Monday, April 21, 2025

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ QUA ĐỜI Ở TUỔI 88 (Người Việt)

 




Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời ở tuổi 88

Người Việt

April 21, 2025 : 5:03 AM

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/duc-giao-hoang-phanxico-qua-doi-o-tuoi-88/

 

VATICAN (NV) – Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nổi tiếng nhờ lòng khiêm nhường và nỗ lực hòa hợp với những thành phần có xuất thân và tín ngưỡng khác nhau trong thời gian trị vì Giáo Hội Công Giáo, được Chúa gọi về ở tuổi 88, Vatican xác nhận.

 

“Vào lúc 7 giờ 35 sáng, Đức Giám Mục Rome, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã về nhà Đức Chúa Cha. Ông dành cả đời cống hiến cho sự vụ rao giảng lời Chúa và toàn thể Giáo Hội Công Giáo,” Đức Hồng Ý Kevin Farrell cho biết hôm Thứ Hai, 21 Tháng Tư.

 

Từ Tháng Hai 2025, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nằm viện hơn năm tuần để điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Bốn ngày sau khi nằm viện, Vatican tiết lộ rằng Đức Giáo Hoàng bị viêm cả hai bên phổi.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/GettyImages-174492688-1536x1024.jpg

Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 26 Tháng Bảy, 2013 ở Rio de Janeiro, Brazil. (Hình: Buda Mendes/Getty Images)

 

Trong những tuần tiếp theo, bệnh tình của Đức Giáo Hoàng làm Vatican thấp thỏm, có lúc ông trải qua một cơn hen suyễn “kéo dài” tới nỗi các bác sĩ phải cho ông hấp thu thêm khí oxygen, cũng như truyền máu để điều trị tình trạng tiểu cầu thấp, vốn là các tế bào lưu thông trong máu và giúp máu đông lại. Theo Vatican, Đức Giáo Hoàng còn bị “suy hô hấp cấp tính” hai lần vào đầu Tháng Ba, cần phải “thở bằng máy không xâm lấn” vào ban đêm để giúp ông ngủ yên giấc.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô ra viện và quay về Vatican hôm 23 Tháng Ba, tại đó các bác sĩ cho biết phải mấy tháng nữa ông mới bình phục. Hai tuần sau, trong lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng từ lúc ra viện, ông vừa ngồi xe lăn vừa thở bằng máy bơm khí oxygen và chào giáo dân tại Công Trường Thánh Phêrô. Ông cũng xuất hiện trong dịp Chúa Nhật Phục Sinh từ ban công Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô sau khi hội kiến Phó Tổng Thống Hoa Kỳ JD Vance trong thời gian ngắn ngủi.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô được cho là vẫn tỉnh táo và nhận thức được trong suốt các biến cố sức khỏe và thỉnh thoảng đăng tin nhắn trên X, ghi nhận những lời chúc tốt đẹp được gửi đến ông.

 

“Xin hết lòng tạ ơn quý ông bà và anh chị em vì đã hiệp lời cầu nguyện cho tôi, đó là những lời cầu nguyện dâng lên Chúa từ trái tim của rất nhiều tín đồ từ khắp nơi trên thế giới,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết trên X hôm 2 Tháng Ba. “Tôi cảm nhận được tình cảm và lòng trìu mến của anh chị em, trong thời khắc đặc biệt này, tôi cảm thấy bản thân mình được ‘nâng đỡ’ và được đoàn chiên của Chúa dìu dắt.”

 

Bốn ngày sau, Đức Giáo Hoàng đưa ra những bình luận công khai đầu tiên từ lúc nằm viện bằng một tin nhắn ghi âm bằng tiếng Tây Ban Nha và phát tại Công Trường Thánh Phêrô.

 

“Từ tận đáy lòng, xin hết lòng cảm tạ quý ông bà và anh chị em vì đã cầu nguyện cho sức khỏe của tôi từ Công Trường, xin được sánh bước cùng anh chị em từ giây phút này,” Đức Giáo Hoàng nói. “Xin Chúa chúc lành cho anh chị em cùng hưởng ơn quan phòng của Đức Mẹ Maria. Tạ ơn anh chị em.”

 

Bệnh đường hô hấp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là trở ngại đeo đuổi ông suốt đời; ông từng cắt bỏ một phần phổi năm 21 tuổi vì nhiễm trùng đường hô hấp. Khi trưởng thành, ông bắt đầu gặp các vấn đề về đường tiêu hóa tới nỗi cắt bỏ một phần ruột kết năm 2021 vì viêm ruột. Ông cũng bắt đầu ngồi xe lăn và chống gậy năm 2023 vì căng dây chằng đầu gối và một vết nứt nhỏ ở đầu gối cản trở việc đi lại và đứng dậy.

 

Là người cha chung của Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng không những mời gọi trí tưởng tượng của những người có đức tin mà cả thành phần lương dân. Cung cách gần gũi với công chúng giúp giáo hội tạo dựng được tiếng vang lớn hơn nhiều so với nhiều vị giáo hoàng tiền nhiệm trong việc truyền bá thông điệp về công lý xã hội.

 

Đức Giáo Hoàng tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio, sinh ra tại Argentina, là vị giáo hoàng thứ 266 dẫn dắt Giáo Hội Công Giáo và là người đầu tiên xuất thân từ Châu Mỹ Latin. Ông lấy tên Phanxicô theo tên Thánh Phanxicô thành Assisi, có tiếng là vị thánh của người nghèo.

 

Tương tự Thánh Phanxicô thành Assisi, Đức Giáo Hoàng có tiếng vì một cuộc đời khiêm nhu và khước từ đời sống xa hoa của các vị giáo hoàng trước đây. Trong khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI luôn luôn là một người ăn vận tươm tất, hàng ngày, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ khoác lên người chiếc áo chùng trắng mộc mạc không nhiều họa tiết. Khi lên ngôi giáo hoàng ngày 13 Tháng Ba 2013, ngài không yêu cầu phụ tá tới trả tiền phòng khách sạn ở Rome mà tự lo liệu.

 

Ông cũng gần gũi hơn các vị giáo hoàng tiền nhiệm, và có tiếng là hay chụp hình chung với khách du lịch và cho phép trẻ em đi cùng ông trên xe giáo hoàng trong buổi tiếp kiến hàng tuần trước giáo dân tại công trường. Ông từng chào đón một đứa trẻ mắc hội chứng Down ngồi bên cạnh và nắm tay em này trong lúc phát biểu.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng không ở trong những căn nhà lộng lẫy dành cho giáo hoàng, thay vào đó ông thích sống thanh bần cùng những người khác trong khu nhà dành cho khách tại Vatican. Thay vì dùng xe limousine, ông chọn những chiếc xe nhỏ hơn, bình thường hơn khi rời Vatican và trong các chuyến tông du.

 

Ông cũng tiếp xúc nhiều với những người sống bên lề xã hội và các tín đồ Công Giáo cảm thấy lạ lẫm với giáo lý đức tin.

 

Vatican dự định đưa tang trong chín ngày. Tang lễ tiễn đưa Đức Giáo Hoàng sẽ được tổ chức sau khi hoàn tất nghi thức quàn thi hài tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để công chúng thăm viếng.

 

Trong thời gian này, tất cả hồng y dưới 80 tuổi đủ điều kiện sẽ tề tựu tại Rome để chuẩn bị cho mật nghị bên trong Nhà Nguyện Sistine bầu ra Đức Giáo Hoàng kế tiếp, phiên họp này thường bắt đầu từ 15 tới 20 ngày sau khi giáo hoàng tiền nhiệm qua đời.

 

Các hồng y sẽ bỏ nhiều nhất là bốn lá phiếu trong một ngày. Nếu ống khói từ Nhà Nguyện Sistine phả ra khói đen thì đó là một cuộc bỏ phiếu không có kết quả rõ ràng, còn khói trắng tức là đã có giáo hoàng mới.

 

Sau đó, Đức Giáo Hoàng mới sẽ ra mắt giáo dân tại ban công trung tâm ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. (TTHN)

 

 

 


No comments: