Vài hồi ức về khu dinh điền
Cái Sắn (Kỳ cuối)
Lê Nguyễn
17/11/2024
https://baotiengdan.com/2024/11/17/vai-hoi-uc-ve-khu-dinh-dien-cai-san-ky-11/
Tiếp
theo kỳ 1 — kỳ 2 — kỳ 3 — kỳ 4 — kỳ 5 — kỳ 6 — kỳ 7 — kỳ 8 — kỳ 9 và kỳ 10
(Từ
đây, với những nhân vật chỉ nhắc thoáng qua trong một thời điểm nhất định, tác
giả sẽ viết tắt tên thật của họ. Riêng với những nhân vật chính có mặt lâu dài
hay xuyên suốt loạt hồi ức, để bạn đọc dễ theo dõi và dễ nhớ, người viết sẽ ghi
đầy đủ họ tên đã được thay đổi hoàn toàn).
*
Tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu với khu dinh điền Cái Sắn
Từ
ngàn xưa, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, công khai phá của cha ông là những
nỗ lực không ngừng nghỉ, để đến thế kỷ XX, nhiều vùng trên lãnh thổ, ruộng đất
“cò bay thẳng cánh”, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề xã hội nan giải.
Trong
lúc tại miền Bắc, do kết quả sự phân chia ruộng đất trải qua nhiều thế hệ, đất
trở nên manh mún, các bờ đê phân chia những mảnh ruộng chi chít chiếm mất một
diện tích khả canh rất lớn, thì tại miền Nam, do hậu quả của chính sách thực
dân, đất đai thường rơi vào tay một thiểu số đại điền chủ sở hữu hàng ngàn ha
(hectare: mẫu Tây), với số người làm công hay thuê mướn thật lớn.
Đến
nửa sau thế kỷ XX, nhu cầu tái phân của cải trong cộng đồng dân tộc, tiêu biểu
là ruộng đất, trở nên cấp thiết và được các chính quyền kế tiếp nhau tại hai miền
Nam-Bắc thực hiện. Cuộc cải cách ruộng đất (CCRĐ) tại miền Bắc vào những năm đầu
thập niên 1950 mang màu sắc cực đoan, dư âm còn vang vọng đến bây giờ.
Ở
miền Nam, chính sách này được áp dụng một cách mềm dẽo hơn. Dưới chính quyền
Ngô Đình Diệm, dụ số 57 ngày 22.10.1956 là văn kiện căn bản về CCRĐ, theo đó, “Mỗi
điền chủ chỉ được quyền giữ tối đa 100 ha ruộng, trong số nầy 30 ha được phép
trực canh, còn 70 ha phải cho tá điền thuê theo đúng quy chế tá canh. Ðiền chủ
bị truất hữu được chính phủ bồi thuờng thiệt hại: 10% trị giá ruộng đất bị truất
hữu đuợc trả ngay bằng tiền mặt, phần còn lại được trả bằng trái phiếu trong thời
hạn 12 năm, với lãi suất là 3% mỗi năm. Ruộng bị truất hữu được bán lại cho các
tá điền, mỗi gia đình được quyền mua lại tối đa 5 ha và phải trả cho nhà nước
trong vòng 12 năm. Giá tiền bán bằng với giá chính phủ trả cho chủ điền...”
(theo trang Sài Gòn Trong Tim Tôi, trích bài viết của Nguyễn Quang Duy (Úc –
25.9.2014), có tham khảo tác phẩm Chánh sách Ruộng Đất ở Việt Nam 1954-1995 của
Lâm Thanh Liêm –NXB Đường Mới, Paris 1996).
Trong
nền Đệ nhị Cộng hòa, tháng 3.1970, Quốc Hội VNCH thông qua đạo luật Người Cày
Có Ruộng (NCCR), được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành ngày 26.3.1970,
theo đó, “mỗi tá điền được phát 3 ha ở Nam phần hay 1 ha ở Trung phần. Điền chủ
trực canh được giữ lại tối đa 15 ha. Đất truất hữu được trả 20% bằng hiện kim
và 80% bằng công khố phiếu với 10% lãi trong tám năm. Giá trị của đất ruộng quy
định là 2,5 lần giá năng suất thóc (hay lợi tức) từ khoảnh đất đó. Trong vòng 3
năm, 1970-1973, đã có 51.704 điền chủ bị truất hữu tổng số ruộng là 770.105 mẫu”
(Sài Gòn trong tim tôi – TLĐD).
Các
quy định hợp tình, hợp lý của luật Người cày Có ruộng đã không vấp phải phản ứng
đáng kể nào của giới điền chủ.
Một
buổi sáng, khoảng tháng 6.1970, Ban Viễn thông Quận đến báo là Phó Tỉnh trưởng
LVH cần nói chuyện với Phó Quận trưởng Kiên Tân qua hệ thống máy của ngành viễn
thông (thuộc Bộ Nội Vụ). Vào thời điểm đó, hệ thống điện thoại hữu tuyến chưa
xuống đến cấp quận, mọi liên lạc phải nhờ ở ngành vô tuyến viễn thông.
Mình
xuống Ban viễn thông thì nghe tiếng của ông Phó Tỉnh trưởng:
–
Chỗ của anh có nơi nào chứa được nhiều người không?
–
Khoảng bao nhiêu người, ông Phó?
–
Khoảng vài trăm đến cả ngàn người!
–
Hồi ông (Nguyễn Cao) Kỳ xuống cách nay mấy năm thì mượn Đài Đức Mẹ của cha Hạnh
làm nơi hành lễ.
–
Lần này cũng sêm sêm như vậy!
Câu
chuyện tạm kết thúc ở đó, song mọi người nhanh chóng nhận biết tin Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu sẽ xuống tỉnh Kiên Giang cấp phát chứng khoán NCCR cho một số
nông dân tiêu biểu, và khu định cư Cái Sắn chính là nơi phù hợp nhất cho cuộc lễ
này.
Cha
Hạnh (tên đã được đổi khác) là chủ nhân của một khu đất rộng lớn nằm sát cạnh
liên tỉnh lộ, chỉ cách quận lỵ Kiên Tân 1-2 trăm mét. Nhà thờ của cha nằm sâu
bên trong, bên ngoài là pho tượng Đức Mẹ to lớn, có bệ cao, nên gọi là Đài Đức
Mẹ. Đài ở giữa một khu đất rất rộng, đủ chỗ chứa hàng ngàn người dự lễ. Khi được
chính quyền quận ngỏ ý mượn Đài Đức Mẹ để tổ chức lễ, cha Hạnh vui vẻ nhận lời.
Sáng
hôm ấy, Trung tá Tô Văn Vân, Tỉnh trưởng Kiên Giang, đi xe từ tỉnh lỵ xuống thẳng
Đài Đức Mẹ, nơi dự định tổ chức lễ cấp phát chứng khoán NCCR cho dân do Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu đích thân chủ tọa. Tất nhiên, Quận trưởng, Phó Quận trưởng đã
đến diện kiến ông Tỉnh trưởng tại đây để nhận lệnh. Khoảng 15-20 phút sau, đã
nghe tiếng máy bay trực thăng quần đảo trên bầu trời rồi từ từ đáp xuống Đài Đức
Mẹ. Từ trên máy bay bước xuống là một quân nhân với bộ quân phục thẳng thớm,
mang kính trắng, trên chiếc mũ lưỡi trai và hai ve áo có hai ngôi sao trắng lấp
lánh. Ông cặp trong nách một cây can (gậy) chỉ huy.
Đó
là Thiếu tướng NVN, Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh, thuộc Quân đoàn 4, con rể của
đôi vợ chồng nhà báo nổi tiếng tại miền Nam từ thập niên 1930. Hình như trong
suốt buổi tiếp xúc tại khoảng trống bao la của Đài Đức Mẹ, không ai thấy vị tướng
này cười! Ông say sưa chỉ đạo cho Trung tá Vân, tay vung can chỉ chỗ này, chỗ
kia trong Đài Đức Mẹ.
Khi
viên tướng vừa đến thì chủ nhân của Đài Đức Mẹ là cha Hạnh, trong bộ áo chùng
đen còn tươi mới, đã vội vã ra chào. Tướng N. nhìn cha bằng một con mắt ơ hờ!
Trong
sự bàn bạc sôi nổi giữa viên tướng và ông Tỉnh trưởng, có lần cha H đứng gần đó
đã góp một vài ý về cuộc hành lễ, song lạ lùng thay, ông tướng có vẻ như không
hề để tâm chút nào đến lời đóng góp của vị chủ nhân Đài Đức Mẹ, tiếp tục chỉ đạo
này nọ cho Trung tá Vân. Lúc ấy, anh Phó Quận trưởng trẻ tuổi cũng đứng không
xa nhóm người này, cảm thấy khá ngạc nhiên về cung cách hành xử của vị tướng,
và nhanh chóng nhìn thấy nét mặt sa sầm của cha Hạnh. Đó là phản ứng khó tránh
của cảm giác bị tổn thương.
Khi
câu chuyện bàn bạc kết thúc, cũng không thèm để ý gì đến vị linh mục chủ nhân
Đài Đức Mẹ còn đứng đó, viên tướng hối hả lên trực thăng bay vào kinh 1, vào
nơi ở của cha Phúc. Có lẽ ông ta được lệnh của Tư lệnh Vùng vào đó để duyệt xem
địa điểm có thể là nơi Tổng thống Thiệu dùng cơm trưa sau khi buổi cấp phát chứng
khoán NCCR đã kết thúc. Trực thăng không có nhiều chỗ, chỉ mỗi ông Tỉnh trưởng
được tháp tùng, ông Quận trưởng Huỳnh Đầm Sắn cùng gã Phó Quận đứng lơ ngơ tại
chỗ.
Và
như một điều dễ dàng tiên đoán được, gương mặt vui vẻ, hiền lành ngày nào của
cha Hạnh bỗng nhiên thay đổi hẳn. Ông cũng không bận tâm đến việc giữ ý với hai
viên chức cầm đầu chính quyền quận mà ông vẫn luôn tỏ ra lịch sự. Ông nhìn thẳng
vào hai chúng tôi, phán một câu chắc nịch:
–
Từ ngày mai, tôi sẽ đóng cửa Đài Đức Mẹ, không ai được vào đây cả!
Trong
tình thế đó, kéo dài thêm câu chuyện sẽ trở nên lạc lõng và vô ích. Biết vậy,
ông Quận Sắn và tôi nói vài ba câu chẳng ăn nhập vào đâu hết để có cớ rút lui,
về tìm phương cách chữa cháy. Tất nhiên, cách hay nhất là ông Quận gọi điện
ngay cho ông Tỉnh trưởng, báo cáo lại tình hình nan giải đang gặp phải.
Không
biết ông Tỉnh trưởng Kiên Giang, Trung tá TVV, đã thuyết phục cha Hạnh, chủ
nhân Đài Đức Mẹ như thế nào mà mấy ngày sau, cơn giận của cha đã nguôi, mọi việc
được tiến hành suôn sẻ như đã dự tính.
Ngày
26.6 năm 1970, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã đến Đài Đức Mẹ tại quận Kiên
Tân chủ tọa lễ cấp phát chứng khoán NCCR cho một số nông dân tiêu biểu tại khu
dinh điền Cái Sắn, trong một không khí nồng nhiệt và trật tự. Xong buổi lễ, ông
muốn lên trực thăng về ngay, song cha Phúc nằn nì ông vào kinh 1 dự bữa tiệc đã
chuẩn bị sẵn nên ông đã trì hoãn chuyến trở về Sài Gòn để thỏa mãn lời yêu cầu
của cha.
Sau
chuyện chứng khoán NCCR không lâu, một vụ rắc rối khác xuất hiện. Ai đó đã gửi
hồ sơ lên Tòa án quân sự, tố cáo những việc đã làm của Thiếu tá Phạm Văn Huynh,
cựu Quận trưởng Kiên Tân, người tiền nhiệm của Đại úy Huỳnh Đầm Sắn. Có lẽ nội
dung tố cáo tương tự với những gì mình đã kể ở bài trước, những chi tiết góp phần
đưa ông Huynh ra khỏi quận Kiên Tân trong 24 tiếng đồng hồ.
Cơ
quan thụ lý vụ việc trên là Đại đội Quân cảnh tư pháp (QCTP) Vùng 4 chiến thuật,
trụ sở đặt tại Long Xuyên (An Giang). Thời đó tại mỗi Tỉnh/ Tiểu khu chỉ có một
Tiểu đội QCTP, cấp Đại đội thụ lý các vấn đề hình sự liên quan đến quân nhân
trong phạm vi một vùng. Tất cả những viên chức xã liên quan đến việc nộp tiền
cho Quận chi tiêu, cấp phát trích lục hộ tịch không ra biên lai để trừ nợ quận,
và nhiều người khác, trong đo có tôi, đều được mời đến Long Xuyên để lập biên bản
khai trình.
Chuyện
không có gì trầm trọng, song nó cũng làm cho mình cảm thấy khó chịu. Thêm một
chuyện, đó là mối quan hệ giữa các anh em cùng xuất thân từ một trường đào tạo
công chức (HVQGHC), đang làm việc chung với nhau tại một địa phương, cũng có những
điều không mang lại sự thoải mái cho nhau.
Một
buổi sáng, trong đống công văn Quận nhận được, tôi đọc thấy một công điện, nội
dung đại khái như sau: “Hân hạnh thông báo quý quận, Thủ tướng chánh phủ sẽ ban
hành sắc lệnh thiết lập chức vụ Phụ tá Hành chánh tại Cơ sở Hành chánh Côn Sơn,
Bộ Nội Vụ cần một công chức ngạch Đốc sự tình nguyện ra Côn Sơn giữ chức vụ
đó”.
Sau
khi suy nghĩ khoảng 15 phút, tôi tự tay thảo công điện trả lời: “TTKT (trân trọng
kính trình) quý tỉnh: Ông LVC, Phó Quận trưởng Kiên Tân, tình nguyện ra Côn Sơn
để giữ chức vụ Phụ tá Hành chánh tại đây”.
Nhận
được công điện, bạn Nguyễn Minh Bạch, Chánh văn phòng Tòa HC tỉnh nhắn vào:
“Mày có chuyện gì buồn, cho anh em biết để giải quyết, sao lại tình nguyện ra
Côn Sơn?”.
Trả
lời: Chuyện đó nói sau, cứ báo về Bội Nội Vụ cho tao!
Hai
ngày sau, còn xách xe ra tỉnh để “kiểm tra” xem Bạch đã gửi công điện về Bộ
chưa. Về sau mới biết rằng, từ thông báo của Bộ Nội Vụ gửi đi các tỉnh, có đến
hàng chục người tình nguyện ra Côn Sơn, song không rõ do những tiêu chuẩn nào
mà mình lại được chọn. Âu cũng là số mệnh!
Qua
năm sau (1971), ông Quận Sắn còn tiếp tục ở lại Kiên Tân, có nhắn ra Côn Đảo,
cho biết là Tòa án quân sự có giấy triệu tập mình ra trước một phiên xử với tư
cách nhân chứng, song chính quyền quận và tỉnh đã trả lời rằng “đương sự đã rời
khỏi tỉnh từ năm 1970”, nên họ vẫn tiến hành phiên xét xử. Nghe đâu, với bị cáo
chính là Thiếu tá Huynh, cũng chỉ là một bản án tù treo hay mấy mươi ngày trọng
cấm gì đó.
Riêng
về cha Phúc, nhân vật quan trọng trong hồi ức này, thì sau tháng 4.1975, ông bị
bắt và giam tại trại giam tỉnh, chung với ông Tỉnh trưởng Kiên Giang là Trung
tá VVT, nhiều Quận trưởng, sĩ quan, viên chức trong tỉnh. Không lâu sau, ông bị
đưa về Sài Gòn, giam tại trại Chí Hòa. Ông mất một thời gian ngắn khoảng cuối
thập niên 1970, sau khi được thả về.
Với
tác giả loạt bài viết này, sau hai năm ở một nơi mà người dân có hai đồng thì một
đồng mua giấy làm đơn, mình lại kéo dài thêm thời tuổi trẻ ở Côn Đảo, một nơi
mà sau 1975, nhiều cây bút gọi là “địa ngục trần gian”. Hồi ức về cái “địa ngục”
đó cũng đã được mình kể lại với sự trung thực cần thiết của một nhân chứng,
trong loạt bài 7 kỳ, chắc nhiều bạn đọc đã xem qua, nay cũng xin nhắc lại bằng
các đường link dưới đây để ai chưa đọc, xin mời đọc, ai đã đọc lâu rồi, nay đọc
lại, cũng… chẳng sao!
HỒI
ỨC VỀ CÔN ĐẢO (1971-1972):
KÝ ỨC VỤN VỀ CHUYỆN TÙ CÔN ĐẢO
NHỮNG NĂM 1970-1972
1) https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1395203207244318
2) https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1406752342756071
3) https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1412387832192522
4) https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1417992944965344
5) https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1423377494426889
6) https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1429196100511695
7) https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1434477579983547
No comments:
Post a Comment