Thursday, September 26, 2024

NGA XOAY TRỤC SANG CHÂU Á ĐỂ THÁCH THỨC HOA KỲ? (Chi Phương / RFI)

 



Nga xoay trục sang Châu Á để thách thức Hoa Kỳ ?

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 25/09/2024 - 14:05Sửa đổi ngày: 25/09/2024 - 15:42

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240925-nga-xoay-tr%E1%BB%A5c-sang-ch%C3%A2u-%C3%A1-%C4%91%E1%BB%83-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-hoa-k%E1%BB%B3

 

Từ mùa hè năm 2024 đến nay, tổng thống Nga đã đến thăm ít nhất 3 quốc gia châu Á (Mông Cổ, Việt Nam, Bắc Triều Tiên). Điện Kremlin cũng tăng cường hợp tác với Trung Quốc, hỗ trợ các nước bị phương Tây cô lập như Afghanistan và Miến Điện. Trang Asialyst đặt câu hỏi, Putin sẽ đi xa tới đâu ở châu Á, để gây hại cho Mỹ ?

 

HÌNH :

Hình tư liệu minh họa: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (T) đón tổng thống Nga Vladimir Putin tại sân bay quốc tế Sunan, Bình Nhưỡng, ngày 19/06/2024. AP - Gavriil Grigorov

 

« Xoay trục sang phương Đông » vốn là chiến lược của Vladimir Putin trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi 2012, và ngày càng được tăng cường khi Nga bị phương Tây cô lập. 

 

Hồi đầu tháng 09/2024, bất chấp lệnh truy nã vì tội ác chiến tranh ở Ukraina từ Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI), tổng thống Nga Vladimir Putin đã công du Mông Cổ, thành viên của Quy chế Roma. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ulaanbaatar, coi Nga là một đối tác kinh tế lớn, trải thảm đỏ tiếp đón ông Putin, phớt lờ lời kêu gọi từ quốc tế và từ CPI - vốn yêu cầu các nước thành viên tuân thủ lệnh bắt giữ, được phát đi từ cuối năm 2023.

 

 

Quan hệ Nga - Bắc Triều Tiên, hợp tác vì tình thế ?

 

Tháng Sáu vừa qua, chủ nhân của điện Kremlin cũng được tiếp đón nồng nhiệt tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. Nga và quốc gia Bắc Á ngày càng tăng cường quan hệ hợp tác, đặc biệt là lĩnh vực quân sự. Hai bên đã ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược, trong đó bao gồm một điều khoản phòng thủ chung : hai bên chấp nhận giúp đỡ nhau đẩy lui một cuộc xâm hấn từ bên ngoài. Hợp tác giữa Maxcơva và Bình Nhưỡng, bị cộng đồng quốc tế lên án là kiểu  “hợp tác vì tình thế”, nhưng theo nhà nghiên cứ Arnaud Dubien, thắt chặt quan hệ với Bình Nhưỡng là cần thiết, là một cơ hội và là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

 

Ông giải thích trên Asialyst “Quân đội Nga hiện đang tham gia vào cuộc chiến tiêu hao ở Ukraina, cần đạn dược và vũ khí, bao gồm cả tên lửa tầm xa và pháo binh. Bình Nhưỡng đã giao hàng cho Matxơva, chúng tôi không biết số lượng và cũng không biết liệu việc giao hàng có tiếp tục hay không. Mặt khác, việc gửi lính BắcTriều Tiên đến Donbass tham chiến hỗ trợ Nga, không phải là một giả thuyết nghiêm túc. Thay vào đó, giả thuyết khả thi hơn là việc Bình Nhưỡng đưa nhân công sang tham gia tái thiết “các vùng lãnh thổ mới” của Nga.

 

Ngoài ra, xích lại gần Bình Nhưỡng cũng giúp điện Kremlin gửi đi một tín hiệu tới Seoul, Tokyo cũng như cả Bắc Kinh, đều bị ngạc nhiên bởi sự thắt chặt quan hệ này. Vấn đề đáng nói là Nga sẽ đáp trả Bắc Triều Tiên như thế nào. Hai bên cũng đã thảo luận về việc cung cấp nông sản, báo chí phương Tây cũng nhắc đến việc cung cấp công nghệ vũ trụ. Để thắt chặt quan hệ với Bình Nhưỡng, «Matxcơva đã không ngần ngại coi thường các trừng phạt » mà nước này đã biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc, chống lại Bắc Triều Tiên.

 

 

Liên hệ « không chính thức » với Afghanistan

 

Đối với Afghanistan, một quốc gia khác cũng đang bị cô lập, sau khi lực lượng Taliban tái chiếm thủ đô Kabul vào mùa hè năm 2021. Mặc dù tổ chức này vẫn bị Nga coi là khủng bố, nhưng điều này không ngăn cản điện Kremlin có những liên hệ ngoại giao, kinh tế với chính quyền Taliban. Cụ thể, một tháng trước khi chiếm lại Kabul, theo AP, Taliban đã cử một phái đoàn đến Nga, để trấn an Matxcơva rằng chiến thắng của mình không đe dọa Nga hay các đồng minh của Nga ở Trung Á.

 

Hồi tháng Sáu vừa qua, Nga đã mời Taliban đến tham dự diễn đàn kinh tế thường niên St Petersburg. Nga cũng là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Taliban vào năm 2022, khi bộ Ngoại Giao Nga, công nhận nhà ngoại giao của chính quyền Taliban, Jamal Nasir Gharwal làm đại diện ngoại giao của Afghanistan tại Matxcơva.

 

Nhà nghiên cứu Arnaud Dubien, giám đốc Viện quan sát Pháp – Nga, trả lời trang Asialyst, nhắc lại mối quan hệ khá phức tạp giữa điện Kremlin và Taliban.

 

“Vào năm 1997, Nga đã ủng hộ Liên minh Bắc Đại Tây Dương, đứng về phía Iran và Ấn Độ. Putin đã ủng hộ Mỹ về mặt chính trị, với hỗ trợ mang tính biểu tượng sau vụ tấn công khủng bố 11/09/2001. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ rút quân đã thay đổi tình hình. Điện Kremlin đánh giá là chế độ Kabul hiện nay không có khuynh hướng bành trướng ở Trung Á và cũng không có ý định làm mất ổn định đường biên giới của Liên Xô cũ”.

 

Taliban bị Nga đưa vào danh sách khủng bố từ năm 2003, vì cho rằng lực lượng Hồi giáo này duy trì mối quan hệ với các nhóm có vũ trang bất hợp pháp ở Tchétchénie và có ý định giành chính quyền ở Uzbekistan, Tajikistan and Kyrgyzstan. Tuy nhiên, theo nguồn tin được Reuters trích dẫn, chính quyền Nga đang xem xét loại bỏ “mác” khủng bố cho Taliban, tiến tới chính thức công nhận chính phủ hiện tại của Taliban.

 

Trong bài phân tích trên The Conversation, nhà nghiên cứu Intigam Mamedov, tại  Northumbria University, Anh Quốc, cho rằng Nga được hưởng lợi từ việc thiết lập quan hệ với Taliban, “thể hiện mình là nhà cung cấp an ninh cho khu vực, đặc biệt là khi so sánh thất bại của Hoa Kỳ, trong việc tạo ra sự ổn định ở Afghanistan”.

 

Điện Kremlin cũng quan ngại về sự ổn định trong khu vực, đặc biệt là nạn buôn ma túy và các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, đặc biệt là sau vụ tấn công của Nhà nước Hồi giáo vào nhà hát ở thủ đô Matxcơva

 

 

Miến Điện : mục tiêu hấp dẫn của Nga

 

Đối với các nước khu vực Đông Nam Á, không thể không nhắc đến sự ủng hộ của điện Kremlin dành cho Miến Điện. Ba năm sau khi đảo chính, lật đổ chính phủ dân sự, quân đội Miến Điện do tướng Min Aung Hlaing đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, chế ngự các lực lượng đối lập, có vũ trang tại nước này. Quân đội Miến Điện, không được phương Tây công nhận và chỉ có thể trông cậy vào trợ giúp từ Trung Quốc và Nga. Matxcơva cũng là nhà cung cấp vũ khí chính cho nước này. Vậy quan hệ Miến Điện – Nga có lợi gì cho điện Kremlin ?

 

Nhà nghiên cứu Arnaud Dubien cho rằng không nên xem thường mối quan hệ này, vì xuất phát từ chủ nghĩa cơ hội thuần túy. Miện Điện hiện suy yếu, bị phương Tây tẩy chay, và chắc chắn muốn nới lỏng sự kìm kẹp của Trung Quốc. Đây là mục tiêu hấp dẫn đối với Nga, khi đang tìm kiếm các đối tác mới. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nhiều.

 

Ngoài biểu quyết ủng hộ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc, vài chuyến chuyển giao vũ khí, hoặc các cơ sở vật chất cho các dịch vụ Nga tại Miến Điện, có thể hai bên sẽ hợp tác về nông nghiệp và du lịch, nhưng khoảng cách xa là một trở ngại không nhỏ. Hiện hai bên vẫn chưa mở đường bay thẳng. 

 

 

Cẩn trọng tại Biển Đông

 

Ngoài ra, trong khu vực này, căng thẳng tại Biển Đông và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc cũng được Nga quan tâm khi Mỹ tích cực hỗ trợ Philippines để giành lại quyền kiểm soát tại một số bãi cạn tại vùng biển này. Nga-Trung đã thực hiện các cuộc diễn tập quân sự chung vào giữa tháng Bảy tại khu vực này. 

 

Kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Nga cũng đã thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, hai lãnh đạo gọi nhau là những người bạn thân thiết. Bắc Kinh cũng thường xuyên bị phương Tây lên án là ngấm ngầm hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraina.

 

Quan hệ của Nga và Trung Quốc, dù có một số cạnh tranh nhất định, nhưng lại có chung mục tiêu là chống lại « nền dân chủ giả tạo » của phương Tây, chống lại trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, ủng hộ thế giới đa cực.

 

Hồi tháng Sáu vừa qua, tổng thống Nga đã đến thăm Hà Nội, một đồng minh lâu đời của Matxcơva, cũng có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.

 

Đọc thêm : Việt Nam không ngại bị chỉ trích khi đón tổng thống Putin bị CPI truy nã vì "tội ác chiến tranh"

 

Theo nhà nghiên cứu Dubien, mối quan tâm trên hết của Nga tại khu vực phức tạp và nhiều biến động này, là muốn gửi đi một thông điệp tới Hoa Kỳ : « Hãy nhìn xem, chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraina có thể dẫn tới việc tạo ra một liên minh thực tế với Bắc Kinh, có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho Mỹ ở châu Á ». Thế nhưng, cho đến nay, Nga vẫn cẩn trọng, tránh  để mình bị lôi kéo vào các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, đặc biệt vì lo ngại ảnh hưởng tới các đồng minh hữu hảo, ví dụ như Việt Nam.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

Tạp chí Kinh tế

Khí đốt, lá chủ bài để Ukraina mặc cả với Nga ?

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - NGA

Chiến tranh Ukraina : Drone " búp bê Nga", quân bài chủ mới của Matxcơva

 

PHÂN TÍCH

Châu Á trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Nga

 







No comments: