Saturday, December 3, 2022

BẢN CHẤT KHÔNG HOÀN HẢO CỦA MỘT NỀN DÂN CHỦ CHÂN CHÍNH (Đào Tăng Dực)

 



Bản chất không hoàn hảo của một nền dân chủ chân chính

Đào Tăng Dực

03/12/2022

https://baotiengdan.com/2022/12/03/ban-chat-khong-hoan-hao-cua-mot-nen-dan-chu-chan-chinh/

 

Một nền dân chủ chân chính trong bản chất không bao giờ hoàn hảo vì nó là một trật tự chính trị cởi mở, năng động và chấp nhận thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn. Chính vì thế, các nền dân chủ chân chính vô cùng bền vững. Các chế độ độc tài từ Phát Xít đến Quốc Xã, Giáo Phiệt và Cộng Sản đều là những trật tự chính trị khép kín, tự cho mình là hoàn hảo và không chấp nhận thay đổi.

 

Hoa Kỳ, lãnh đạo thế giới tự do, là một trong những thể chế dân chủ mẫu mực của nhân loại. Cũng chính vì vị trí này mà nền dân chủ Hoa Kỳ trở thành mục tiêu cho sự tấn công của các thế lực quốc tế phi dân chủ như Phát-xít Nga, CS Trung Quốc, Giáo Phiệt Iran, CS Bắc Hàn.

 

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2022 nói lên trọn vẹn yếu tính không hoàn hảo của nền dân chủ chân chính này. Tuy cuộc bầu cử diễn ra trong sự ổn định bình thường nhưng kết quả đưa đến một Hạ viện dưới sự kiểm soát của một đa số tương đối mong manh thuộc đảng Cộng Hòa và một Thượng viện với một đa số mong manh hơn nữa thuộc đảng Dân Chủ. Hậu quả là chính quyền Biden sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thông qua các sắc luật điều hành quốc gia.

 

Lý do là vì, như những quốc gia dân chủ khác, Hoa Kỳ trong bản chất là một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, trong đó yếu tố pháp trị vượt trội. Các chính sách quốc gia đều phải phát xuất từ những sắc luật được cả Hạ viện lẫn Thượng viện thông qua và Tổng thống phê chuẩn. Tổng thống Joe Biden từ nay sẽ gặp nhiều khó khăn thông qua các sắc luật cần thiết, từ ngân sách đến nợ quốc gia, từ an sinh xã hội đến kiểm soát súng v.v… vì Hạ viện nằm trong vòng kiểm soát của đảng Cộng Hòa đối lập. Ông sẽ cần rất nhiều khéo léo và chấp nhận dung hòa để lèo lái con thuyền quốc gia. Đó là chưa kể Hạ viện còn có quyền thành lập các ủy ban giám sát mọi khía cạnh của hành pháp, bao gồm Bộ Tư pháp, cá nhân những thành viên của chính phủ, kể cả tổng thống.

 

Tại Vương Quốc Anh, một nền dân chủ lâu đời đại diện cho mô hình quốc hội chế, cũng đã phơi bày nhiều khuyết điểm tương tự. Thật vậy, dưới sự lãnh đạo của cựu thủ tướng Boris Johnson, quốc gia này trải qua nhiều chia rẽ và sóng gió trong suốt tiến trình Brexit, rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu. Sau đó, những bê bối cá nhân không tuân thủ các quy luật chống đại dịch Vũ Hán đã buộc ông phải từ chức thủ tướng. Tiếp theo, đảng Bảo Thủ cầm quyền quyết định bầu nữ thủ tướng Liz Truss nhưng bà này chỉ tại vị 7 tuần vì áp lực và cuối cùng đảng phải bầu ông Rishi Sunak, một người gốc Ấn Độ làm thủ tướng. Dĩ nhiên mô hình dân chủ Anh Quốc cũng bị nhiều thế lực độc tài trên thế giới đả phá thường xuyên.

 

Trong khi đó, tại Liên bang Nga, Tổng Thống Putin vẫn tiếp tục cầm quyền từ năm 2000 đến nay, chỉ trừ từ 2008 đến 2012 trong chức vụ thủ tướng và hoàn toàn kiểm soát quốc hội. Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình nắm quyền từ năm 2013, đã chuẩn bị cho khả năng làm chủ tịch suốt đời và đảng CS liên tục cầm quyền từ năm 1949. Tại Bắc Triều Tiên, đảng CS tại quốc gia khốn khổ này duy trì một chế độ tàn ác và cha truyền con nối đã 3 đời. Tại Việt Nam TBT Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ này từ năm 2011 và đảng CSVN nắm quyền liên tục từ năm 1946.

 

Các câu hỏi chúng ta đặt ra là:

 

1. Như thế trên mặt nổi, có phải các chế độ độc tài hoàn hảo và được dân chúng ủng hộ hơn các nền dân chủ hay không?

 

2. Có phải đúng như Nhà Độc Tài Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay… cuộc sống bây giờ rất khác, ra đường phố Hà Nội ô tô không có chỗ đỗ, nhiều nhà có vài ba cái ô tô mà đều ô tô sang” hay không?

 

3. Có phải trật tự chính trị CS ở Việt Nam, LB Nga, CSTQ, CS Bắc Hàn ưu việt hơn trật tự chính trị dân chủ ở Hoa Kỳ, Anh Quốc và các quốc gia dân chủ khác hay không?

 

4. Có phải trật tự chính trị Mác Xít ở Việt Nam là hoàn hảo như Thiếu tướng, PGS, TS, Nhà Giáo Nhân Dân Nguyễn Bá Dương viết trên Báo Điện Tử đảng CSVN ngày 2 tháng 2 năm 2022 rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền “là đạo đức, là văn minh” hay không?

 

Câu trả lời thực sự là: Các chế độ dân chủ bề ngoài không hoàn hảo, nhưng hàm chứa một sự bền bỉ thâm sâu, vì được xây dựng trên sự bao dung nhiều khuynh hướng dị biệt và sự đồng thuận của nhân dân. Các nền dân chủ chân chính dung hợp được những cuộc biểu tình khổng lồ lên đến hằng trăm ngàn, thậm chí hằng triệu người mà chỉ cần điều hợp bằng những luật lệ giao thông bình thường. Trong khi tại các “thiên đường xã hội chủ nghĩa hoàn hảo và ưu việt” như Việt Nam và TQ thì chỉ một vài cá nhân lẻ tẻ bất đồng chính kiến, nhưng nhà cầm quyền đã phải sử dụng đến những điều khoản vô cùng khắt khe của Bộ luật Hình sự như “tuyên truyền chống phá nhà nước”, hoặc “âm mưu lật đổ chính quyền”, để giam cầm chung thân hoặc tử hình. Thêm vào đó, các chính quyền “ưu việt” này còn sợ quyền tự do biểu tình của nhân dân, như loài quỷ dữ sợ ánh sáng mặt trời.

 

Trong kỷ nguyên tin học, bạo lực và sự gian dối của độc tài CSVN không hề che giấu được nhân dân. Nhân dân Việt Nam từ lâu đã chọn lựa trật tự chính trị dân chủ. Nhân dân đã hoàn toàn chối bỏ trật tự chính trị Mác-Lê, dù guồng máy tuyên truyền có gắn cho nó mọi tính ưu việt giả dối.

 

Những lời hô vang trong các cuộc biểu tình chống chính sách Zero Covid tại TQ bao gồm “Đả đảo đảng CSTQ, đả đảo Tập Cận Bình” nói lên sự căm phẫn thật sự tiềm ẩn trong tâm thức của nhân dân. Đảng CSVN và Nguyễn Phú Trọng là mục tiêu của sự căm phẫn tương tự ở Việt Nam. Lịch sử chứng minh rằng, không hề có một tập thể chính trị nào tồn tại trước sự căm phẫn tột cùng của nhân dân. Đảng CSVN đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân và sẽ bị quẳng vào thùng phân thối tha của lịch sử vào một ngày không xa.





No comments: