“Một
người Hà Nội” của Nguyễn Khải
21/04/2025
https://baotiengdan.com/2025/04/21/mot-nguoi-ha-noi-cua-nguyen-khai/
Vụ
một cô MC đang bị lên án, đấu tố, làm tôi nhớ một truyện ngắn của Nguyễn Khải
được in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, bộ Nâng cao, truyện “Một người Hà Nội”. Với tôi, đây là truyện thuộc loại
hay nhất trong chương trình phổ thông, nhẹ bẫng mà càng ngẫm càng thấm thía.
Lưu ý là truyện được dùng dạy cho học sinh THPT, nên đừng ai chụp mũ.
Có
mấy chi tiết gợi nhớ mà tôi chú ý và muốn điểm lại, xin nhắc theo thời gian.
Một
là chuyện năm 1954, nhân vật tôi hỏi cô Hiền: “Nước được độc lập vui quá cô
nhỉ?” Cô trả lời: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm
ăn chứ?“.
Chuyện
thứ hai, là việc cô Hiền cho con đi bộ đội. Đó là đầu năm 1965, con trai đầu cô
vừa tốt nghiệp phổ thông thì tình nguyện đi bộ đội. Nhân vật tôi hỏi cô: “Cô
bằng lòng cho em đi chiến đấu chứ?” Cô trả lời: “Tao đau đớn mà bằng
lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hy sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng
là biết tự trọng“.
Ba
năm sau, người con thứ của cô lại xung phong đi bộ đội. “Tôi hỏi lại cô: “Cô
cũng đồng ý cho nó đi à?” Cô trả lời buồn bã: “Tao không khuyến khích,
cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải
chết, cũng là một cách giết chết nó“. Rồi cô chép miệng: “Tao cũng muốn
được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì
có hay hớm gì“.
Cô
Hiền “tuyên bố thẳng thừng với tôi: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể
cả chế độ“.
Chuyện
thứ ba là về người con trai cả của cô Hiền – nhân vật Dũng, mới từ chiến trường
trở về, năm 1975. Trong bữa tiệc mừng đoàn tụ do những trí thức Hà Nội tổ chức
tại nhà, “Một ông già hướng mặt về phía Dũng bảo: “Đồng chí bộ đội có chuyện
gì vui kể nghe nào?” Dũng nói: “Thưa các bác, chỉ có những chuyện không được
vui lắm”. Một bà nói: “Cứ nói, người ở xa về có quyền muốn nói gì thì nói”.
Dũng nói rằng, trong nửa năm nay anh không ngớt nghĩ về những người từ Hà Nội
ra đi cách đây đúng mười năm. Sáu trăm sáu mươi người, bây giờ còn lại khoảng
trên dưới bốn chục”.
***
Một
người Hà Nội kể về một lớp người sống có cốt cách, bất luận giàu hay nghèo, vẫn
sang trọng, lịch lãm. Họ, như cô Hiền, không đua theo phong trào, kể cả là
“phong trào yêu nước”. Cô cho con đi bộ đội vì một lý do đặc biệt mà những người
nông nổi không bao giờ có thể hiểu được: Lòng tự trọng. Cô muốn con cái mình phải
biết sống tự trọng. Và để giữ cái lòng tự trọng đó, chết cũng được.
Qua
đây, ta thấy, trong nhận thức của những người như cô Hiền, phẩm cách cá nhân là
điều quan trọng nhất, có nó người ta mới có thể “thực hiện nghĩa vụ” một cách đẹp
đẽ được. Và có nó, khi chiến thắng trở về, người ta mới không huênh hoang,
không tự ca tự mãn. Đây là lý do mà Dũng, trong ngày mừng trở về, đã nói “chỉ
có những chuyện không được vui lắm”. Anh nhớ về những người đồng đội đã hy
sinh, nhớ về một bà mẹ Hà Nội khác đã mất con… Đây cũng là lý do mà nhân vật
tôi – cũng là một anh lính trở về, trong bữa tiệc sau khi đã nói năng hùng hồn
và đầy tự mãn, chỉ nhận lại một sự “nín lặng, không một ai hỏi lại, không một
ai bình phẩm gì thêm”. Nó khiến anh ta phải tự hỏi rằng phải chăng mình “đã nói
điều gì thất thố?”.
Cái
sang trọng của “một người Hà Nội”, là sự xa lạ với lối phô trương, kiêu ngạo,
phong trào, là cái sang trọng của những con người lấy tự trọng cá nhân làm lẽ sống,
lấy sự cảm thông về niềm mất mát chung làm lời an ủi cho nhau.
Cô
Hiền nói “Xã hội nào cũng phải có một giai tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn
cho mọi giá trị”. Về người cô của mình, cuối truyện ngắn, sau những đề phòng,
những “hiểu lầm”, những nông cạn, những ấu trĩ và bầy đàn, nhân vật tôi nhận ra
rằng “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội
rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ”. Nhân vật tôi hiểu ra rằng, đó chính là một
người của “giai tầng thượng lưu”, cái giai tầng đã một thời vang bóng…
No comments:
Post a Comment