Friday, March 15, 2024

CẤM LÁI XE CÓ NỒNG ĐỘ CỒN : MẶC PHẢN ĐỐI, GIỚI CHỨC VIỆT NAM VẪN KIÊN ĐỊNH (VOA Tiếng Việt)

 



·       

Cấm lái xe có nồng độ cồn: mặc phản đối, giới chức Việt Nam vẫn kiên định

VOA Tiếng Việt

15/03/2024

https://www.voatiengviet.com/a/cam-lai-xe-co-nong-do-con-mac-phan-doi-gioi-chuc-viet-nam-van-kien-dinh/7529258.html

 

Quốc hội và Bộ Công an Việt Nam tỏ thái độ kiên quyết thực thi điều luật cấm tuyệt đối việc uống rượu bia lái xe bất chấp có những ý kiến trái chiều rằng nó quá hà khắc và không phù hợp văn hóa Việt Nam, theo tìm hiểu của VOA.

 

https://gdb.voanews.com/A15546A4-EE68-4159-B84D-E697755E05EE_cx0_cy5_cw0_w1023_r1_s.jpg

Một nạn nhân tai nạn giao thông ở Việt Nam đang được điều trị. Việt Nam là nước có tỷ lệ tai nạn giao thông vào hàng cao trên thế giới (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)

 

Quốc hội Việt Nam đang xây dựng Dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vốn dự kiến sẽ được xem xét thông qua vào giữa năm nay trong đó có điều luật về ‘nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông’.

 

Hiện tại ngưỡng nồng độ cho phép khi lái xe trên đường ở Việt Nam là dưới 50 mg trong100 ml máu hay dưới 0,25 mg trong 1 lít khí thở. Do đó, việc đưa ngưỡng này về mức 0 có nghĩa là người Việt không được phép uống dù chỉ một giọt bia hay rượu khi tham gia giao thông.

 

Khi được đưa ra tranh luận tại diễn đàn Quốc hội hồi cuối năm ngoái, điều luật này đã gây phản ứng trái chiều khi có đại biểu ủng hộ nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối.

 

Tuy nhiên, Quốc hội Việt Nam không tỏ dấu hiệu nhượng bộ. Trang mạng VnExpress đưa tin trong phiên họp hôm 15/3 để bàn về Dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối cùng vẫn ngả về hướng ‘nồng độ cồn bằng 0’ và dự kiến sẽ đề xuất điều này ra toàn thể Quốc hội để xem xét thông qua.

 

Nhưng ngay trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến phản đối. VnExpress dẫn lời ông Lê Tấn Tới, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho biết có những đại biểu đề nghị xem lại theo hướng xác lập ngưỡng nồng độ cồn trên cơ sở có nghiên cứu rõ ràng để người uống chút rượu, bia có thể lái xe cũng như không làm mất thị trường của các sản phẩm bia, rượu.

 

Tuy nhiên, ông Tới được dẫn lời nói ông không đồng tình với ý kiến này vì ông cho rằng ‘người uống rượu, bia cũng không thể biết lúc nào đến ngưỡng để dừng lại’ và việc cho phép ngưỡng nồng độ cồn ‘có thể làm tăng số vụ tai nạn giao thông’.

 

Ông cho biết những ý kiến đồng tình với quy định chỉ ra việc thắt chặt quy định về nồng độ cồn khi lái xe thời gian qua ‘đã làm giảm số tai nạn liên quan đến rượu bia, được đông đảo người dân đồng tình và từng bước hình thành văn hóa ‘đã uống rượu, bia không lái xe’, cũng theo báo mạng VnExpress.

 

Đối với lập luận cho rằng người không uống rượu bia ‘cũng có thể có nồng độ cồn nội sinh thông qua hơi thở’, ông Tới được dẫn lời nói ‘chưa có căn cứ rõ ràng’.

 

Về phần mình, Bộ Công an, cơ quan xử lý vi phạm giao thông ở Việt Nam, hồi tháng trước đã có văn bản giải trình cho Dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong đó bảo lưu quan điểm cấm tuyệt đối uống rượu bia rồi lái xe, tờ Thanh Niên cho biết.

 

Theo lập luận của cơ quan này thì do ở Việt Nam có tình trạng ‘ép rượu’ mà ‘người Việt thì cả nể’ nên nếu quy định ngưỡng nồng độ cồn sẽ không tránh khỏi trường hợp bị ép uống. “Đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì,” văn bản giải trình của Bộ Công an ghi.

 

Ngoài ra điều kiện giao thông ở Việt Nam cũng không thích hợp để cho phép ngưỡng nồng độ cồn như một số nước, cũng theo Bộ Công an, do xe cộ ở Việt Nam đi với tốc độ cao mà giữ khoảng cách với xe trước chỉ có vài mét nên ‘đi trên đường ở Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra’.

 

Cơ quan này cũng dẫn ra số liệu sau khi thắt chặt quy định về nồng độ cồ thì trong năm 2023, tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia giảm 25%, với số người chết giảm một nửa và số người bị thương giảm 22%.

 

Theo ghi nhận của VOA tại thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Tết vừa qua, công an giao thông đã lập nhiều chốt tại các điểm giao thông đông đúc để kiểm tra nồng độ cồn của tất cả các lái xe đi qua. Nhiều người đi nhậu giờ đây đã phải đặt xe Grab hay nhờ người thân chở đi, chở về.

 

Hiện tại, mức phạt nặng nhất – cho nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililít máu hay trên 0,4 miligam/1 lít khí thở - là phạt tiền 8 triệu đồng và bị tước bằng lái 24 tháng đối với xe gắn máy, phạt tiền 40 triệu đồng và tước bằng lái cũng 24 tháng đối với xe hơi. Ở những mức nồng độ cồn thấp hơn sẽ có mức phạt nhẹ hơn, nhưng đều bao gồm đóng tiền phạt và bị tước bằng.

 

Tình trạng chung chi cho công an để được cho đi cũng ít xảy ra hơn trước, theo tìm hiểu của VOA, vì với mỗi biên bản được lập cho hành vi vi phạm nồng độ cồn, công an được nhận 70% tiền phạt.

 

---------------------

LIÊN QUAN

 

Người đàn ông tự thiêu, tử vong sau khi bị kiểm tra nồng độ cồn ở Tp.HCM

Miễn kiểm tra người say, giám đốc công an Hà Tĩnh ‘nhân văn’ hay ‘coi thường luật’?

Việt Nam tính cấm tiệt lái xe có rượu bia: cần thiết hay hà khắc?

Nhiều người tử vong và bị thương vì tai nạn giao thông ở Việt Nam dịp Tết

Báo Mỹ viết về Việt Nam siết kiểm tra nồng độ cồn, xe máy vi phạm chất đống

Người chết vì tai nạn giao thông tăng vọt dịp Tết 2024 dù công an siết nồng độ cồn

 

 

 




No comments: