Friday, March 1, 2024

HỘI CHỢ NÔNG NGHIỆP PHÁP : NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA NGÀNH NUÔI ONG (Tuấn Thảo / RFI)

 



Hội chợ nông nghiệp Pháp : Những khó khăn của ngành nuôi ong

Tuấn Thảo  -  RFI

Đăng ngày: 29/02/2024 - 14:07

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240229-h%E1%BB%99i-ch%E1%BB%A3-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-ph%C3%A1p-nh%E1%BB%AFng-kh%C3%B3-kh%C4%83n-c%E1%BB%A7a-ng%C3%A0nh-nu%C3%B4i-ong

 

Nhân Hội chợ Nông nghiệp Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến khủng hoảng của ngành nuôi ong tại Pháp. Ngoài những khó khăn về mặt cơ cấu, các nhà nuôi ong ở Pháp còn gặp phải sự cạnh tranh của các loại mật ong nhập từ Nam Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc, thường được bán trên thị trường với giá rẻ hơn.

 

https://s.rfi.fr/media/display/54da1938-48bc-11ec-b19c-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/abeilles-apiculteur-france.webp

Một nhà nuôi ong tại Colomiers, Pháp, ngày 01/06/2012. © AFP - REMY GABALDA

 

Sau giới chăn nuôi gia súc, đến phiên các nhà nuôi ong kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ Pháp. Trong tuần qua, bộ Nông nghiệp đã tháo khoán khẩn cấp 5 triệu euro để giúp đỡ những nông dân đang gặp nhiều khó khăn. Theo báo Les Echos, ngành nuôi ong ở Pháp đang đứng trước một ''nghịch lý'' : Lập kỷ lục về sản lượng ( khoảng 30.000 tấn trong năm 2023 ), nhưng doanh thu lại không tăng. Mật ong sản xuất tại Pháp không bán được nhiều do giá quá cao. Người tiêu dùng ở Pháp lại mua các loại mật ong nhập khẩu, khiến cho hàng Pháp bị tồn kho, mất thêm chi phí vận chuyển hàng tích lũy, quản lý kho dự trữ ….

 

Mật ong sản xuất tại Pháp cao gấp ba lần hàng ngoại

 

Tại Pháp, ngành nuôi ong quy tụ khoảng 63.000 người, trong đó chỉ có gần 10% (6.000 người) thuộc vào hàng chuyên nghiệp, chiếm đến gần 90% sản lượng), phần lớn còn lại là các thợ nuôi ong ''thủ công''. Khủng hoảng của ngành này dĩ nhiên tác động mạnh đến các trang trại nhỏ, mật ong do họ thu hoạch thuộc vào loại ngon, mức sản xuất dồi dào, nhưng lại không được nhiều khách hàng chịu trả giá cao. Để giúp họ vượt qua khó khăn, chính phủ Pháp tạm thời ứng tiền mặt, giúp họ chi trả các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội.

 

Theo ông Eric Lelong, đại diện của Liên đoàn Quốc gia Nông nghiệp FNSEA,  tiêu thụ tại Pháp hiện ở mức 45.000 tấn mật ong mỗi năm, nhưng trong đó chỉ có 15.000 tấn (tức một phần ba) là mật ong sản xuất tại Pháp. Chi phí sản xuất cao hạn chế phần nào việc phổ biến mật ong Pháp trên thị trường nội địa. Luật cung cầu khiến cho các chuỗi cửa hàng phân phối tại Pháp chọn nhập nguồn hàng từ những nơi khác.

 

Theo đánh giá của ông Christian Pons, chủ tịch Nghiệp đoàn Pháp các nhà nuôi ong UNAF, tính trung bình chi phí sản xuất của các loại mật ong nhập khẩu là khoảng 1,8 euro một kí lô, trong khi chi phí sản xuất ở Pháp lại cao gần gấp ba lần, lên tới hơn 5 euro một kí lô.

 

Do vậy, ngay cả loại mật ong rẻ nhất được sản xuất tại Pháp vẫn được bán với giá cao hơn mật ong nhập khẩu từ 20% đến 30%. Thường thì một số người tiêu dùng vẫn chịu chi tiền nhiều hơn một chút để có thể dùng hàng ''made in France'', nhưng trong thời buổi vật giá leo thang, các hộ giao đình buộc phải chi tiêu dè sẻn, khách hàng cũng chuyển qua mua các loại mật ong nhập khẩu. Theo báo Les Échos, trong năm 2023, tỷ lệ lạm phát cao khiến lượng tiêu thụ mật ong nói chung đã giảm khoảng 5% trên thị trường Pháp.

 

Đa số người tiêu dùng ở Pháp chủ yếu so sánh giá cả sản phẩm hơn là tính đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đối với ngành nuôi ong, ngoài việc thu hoạch mật ong, phấn hoa, keo sáp hay sữa ong chúa, các bầy ong còn được nuôi để thụ phấn cho các giống cây ăn trái.

 

Về điểm này, các bầy ong dại sinh sôi nẩy nở tự nhiên trong rừng hay ngoài đồng, vẫn không đủ để giúp cho các nhà trồng trọt thu hoạch đúng mùa. Người tiêu dùng ở Pháp có thể mua mật ong sản xuất tại Tây Ban Nha, nhưng chỉ có các bầy ong rừng hay ong nuôi trên lãnh thổ Pháp mới đảm bảo cho quá trình thụ phấn. Khi ngành nuôi ong lâm vào khủng hoảng thì về lâu dài, sản lượng trái cây, hoa quả cũng như nguồn thực phẩm chế biến từ các giống loài tự nhiên cần được thụ phấn, đều có nguy cơ giảm xuống.

 

 

Ghi rõ hơn trên nhãn bìa nguồn gốc của mật ong

 

Để giúp duy trì ngành nuôi ong, theo báo Les Echos, trước hết cần phải đi tìm một mô hình kinh doanh thích hợp hơn. Trước mắt cần giải quyết vấn đề hàng tồn kho, qua việc xuất khẩu lượng hàng ''bội thu'' qua những nơi có nhu cầu. Trong thời gian tới việc kiểm soát sản lượng cũng trở nên cần thiết, sản xuất quá nhiều trong khi mức cầu không bao nhiêu cũng dẫn tới chuyện hàng bị mất giá.

 

Kế hoạch hỗ trợ ngành nuôi ong cũng bao gồm một số biện pháp kích cầu. Để chống lại các loại mật ong bị cho là ''giả mạo'' do có pha chế thêm nước đường hay xirô ngũ cốc, liên đoàn các nhà nuôi ong Pháp yêu cầu chính phủ ban hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn và quan trọng hơn nữa là buộc giới sản xuất cũng như các nhà phân phối ghi rõ trên tất cả các nhãn mác nguồn gốc của mật ong.

 

Theo quy định của Liên Hiệp Châu Âu, mật ong tự nhiên 100% thường được chiết xuất lạnh (không được đun nóng hoặc tiệt trùng). Nếu trong mật ong có pha thêm một số chất khác để bảo quản, hay để tạo mùi thơm, trộn thêm đường mía hoặc xirô glucose, thì đó không phải là mật ong thật.

 

Vấn đề hiện thời là mật ong từ nhiều năm qua đã trở thành một trong những sản phẩm bị pha trộn nhiều nhất trên thế giới. Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu hồi tháng 04/2023, trên số 320 lô hàng được xét nghiệm có đến gần 150 lọ mật ong (46%) nhập khẩu vào châu Âu đều được pha thêm với nước đường. Các loại mật ong ''bị pha chế'' chủ yếu đến từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đợt thanh tra lần trước vào năm 2017, tỷ lệ mật ong có pha chế chỉ ở mức 14%. Điều đó có nghĩa là hàng ''giả mạo'' không thuần chất đã nhân lên gấp ba lần chỉ trong 6 năm qua.

 

Còn theo khảo sát trong năm 2023 của hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Food Watch, trên số 21 lô hàng nhập khẩu phổ biến ở các chuỗi siêu thị, chỉ có 4 hũ bao gồm mật ong tự nhiên 100%, phần lớn còn lại chỉ gồm một nửa mật ong pha thêm với xirô chế biến từ gạo, ngô, lúa mạch hoặc củ cải đường. Theo hiệp hội Food Watch, các loại xirô glucose sản xuất công nghiệp có giá rất rẻ chỉ khoảng 0,6 euro một kí lô. Thành ra khi pha trộn nửa sirô nửa mật ong, các nhà sản xuất-phân phối hàng ''pha chế'' vẫn rất có lời.

 

Để kiểm soát chặt chẽ hơn, nghiệp đoàn ngành nuôi ong yêu cầu ghi rõ trên nhãn mác nguồn gốc của mật ong, xuất xứ của sản phẩm thực sự đến từ đâu. Trong trường hợp mà một hũ có chứa nhiều loại mật ong tự nhiên đến từ các quốc gia khác nhau, cần phải ghi tỷ lệ phần trăm của mỗi loại. Cách thức này từng được áp dụng tại châu Âu cho rượu vang hay dầu ô liu, miễn là các thành phần kết hợp ở đây đều hoàn toàn tự nhiên như nhau. Đây là một cách để bảo đảm các sản phẩm được sản xuất tại Pháp nói riêng, tại châu Âu nói chung. Có thể xem đây là một bước tiến đáng kể đối với giới nuôi ong, vì cho tới giờ chỉ có 7 quốc gia châu Âu áp dụng quy định ghi rõ trên nhãn mác xuất xứ của các loại mật ong. Một điều mà người tiêu dùng ở Pháp càng nên lưu ý : Mật ong thật có thể hơi đắt nhưng đầy chất bổ dưỡng, trong khi loại trộn pha với sirô công nghiệp lại không tốt, đặc biệt là đối với những người phải kiêng đường.

 

---------------------------------------

Theo dõi thêm thời sự qua vidéo

 

Nông dân biểu tình khắp nước Pháp : Căn nguyên của cơn thịnh nộ

https://youtu.be/uwe2td9bN84

 





No comments: