sức mạnh”.

 

Khi đặt câu hỏi về độ chân thành của Nhà nước với kinh tế tư nhân, và khả năng “quay xe chính sách” là chúng ta đang đặt toàn bộ gánh nặng quyết định lên vai Nhà nước mà quên đi quyền hạn và nghĩa vụ của chính bản thân mình. Rằng chính chúng ta cũng phải tham dự vào quá trình thay đổi này. Rằng chính chúng ta cũng phải kề vai gánh vác quá trình thay đổi này để biến sự “thiếu chân thành” (nếu có) thành “chân thành”, biến việc “quay xe” (nếu có) thành “không thể đảo ngược”.

 

Tôi sẽ đặt hai câu hỏi ngược lại: “Chính bản thân các bạn có nghĩ mình đã thực sự chân thành với kinh tế thị trường chưa?”; và “Chính bản thân các bạn có nghĩ mình sẽ đủ sức chịu được được kỷ luật sắt lạnh lùng của pháp luật hay không?”

 

Hai câu hỏi này dành cho giới doanh nhân và tất cả người dân.

 

Để một thay đổi thành công, đó phải là quá trình hai mặt, cả Nhà nước và Xã hội cùng song hành. Chúng ta không thể vừa giữ thói “sân sau-đút lót-quan hệ”, vừa giữ thói “vượt đèn đỏ-leo lề-lấn làn-nhậu xỉn lái xe”, vừa đòi hỏi một thay đổi căn cốt.

 

Không thể có thứ gì dễ dãi đến vô lý như vậy được, nhất là với một xã hội vốn đã từ lâu quen với “lệ” hơn là “luật” như xã hội Việt Nam.

 

Muốn thay đổi phải có sức mạnh, mà sức mạnh hàng đầu nằm ở kỷ cương, mà kỷ cương hàng đầu là kỷ cương pháp luật.

 

Ý tưởng về một “Xã hội đóng - Kinh tế mở” như mô hình Singapore, theo tôi, dù có thể sẽ có rất nhiều tranh cãi, nhưng cần thiết và phù hợp với Việt Nam (có lẽ trong ít nhất là vài thập kỷ tới).

 

Câu nói “Ai cũng phải làm việc theo pháp luật mới có sức mạnh”, của TBT Tô Lâm có thể hàm chứa ý tưởng này.

 

Mọi quá trình cải cách, dù từ trên xuống, hay từ dưới lên, không bao giờ là một quá trình một chiều. Đó luôn phải là một quá trình hai chiều, mà ở đó Xã hội phải đáp ứng được các cải cách của Nhà nước (từ trên xuống) và ngược lại Nhà nước cũng phải đáp ứng được các đòi hỏi thay đổi của Xã hội (từ dưới lên).

 

Xã hội cần sức mạnh cải cách từ Nhà nước, nhưng ngược lại Nhà nước cũng cần sức mạnh đáp ứng thay đổi của Xã hội. Đó là một cuộc chạy đua, vừa để sinh tồn, vừa để vươn tới thịnh vượng, tự do. Và đó, tất nhiên, không bao giờ là một quá trình dễ dàng - êm ái, và thường khi, nó là một quá trình khó khăn, thậm chí đau đớn. (Nếu cần các dữ liệu thực tiễn và lịch sử chứng minh, xin mời các bạn tìm đọc cuốn “Hành lang hẹp - The Narrow Corridor” của hai tác giả: Daron Acemoglu và James A. Robinson).

 

Nếu tất cả chúng ta (người dân) sẵn sàng nhận thức, tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm vào toàn bộ quá trình cải cách đang diễn ra (từ phía Nhà nước), thì tôi tin rằng, sẽ đến lúc câu hỏi về “sự chân thành” hay khả năng “quay xe” trở nên vô nghĩa, vì khi đó có thể chúng ta đã ở một “hoàn cảnh cơ bản mới” mà mọi thứ là “không thể đảo ngược”. (Nhưng như tôi nói ở trên, quá trình này có thể mất vài thập kỷ, trước khi chúng ta có thể tiến tới một “Xã hội mở” đúng nghĩa).

 

Nói thêm một chút về những thay đổi, cải cách đang diễn ra. Mỗi người sẽ có một góc nhìn riêng, riêng tôi, tôi nhìn những thay đổi, cải cách này ở ba trụ cột, đó là: Hành chính, Giáo dục và Tư pháp (sẽ nói cụ thể ở dưới). Tôi cho rằng, những cải cách có hiệu quả sớm thấy nhất sẽ đến từ cải cách hành chính. Những cải cách mang đến hiệu quả thấy được trong 10-20 năm sẽ đến từ giáo dục. Nhưng những cải cách quan trọng nhất, nền tảng nhất, căn bản nhất có thể mang đến sự phát triển bền vững trăm năm, ngàn năm phải đến từ tư pháp.

 

BA TRỤ CỘT THAY ĐỔI

 

HÀNH CHÍNH: Mọi chính sách, pháp luật tốt sẽ chỉ nằm trên giấy nếu không được thực thi, mà bộ phận thực thi hàng đầu, tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ, mọi lúc, mọi nơi với người dân, doanh nghiệp chính là bộ máy hành chính. Do đó, câu trả lời cho câu hỏi “cải cách có chân thành hay không”, rất thường khi được người dân, doanh nghiệp lập tức trả lời ngay khi họ vừa đụng đến “bộ máy hành chính”. Mọi chính sách, pháp luật tốt, mọi sự thành tâm của lãnh đạo ở trên có thể bị “đổ sông đổ biển” chỉ với một sự tắc trách, thậm chí chỉ một cái lườm nguýt của một anh/chị cán bộ hành chính cấp xã. Một bộ máy hành chính chuyên nghiệp với tinh thần phục vụ (thay vì quản lý), thông suốt từ cấp trung ương đến cấp xã, vì thế phải là nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu. Bởi chính nơi đây, người dân, doanh nghiệp sẽ cảm nhận thấy rõ rệt nhất, tức thời nhất, những cải cách và thay đổi đang diễn ra.

 

GIÁO DỤC: Dù chưa có nhiều dấu ấn nhưng nền giáo dục của chúng ta cũng đang thay đổi. Tự chủ và nghiên cứu ứng dụng thực tiễn đang là hai xu hướng rõ nét với các trường đại học. Đây là bước đi cần thiết phù hợp với nhu cầu chuyển đổi nền kinh tế, tuy nhiên, đây chỉ là phần ngọn. Phần gốc rễ căn bản vẫn phải là giáo dục phổ thông, giáo dục đại trà. Đất nước trong kỷ nguyên mới thì cũng cần những con người mới, đó chính là nhiệm vụ của giáo dục. Những chính sách như miễn học phí, miễn ăn trưa (ở một số địa phương) rất thực tiễn, rất tốt, nhưng chưa đủ. Giáo dục cần hơn thế, đầu tiên phải thay đổi từ triết lý. Muốn có đất nước tự lực, tự cường thì từng người dân và mỗi người dân phải là những con người tự cường, tự trị. Đó chính là con người mới mà giáo dục phải tạo nên. Nhưng để đạt được điều này thì phải thay đổi nhận thức, đầu tiên và trên hết là từ những người làm giáo dục, những nhà quản lý, và quan trọng hơn cả là chính đội ngũ giáo viên. Phải làm sao để chính những nhà quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên cũng phải nhận thức và tham gia tích cực vào quá trình cải cách đang diễn ra. Để họ có thể nhận thức về nhiệm vụ mới của mình, không phải là tạo nên những con người công cụ như trước nữa, mà những con người tự cường, tự trị, những chủ nhân tương lai, những người sẽ giữ thành quả và đến lượt mình, tiếp tục công cuộc cải cách đất nước bây giờ.

 

TƯ PHÁP: Trong “bộ tứ chiến lược” Nghị quyết 57-59-66-68, chỉ có hai nghị quyết mà TBT trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo là Nghị quyết 57 về đổi mới công nghệ và Nghị quyết 66 về đổi mới pháp luật. Đây là chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng pháp luật trong tiến trình cải cách. Muốn có chính sách, pháp luật tốt phải có đội ngũ làm luật, làm chính sách tốt. Nghị quyết 66 đã đưa ra những cơ chế, phương thức mới được giới chuyên gia cho rằng đã thay đổi căn bản cách xây dựng, chính sách, pháp luật. Đặc biệt, Nghị quyết 66 cũng có những sửa đổi thể hiện cái nhìn rất “thực tiễn” chẳng hạn như cơ chế “thuê khoán chuyên gia” tham gia vào việc xây dựng pháp luật, bỏ hẳn cơ chế hành chính trước đây. Tăng lương gấp đôi, ưu tiên thăng tiến cho đội ngũ làm chính sách, pháp luật ở các cơ quan, bộ-ngành. Hàng loạt luật, chính sách được ra đời, sửa đổi với tốc độ chóng mặt và được đánh giá cao, trong thời gian qua có thể là hệ quả của chính những cải cách, sửa đổi trong chính khâu xây dựng pháp luật này. Tuy nhiên, có được chính sách, pháp luật tốt mới chỉ là bước sơ khởi, thực thi mới là khâu then chốt, quyết định. Tức là hệ thống tòa án, kiểm sát cũng phải thay đổi tương ứng, mà thay đổi quan trọng nhất với tòa án đó là làm sao để có được sự độc lập tư pháp. Tức là đội ngũ bảo vệ, thực thi pháp luật ở bên dưới cũng phải thay đổi tương ứng, mà thay đổi đầu tiên phải là giữ vững kỷ cương và tuân thủ pháp luật. Không thể nào nói đến kỷ cương khi chưa có kỷ cương ở trong chính đội ngũ bảo vệ, thực thi pháp luật. Họ cũng như những người trong bộ máy hành chính, những người tiếp xúc thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ với người dân, sẽ là những người thay mặt Nhà nước trực tiếp trả lời cho câu hỏi “những cải cách này có chân thành hay không?”.

NĐK

 

.

4 BÌNH LUẬN   

 

Nguyen Dac Kien

Xin giới thiệu một ngôi nhà mới của tôi. Tôi không chắc là có thể viết thường xuyên, nhưng những bài dài như thế này thì đọc trên đây chắc sẽ tiện hơn :

https://kiennd.substack.com/.../nhung-cai-cach-nay-co...

KIENND.SUBSTACK.COM

Những cải cách này có chân thành hay không?

Những cải cách này có chân thành hay không?






NHÂN PHÁT BIỂU CỦA MỘT NỮ THIẾU TƯỜNG Ở ĐẮK LẮK (Thái Hạo / Báo Tiếng Dân)

 



Nhân phát biểu của một nữ thiếu tướng ở Đắk Lắk

Thái Hạo

18/05/2025

https://baotiengdan.com/2025/05/18/nhan-phat-bieu-cua-mot-nu-thieu-tuong-o-dak-lak/

 

Về mức phạt vi phạm hành chính về giao thông, tôi đã viết nhiều. Nhân phát biểu của một nữ thiếu tướng ở Đắk Lắk, đề nghị nâng mức phạt từ 75 triệu lên 200 triệu đồng, xin nói thêm vài điều.

 

1. Tham khảo trên mạng thì được biết, nếu so với thu nhập bình quân mỗi năm của người dân thì một số nước có mức phạt như sau: Phần Lan 5–10%, Singapore 0,5–1%, Nhật Bản 0,3–1%, Mỹ 0,3–1%. Riêng Việt Nam, với mức phạt hiện tại là 75 triệu – tức là chiếm tới 70% thu nhập. Có lẽ cao nhất thế giới và bỏ xa các nước khác.

 

Nếu bây giờ tăng lên 200 triệu đồng thì mức phạt tối đa cho một lần vi phạm sẽ là gần 200% so với thu nhập, một con số không tưởng và sẽ đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói không có lối ra, các doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn và dẫn đến kìm hãm kinh tế xã hội.

 

2. Vi phạm giao thông có nhiều loại, như nặng – nhẹ, khách quan – chủ quan, cố ý – không cố ý…, đó là chưa kể tới các vấn đề về hạ tầng giao thông như chất lượng đường sá, biển báo, đèn tín hiệu, phân bố dân cư…

 

Vì thế, cần song song thực hiện việc cải thiện hạ tầng và nâng cao nhận thức người đi đường, không thể cực đoan dồn hết lý do và gánh nặng lên vai người dân khi quy tất cả cho “ý thức tham gia giao thông”.

 

Chỉ cần gõ lên facebook “mua bằng lái xe” hoặc “làm bằng lái xe có hồ sơ gốc”, là thấy nhan nhản các trang đang công khai quảng cáo rầm rộ trên mạng. Đó là chưa kể công tác đào tạo và cấp bằng của Việt Nam thuộc loại lỏng lẻo bậc nhất thế giới.

 

3. Pháp luật cần nghiêm khắc chứ không thể hà khắc. Nghiêm khắc là một thái độ, cách ứng xử kiên quyết, có nguyên tắc, công bằng và hợp lý nhằm duy trì kỷ luật, trật tự và sự phát triển tích cực; nhằm mục đích giáo dục, điều chỉnh hành vi, xây dựng nề nếp; có lý do rõ ràng, gắn với sự tôn trọng và công bằng, người bị xử lý vẫn cảm thấy được lắng nghe, được đối xử đúng mực.

 

Còn hà khắc là sự áp đặt, trừng phạt hoặc kiểm soát quá mức, không tính đến hoàn cảnh, cảm xúc hoặc quyền lợi chính đáng của người khác; mục đích của nó thường là áp chế, giữ quyền lực, gây sợ hãi, đôi khi vì thành tích hoặc hình thức; nó thiếu linh hoạt, cảm thông, thường gây ức chế, phản kháng hoặc cam chịu, và dễ tạo ra tâm lý sợ hãi, mất niềm tin, phản ứng tiêu cực.

 

4. Pháp luật phải đảm bảo tính công bằng. Công bằng khác với “bình đẳng máy móc”. Ví dụ trong trường hợp phạt người chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm thì “bình đẳng máy móc” là mọi người bị phạt như nhau, còn công bằng là xem xét người đó có bị ép buộc, bị bệnh hay có lý do đặc biệt không.

 

Sự công bằng chỉ đúng và có ý nghĩa khi xét đến hoàn cảnh cụ thể, thực tế. Ví dụ, cùng một hành vi vi phạm, nhưng mức độ lỗi, ý thức chủ quan, điều kiện hoàn cảnh phải được cân nhắc để định ra hình phạt phù hợp. Với hoàn cảnh là thu nhập cả năm chỉ khoảng một trăm triệu đồng mà mỗi lần vi phạm giao thông phạt tới 200 triệu tức là không có sự công bằng.

 

Công bằng còn là xét trong tương quan với các loại hình phạt khác nhau. Một tướng công an như Đỗ Hữu Ca không thể nhận 35 tỉ đồng để chạy án cho một vụ mà chỉ bị xử 7 năm tù và sau hai năm thì được đặc xá; trong khi người dân ăn cắp một con vịt thì ngồi tù 7 năm. Công bằng không thể là người vượt ẩu và cán chết em học sinh thì không bị khởi tố, trong khi nạn nhân thì bị coi là “người nguy hiểm cho xã hội”. Nó làm cho người ta có cảm giác rằng, luật pháp chỉ “nghiêm khắc” với dân, còn cán bộ và những kẻ có tiền chạy chọt thì áp dụng luật riêng.

 

Một điều nữa là, việc thực thi pháp luật về giao thông quan trọng hơn mức phạt. Tình trạng mãi lộ, “bánh mì”, “tiếp thị sữa”… mà chúng ta có thể gặp và thấy nhan nhản trên mạng không thể coi là bình thường được. Luật pháp nghiêm minh không thể để tình trạng ấy tiếp tục tồn tại. Nó làm nhờn pháp luật, gây mất niềm tin và làm sa đọa các giá trị xã hội. Nếu bây giờ đi trên đường và gặp các xe tải lớn, gọi là “xe hổ vồ” chắc các đại biểu mới hiểu cảm giác đáng sợ là thế nào: họ chạy bạt mạng, ai tránh thì tránh, không tránh ráng chịu!

 

Các đại biểu quốc hội cần thấy tất cả những điều này và yêu cầu kiện toàn, chấn chỉnh, hoàn thiện thể chế, chứ không phải chỉ nhắm vào túi người dân và coi đó là thuốc bách bệnh để giải quyết vấn đề an toàn giao thông.

 

.

456 BÌNH LUẬN  






CAI TRỊ BẰNG CÔNG LÝ HAY BẰNG SỢ HÃI? (Khanh Nguyen / Facebook)

 



Cai trị bằng công lý hay bằng sợ hãi?

Khanh Nguyen

18-5-2025   04:14   

https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/pfbid02fP9zcBWR4MdfiKSu5mNhwpwTarCVfrEM2QEun4Eyk1T33xFUAA9xVhZFqtNqEk7cl

 

Thỉnh thoảng những đề xuất của các đại biểu ở Quốc hội Việt Nam vẫn làm người dân ngỡ ngàng. Bởi những tuyên bố hay giới thiệu ý tưởng của họ thường xa rời đời sống, xa con người… mà các đại biểu “không dân cử” này, lên tiếng chủ yếu như tìm chỗ đứng gần với chính sách hơn, bày tỏ sự nhiệt thành với hệ thống, chứ không phải đại diện cho con người Việt Nam.

 

Tháng Năm 2025, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đề xuất rằng nên tăng mức phạt giao thông lên đến 200 triệu đồng, vì bà cho rằng mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ theo luật hiện hành chưa đủ mạnh để răn đe.

 

Hiện mức phạt tối đa của việc vi phạm giao thông là 75 triệu đồng. Tức gần bằng một năm tiền lương trung bình của một người lao động Việt Nam. Bà Xuân nói cần nâng lên mức 200 triệu đồng, hơn gấp đôi, với lý do mà bà Xuân đưa ra là phạt nặng như vậy mới đủ mức "răn đe", và phạt nặng thì mới "nâng cao ý thức" của người dân.

 

Dĩ nhiên, tuyên bố này của bà Xuân gây nhiều tranh luận. Chẳng hạn, có không ít thắc mắc là dựa trên nghiên cứu nào mà bà Thiếu tướng công an, Phó Giám đốc công an Đắk Lắk khẳng định là chính xác mức phạt 200 triệu sẽ đủ răn đe? Và “xây dựng ý thức” trong dân bằng tiền phạt nặng không tưởng, có phải tên gọi khác của nó là cai trị bằng sợ hãi, chứ không coi nhân dân là đối tượng để đối thoại và xây dựng một chính sách văn hóa đời sống quốc gia lâu dài?

 

Không có giải pháp đúng, hợp lòng dân, đồng nghĩa là quan trường lập pháp bất lực và thất bại. Và thất bại, thì không thể chọn thay thế bằng biện pháp khắc nghiệt vô luân.

 

Dùng roi vọt, hình phạt hà khắc để tạo “ý thức”, là hành động dễ thấy của tầng lớp quan lại thời hiện đại hôm nay, vốn êm ấm trong vị trí và chọn quay lưng lại với nhân dân. Họ thích lên giọng vỗ về chính sách, hay nói trắng là trơ trẽn xu nịnh để làm lộ sáng chỗ đứng như tự giới thiệu về một bầy tôi trung thành và quyết liệt.

 

Một chính quyền thật sự vì dân, thì sẽ chẳng để tâm hay lắng nghe những ngôn luận xuôi chiều rác rưởi không có gương mặt con người đó. Vì loại ngôn luận thuần bợ đỡ đó, là thuốc độc của một quốc gia, và có thể là nền tảng khởi đầu của mọi sụp đổ trong một thời đại, nếu được trọng dụng.

 

Thời Chiến Quốc, khi các quốc gia tranh đoạt, nhà Tần muốn xây dựng một chính quyền trung ương mạnh, cai trị dân bằng kỷ luật thép, đã dễ dàng thuận theo các đề xuất của lớp quan lại xu nịnh, luôn đưa ra những hình luật gây hoảng sợ trong dân chúng. Từ đó hình thành Pháp gia, do Hàn Phi Tử, Thương Ưởng… luôn chọn quỳ gối, hô to đề xuất dùng pháp luật nghiêm khắc để cai trị, bất cần nhân nghĩa. Quan điểm cốt lõi là: "Dân ngu dễ trị, người trung là kẻ đáng nghi."

 

Trích dẫn từ Hàn Phi Tử, loại ngôn từ “nâng cao ý thức’ cho người dân, có viết: “Bề tôi chỉ cần biết phục tùng, chứ không cần tranh luận đúng sai với quân vương.” Hình phạt càng nặng, dân càng sợ thì quan và vua mới oai phong lẫm liệt trong cai trị hồ đồ.

 

Hệ quả thì đã thấy bằng giá trị lịch sử: Triều đại nhà Tần với Tần Thủy Hoàng – được coi là hùng mạnh vô song - đã áp dụng triệt để sự áp đặt, dẫn đến chính sách hà khắc, nghe lời tấu của các loại quan lại khinh dân, dẫn đến đốt sách chôn nho, làm bá tánh oán thán, và rồi sụp đổ nhanh chóng chỉ sau 15 năm.

 

Thời đại mông muội và mạt vận bắt đầu, khi trí thức và quan lại giỏi biến triết lý thành công cụ phục vụ quyền lực thay vì phục vụ chân lý, đánh mất đi giá trị của trí thức soi sáng xã hội. Thay vào đó, tranh nhau nói xuôi chiều, họ trở thành "bồi bút của bạo lực", khiến nhân dân bị áp bức kéo dài dưới danh nghĩa chính danh, đạo đức, và ý chí của lãnh đạo.

 

Pháp luật tốt nhất để “nâng cao ý thức”, là pháp luật để người dân tâm phục, chứ không phải để quy chụp và gây sợ hãi trong quốc gia. Nền văn minh thế giới đã chỉ rõ hai con đường quản lý xã hội: trị dân bằng công lý, hoặc trị dân bằng sợ hãi. Và bất cứ khi nào cán cân nghiêng về phía sau – tức khi quyền lực chọn con đường trừng phạt thay vì giáo dục, răn đe thay vì cải hóa – thì chính quyền ấy sớm muộn cũng đánh mất lòng dân, dẫn tới suy vong.

 

Việc cường quyền, đề nghị tăng mức phạt vi phạm giao thông lên đến 200 triệu đồng, không chỉ là một con số vô lý với người dân, mà còn phản ánh một loại tư duy quản lý hà khắc, xa rời đời sống thực tế, nguy hiểm hơn: có khả năng đẩy luật pháp trở thành công cụ gây oán chứ không tạo được tâm phục.

 

Nếu mức phạt 200 triệu đồng được áp dụng, có thể thấy rõ là cùng một lỗi vi phạm, người nghèo gánh hậu quả nặng gấp nhiều lần người giàu. Pháp luật lúc này không còn là công cụ công lý, mà là một gánh nặng bất công. Nhiều quốc gia văn minh – như Thụy Sĩ, Phần Lan – đã phạt giao thông theo thu nhập cá nhân, để đảm bảo công bằng thực chất. Một triệu phú Thụy Sĩ từng bị phạt gần 300.000 USD vì chạy quá tốc độ – không phải vì nhà nước muốn tịch thu tiền cho ngân sách, mà vì pháp luật phải có giá trị răn đe công bằng cho mọi tầng lớp.

 

Quốc hội - không cần nói ra – thì ai cũng biết là nơi để thể hiện sức sống, khó khăn và nguyện vọng của người dân, chứ không phải lớp người như bà Nguyễn Thị Xuân, chỉ đến Quốc hội và đánh trống thổi kèn theo nghị quyết, tốn kém cho tiền thuế dân mà không có giải pháp nào xứng đáng hơn là chỉ tái hiện một tư duy của tầng lớp quan lại xa dân, từng xuất hiện trong lịch sử, với đầy rẫy những sụp đổ và oán thán.

 

Bất chợt ngẫm nghĩ, bà Nguyễn Thị Xuân đã từng có đề xuất nào răn đe, nâng cao ý thức cho giới quan chức tham nhũng, sai phạm đang được giảm án ngày càng nhiều, so với dân thường? Hay cụ thể, bà đã có ý kiến gì chính trực trong chuyện ông đồng nghiệp tướng công an Đỗ Hữu Ca được đặc xá, về nhà khi chưa ngồi tù được 1/3 bản án đã tuyên?

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10161567187778181&set=a.416766308180

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân

 

.

179 BÌNH LUẬN   

 

 

 




CÓ MỘT NICK ÚT MÀ TÔI BIẾT (Tuấn Khanh / Báo Tiếng Dân)

 


Có một Nick Út mà tôi biết

Tuấn Khanh

17/05/2025

https://baotiengdan.com/2025/05/17/co-mot-nick-ut-ma-toi-biet/

 

Câu chuyện về nhà nhiếp ảnh Nick Út và bức ảnh “Em bé Napalm”, trước khi bị đưa ra ánh sáng, đã có nhiều bài viết khẳng định rằng bức ảnh này không phải của ông ta. Năm 2015, nhà bình luận Đức Hồng viết trên BBC tiếng Việt, đã khởi đi rất nhiều tranh luận của người Việt trong và ngoài nước về sự thật ai là tác giả của bức ảnh này. Bằng giọng văn thuyết phục và quả quyết, ông Đức Hồng cho thấy sau bức ảnh “Em bé Napalm” đó còn nhiều điều chưa nói hết, khiến lâu nay nhiều người Việt Nam vẫn lầm tưởng.

 

Bài viết đặt một câu hỏi – rất hiển nhiên – mà cũng rất cay đắng, vì sao cái gọi là nạn nhân chiến tranh xâm lược của Đế Quốc Mỹ, cô Kim Phúc, cuối cùng đã tìm cách đào thoát và được giúp tỵ nạn ở phương Tây, chứ không ở lại Việt Nam. Nạn nhân đó cũng không muốn được hưởng vinh quang như một biểu tượng chống chiến tranh. Câu hỏi đặt ra là cô Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh đó, có hài lòng cho cuộc đời trở thành điểm tựa đẹp nhất về tuyên truyền cho quân đội miền Bắc Việt Nam hay không?

 

Sự thật là năm 1992, cô Kim Phúc đã thoát khỏi Việt Nam, tỵ nạn ở Canada để không biến mình thành công cụ truyên truyền cho một phía, cũng như tác giả Đức Hồng đặt lên một câu hỏi rất đáng chú ý rằng năm 1972, những người lính Cộng sản Bắc Việt đang làm gì ở đất của miền Nam trong một hiệp định phân chia đất nước vẫn còn hiệu lực. Và vì sao “các em nhỏ ấy lại chạy về phía lính Việt Nam Cộng hòa để kêu cứu mà không một chút sợ sệt, sao các em không chọn những người lính Cộng sản Bắc Việt cũng đang lẩn trốn ở ngay gần đó?”.

 

Sự thật ít người biết là gia đình cô Kim Phúc cũng bị đánh tư sản vào năm 1975. Cả nhà sống rất khó khăn. Năm 1982 khi một phóng viên người Đức đến Việt Nam để tìm lại nhân vật lịch sử trong bức ảnh “em bé Napalm” thì Kim Phúc bị đẩy thành một nhân vật tuyên truyền cho giai đoạn sau chiến tranh. Mọi thời gian sinh hoạt của cô Kim Phúc lúc bấy giờ đều bị công an kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí Kim Phúc bị buộc thôi học trường đại học Y khoa ở Sài Gòn, về sống ở quê Trảng Bàng để tiện dễ kiểm soát ngôn ngữ tuyên truyền.

 

Sau đó, khi lấy chồng là một du học sinh sống ở Cuba, nhân một chuyến đi, máy bay ngừng chặng ở Gander, Newfoundland (Canada), Kim Phúc cùng chồng trốn khỏi sự kiểm soát của công an viên đi kèm và xin tị nạn. Mọi sự kiện này không là lời kể miệng, mà được bày tỏ công khai trên trang web riêng của Kim Phúc tên là Kim Foundation, quỹ từ thiện do cô sáng lập và cũng như trong quyền hồi ký The Girl in the Picture, hiện vẫn còn bán online trên các nhà sách lớn, như Amazon.

 

Cùng với những câu hỏi của tác giả Đức Hồng, cũng có một câu hỏi khác được đặt ra, là một người phóng viên của AP, vì sao từ vị trí là một nhiếp ảnh gia ghi chép sự kiện một cách trung dung, ông Nick Út dần dần biến mình thành một người quảng bá sai ý nghĩa của bức ảnh, biến mình thành một nhân vật tuyên truyền hơn cả cô Kim Phúc?

 

Trong cuộc tranh cãi về sự kiện ông Nick Út trở lại Việt Nam hồi Tháng Sáu 2015, họa sĩ Trịnh Cung nêu một ý kiến khác. “Nếu là một phóng viên có đạo đức, Nick Út đã phải có một thái độ khác. Trái lại, ông Út đã biến cơ hội giữ lại khoảng khắc thương đau của một sinh mệnh, tạo hào quang cho mình, mà không đứng về sự thật của nạn nhân trong suốt nhiều năm liền”, họa sĩ Trịnh Cung nói, “giả sử khi được trao giải Pulitzer, ông Nick từ chối và trao tặng cho nạn nhân mà ông chụp được, có lẽ ông đã giải bày được một cách khiêm tốn về cơ may – hơn là tài năng – và tỏa sáng gấp bội lần hơn lúc này”.

 

Nhưng điều quan trọng là bên cạnh sự thật ít ai biết về cô Kim Phúc khi phải đào thoát sang Canada – trong số ít đó có ông Nick – thì dường như ông cũng tảng lờ việc đứng về phía nỗi khổ và khó khăn của cô Kim Phúc, và chỉ bám chặt vào bề mặt bức ảnh, lấy câu chuyện để nuôi ánh hào quang cho mình, phản bội lại đạo đức nghề nghiệp báo chí, là phải nói thật về điều mình thấy, trình bày sự thật mà mình biết.

 

Đạo đức nghề nghiệp đó, đã từng được chứng minh như chuyện nhà nhiếp ảnh Eddie Adams với bức ảnh chấn động thế giới về tướng Nguyễn Ngọc Loan khi bắn phục binh Bắc Việt Bảy Lốp vào năm 1968. Sau khi biết được sự thật, nhất là khi nghe tin tướng Loan qua đời, Eddie Adamas đã nói với báo chí rằng ông đã rất hối hận vì bức ảnh đó làm hại một tướng quân và làm hại một chế độ.

 

Đạo đức con người cũng đã được thể hiện, khi diễn viên Jane Fonda đi ra miền Bắc Việt Nam cổ vũ cho cuộc chiến tranh tương tàn vào năm 1972. Nhiều năm sau, nhiều lần, người diễn viên này đã bày tỏ sự hối hận vô bờ bến về hành động của mình khi biết rõ tác hại từ chuyến đi của mình. Bà Jane Fonda vẫn lập lại lời xin lỗi đến các cựu chiến binh Mỹ, mỗi khi có dịp.

 

Nhưng Nick Út thì khác. Ông quay lại Việt Nam để làm triển lãm riêng, ra sách, chụp hình với các quan chức và đặc biệt là tảng lờ về cuộc đời thật của cô Kim Phúc mà ông lúc nào cũng quảng bá là thương mến và thân thiết.

 

Trong các buổi ra sách, và ký tặng, ông Nick cũng chưa bao giờ nói về sự thật của cuộc đời cô Kim Phúc, cũng như luôn mỉm cười im lặng, như một sự tán đồng với hệ thống truyên truyền Nhà nước rằng đó chính là bức ảnh ông chụp như để tố cáo tội ác xâm lược của đế quốc Mỹ.

 

Khi được hỏi về việc bị thế giới phát hiện ông là “kẻ cắp” của bức ảnh lừng danh, Nick Út nói ông sẽ đòi công lý “với nỗi đau của mình”. Nhưng có nỗi đau nào bằng chuyện công sức của một người bị cưỡng đoạt suốt nửa thể kỷ, và ông Nick Út thì bao giờ cũng cười tươi che hết ống kính khi nghe nhắc về bức ảnh này. Cũng như có nỗi đau nào diễn đạt được thành lời, khi cô Kim Phúc luôn bị ông giấu trong bóng tối, để làm sáng lòa hơn gương mặt của ông trước báo chí và ống kính truyền thông Việt Nam.