Sunday, March 3, 2024

K-DEFENSE : CÁCH NGÀNH CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG HÀN QUỐC VƯƠN RA TOÀN CẦU (Steven Borowiec  -  Nikkei Asia)

 



K-Defense: Cách ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc vươn ra toàn cầu

Steven Borowiec  -  Nikkei Asia

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

01/03/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/03/01/k-defense-cach-nganh-cong-nghiep-quoc-phong-han-quoc-vuon-ra-toan-cau/

 

Giữa bối cảnh leo thang căng thẳng với Triều Tiên, Seoul đang dần tìm được chỗ đứng để giải quyết tình trạng thiếu vũ khí toàn cầu.

 

Hình : https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2024/02/K-defense-South-Koreas-weapons-industry-goes-global-1.jpg

 

Sau những bản nhạc K-pop sôi động và những bộ phim K-drama sướt mướt, theo Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, đã đến lúc cần một biệt danh “K-” mới cho một kỷ nguyên mới bi quan hơn, khi đất nước có thương hiệu toàn cầu này thâu tóm thêm một thị trường xuất khẩu béo bở khác: vũ khí.

 

“Tôi ủng hộ những thách thức táo bạo của K-Defense (Công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc),” Yoon viết vào sổ lưu bút khách tham quan trong chuyến thăm hồi tháng 12 tới văn phòng của Hanwha Aerospace, một trong những công ty nổi bật trong ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của Hàn Quốc. Tại một khu công nghiệp ở vùng ngoại ô được gọi là Thung lũng Công nghệ Pangyo, cũng là nơi đặt trụ sở của những gã khổng lồ công nghệ Naver và Kakao, người ta đã chụp lại những bức ảnh Yoon trầm tư trong lúc chiêm ngưỡng những động cơ máy bay khổng lồ.

 

“Một số người xem ngành công nghiệp quốc phòng là ngành công nghiệp chiến tranh và có cái nhìn tiêu cực về nó,” Yoon viết trong thông điệp. “Trên thực tế, ngành công nghiệp quốc phòng là một ngành công nghiệp hòa bình, chia sẻ các giá trị của chúng ta trong hệ thống an ninh toàn cầu, đồng thời đảm bảo an toàn cho các đồng minh của chúng ta cũng như những quốc gia tôn trọng trật tự quốc tế.”

 

Xuất khẩu của Hàn Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi chất bán dẫn, xe hơi, và các nhóm nhạc nam. Nhưng trong những năm gần đây, các công ty quốc phòng của nước này, với kỹ năng được mài giũa trong cuộc đối đầu kéo dài 70 năm với Triều Tiên, đã nâng cao vị thế toàn cầu của mình bằng việc ký kết nhiều hợp đồng mang tính bước ngoặt.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F5%2F0%2F4%2F3%2F47303405-4-eng-GB%2FCropped-1708409505jpp043653111.jpg?source=nar-cms

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol để lại lời nhắn trên xe bọc thép do Hanwha Aerospace sản xuất trong chuyến thăm nhà máy vào năm 2022. © Yonhap /EPA/ Jiji

 

Tại sự kiện Hanwha, Yoon tuyên bố một ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh có thể đóng góp cho cả an ninh quốc gia và nền kinh tế của Hàn Quốc thông qua tạo việc làm.

 

Sự hiện diện của tổng thống tại sự kiện này – một phiên họp hoạch định chiến lược xuất khẩu quốc phòng, với sự tham dự của các quan chức chính phủ, quân đội, và khu vực tư nhân – đã chứng tỏ tầm quan trọng ngày càng lớn của ngành này cũng như sự liên kết chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc quảng bá ngành này ra nước ngoài.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F2%2F4%2F7%2F7%2F47297742-1-eng-GB%2F20240221-Arms-exporters-Bar.png?source=nar-cms

Các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (Tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2018-2022, tính bằng phần trăm). Nguồn: Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

 

Vốn là cường quốc về các công nghệ như chip và pin, Hàn Quốc hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới, với khối lượng xuất khẩu tăng 74% trong vòng 5 năm từ 2018 đến 2022. Năm 2022, Yoon tuyên bố mục tiêu vươn lên vị trí thứ 4 thế giới vào năm 2027.

 

 

Kẻ thù gần kề

 

Ở trong nước, ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc bắt nguồn từ nhu cầu phòng vệ trước người láng giềng được trang bị vũ khí hạng nặng là Triều Tiên. Ngoài kho vũ khí hạt nhân, dưới thời lãnh đạo Kim Jong Un, Triều Tiên còn thử nghiệm nhiều loại vũ khí ngày càng mới và tinh vi hơn. Năm ngoái, họ đã đưa vệ tinh trinh sát đầu tiên lên quỹ đạo, và sang tháng 1 năm nay thì tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn mới, có đầu đạn siêu thanh, đồng thời thử nghiệm hệ thống thiết bị không người lái dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F8%2F4%2F6%2F7%2F47297648-1-eng-GB%2F20240221-North-Korean-missile-launches-Col.png?source=nar-cms

Mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng từ Triều Tiên (Số vụ thử tên lửa đã được xác nhận). Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân.

 

Đứng trước mối đe dọa này, Hàn Quốc đã phát triển một cơ sở hạ tầng sản xuất vũ khí khổng lồ, liên tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài và tạo dựng danh tiếng về khả năng nhanh chóng đáp ứng các đơn đặt hàng vào thời điểm xảy ra thiếu hụt ở những nơi khác trên thế giới.

 

Khi chiến tranh Ukraine tạo ra tình trạng thiếu đạn pháo trên toàn cầu, các công ty Hàn Quốc đã chứng kiến số lượng đơn hàng tăng vọt để thay thế cho kho dự trữ được vận chuyển đến Kyiv. Euan Graham, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói với Nikkei Asia: “Các công ty Hàn Quốc đã tạo ra một thị trường ngách, nơi họ cung cấp những vật liệu không nhất thiết phải có công nghệ cao cấp nhất, nhưng lại có mức giá phải chăng nhất.”

 

Graham nói: “Hàn Quốc có cơ sở hạ tầng công nghiệp, nhờ đó có thể nhanh chóng cung cấp vũ khí cho các quốc gia cần chúng, và việc mua vũ khí từ Hàn Quốc là một chính sách tốt xét từ góc độ tiết kiệm chi phí.”

 

Công ty quốc phòng của Tập đoàn Hanwha chuyên sản xuất pháo, xe bọc thép, hệ thống phòng không và đổ bộ. Trong tháng 12, Hanwha Aerospace đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 2,6 tỷ USD để cung cấp 152 khẩu pháo tự hành K9 cho Ba Lan trước năm 2027. Khi công bố thỏa thuận đó, chính phủ Ba Lan cho biết hành động gây hấn của Nga ở Ukraine đã thôi thúc họ tăng cường sức mạnh quân sự: “Chỉ có chủ nghĩa anh hùng của một người lính được trang bị vũ khí hiện đại và hiệu quả mới có thể ngăn chặn tham vọng đế quốc của Nga.”

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F4%2F7%2F4%2F8%2F47298474-1-eng-GB%2F2023-10-16T035709Z_1128511976_RC2ET3AOCW20_RTRMADP_3_SOUTHKOREA-DEFENCE+%E3%81%AE%E3%82%B3%E3%83%94%E3%83%BC.jpg?source=nar-cms

Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Hàn Quốc, Hanwha Aerospace, trưng bày các mô hình xe quân sự tại gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Seoul 2023 ở Seongnam, Hàn Quốc, vào ngày 16/10/2023. © Reuters

 

Thỏa thuận này là một phần của thỏa thuận khung được ký vào năm 2022, nhằm cung cấp 672 khẩu pháo K9 và 288 bệ phóng tên lửa đa năng Chunmoo cho Ba Lan. Thỏa thuận trị giá 22 tỷ USD là thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết bởi một công ty quốc phòng Hàn Quốc và được coi là bước ngoặt trong sự phát triển của đất nước này thành một thế lực trong thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu. Hanwha từ chối yêu cầu bình luận của Nikkei.

 

Cũng dẫn đầu trong lĩnh vực này là Korea Aerospace Industries, công ty gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 1 tỷ USD để cung cấp trực thăng tấn công cho quân đội Hàn Quốc. Công ty cũng đang nỗ lực bắt đầu sản xuất máy bay chiến đấu KF-21 trong năm nay, như một phần của dự án phát triển kéo dài 10 năm trị giá khoảng 178 triệu USD.

 

LIG Nex1, một công ty quốc phòng lớn khác, sẽ xuất khẩu tên lửa đất đối không tầm trung (M-SAM II) sang Ả Rập Saudi như một phần của thỏa thuận trị giá 3,2 tỷ USD được công bố hồi đầu tháng này. LIG Nex1 cũng vừa công bố thỏa thuận với Hyundai Rotem, một công ty nội địa khác, để chia sẻ dữ liệu hướng tới mục tiêu giành được nhiều hợp đồng hơn ở Trung Đông.

 

Các công ty này hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hàn Quốc, và Bộ Quốc phòng thường sẽ chịu trách nhiệm công bố chi tiết các thỏa thuận quốc tế.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F9%2F4%2F0%2F7%2F47297049-3-eng-GB%2F20240221-Milex-budgets-by-country-Table.png?source=nar-cms

Ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc lớn thứ 9 thế giới (Ngân sách quân sự năm 2022, tính bằng tỷ USD) Nguồn: Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm

 

 

Hiệu ứng Ukraine

 

Vị thế của ngành công nghiệp vũ khí Hàn Quốc đã dần tăng lên trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. Nhà phân tích quân sự Kim Dae–young, nhận định rằng: trước chiến tranh, các công ty quốc phòng tập trung vào thị trường nội địa, nơi nhu cầu đang suy yếu. “Nhưng kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine, nhận thức của các công ty quốc phòng trong nước đã thay đổi,” Kim nói với Nikkei Asia, “và những công ty đó đã được hồi sinh”.

 

Các đồng minh châu Âu của Ukraine đang thiếu nguồn dự trữ và năng lực công nghiệp để nhanh chóng bổ sung đạn pháo. Tình hình đó tạo ra cơ hội cho Hàn Quốc cung cấp đạn dược, mà cuối cùng sẽ đến Ukraine thông qua một thỏa thuận kênh sau với Mỹ.

 

Cuộc xung đột ở Ukraine đặt ra một trở ngại lớn trong nỗ lực trở thành cường quốc công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc: Đạo luật Ngoại thương của nước này cấm xuất khẩu vũ khí được sử dụng trong các vùng chiến sự. Đạo luật này được thông qua vào năm 1957, khi Hàn Quốc đang hồi phục sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu tương đối nhỏ, xuyên suốt lịch sử của mình, Hàn Quốc luôn lo ngại về những phản ứng dữ dội có thể xảy ra khi chọn phe trong một cuộc xung đột.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F8%2F6%2F5%2F8%2F47298568-1-eng-GB%2F2024-01-31t055114z_763255008_rc2bs5atyqu3_rtrmadp_3_ukraine-crisis-drills_720+%E3%81%AE%E3%82%B3%E3%83%94%E3%83%BC.jpg?source=nar-cms

Lính Ukraine bắn súng phóng lựu trong cuộc tập trận trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, ở vùng Zhytomyr, ngày 30/1. © Reuters

 

 

Chẳng hạn, lập trường thận trọng của Hàn Quốc ở Ukraine đã giúp tránh khiêu khích Nga. Trong năm đầu tiên của chiến tranh Ukraine, Hàn Quốc đã viện trợ trị giá 100 triệu USD cho Ukraine, bao gồm máy phát điện và thiết bị y tế. Nhưng Seoul vẫn từ chối cung cấp các hạng mục quân sự như vũ khí chống tăng và phòng không, bất chấp yêu cầu trực tiếp từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc.

 

Đầu tháng 2, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, Đại sứ Nga tại Seoul, Georgy Zinoviev, nói rằng việc Hàn Quốc tiếp tục kiềm chế không cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine là điều kiện quan trọng để quan hệ song phương không “rơi xuống đáy.”

 

“Lập trường này của Hàn Quốc rất quan trọng,” Zinoviev nói, “và vì Hàn Quốc luôn giữ vững lập trường này nên chúng ta mới có thể duy trì quan hệ song phương ở cấp độ này”.

 

Nhà phân tích Graham cho biết, thông qua cách tiếp cận này, “Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc không trang bị vũ khí cho Ukraine, nhưng bằng cách lấp đầy kho dự trữ vũ khí của Mỹ, họ đã cho phép Ukraine tiếp tục chiến đấu.” Ông nói thêm: “Hàn Quốc đóng vai trò hữu ích trong chiến tranh Ukraine vì nước này có cơ sở hạ tầng công nghiệp quan trọng để sản xuất đạn dược, khác với nhiều nước NATO đã để cơ sở hạ tầng của họ xuống cấp.”

 

Oskar Pietrewicz, nhà phân tích cao cấp tại Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan, nhận định vai trò của Seoul trong cuộc chiến Ukraine đã làm nổi bật tiềm năng của nước này như một nhà xuất khẩu vũ khí nhanh chóng và đáng tin cậy. Ông nói với Nikkei: “Hàn Quốc đè bẹp các đối thủ, đặc biệt là các đối thủ Đức, về tốc độ giao hàng. Đối với các quốc gia như Ba Lan – nằm ở sườn phía đông của NATO và hỗ trợ cung cấp vũ khí cho Ukraine – tốc độ giao hàng là rất quan trọng.”

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F2%2F7%2F7%2F8%2F47298772-1-eng-GB%2Fjpp046432409.jpg?source=nar-cms

Một kỹ sư đang làm việc trên pháo tự hành K9 tại nhà máy của Hanwha Aerospace ở Changwon, Hàn Quốc, vào tháng 9/2023. Công ty này đang đi đầu trong sứ mệnh của Seoul để trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu quốc phòng. © AFP/ Jiji

 

“Điều quan trọng không kém là khả năng tương thích của thiết bị Hàn Quốc với các tiêu chuẩn của NATO, vì ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ suốt nhiều năm.”

 

Để vượt qua hạn chế trong nước đối với xuất khẩu, Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận theo đó họ vận chuyển một số lượng lớn pháo 155mm sang Mỹ, cho phép Mỹ bổ sung kho dự trữ của mình và vận chuyển pháo sang Ukraine để sử dụng trong chiến đấu. Seoul vẫn giữ lập trường chỉ cung cấp viện trợ phi sát thương cho Ukraine, một phần là vì cân nhắc đến lợi ích kinh doanh của họ ở Nga, nơi các công ty hàng đầu như Samsung, Hyundai Motor và LG Electronics vẫn đang hoạt động.

 

Bất chấp lập trường thận trọng của Hàn Quốc đối với Ukraine, căng thẳng giữa Moscow và Seoul đã leo thang trong những tháng gần đây khi Nga và Triều Tiên tăng cường hợp tác quân sự. Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trên chiến trường Ukraine ít nhất là trong hai lần gần đây. Các kho dự trữ quân sự khổng lồ mà cả hai miền nam-bắc Triều Tiên đã xây dựng để đề phòng một cuộc xung đột tiềm ẩn giữa hai bên hiện đang được sử dụng để cung cấp vũ khí cho các phe đối địch trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

 

Vào tháng trước, các nhà ngoại giao hàng đầu của hơn một chục quốc gia, bao gồm Mỹ và Hàn Quốc, đã ra tuyên bố lên án “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể” việc Nga mua tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và sử dụng những tên lửa đó ở Ukraine. “Việc chuyển giao các vũ khí này càng làm tăng thêm nỗi thống khổ của người dân Ukraine, hỗ trợ cho cuộc chiến xâm lược của Nga, và phá hoại chế độ không phổ biến vũ khí toàn cầu,” tuyên bố khẳng định.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F4%2F3%2F5%2F8%2F47298534-1-eng-GB%2F2024-01-30T032856Z_721271235_RC22S5AAY0CY_RTRMADP_3_NORTHKOREA-MISSILES+%E3%81%AE%E3%82%B3%E3%83%94%E3%83%BC.jpg?source=nar-cms

Triều Tiên đã tăng cường phóng thử tên lửa trong những năm gần đây. Trong bức hình này, vào ngày 30/1, người dân ở Seoul đang xem bản tin về vụ Bình Nhưỡng bắn nhiều tên lửa không xác định xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây của bán đảo. © Reuters

 

“Mỹ và các đồng minh cũng nên lo ngại về buôn bán vũ khí của Triều Tiên,” Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, nhận xét. “Bình Nhưỡng có thể đang tiếp thị tên lửa của mình nhằm mục đích xuất khẩu, đồng thời điều chỉnh các chương trình nội địa để tận dụng công nghệ nhập khẩu từ Nga.”

 

Quá nhiều, quá sớm?

 

Các nhà phê bình trong nước cũng cho rằng lịch sử đau thương của Hàn Quốc khi phải trải qua cuộc nội chiến tàn khốc vào đầu những năm 1950 và thế đối đầu căng thẳng hiện tại với Triều Tiên khiến cho việc nước này tự quảng bá mình là nhà sản xuất vũ khí là không phù hợp.

 

Kim Han Min-yeong, nhà nghiên cứu tại Peacemomo, một nhóm dân sự, chia sẻ với Nikkei: “Người dân Hàn Quốc đã phải gánh chịu những hậu quả của chiến tranh suốt 70 năm qua, và chúng tôi biết rõ chiến tranh tàn sát và hủy hoại sinh kế của con người đến mức nào. Cần phải ghi nhớ lịch sử này và trách nhiệm của chúng ta là chấm dứt chiến tranh vì chúng ta hiểu nó xấu xa như thế nào.”

 

Hwang Soo-young, một nhà hoạt động thuộc Tổ chức Đoàn kết Nhân dân vì Dân chủ (PSPD), nói “Chính phủ của chúng tôi đang quảng bá điều này như là K-defense trong khi sử dụng khẩu hiệu “hòa bình thông qua sức mạnh,” nhưng kỳ vọng rằng việc các quốc gia trang bị vũ khí hạng nặng sẽ dẫn đến hòa bình là không thực tế. Hòa bình đạt được là nhờ đối thoại và đàm phán.”

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F1%2F1%2F2%2F0%2F47290211-3-eng-GB%2F20240221+Arms+companies+ranking+Combo.png?source=nar-cms

Các nhà sản xuất vũ khí của Hàn Quốc hiện vẫn xếp sau các nền kinh tế lớn khác (Xếp hạng toàn cầu về doanh thu buôn bán vũ khí, tính bằng tỷ USD, năm 2022) Nguồn: Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm

 

Tuy nhiên, có rất ít sự phản kháng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp vũ khí. Các nhà phân tích kỳ vọng Hàn Quốc sẽ tiếp tục cung cấp đạn dược cho Ukraine thông qua các thỏa thuận gián tiếp với Mỹ, đồng thời thận trọng để không công khai vi phạm luật pháp trong nước, hoặc gây thù địch với Nga.

 

“Hàn Quốc có thể sẽ duy trì cách tiếp cận hiện tại là bán đạn dược cho những quốc gia đang cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine, theo đó chỉ gián tiếp cung cấp viện trợ sát thương cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine,” Terence Roehrig, giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, nói với Nikkei. “Việc bán hàng kiểu này sẽ đóng góp cho các nỗ lực quốc phòng của Kyiv, nhưng nếu không có viện trợ quân sự trực tiếp, quy mô lớn từ Mỹ và phương Tây thì sẽ không đủ.”

 

Trả lời câu hỏi của Nikkei, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: “Hàn Quốc đã cung cấp viện trợ nhân đạo và tài chính cho Ukraine với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế.” Tuy nhiên, vị quan chức từ chối trả lời các câu hỏi về việc liệu Seoul có thể từ bỏ quan điểm không cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine hay không. Chiến tranh Ukraine dường như sẽ kéo dài, và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế gần đây ước tính rằng “Nga sẽ có thể duy trì cuộc tấn công vào Ukraine với tỷ lệ tiêu hao hiện tại thêm 2-3 năm nữa, và thậm chí lâu hơn.”

 

Trận chiến tiếp theo của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đang diễn ra tại cơ quan lập pháp nước này. Thỏa thuận trị giá 22 tỷ USD với Ba Lan đã bị trì hoãn do thiếu nguồn tài trợ từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu. Vũ khí đã bắt đầu được giao nhưng việc thực hiện một phần thỏa thuận phụ thuộc vào khoản vay cho Ba Lan từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Cả hai nước đều cho biết họ cam kết giải quyết vấn đề tài chính và thực hiện thỏa thuận.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%3A%2F%2Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%2Fimages%2F_aliases%2Farticleimage%2F0%2F7%2F8%2F7%2F47297870-1-eng-GB%2F2022-12-06T133014Z_646143770_RC260Y9S05MS_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-POLAND-SOUTHKOREA.jpg?source=nar-cms

Cờ Ba Lan được gắn trên xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc khi Ba Lan nhận đợt giao xe tăng K2 và pháo tự hành K9 đầu tiên ở Gydnia vào tháng 12/2022. © Reuters

 

Pietrewicz từ Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan cho biết hợp tác quốc phòng giữa Ba Lan và Hàn Quốc vẫn “đầy hứa hẹn… Không có lo ngại nào về việc hủy hợp đồng.”

 

Hai đảng chính trị chính của Hàn Quốc hiện đang tranh cãi về các điều khoản chi tiết trong luật, nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người mua vũ khí Hàn Quốc có thể vay tiền và tránh sự chậm trễ. Dự luật được đề xuất sẽ tăng quy mô các khoản vay mà Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc có thể cấp cho một người vay duy nhất, hiện theo quy định nội bộ của ngân hàng, hạn mức này được giới hạn ở mức 40% vốn cổ phần của ngân hàng.

 

Đảng Sức mạnh Quốc dân cầm quyền cho rằng dự luật phải được thông qua khẩn cấp để bảo vệ một ngành công nghiệp then chốt, trong khi Đảng Dân chủ Đồng hành đối lập – chiếm đa số trong cơ quan lập pháp – cho rằng dự luật có thể dẫn đến việc một lượng lớn tiền của nhà nước bị giam trong lĩnh vực vũ khí.

 

Hàn Quốc dự kiến tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp quan trọng vào tháng 4 này, có nghĩa là dự luật có thể tiếp tục bị trì hoãn do tranh cãi giữa các đảng phái.

 

Sự chậm trễ này cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu ngành công nghiệp Hàn Quốc có thể tiếp tục thời kỳ bùng nổ bắt đầu từ cuộc chiến ở Ukraine hay không. Erik Mobrand, giáo sư và chuyên gia về chính trị Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Seoul, nói với Nikkei, “Bản chất của lĩnh vực vũ khí là vì các giao dịch quá lớn nên ngành này rất bất ổn, có nghĩa là sẽ có những năm với kết quả cực kỳ tốt, sau đó là những năm yên ắng hơn.”

 

“Đang xuất hiện những câu hỏi về bản thân thị trường và liệu còn bao nhiêu không gian dành cho các nhà sản xuất Hàn Quốc trong dài hạn.”

 

Nguồn: Steven Borowiec, “K-defense: South Korea’s weapons industry goes global,” Nikkei Asia, 21/02/2024





No comments: