Friday, April 18, 2025

NHÂN CUỘC TRANH LUẬN TRÊN FANPAGE CỦA SỨ QUÁN BA LAN   (Phúc Lai GB)

 



NHÂN CUỘC TRANH LUẬN TRÊN FANPAGE CỦA SỨ QUÁN BA LAN  

Phúc Lai GB 

17-4-2025  lúc 02:27  

https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/pfbid0KGEJqj7m7fYFUQs5kfjcYUTyqcC9mhmCA4T55VnU5qVt6Xgaf5qCEHp3PMVMEuWEl

 

NHÂN CUỘC TRANH LUẬN TRÊN FANPAGE CỦA SỨ QUÁN BA LAN

Ngày 17/4/2025. In memory of "da ge" Bich Nguyen X

 

Ngày hôm nay, nổi bật nhất là cuộc khẩu chiến trên Fanpage của một Sứ quán nước ngoài tại Hà Nội, mà bởi ai – bởi những nhân viên chuyên trách… Facebook của Sứ quán Ng@, chắc nhịn không nổi nhảy vào “đ.âm ch.ém.” Về hành động của họ, tôi xin phép chút nữa sẽ bình luận sau.

 

Điểm mà tôi chú ý là comment đấu khẩu của vài nhân viên nào đó từ Sứ quán Ng@, họ nhắc đến “Hiệp ước Đức – Ba Lan 1934”. Về Hiệp ước này, tôi đã có bài từ năm 2008 về nó, xin copy nguyên xi về đây:

 

#Trích

Sự kiện quan trọng nhất trong câu chuyện của chúng ta có lẽ là việc Hít-le và Đảng quốc xã của y lên cầm quyền. Ngày 30 tháng Giêng năm 1933, Hít-le trở thành Thủ tướng nước Đức. Thời điểm đó Chính phủ của y chỉ có thêm hai đảng viên Đảng quốc xã là Goering và Frick Von Papen là phó Thủ tướng, ngoài ra còn có thêm Von Neurath giữ chức ngoại trưởng. Nhưng nhanh chóng Hít-le đã biến Chính phủ của mình thành Chính phủ độc tài, như chúng ta đã biết.

 

Thời gian này cũng là thời kỳ của các Hiệp ước an ninh tập thể, hâu như là thất bại, nhằm giảm đi cái vai trò vốn đã không mấy quan trọng của Hội quốc liên. Một trong những ví dụ điển hình là việc Mút-xô-li-ni hô hào ký “Hiệp ước tay tư” giữa Italia, Anh, Pháp và Đức, chủ yếu là nhằm điều chỉnh lại bản đồ châu Âu đang bất lợi cho Italia và Đức. Nhưng vì sự quân phiệt hóa ngày càng rõ nét của hai nước Italia và Đức, đồng thời các Chính phủ Tổng thống Dalalier (Pháp), Thủ tướng Mc Donald (Anh), thì có những lợi ích riêng lẻ khác không hòa đồng được. Giữa Pháp và Balan còn tồn tại Hiệp ước liên minh.

 

Ngày 19 tháng Mười năm 1934, Đức rút ra khỏi Hội quốc liên, đánh dấu bước đầu sự tan rã của tổ chức này.

 

Đôi điều về đại tá Beck. Ông sinh ngày 4 tháng Mười năm 1894 tại Vác-sa-va và chết ngày 5 tháng Sáu năm 1944 tại Stăneşti, Rumani. Là quân nhân, sau này là nhà ngoại giao kiêm chính khách, ông đã bỏ nhiều công sức trong việc đưa Balan có một mối quan hệ đối ngoại mềm dẻo giữa hai thế lực là Đức và Liên Xô. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đại tá Beck là ủy viên Tổ chức quân sự Balan được Pilsudski thành lập năm 1914. Trong năm 1924, ông đã hoạt động để Chính phủ của Pilsudski được thành lập có quyền lực trên thực tế. Trong các năm từ 1926 – 1930 Beck làm việc tại Bộ ngoại giao Balan và từ năm 1930 đến 1932, là phó Thủ tướng Balan, kiêm bộ trưởng Ngoại giao từ tháng Mười một năm 1932 và giữ cương vị quan trọng đó trong Chính phủ Balan đến tận khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Ở Bộ ngoại giao, ông ta thay chân cho cựu bộ trưởng Zaleski, một người thích các biện pháp phi dân chủ. Tuy nhiên, Beck lại luôn ngờ vực những chính sách của người Pháp, nhất là thái độ không kiên quyết của họ thời Laval.

 

Một trong những thắng lợi của Đức là việc ký kết một tuyên bố không xâm lược với Balan ngày 26 tháng Giêng năm 1934, có giá trị trong mười năm. Beck, vốn bất bình với “Hiệp ước tay tư” (gạt Balan ra ngoài không có quyền lợi gì), tìm cách cân bằng giữa Đức và Liên Xô, bằng những việc tiếp xúc liên tục với lãnh đạo các nước khác nhau, nhất là các cường quốc. Tháng Tư, và cả vào tháng Chạp năm 1933, ông ta đã bí mật đề nghị với Pháp một chiến dịch ngăn ngừa đánh vào chủ nghĩa Hít-le. Khi bị Pháp từ chối, ông ta quay sang Đức và đề nghị ký với Đức một Hiệp định. Trong năm 1933, có nhiều cuộc đụng độ quân sự nhỏ trong quan hệ Đức – Balan, nhất là khi Balan tăng cường quân đội đồn trú ở bán đảo Westerplatte, trên lãnh thổ Dantzig ngày 6 tháng Ba năm 1933. Ngày 4 tháng Năm năm 1933, Hít-le tuyên bố với báo chí là đã có cuộc họp với công sứ Balan ở Béclin, ông Wysoki, bạn thân của Đại sứ Pháp tại Đức, Francois – Poncet, vì thế bị coi là thân Pháp. Sau đó, Lipski thay Wysoki tại Béclin.

 

Ngày 16 tháng Mười một năm 1933, Hít-le gặp Lipski, đã có một thông báo rằng hai bên sẽ không sử dụng vũ lực trong mối quan hệ với nhau. Ngày 27 tháng đó, một dự án Hiệp ước hòa bình được bộ trưởng Đức Von Molke trình cho nguyên soái Pilsudski. Ngày 4 tháng Giêng năm 1934, Lipsky trình một bản dự án của Balan trả lời cho dự án của Đức, mà chính những dự thảo dự án này đã được đại tá Beck trong khi đi Genève đã rẽ qua Béclin ngày 13 tháng Giêng và có được những thỏa thuận bí mật với Chính phủ quốc xã. Tại sao những thỏa thuận này cần bí mật? Đó là vì trong nội bộ nước Đức có những thế lực Phổ căm ghét Balan, đồng thời thế lực Balan thân Pháp còn mạnh. Thậm chí ngày 25 tháng Giêng (trước hôm ký Hiệp định một ngày), Lipsky còn tuyên bố với đồng nghiệp Tiệp Khắc tại Đức, ông Mastny rằng không đời nào có chuyện “ác” như vậy. Hòa ước được ký kết, tuyên bố “hai Chính phủ muốn mở đầu một giai đoạn mới trong mối quan hệ chính trị hoàn toàn hòa bình… hai Chính phủ sẽ tham khảo ý kiến của nhau và sẽ bao giờ sử dụng vũ lực trong giải quyết những bất đồng”. Bản tuyên bố có giá trị trong 10 năm, và sẽ không làm thay đổi hiệu lực của các Hiệp ước đã ký trước đây.

 

Trong nội dung của Hiệp định không hề chống lại nước Pháp, nhưng rõ ràng với hoàn cảnh của Balan, thì đó là một việc không khôn khéo. Về danh chính ngôn thuận, thì đó là việc làm không “fair play” với đồng minh Pháp, dù là Pháp còn chưa quyết đoán được chính sách với Đức. Đại sứ Pháp tại Đức Francois – Poncet nói: “Thái độ của Balan đối với chúng tôi và nhất là thái độ của Đại tá Beck, bộ trưởng ngoại giao Balan, không phải là thái độ của một người bạn, mà là của kẻ thù đích thực”.

 

Như vậy bằng Hiệp ước này, Balan đã đặt một chân vào thảm họa diệt vong.

#hết_trích

 

Đầu tiên xin nói rằng, tôi vốn là bò, bò đầu đàn luôn nhưng không đỏ lắm. Bài viết trên tôi viết trong loạt bài “Bối cảnh lịch sử của vụ thảm sát Katyn” với bài mở đầu ở đây, quý vị có thể theo link đọc tham khảo:

https://sergueikouzmic.blogspot.com/.../boi-canh-lich-su...

vì vốn là bò, nên bản thân tôi hiện tại không quá ác ý với… bò, vì thật ra ai cũng có thể có thời u mê, nhất là với chúng ta trải qua mấy chục năm “trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ.” Vì vậy nếu chúng ta có nhìn thấy quá nhiều câu chửi bới trong post trên đây của Sứ quán Ba Lan tại Hà Nội, cũng chỉ nên buồn một chút: đúng là bò đích thực, vì hầu hết chúng cư xử vô học. Ngày xưa khi là bò đầu đàn tôi cư xử tử tế hơn nhiều.

 

quay lại với cái gọi là “Hiệp ước Đức – Ba Lan 1934” – mà chính xác ra phải gọi là “Tuyên bố chung Đức – Ba Lan về không xâm lược (lẫn nhau)” được ký ngày 26/1/1934. Trong nghiên cứu trước đây của tôi, có một thiếu sót nghiêm trọng là không nhìn nhận đúng mức quan hệ Pháp – Ba Lan trong giai đoạn “trước tuyên bố chung 1934” và cả bối cảnh trước đó nữa của nó. Quý vị có thể đọc kỹ lại Phần 1 (link trên đây) của loạt bài tôi viết. Các điểm chính của nó là:

 

+ Thứ nhất. Cả Ng@ và Ba Lan sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đều bận rộn vì những vấn đề để lại của thời kỳ Sa Hoàng dù cách tiếp cận của mỗi bên là có khác nhau. Ng@ phải đối mặt với nội chiến, bản thân với Ng@ thì việc nổi lên của một nước Ba Lan độc lập (từ 1918) cũng là một diễn biến tương tự, gần như bộ phận, phái sinh… của nội chiến mà thôi. Với những người Bolshevik Ng@, thì Ba Lan cũng không khác gì Kolchak, Denikin – Vrangel… nhiều văn bản, văn kiện, tài liệu… thậm chí tác phẩm văn học của Ng@ gọi lực lượng Ba Lan chống Bolshevik hồi đó là “Bạch vệ Ba Lan”, điển hình nhất là “Thép đã tôi thế đấy” của N. Ostrovsky. Bản chất trong vấn đề này là mong muốn giành độc lập của Ba Lan từ ách thực dân của Ng@ Sa Hoàng.

 

+ Thứ hai. Ba Lan nhờ có sự suy yếu của nước Ng@ đang phải bận bịu với những “bọn Bạch Vệ khác” nên đã giành được độc lập, nhờ sự giúp đỡ của Pháp (Tổng thống lúc đó là Alexandre Millerand). Yêu sách của Ba Lan về lãnh thổ tuy không đạt được (đã có lúc họ tiến đến sát Minsk và chiếm được Kyiv), nhưng ngay cả trò lá mặt lá trái của người Anh với “đường biên giới Curzon” cũng không được đặt ra nữa. Ba Lan chiếm được một diện tích đất nhất định của Belarus và Ukraine.

 

Như vậy bối cảnh chung: chỗ dựa chính của Ba Lan vẫn là Pháp. Đến cuối thập niên 1920, thái độ của Pháp thay đổi thấy rõ: việc xây dựng phòng tuyến Maginot cho thấy chiến lược chống Đức của họ là “phòng thủ nghiêm ngặt” và điều này một cách logic sẽ dẫn tới việc Pháp sẽ bỏ mặc các đồng minh ở phía Đông (Tiệp Khắc, Ba Lan…) cho Đức. Một số nhà sử học suy đoán rằng Piłsudski có thể đã thăm dò Pháp về khả năng hành động quân sự chung chống lại Đức, quốc gia đã công khai tái vũ trang vi phạm Hiệp ước Versailles. Việc Pháp từ chối có thể là một trong những lý do khiến Ba Lan ký tuyên bố không xâm lược.

 

Trong thập niên 1920 có nhiều ý kiến trong giới quân sự Pháp đề nghị tính chất một cuộc tấn công vào Đồng bằng Bắc Đức, kết hợp với các cuộc tấn công từ Ba Lan và Tiệp Khắc. Việc xây dựng Phòng tuyến Maginot bắt đầu vào năm 1929 dẫn tới việc định hình quan điểm của Piłsudski. Xét theo các kế hoạch quân sự này của Pháp, một tuyên bố không xâm lược với Đức sẽ là lựa chọn tốt nhất cho Ba Lan.

 

Vậy câu chuyện của năm 2025 là gì?

 

Đầu tiên, phải nói rằng có sự khới cái “Tuyên bố 1934” này lên, mà từ ai, từ người Ng@. Trên một trang là “The International Affair” (dot ru, đương nhiên là vậy - ảnh chụp màn hình) vào cuối năm 2022 xuất hiện một bài chỉ trích những người Ba Lan về Tuyên bố này, với mục đích (1) khỏa lấp sự xấu hổ về Hiệp ước bất tương xâm Molotov – Ribbentrop (2) ngụy biện rằng Ba Lan mới là bên bắt tay với Đức quốc xã trước và sau đó trở thành nạn nhân đầu tiên của chiến tranh thế giới lần thứ hai là đáng đời (3) từ đó coi Ba Lan là phát-xít, người được Ba Lan giúp đỡ ở thời điểm hiện tại là phát-xít để biện minh cho cuộc chiến tranh xâm lược của Putler vào Ukraine năm 2022.

 

Đương nhiên, những nhân viên này của Sứ quán Ng@ tại Hà Nội “khôn” – nhưng không “ngoan.” Viện dẫn ra “Tuyên bố 1934 Đức – Ba Lan” (coi đó là tương đương về mọi mặt với Hiệp ước bất tương xâm Molotov – Ribbentrop, nhưng “phản động” ở chỗ nó được ký kết trước những 5 năm) và lờ đi việc tất cả thế giới này đều biết: hiệu quả của hai văn bản đã được ký kết là hoàn toàn khác nhau.

 

Trong bài báo trên đây, các tác giả của nó đã cố gài vào trong đó những chi tiết như “có nhiều người (trong quân đội) Ba Lan mong muốn chia cắt nước Ng@” “mong muốn thấy duyệt binh chung Đức – Ba Lan trên quảng trường Đỏ”… mà không đưa ra bất cứ chứng cứ nào là ai nói, trong điều kiện hoàn cảnh nào… Cụ thể:

 

#trích “Cả giới lãnh đạo Ba Lan và Đức đều có yêu sách lãnh thổ đối với Tiệp Khắc và tìm cách phá vỡ nước này. Berlin và Warsaw cũng có những kế hoạch sâu rộng đối với Liên Xô”, nhà sử học Nikolay Ponomarev, cộng sự nghiên cứu tại Bảo tàng Chiến thắng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RT.

Theo chuyên gia này, khi căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Liên Xô trong giai đoạn 1933-1935, Đức và Ba Lan bắt đầu thảo luận về khả năng phát động một cuộc tấn công chung vào Liên Xô. Nhà sử học Vadim Trukhachev cũng nói với RT rằng “nhiều chính trị gia Ba Lan công khai mơ về một cuộc diễu hành chung của Ba Lan và Đức Quốc xã tại Quảng trường Đỏ”.” #hết_trích

 

Trong bài báo này, các tác giả của nó còn vu khống Ba Lan một cách trắng trợn hơn nữa, khi viết:

 

#trích “Quan hệ đối tác Đức-Ba Lan này đạt đến đỉnh cao vào năm 1938. Vào tháng 5, Đức đã có động thái sáp nhập vùng Sudetenland của Tiệp Khắc. Praha tuyên bố động viên một phần và Liên Xô, bị ràng buộc bởi hiệp ước hỗ trợ lẫn nhau với Tiệp Khắc, đã cam kết hỗ trợ đồng minh của mình. Tuy nhiên, Ba Lan tuyên bố sẽ tuyên chiến với Liên Xô nếu Hồng quân cố gắng hỗ trợ Praha.” #hết_trích

 

Về chi tiết này, khi còn là bò đầu đàn tôi viết:

 

#trích “Ngày 12 tháng Năm năm 1938, ngoại trưởng Pháp Bonnet xin gặp Bộ trưởng dân ủy ngoại giao Liên Xô Lítvinốp ở Giơnevơ (Genève). Chính phủ Liên Xô tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ nước Tiệp Khắc nếu như Balan và Rumani đồng ý để cho Hồng quân Liên Xô đi qua lãnh thổ của mình. Nhưng Balan đang thi hành một chính sách ngoại giao hết sức liều mạng và nguy hiểm, là chọn phương án đối đầu cả Liên Xô và Đức, trong khi vẫn đang hy vọng vào sự bảo trợ của nước Pháp, là nước mà dần dần người ta sẽ thấy, bảo vệ chính mình còn chưa xong. Quan trọng hơn cả là họ đang bất hòa với Tiệp Khắc. Còn Rumani, vẫn đang lo lắng về vùng Bétxarabi (năm 1940 bị cắt về lãnh thổ Mônđavi xô-viết). Trên thực tế, nước Rumani có thể cho quân Liên Xô đi qua nhưng họ chỉ có duy nhất một con đường sắt rất tồi, và họ cho phép máy bay Liên Xô bay qua vùng trời của mình sang Tiệp. Trên thực tế, Liên Xô biết rõ tình thế đó và rõ ràng đây là nước cờ “tuyên bố nhưng không hành động” khá rõ nét. Tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian diễn ra Hội nghị Munich đã có 200 máy bay chiến đấu Liên Xô có mặt trên đất Tiệp Khắc, cũng không thể phủ nhận hoàn toàn những hành động cụ thể của Chính phủ Liên Xô trong tình thế ai cũng phải đi trên dây trong giai đoạn này.” #hết_trích

 

Vậy đấy, ngay cả khi còn là bò, tôi cũng đã viết rất rõ: Liên Xô biết rõ là sẽ không được Ba Lan cho Hồng quân đi qua lãnh thổ để cứu Tiệp Khắc, còn với Romania thì chỉ là ‘có thể’ và dừng lại ở “cho máy bay Liên Xô bay qua không phận” mà thôi. Và tôi còn đánh giá đủ khách quan: chính sách của Ba Lan là nguy hiểm vì đối đầu cả Đức lẫn Liên Xô.

 

Đến đây thì quý bạn đọc đã thấy khác nhau cơ bản của hai Hiệp ước bất tương xâm: với Ba Lan khi ký kết với Đức là trong hoàn cảnh tình thế đang bị nguy hiểm do đồng minh quay lưng và sau đó, họ không xâm lược ai. Còn với Liên Xô – mặc dù sau này các nhà sử học Xô-viết giải thích là “cần tranh thủ thời gian để tự trang bị trước cuộc chiến tranh tiềm tàng với Đức quốc xã” nhưng thực chất, là sự bắt tay của hai con quỷ: Hitler và Stalin mà hậu quả của nó là việc cả Đức lẫn Liên Xô xâm lược, chia Ba Lan ra làm đôi và xóa sổ đất nước này trên bản đồ thế giới.

 

Gần 100 năm đã qua từ những sự kiện đó, nhưng đến nay có rất nhiều điều khác biệt, cũng như có những điều chẳng thay đổi gì cả. Chẳng hạn như vấn đề Bandera, ông ấy bị coi là phát-xít, từ đó Ng@ tuyên truyền rằng Ukraine tôn vinh Bandera cũng là phát-xít. Trong cuộc khẩu chiến trên Fanpage của Sứ quán Ba Lan, có rất nhiều tài khoản dư luận viên xứ Nam Quảng Tây cũng chửi người Ba Lan là cùng tôn vinh Bandera (“trong khi ông ta thảm sát người Ba Lan ở Volhynia”… - chúng nói thế).

 

Đây là một câu chuyện có lẽ với nhiều người là khó hiểu, nhưng thực chất nó nằm trong một câu chuyện lớn hơn: mong muốn thoát Ng@ của rất nhiều dân tộc xung quanh cái đất nước kỳ dị này. Bandera là một trong số những người đó. Là người theo chủ nghĩa dân tộc, Bandera chống cả Ba Lan, Đức lẫn Ng@. Đó là bối cảnh của thảm sát Volhynia đối với những người Ukraine gốc Ba Lan ở miền tây nước này trong giai đoạn Đức chiếm đóng Ukraine. Khi Đức quốc xã xâm lược Liên Xô, ông này cùng những cộng sự của mình lại cộng tác với Đức với hi vọng ngây thơ là Ukraine giành được độc lập. Người Ng@, không chỉ Bandera mà với đa số dân tộc Ukraine, những gì mà Liên Xô làm gây ra nạn đói cũng là những vết thương khó lành.

 

Cá nhân tôi thì không ủng hộ những xu hướng dân tộc chủ nghĩa, khi nó kết hợp với tư tưởng sẵn sàng sử dụng bạo lực thì chính là chủ nghĩa phát-xít. Do vậy với tôi, Bandera vẫn là phát-xít. Nhưng cũng cần phải nhìn ngược lại cho rõ: hiện nay người ta vẫn chỉ trích Ba Lan khi xâm lược Belarus và Ukraine vào những năm 1920 – nhưng lại giấu đi những chi tiết khác. Ukraine được độc lập năm 1918, chỉ một thời gian ngắn rồi sau đó chính quyền này bị người Bolshevik tấn công, tiêu diệt. Vì vậy sau đó người Ba Lan tấn công vào Belarus và Ukraine thực chất là tấn công vào Liên Xô để đòi lại quyền lợi, ví dụ vùng đất Wolyn và Đông Galacia mà họ vẫn coi là của họ, bị chính quyền Xô-viết chiếm đoạt từ sau Cách mạng tháng Mười.

 

 

KẾT LUẬN

 

Đến đây, chúng ta có thể đóng bài này lại được rồi. Như vậy thời đó đã có ít nhất hai Hiệp ước bất tương xâm ký với Hitler, một của Ba Lan và một của Liên Xô. Câu chuyện “sẽ chỉ có thế” nếu như Liên Xô không xâm lược Ba Lan. Mặc dù sau này giới sử học Xô-viết thường biện minh là “có mục đích tạo vùng đệm đẩy biên giới ra xa” nhưng thực chất hành động này dẫn đến một sự Ô NHỤC không bao giờ có thể gột rửa được.

 

Cần khẳng định rằng, cùng với nước Đức phát-xít, Liên Xô cũng đã nổ súng mở màn cho cuộc Đại chiến thế giới, vì vậy quốc gia này KHÔNG VÔ CAN.

 

Tất nhiên, một cách công bằng và khách quan thì cần xác định NGUYÊN NHÂN của cuộc Đại chiến này có rất nhiều, nhưng nguyên nhân chính là chủ nghĩa phát-xít cầm đầu là nước Đức quốc xã, không ai nghi ngờ. Sau đó là những chính sách ỡm ờ, hèn mạt (như của Pháp) đểu giả (Anh, Liên Xô)… Cũng đã có rất nhiều cố gắng để ngăn chặn chiến tranh, như của ông Louis Barthou… nhưng vô tác dụng (một phần vì ông ấy đột tử) – tất cả các nỗ lực đã đi theo các hướng khác nhau vì lợi ích riêng của quốc gia mình, nhưng tình cờ nó kéo xu thế chung đi theo một hướng bi thảm duy nhất: chiến tranh.

 

Nhưng như tôi vừa viết, nỗi Ô NHỤC thì còn nguyên, vì Liên Xô của Stalin là nước cùng nổ súng với Đức phát-xít của Hitler.

 

Câu chuyện của ngày hôm nay là, người Ba Lan và người Ukraine đã nhận ra mục đích, mong ước chung là thoát Ng@, kẻ thù chung là chủ nghĩa sô-vanh Đại Ng@. Trong khi đó, rất nhiều người Ng@ lại không thoát ra được khỏi chủ nghĩa phát-xít mới của Putler.

 

Hãy nhìn lại mà xem, khi trên Fanpage của Sứ quán Ba Lan ai đó nhắc đến Hiệp ước bất tương xâm Molotov – Ribbentrop thì nhiều người Ng@ nhảy lên cồ cồ – cụ thể ở đây là mấy nhân viên nào đó của Sứ quán Ng@ ở Hà Nội. Họ bị chạm nọc, bị đụng vào nỗi Ô NHỤC. Xin nhắc lại trong những năm cuối đời của mình, Stalin không cho tổ chức lễ kỷ niệm Chiến thắng 9/5, vì nhiều lý do: những sai lầm của ông ta khi tin rằng Hitler sau khi chia đôi Ba Lan với ông ta, sẽ quay sang tấn công Pháp (có chuyện này) rồi đến nước Anh, nôm na là để cho Liên Xô của ông ta được yên, từ đó Liên Xô bị tấn công bất ngờ dẫn đến những tổn thất rất lớn; cái gọi là “chiến thắng” của Liên Xô, thực chất là “máu của Hồng quân” kết hợp với “thép của Mỹ”; cái giá phải trả về nhân mạng quá lớn, số lượng thương binh què quặt khắp Liên Xô là quá nhiều… Hóa ra Stalin còn liêm sỉ hơn Putler.

 

Như tôi đã viết nhiều lần: từ 2007 trở đi, Putler quay lưng lại với xu thế cộng tác với phương Tây mà dần dần trở nên đối đầu, và hắn lôi cuộc Chiến tranh Vệ quốc ra làm mồi nhử, làm khẩu hiệu kích động người Ng@ để chống phương Tây, mà hắn gọi là “chống phát-xít.” Khi đó tôi nói: thôi xong rồi, người Ng@ khổ rồi. 15 năm nữa Putler sẽ gây ra một cuộc chiến tranh.

 

Chúng ta, những người văn minh và hiểu biết sẽ không phủ nhận công lao của người lính Hồng quân Xô-viết đã đóng góp vào công cuộc tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít, nhưng chúng ta cũng cần phải công bằng với lịch sử. Cách đây gần 3 năm, nhân kỷ niệm 77 năm chiến thắng phát-xít, tôi viết tại đây:

https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/675808360173891

trong đó có câu: “Với tất cả những gì Putler đã làm trong hơn một thập kỷ qua, đỉnh cao là cuộc chiến tranh lần này, không phải ai khác chính ông ta là người có tội với thanh danh người lính Hồng quân, với máu xương của họ đã đổ xuống ướt đẫm tuyết trắng Mátxcơva, Stalingrad đến từng viên gạch thành Kyiv, đổ xuống bên bờ sông Oder và cuối cùng là từng viên đá của thành phố Berlin.”

 

Rồi Putler sẽ phải chịu sự phán xét của lịch sử vì những trò ác quỷ của mình. Còn với mấy người, những nhân viên sứ quán Ng@, tỉnh lại đi, đừng vì việc làm, miếng cơm manh áo mà đánh đổi lấy cả đạo đức của mình.

 

#Nga_xâm_lược_Ukraine

#Binh_chủng_lừa_chiến_Nga

#bưng_bô_cho_hòa_bình

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai

#Battle_of_Kursk_2024

#Slava_Ukraine

 

HÌNH :

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1305218000566254&set=pcb.1305217550566299

 

 https://www.facebook.com/photo?fbid=1305218153899572&set=pcb.1305217550566299

 

 

41 BÌNH LUẬN   

 

 

 



No comments: