Tại
sao chiến tranh thuế quan của Trump không điên rồ như nhiều người nghĩ?
Yanis Varoufakis
- UnHerd
Tạ
Kiều Trang,
biên dịch
HÌNH
: https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2025/03/Trump-tariff.jpg
Trump
đang lên kế hoạch cho một “cú sốc” đối nghịch lại “Cú sốc Nixon”.
Trước
những động thái về mặt kinh tế của Trump, những nhà phê bình với quan điểm
chính trị ôn hoà vừa tuyệt vọng vừa hy vọng rằng cơn sốt thuế quan của Trump sẽ
sớm hạ nhiệt. Họ cho rằng, Trump sẽ tiếp tục khoa trương cho đến khi thực tế
phơi bày ra sự thiếu cơ sở trong lập luận kinh tế của ông. Nhưng một điều mà họ
không nhận ra: Nỗi ám ảnh của Trump với thuế quan lại chính là một phần trong một
kế hoạch kinh tế toàn cầu dù tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng lại có nền tảng vững chắc.
VIDEO
:
Tại sao chiến
tranh thuế quan của Trump không điên rồ như nhiều người nghĩ?
https://www.youtube.com/watch?v=UT5f5GTXW8I
Những
người chủ trương ôn hoà mắc kẹt trong lối tư duy cứng nhắc về cách dòng vốn,
thương mại và tiền tệ vận hành trên thế giới. Giống như “thợ nấu bia tự say
bia”, họ tự huyễn hoặc rằng: Chúng ta đang sống trong thế giới của các thị trường
cạnh tranh, nơi tiền bạc trung lập và giá cả tự điều chỉnh để cung cầu luôn cân
bằng. Thế nhưng, Trump – dù có vẻ thô thiển – thực chất lại nhìn thấu trò chơi
này hơn họ rất nhiều: ông ta hiểu rằng sức mạnh kinh tế thực sự mới là thứ quyết
định ai kiểm soát ai ở cả trong nước lẫn trên trường quốc tế, chứ không phải những
lý thuyết về năng suất cận biên.
Cố
gắng đọc hiểu tâm trí của Trump có thể giống như “nhìn xuống vực sâu bị vực sâu
nhìn lại”. Nhưng dù sao chúng ta vẫn cần nắm bắt lối suy nghĩ của Trump về ba vấn
đề cốt lõi: Vì sao Trump cho rằng nước Mỹ đang bị cả thế giới lợi dụng? Ông ta
muốn thiết lập một trật tự quốc tế mới ra sao để nước Mỹ có thể “vĩ đại” trở lại?
Và ông ta định thực hiện điều đó bằng cách nào? Có vậy chúng ta mới đưa ra được
một lời phê bình thấu đáo về kế hoạch kinh tế của Trump.
Vậy
tại sao Tổng thống lại cho rằng nước Mỹ đang chịu thiệt? Điều khiến ông ta bức
xúc nhất là sự thống trị của đồng đô la – lẽ ra có thể mang đến quyền lực to lớn
cho chính phủ và giới cầm quyền Mỹ – nhưng rốt cuộc lại bị các nước khác lợi dụng
theo cách đẩy nước Mỹ vào thế suy yếu. Vì vậy, thứ mà nhiều người xem là đặc
quyền vượt trội của Mỹ, Trump lại coi đó là một gánh nặng khổng lồ.
Suốt
nhiều thập kỷ, Trump không ngừng than phiền về sự suy yếu của ngành sản xuất Mỹ:
“Không có thép thì chẳng có quốc gia”. Nhưng tại sao ông ta lại đổ lỗi lên vai
trò toàn cầu của đồng đô la? Trump trả lời rằng, vấn đề nằm ở việc các ngân
hàng trung ương nước ngoài không cho phép đồng đô la giảm xuống một mức “hợp
lý” – mức có thể giúp xuất khẩu Mỹ phục hồi và nhập khẩu được hạn chế lại.
Không phải các ngân hàng trung ương nước ngoài cố tình hiệp lực chống Mỹ, mà
đơn giản là đồng đô la là loại tài sản dự trữ an toàn nhất mà họ có thể nắm giữ.
Khi người Mỹ nhập khẩu hàng hóa, đô la chảy vào châu Âu và châu Á, và việc các
ngân hàng trung ương ở đó tích trữ chúng là điều tất yếu. Thay vì đổi sang đồng
nội tệ, các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân
hàng Nhật Bản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Anh lại giữ nguyên đô
la, khiến nhu cầu với đồng nội tệ giảm xuống và hãm lại giá trị đồng tiền của họ.
Điều này giúp nhà xuất khẩu ở các nước đó tăng cường xuất khẩu sang Mỹ và thu về
nhiều đô la hơn. Cứ thế theo một vòng lặp vô hạn, lượng đô la mới tiếp tục chất
đống trong kho bạc của các ngân hàng trung ương nước ngoài, và để kiếm lời an
toàn, họ lại đem chúng đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.
Và
đây chính là điểm nghịch lý mấu chốt. Theo Trump, Mỹ nhập khẩu quá mức vì Mỹ là
một “công dân toàn cầu” mẫu mực, Mỹ cảm thấy có nghĩa vụ cung cấp đồng đô la dự
trữ mà nước ngoài cần. Nói cách khác, ngành sản xuất Mỹ suy yếu vì nước Mỹ quá
“hào hiệp”: người lao động và tầng lớp trung lưu chịu thiệt để phần còn lại của
thế giới phát triển.
Nhưng
Trump cũng hiểu rõ rằng vị thế bá chủ của đồng đô la chính là nền tảng làm nên
chủ nghĩa biệt lệ kiểu Mỹ. Khi các ngân hàng trung ương nước ngoài mua trái phiếu
Mỹ, chính phủ Mỹ có thể chi tiêu thâm hụt ngân sách và duy trì một quân đội khổng
lồ mà bất kỳ quốc gia nào khác cũng sẽ bị phá sản nếu làm như vậy. Quan trọng
hơn, với vai trò trung tâm trong hệ thống thanh toán quốc tế, đồng đô la bá quyền
cho phép Tổng thống có thể sử dụng một dạng “ngoại giao pháo hạm” thời hiện đại:
tự do áp đặt trừng phạt lên bất kỳ ai, bất kỳ chính phủ nào.
Trong
mắt Trump, chừng đó là chưa đủ để bù đắp cho sự thua thiệt của các nhà sản xuất
Mỹ, những người đang bị đối thủ nước ngoài chèn ép. Các ngân hàng trung ương nước
ngoài đang lợi dụng hệ thống dự trữ đô la mà Mỹ cung cấp miễn phí để giữ đồng
đô la ở mức quá cao. Với Trump, nước Mỹ đang tự làm suy yếu mình để đổi lấy vị
thế địa chính trị và cơ hội tích luỹ lợi nhuận từ nước khác. Khối tài sản đến từ
nhập khẩu này có lợi cho giới tài chính Phố Wall và bất động sản, nhưng lại gây
tổn hại cho chính những cử tri đã bầu Trump hai lần: những người Mỹ ở vùng
trung tâm, họ là những người sản xuất các mặt hàng “đầy nam tính” như thép và ô
tô – những thứ thiết yếu để duy trì một quốc gia.
Nhưng
đó chưa phải là điều khiến Trump lo lắng nhất. Cơn ác mộng xảy đến với Trump là
khi sự thống trị của đồng đô la không tồn tại lâu được. Quay lại năm 1988, khi
xuất hiện trên các chương trình của Larry King và Oprah Winfrey để quảng bá cuốn Nghệ
thuật Đàm phán (Art of the Deal), Trump đã than thở: “Chúng ta là một
quốc gia mắc nợ. Trong vài năm tới sẽ có chuyện, chẳng ai cứ mất 200 tỷ đô mỗi
năm mà không gặp vấn đề.” Kể từ đó, Trump ngày càng tin rằng một thời điểm khủng
hoảng đang đến gần: khi sản lượng của Mỹ sụt giảm tương đối, nhu cầu toàn cầu đối
với đồng đô la sẽ tăng nhanh hơn tăng trưởng thu nhập của Mỹ. Khi đó, đồng đô
la buộc phải tăng giá nhanh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu dự trữ toàn cầu. Nhưng
tình trạng này không thể kéo dài mãi.
Bởi
vì khi thâm hụt ngân sách của Mỹ vượt qua một giới hạn nào đó, nước ngoài sẽ
rơi vào hoảng loạn. Họ sẽ bán các tài sản định giá bằng đồng đô la và tìm kiếm
một loại tiền tệ khác để tích trữ. Người Mỹ sẽ bị bỏ lại trong tình trạng hỗn
loạn toàn cầu, với nền sản xuất kiệt quệ, thị trường tài chính sụp đổ và chính
phủ vỡ nợ. Kịch bản ác mộng này khiến Trump tin rằng ông có một sứ mệnh là cứu
lấy nước Mỹ: Trump có trách nhiệm dẫn dắt một trật tự quốc tế mới. Và đó là phần
cốt lõi trong kế hoạch của Trump: vào năm 2025, thực hiện một “cú sốc” đối nghịch
với “cú sốc Nixon” – một cú sốc chấn động toàn cầu để chấm dứt những gì người
tiền nhiệm ông đã làm là kết thúc hệ thống Bretton Woods được hình thành năm
1971. Bretton Woods là hệ thống đã mở ra kỷ nguyên tài chính hóa.
Trọng
tâm của trật tự toàn cầu mới này sẽ là một đồng đô la rẻ hơn nhưng vẫn là đồng
tiền dự trữ của thế giới — điều này sẽ làm giảm lãi suất vay dài hạn của Hoa Kỳ
nhiều hơn nữa. Trump có thể vừa có chiếc bánh của mình (một đồng đô la bá quyền
và trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ có lợi suất thấp) vừa ăn nó (một đồng đô la mất
giá) không? Ông ấy biết rằng thị trường sẽ không bao giờ tự mình cung cấp điều
này. Chỉ có các ngân hàng trung ương nước ngoài mới có thể làm điều này cho ông
ta. Nhưng để họ đồng ý làm điều này, trước tiên họ cần phải bị gây sốc và buộc
phải hành động. Và đó là lúc thuế quan của Trump phát huy tác dụng.
Đây
là điều mà những người phê bình Trump không hiểu. Họ lầm tưởng Trump tin rằng
các mức thuế quan sẽ giúp thâm hụt thương mại của Mỹ tự động giảm. Trump biết
rõ điều đó sẽ không xảy ra. Mục đích thực sự của các mức thuế quan này là gây sức
ép buộc các ngân hàng trung ương nước ngoài phải giảm lãi suất trong nước. Kết
quả là đồng euro, đồng yên và nhân dân tệ sẽ yếu đi so với đồng đô la. Điều này
sẽ làm cho giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ không bị tăng lên, và mức giá mà người
tiêu dùng Mỹ phải trả sẽ không thay đổi. Các quốc gia bị đánh thuế trên thực tế
mới là người sẽ phải trả thuế của Trump.
Nhưng
thuế quan chỉ là giai đoạn đầu trong kế hoạch tổng thể của Trump. Với mức thuế
quan cao trở thành mặc định mới và dòng tiền nước ngoài đổ vào Kho bạc Hoa Kỳ,
Trump có thể chờ đợi trong khi bạn bè và đối thủ ở Châu Âu và Châu Á tranh
giành nhau để được đàm phán. Đó là lúc giai đoạn thứ hai của kế hoạch Trump sẽ
bắt đầu: cuộc đàm phán trọng đại.
Khác
với những người tiền nhiệm Carter hay Biden, Trump không thích tham gia vào các
cuộc họp đa phương hay đàm phán đông người. Ông thích đàm phán trực tiếp, một đối
một. Thế giới lý tưởng của Trump là mô hình bánh xe, với các nan xe như các quốc
gia, trong đó không một nan xe nào có ảnh hưởng quá lớn đến sự vận hành của cả
bánh xe. Với quan điểm này, Trump tự tin rằng mình có thể xử lý từng quốc gia
theo một cách tuần tự. Với thuế quan ở một bên, bên kia là đe dọa rút lại lá chắn
an ninh của Mỹ (hoặc dùng chính nó chống lại các nước), ông tin rằng ông có thể
khiến hầu hết các nước phải chấp thuận.
Chấp
thuận điều gì? Chấp thuận việc để đồng tiền của họ lên giá đáng kể mà không cần
phải bán hết các khoản dự trữ đô la dài hạn. Trump không chỉ mong mỗi quốc gia
sẽ giảm lãi suất trong nước, mà ông còn yêu cầu những điều khác nhau tuỳ từng đối
tác. Với các nước châu Á hiện đang tích trữ nhiều đô la nhất, Trump yêu cầu họ
bán một phần tài sản đô la ngắn hạn để đổi lấy đồng tiền của nước đó (và do đó
đồng tiền này sẽ tăng giá). Đối với khu vực đồng Euro, nơi lượng đô la ít hơn
và đang gặp phải các chia rẽ nội bộ khiến quyền lực đàm phán của Trump tăng
thêm, Trump có thể yêu cầu ba điều: họ đồng ý hoán đổi trái phiếu dài hạn của
nước đó thành trái phiếu siêu dài hạn hoặc thậm chí trái phiếu vĩnh viễn; họ tạo
điều kiện cho các ngành sản xuất của Đức chuyển sang Mỹ; và đương nhiên, họ phải
mua nhiều vũ khí sản xuất tại Mỹ hơn.
Bạn
có hình dung được cái nhếch mép của Trump khi nghĩ về giai đoạn thứ hai của kế
hoạch trọng đại của mình không? Khi một chính phủ nước ngoài đồng ý với yêu cầu
của Trump, ông ta lại ghi thêm một chiến thắng. Còn khi một chính phủ không chịu
nhượng bộ, thuế quan vẫn sẽ được giữ nguyên, mang lại cho Kho bạc Hoa Kỳ một
dòng tiền ổn định mà Trump có thể sử dụng theo cách mà ông ta cho là phù hợp
(vì Quốc hội chỉ kiểm soát doanh thu thuế). Khi giai đoạn thứ hai hoàn tất, thế
giới sẽ được chia thành hai phe: phe được Mỹ bảo vệ an ninh với cái giá là đồng
tiền tăng giá, mất đi các nhà máy sản xuất, và phải mua thêm hàng hóa xuất khẩu
của Mỹ, bao gồm cả vũ khí. Phe còn lại sẽ có vị trí chiến lược gần với Trung Quốc
và Nga hơn, nhưng vẫn duy trì quan hệ với Mỹ thông qua việc giao thương dù ít
hơn, dù vậy điều này vẫn mang lại một nguồn thu ổn định từ thuế quan cho Mỹ.
Tầm
nhìn của Trump về một trật tự kinh tế quốc tế lý tưởng có thể hoàn toàn trái
ngược với quan điểm của tôi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể
coi nhẹ sự vững chắc và mục đích của tầm nhìn đó – như đại đa số người có quan
điểm ôn hoà vẫn làm. Giống như mọi kế hoạch được vạch ra kỹ lưỡng khác cũng có
thể thất bại, kế hoạch này tất nhiên cũng vậy. Đồng đô la giảm giá nhưng có thể
sẽ không đủ để bù đắp tác động của thuế quan đối với giá cả mà người tiêu dùng
Mỹ phải trả. Hoặc việc bán đô la có thể quá nhiều, khiến cho lợi suất trái phiếu
dài hạn của Mỹ không giữ được ở mức đủ thấp. Tuy nhiên, ngoài những rủi ro có
thể kiểm soát này, kế hoạch lớn của Trump còn bị thử thách trên hai mặt trận
chính trị.
Mối
đe dọa chính trị đầu tiên đối với kế hoạch lớn của Trump là mặt trận trong nước.
Nếu thâm hụt thương mại bắt đầu giảm như kế hoạch, dòng tiền tư nhân từ nước
ngoài sẽ không còn chảy vào Phố Wall nữa. Đột nhiên Trump sẽ phải chọn: hoặc phản
bội nhóm người tài chính và bất động sản phẫn nộ đã ủng hộ mình, hoặc phản bội
tầng lớp công nhân đã bầu cho ông. Trong khi đó, một mặt trận thứ hai sẽ xuất
hiện. Khi coi tất cả các quốc gia như những chi tiết trong chiếc bánh xe của
mình, Trump có thể sẽ sớm nhận ra rằng ông đã tạo ra bất đồng ở cấp độ quốc tế.
Bắc Kinh có thể bỏ qua mọi thận trọng và biến nhóm BRICS thành một hệ thống
Bretton Woods mới, trong đó nhân dân tệ đóng vai trò chủ chốt như đồng đô la
trong hệ thống Bretton Woods gốc. Có lẽ đây sẽ là di sản gây kinh ngạc nhất, và
cũng sẽ là cái giá thích đáng cho đại kế hoạch lẽ ra là ấn tượng của Trump.
------------------------
Yanis
Varoufakis
là nhà kinh tế học và là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp. Ông là tác giả của
nhiều cuốn sách bán chạy, cuốn sách gần đây nhất của ông là Một Hiện Tại Khác:
Thông điệp từ một Thực tại Song song (Another Now: Dispatches from an
Alternative Present).
No comments:
Post a Comment