Monday, September 23, 2024

GẦN MỘT TRĂM HỌC GIẢ, NHÀ BÁO QUỐC TẾ PHẢN ĐỐI CỘNG SẢN VIỆT NAM CẦM TÙ HUY ĐỨC (Người Việt Online)

 



Gần 100 học giả, nhà báo quốc tế phản đối CSVN cầm tù Huy Đức

Người Việt Online

September 22, 2024 : 6:14 PM

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/gan-100-hoc-gia-nha-bao-quoc-te-ky-thu-phan-doi-cam-tu-huy-duc/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Gần bốn tháng sau khi nhà báo Huy Đức bị công an bắt giữ, 91 học giả, nhà báo, nhà nghiên cứu, viên chức ngoại giao quốc tế cùng ký vào thư ngỏ gửi “tam trụ” CSVN để phản đối việc tiếp tục cầm tù tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc.”

 

Ông Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, bị Bộ Công An Việt Nam bắt giữ âm thầm với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” trong lúc ông đang trên đường đến dự một sự kiện diễn ra ở Hà Nội vào ngày 1 Tháng Sáu, 2024.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/09/Duy-Duc-NV-1536x1024.jpg

Nhà báo Huy Đức, hình chụp ngày 10 Tháng Tư, 2021. (Hình: STR/AFP via Getty Images)

 

Phải một tuần sau đó, các báo trong nước mới được đưa tin về vụ bắt giữ.

 

Theo văn bản lan truyền trên mạng xã hội hôm 22 Tháng Chín, ngoài gửi lãnh đạo Việt Nam, bức thư ngỏ nêu trên còn gửi đến một số báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình trạng người bảo vệ nhân quyền, về quyền tự do ngôn luận, về giam giữ tùy tiện.

 

Trong danh sách những người ký tên vào thư ngỏ có những nhân vật quen tên như nhà văn Phạm Thị Hoài, nhà báo Bùi Văn Phú, Giáo Sư Hồ Tài Huệ Tâm (Đại Học Harvard), nhà báo Katrin Bennhold (báo New York Times)…

 

Những người này quyết định lên tiếng là vì ông Huy Đức “ngoài công việc học thuật và báo chí, còn rất được ngưỡng mộ vì các hoạt động bảo vệ môi trường và nỗ lực cổ vũ hòa giải sau chiến tranh Việt Nam.”

 

Thư ngỏ viết: “…Nhiều người phỏng đoán rằng ông [Huy Đức] bị bắt vì những bình luận ông đăng tải trên các mạng xã hội về đường hướng chính trị của Việt Nam. Song Hiến Pháp Việt Nam quy định rõ ràng rằng công dân có quyền khiếu nại, tố cáo các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền. Hiến Pháp cũng bảo đảm rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí (Điều 25). Vì đây chính là những quyền ông Huy Đức đã thực thi, do đó lẽ ra ông không nên bị bắt hoặc bị giam giữ.”

 

Những người ký tên vào văn bản nêu trên bình luận rằng việc ông Huy Đức tiếp tục bị tạm giam “là điều sai trái.”

 

“Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam tuân thủ những điều khoản của Hiến Pháp Việt Nam và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, và trả tự do cho ông Huy Đức ngay lập tức,” thư ngỏ viết thêm.

 

Ngoài ông Huy Đức, thư ngỏ cũng yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam “chấm dứt các hành động sách nhiễu, đe dọa hoặc ngược đãi dưới mọi hình thức những người phát biểu ý kiến và thể hiện quan điểm một cách ôn hòa.”

 

Hồi đầu Tháng Sáu, hai tờ báo hàng đầu của Mỹ là New York Times và Washington Post đồng loạt đưa tin về vụ bắt giữ ông Huy Đức.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/09/VN-Thu-ngo-vu-Huy-Duc-2.jpg

Hình ảnh được cho là chụp lúc nhà báo Huy Đức bị ép lên xe của an ninh, ngày 1 Tháng Sáu. (Hình: Chụp qua màn hình)

 

Báo New York Times nhấn mạnh: “Theo các nhóm nhân quyền, cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ nhắm vào ông Trương Huy San, tức Huy Đức, thường được nhà cầm quyền CSVN sử dụng để chống lại những người chỉ trích chính quyền.”

 

Cùng thời điểm, bản tin của Washington Post cho biết, tội danh mà ông Huy Đức bị áp đặt có thể khiến ông bị kết án từ hai đến bảy năm tù khi hầu tòa.

 

Bản tin trích dẫn thông cáo của The 88 Project, nhóm giám sát nhân quyền ở Việt Nam, cho biết vụ bắt giữ nhà báo Huy Đức “thể hiện một cuộc tấn công đáng báo động vào quyền tự do báo chí và là vụ mới nhất trong một cuộc đàn áp đang diễn ra nhằm vào các nhà cải cách.”

 

Nhóm nêu trên kêu gọi Washington trừng phạt Hà Nội vì đàn áp các nhà báo tự do như ông Huy Đức cũng như những người bất đồng chính kiến khác. (N.H.K) [kn]






No comments: