Monday, July 1, 2024

CÀ PHÊ VIỆT NAM : GIẢI PHÁP VƯỢT QUA "HÀNG RÀO" EUDR (Báo Tia Sáng)

 



Cà phê Việt Nam: Giải pháp vượt qua “hàng rào” EUDR    

Báo Tia Sáng 

30/06/2024

https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/ca-phe-viet-nam-giai-phap-vuot-qua-hang-rao-eudr/

 

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) đang đặt ra thách thức chưa từng có với Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới nhưng lại chủ yếu dựa vào hộ canh tác nhỏ.


Vậy giải pháp nào phù hợp khi chỉ còn vỏn vẹn bảy tháng nữa là Việt Nam phải tuân thủ EUDR?

 

                                                               *

“Hàng rào” mới cho cà phê vào EU

 

Kể từ ngày 30/12/2024, một số mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) đứng trước một “hàng rào” mới – Quy định chống phá rừng (The European Union Deforestation Regulation – EUDR) của EU. Quy định này yêu cầu các cá nhân, các tổ chức (operators) và các thương nhân (traders) xuất nhập khẩu nông sản phải thẩm định sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng hay không (các nghiên cứu khoa học mới nhất và báo cáo của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) cho biết, 90 – 99% diện tích rừng bị phá vì lý do mở rộng canh tác nông nghiệp1). Các loại nông sản gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ các hàng hóa trên (ví dụ socola, đồ nội thất, lốp/vỏ xe, các sản phẩm in ấn…) sẽ phải tuân thủ quy định, vì những mặt hàng này là động lực chính cho việc mở rộng đất nông nghiệp.

 

Với các doanh nghiệp đã dần quen thuộc với các khái niệm về xu hướng tiêu dùng xanh và các quy định sản xuất bền vững thì việc làm quen với EUDR và dấn thêm một bước nữa là tuân thủ nó không quá phức tạp. Tuy nhiên, việc EUDR nhắm tới thẩm định nguồn gốc các loại cây trồng như ca cao và cà phê – chủ yếu do các nông hộ canh tác nhỏ vốn sản xuất manh mún, chưa quen thuộc với các quy định chặt chẽ sẽ là thách thức chưa từng thấy với ngành nông nghiệp. Chưa kể, quy định sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhưng hiện nay, trên các diện tích đó, các loại cây trồng đã được canh tác và cho thu hoạch, khiến thời gian thực hiện các giải pháp rất ngắn.  

 

https://media-sgn.tiasang.com.vn/tiasang-media/2024/06/Cafe-EUDR-a1-Copy-1170x700.jpg

Thu hoạch cà phê ở Gia Lai. Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/ Shutterstock.

 

Đối với ngành cà phê, yêu cầu tuân thủ EUDR có ý nghĩa sống còn, vì Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và hiện khoảng 60% cà phê của Việt Nam xuất khẩu vào EU2.

 

Việt Nam vẫn được ghi nhận là một trong những nước sản xuất cà phê bền vững hàng đầu thế giới3, nhưng giờ đây chứng nhận sản xuất bền vững như vậy vẫn còn chưa đủ, EUDR còn đặt ra nhiều yêu cầu hơn. Để truy xuất, thẩm định được nguồn gốc cà phê xuất khẩu đi EU, trước tiên các nông hộ cần phải lập bản đồ ranh giới mảnh đất của mình. Việc lập bản đồ này đòi hỏi phải thu thập dữ liệu GPS cho từng vườn và sau đó đối chiếu dữ liệu GPS với các bản đồ mô tả độ che phủ rừng tính đến ngày 31/12/2020 để chứng minh cà phê không canh tác trên khoảnh đất bị phá rừng kể từ năm 2020. Ngoài tọa độ GPS (hoặc điểm đo đa giác, đối với diện tích canh tác lớn hơn 4 ha), mỗi container cà phê xuất vào EU đều phải có thông tin truy xuất nguồn gốc chứng minh rằng toàn bộ cà phê trong lô hàng đó không canh tác trên đất bị chặt phá rừng. Sau đó, cần phải đánh giá bổ sung các rủi ro tại quốc gia sản xuất cà phê và giảm thiểu rủi ro khi có nghi ngờ về việc tuân thủ EUDR của lô sản phẩm, trừ khi EU chỉ định quốc gia xuất xứ là “rủi ro thấp”.

 

Hiện nay, ngành công nghiệp cà phê toàn cầu đang chuẩn bị hoàn thiện hệ thống minh bạch xuất xứ và truy xuất nguồn gốc; tuy nhiên, hướng dẫn kỹ thuật về cách thực hiện Quy định EUDR vẫn còn đang được thảo luận tại Ủy ban châu Âu. Để tiếp tục tham gia vào thị trường cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam buộc phải đáp ứng được các yêu cầu lẫn quy trình truy xuất, xác minh này. Điều đó có nghĩa là, cà phê Việt Nam cần phải thu thập dữ liệu trên diện rộng, một hoạt động làm gia tăng chi phí đáng kể cho ngành cà phê.

 

Một điểm chung lớn nhất cho chuỗi hoạt động buôn bán cà phê là không ai trong số các thương lái số hóa hồ sơ mua bán và thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc.

 

Liệu ngành cà phê có thể đáp ứng được những yêu cầu này?

 

 

Nút thắt nông hộ nhỏ

 

Chúng ta phải quay trở lại đặc điểm rất phức tạp của chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam. Đặc trưng của canh tác cà phê ở Việt Nam là phụ thuộc vào các nông hộ nhỏ, với quy mô trang trại cà phê trung bình chỉ khoảng 1 ha, năng suất 2,5 tấn/ha5. Do đó, để cà phê tới được thị trường, các thương lái trung gian đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cà phê, với hơn 90% nông dân chọn bán cà phê cho thương lái. Ở Việt Nam có khoảng 3.000 thương lái trung gian, trung bình mỗi thương lái mua khoảng 30.000 tấn cà phê6. Mỗi nông dân có thể bán cho nhiều trung gian và ngược lại, một trung gian có thể mua cà phê từ hàng nghìn nông dân. Có một điểm chung lớn nhất cho chuỗi hoạt động buôn bán này là không ai trong số các thương lái số hóa hồ sơ mua bán và thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc.

 

Việc thiếu các công cụ theo dõi đặt ra thách thức cho việc truy xuất nguồn gốc. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thuộc top đầu thế giới với sản lượng lên tới 1,6-1,8 triệu tấn mỗi niên vụ gần đây, nhưng sản lượng này chủ yếu của các nông hộ nhỏ, với 95% trang trại cà phê là của các nông hộ nhỏ – hiện nay có khoảng 640.000 trang trại nhỏ7.

 

Làm thế nào để tất cả hơn sáu trăm nghìn nông hộ trồng cà phê trên khắp Việt Nam hiểu về truy xuất nguồn gốc, về định vị GPS chỉ trong vòng chưa đầy bảy tháng nữa?

 

May mắn là gần 1/3 trang trại cà phê Việt Nam đã được cấp chứng nhận sản xuất cà phê bền vững (theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)8, nghĩa là đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững. Tuy nhiên, ngay cả với các trang trại đã được cấp chứng nhận, điều đó cũng không có nghĩa là các trang trại này đã đáp ứng được các yêu cầu truy xuất nguồn gốc theo quy định của EUDR. Hiện tại, hơn 30 tổ chức đang nỗ lực tìm giải pháp để đáp ứng các quy định của EUDR, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đề xuất giải pháp nào rõ ràng, đi cùng với khung thời gian cụ thể, cũng như vẫn còn câu hỏi về tính khả thi của các đề xuất giải pháp đó. Theo ước tính của Rainforest Alliance, để tuân thủ các yêu cầu EUDR sẽ cần tới nỗ lực của 416 nhân viên làm việc trong một năm để hỗ trợ tất cả các nông hộ nhỏ ở Việt Nam9. Đặc biệt ở cấp độ trang trại, thật khó để khẳng định trang trại bền vững 100% và không có nguồn gốc từ đất phá rừng.

 

Đâu là giải pháp hợp lý hơn cho nông hộ để đáp ứng với yêu cầu của EUDR?

 

 

Một giải pháp hợp lý hơn cho nông hộ nhỏ

 

Việc tổ chức truy xuất nguồn gốc ở từng trang trại với tất cả hơn 640.000 trang trại nhỏ trong thời gian ngắn là không khả thi. Tuy nhiên các tiến bộ công nghệ ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây có thể hữu dụng. Sử dụng công nghệ giải đoán ảnh vệ tinh, dán nhãn các loại cây trồng trên bản đồ sử dụng đất, kết hợp đối chiếu với bản đồ mô tả độ che phủ rừng tính đến ngày 31/12/2020, chúng ta vẫn có thể có giải pháp khoanh vùng trồng chính xác cho từng loại cây. Trong một số trường hợp sau khi khoanh vùng trồng bằng bản đồ vệ tinh, dán nhãn các loại cây trồng vẫn chưa đủ khẳng định chính xác nguồn gốc cây trồng, có thể kết hợp tiến hành khảo sát tại chỗ để xác thực nguồn gốc đất trồng cà phê của nông hộ.

 

Đây chính là đề xuất của chúng tôi để đảm bảo xác minh đất trồng cà phê ở Việt Nam không có nguồn gốc từ đất phá rừng.





No comments: