Sunday, March 24, 2024

VỀ ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI VĂN CỦA QUẢNG NAM (Thái Hạo)

 



Về đề thi học sinh giỏi Văn của Quảng Nam

Thái Hạo

24/03/2024

https://baotiengdan.com/2024/03/24/ve-de-thi-hoc-sinh-gioi-van-cua-quang-nam/  

 

Tình cờ thấy trên mạng cái đề thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh THPT đợt 2 năm nay của Quảng Nam. Tôi lấy làm ngạc nhiên. Xin trích câu 2 của đề (12/20 điểm) trước khi bàn luận.

 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-85.jpg

Đề thi học sinh giỏi Văn của Quảng Nam

 

Văn chương là lộc mà trời bù cho người, vì người phải chịu cái án ‘sống đọa thác đầy’… Căn nhà chứa lộc này mở cửa tự do đối với tất cả những ai đến đọc nhưng lại chỉ phát vé riêng cho một số ít người trong số những người đến viết. Vậy nên, có rất nhiều trường hợp người viết một đời đuổi bắt chữ nhưng rốt cục tay trắng, tựa hồ ‘sung một đời rụng quả/ không chạm nổi đáy ao’.”

 

(Hoàng Đăng Khoa, “Người chết ngang và đóa buồn văn chương nở dọc“. Dẫn theo Vanvn.vn, 21/11/2023)

 

Bằng trải nghiệm đọc hiểu văn chương, anh/ chị hãy viết bài văn bình luận làm sáng tỏ ý kiến trên” (Hết trích).

 

1. Trước hết, tôi không bàn về quan điểm của tác giả Hoàng Đăng Khoa trong mấy câu nhận định được đề Quảng Nam trích ra ở trên, tôi chỉ bàn về cách ra đề của tỉnh này.

 

Trước hết, “bình luận” và “làm sáng tỏ” là hai yêu cầu khác nhau thuộc về hai “thao tác lập luận” khác nhau trong phương thức viết nghị luận. Bình luận là nêu lên những đánh giá chủ quan của bản thân đối với một đối tượng nào đó, xem nó hay dở, đúng sai, đẹp xấu… như thế nào. Còn “làm sáng tỏ” là chứng minh: Anh không cần (và thậm chí không được phép) nêu quan điểm đánh giá của mình, mà chỉ việc dùng ví dụ minh họa và lập luận để chứng minh rằng cái ý kiến của ai đó là đúng đắn/ chính xác.

 

Vậy, khi đề yêu cầu hãy “bình luận làm sáng tỏ” thì thí sinh phải giải quyết thế nào đây? Ở đây là hai yêu cầu (chứng minh và bình luận) hay là một yêu cầu? Nếu là hai thì mâu thuẫn, nếu là một thì không biết lối nào mà lần!

 

Người ta chỉ có thể yêu cầu chứng minh VÀ bình luận (dù yêu cầu này cũng đầy mâu thuẫn, nhưng ít ra trên mặt hình thức còn có thể hiểu được), chứ chưa từng thấy có cái kiểu “bình luận làm sáng tỏ” bao giờ.

 

Cách “ra lệnh” này trong đề Quảng Nam là đánh đố một cách phi lý, đẩy thí sinh vào tình trạng “anh muốn em sống sao”! Ra đề oái oăm (nếu không nói thẳng ra là sai) như thế thì làm sao có thể đánh giá được năng lực của người viết?

 

2. Điều này nghiêm trọng hơn. Như đã thấy, dẫn dắt thì có vẻ dài dòng như thế, nhưng trọng tâm của mấy câu trích dẫn trong đề là nhấn mạnh đến sự thất bại của “rất nhiều” người viết văn. Và đề yêu cầu “hãy bình luận làm sáng tỏ” cái ý được nhấn mạnh ấy. Vậy, theo logic, thí sinh phải đi tìm những người thất bại bằng các tác phẩm thất bại của họ để “bình luận làm sáng tỏ”.

 

Như chúng ta biết, thứ nhất, văn học nhà trường chỉ dạy cho học sinh những tác phẩm hay, tác phẩm giá trị, chứ nào có đưa tác phẩm dở của người viết dở vào dạy đâu, nay bắt học sinh đi “bình luận làm sáng tỏ” cái dở, cái thất bại của những tác giả “suốt đời không chạm nổi đáy ao”, thì các em biết tìm đâu?

 

Thứ hai, cái vô lý nhất nằm ở chỗ, người đã viết dở, đã “suốt đời” thất bại, thì ai mà biết đến họ; và loại tác giả, tác phẩm ấy thì có gì để mà cảm thụ? Bắt học sinh đi viết văn về họ thì không những vô lý mà còn phản văn chương.

 

Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam rằng, “cái tầm thường, cái lố lăng chẳng phải riêng thời nào và muốn hiểu tinh thần thơ cho đúng đắn, phải sánh bài hay với bài hay vậy”. Nay bắt học sinh đi viết về bài dở của người dở (trong khi chỉ dạy về bài hay) thì đó là một yêu cầu khó hiểu và trái hẳn với nội dung dạy học.

 

Trong trường hợp bất đắc dĩ, anh có thể cho học sinh đánh giá về một tác phẩm dở của một tác giả dở, nhưng yêu cầu phải sáng sủa, tường minh; và quan trọng nhất là phải đặt trên cơ sở và nhằm mục đích khẳng định cái gì là hay là đẹp, chứ chỉ lấy cái dở làm đối tượng quy hướng như đề thi này, thì thật tình không hiểu nổi.

 

Một đề thi mà mắc đến hai sai lầm căn bản nhất: Yêu cầu rối rắm (phi khoa học), và nội dung lệch lạc (yêu cầu bàn luận về tác giả dở, “suốt đời” thất bại) thì làm sao đánh giá được năng lực của thí sinh nữa. Tôi cho rằng đây là một cái đề hỏng, hoàn toàn.

 

(Câu 1 của đề cũng tệ không kém, nhưng tạm thời chưa bàn)

 

 

===================================================

 

Thái Hạo

24-3-2024  03:50   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02pkZv2bmQdwWdxdeZgDr9sxa6PxVWAvy4u5PqkUJ4cDzW7g8M2LGcWHuxc652po5Tl&id=100059910855657

 

Liên quan đến đề thi học sinh giỏi THPT lần 2 của tỉnh Quảng Nam, tôi mới nhận được thông tin đối với đề này. Xin bổ sung và nói thêm như sau.

 

Cái đề trôi nổi trên mạng mà sáng nay tôi đã post lại kèm theo bài bình luận của mình, theo người cung cấp thông tin, là đề không chính thức (hình 1), đề chính thức (hình 2) có khác đôi chỗ. Riêng câu 2 là câu tôi đã viết bài bình luận (*), thì chỉ khác là có thêm 1 dấu phẩy (“bình luận làm sáng tỏ” => “bình luận, làm sáng tỏ”).

 

Nếu thông tin này là chính xác thì phần lỗi có giảm đi đôi chút, vì đã tách cụm từ này ra làm 2 bằng 1 dấu phẩy, tuy nhiên như đã nói trong bài viết trước đó, hai yêu cầu này (“bình luận” và “làm sáng tỏ”) vẫn mâu thuẫn nhau, vì nó thuộc vào 2 mệnh lệnh không thể cùng lúc thực hiện song hành, và hệ quả tất yếu là khiến thí sinh “không biết lối nào mà lần”. Giải thích và bình luận thì chấp nhận được, chứ bình luận và làm sáng tỏ thì không. Những lỗi khác thuộc về nội dung nghị luận thì không thay đổi (xin xem bài đính kèm). Tức là lỗi cơ bản và lớn nhất vẫn còn đó.

 

Một cái đề thi học sinh giỏi, như tôi biết, thường ít nhất có từ 2 đến 3 người cùng xây dựng: ra đề, phản biện; bên cạnh đó là chủ tịch hội đồng và các ban bệ; và cao nhất là Sở Giáo dục.

 

Tôi hiểu tính chất phức tạp của việc ra đề thi, nhất là ở những tỉnh có tới 2 trường chuyên mà Sở lại điều giáo viên nội tỉnh đi ra đề, thì sự cạnh tranh và tính mâu thuẫn sẽ rất gay gắt. Đôi khi có thể chính giáo viên nằm trong nhóm ra đề dù thấy sai nhưng cũng không “cãi” được, vì không ai chịu ai. Nó đẩy giáo viên ra đề vào một tình thế rất khó xử, và đôi khi là bất lực nữa. Vì thế, nó luôn có thể dẫn đến những tiêu cực và sai sót nghiêm trọng. Tôi rất thấm thía cảnh này, vì chính mình đã không ít lần trải qua. Đây là một vấn đề lớn mà trách nhiệm chính thuộc về Sở Giáo dục trong công tác tổ chức thi.

 

Và xin chớ quên, đây cũng không phải lần đầu tiên Quảng Nam gặp vấn đề này: mới năm trước tôi cũng đã viết bài chỉ ra những sai sót trong đề thi của tỉnh này. Tôi nghĩ, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cần có giải pháp khắc phục một cách căn bản trong việc thay đổi cách thức tổ chức thi. Ví dụ, có kế hoạch xây dựng ngân hàng đề, hoặc thuê bên thứ 3 độc lập ra đề, chấm thi, để đảm bảo công bằng, tránh đi những tiêu cực và sai lầm tai hại như đang thấy.

 

Riêng về các kỳ thi học sinh giỏi, kể cả thi học sinh giỏi quốc gia, nếu cần nêu ý kiến thì như tôi cũng đã nhiều lần nói, ngay cả nói trước lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, là nên dẹp bỏ, để góp phần chống căn bệnh thành tích đã quá độc hại trong giáo dục, nếu vẫn không thể thay đổi căn bản về mục đích và cách thức tổ chức các kỳ thi này.

 

Thái Hạo

(*) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=805066484833706&id=100059910855657

 

.

 5 BÌNH LUẬN   

 

 





No comments: