Wednesday, December 28, 2022

KHÁCH QUAN và BÌNH LẶNG NHÌN VỀ MỘT QUÁ KHỨ ĐẦY XUNG DỘT (Pierre Brocheux trả lời Nguyễn Thuỵ Phương)

 



Khách quan và bình lắng nhìn về một quá khứ đầy xung đột    

Pierre Brocheux trả lời Nguyễn Thuỵ Phương 

28/12/2022

https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/khach-quan-va-binh-lang-nhin-ve-mot-qua-khu-day-xung-dot

 

LTS. GS Pierre Brocheux, người đồng hành với sự hồi sinh, phát triển ngành Việt Nam học ở Pháp từ những ngày đầu tiên trong thời kỳ hậu thuộc địa, vừa từ trần hôm 25.12.2022. Được phép của tác giả, TS Nguyễn Thuỵ Phương, chúng tôi xin đăng lại dưới đây bài phỏng vấn ông năm 2017 do cô thực hiện và đã đăng trên tạp chí Tia Sáng ngày 26/4/2017.

 

https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/khach-quan-va-binh-lang-nhin-ve-mot-qua-khu-day-xung-dot/PBchanzung.jpg

Pierre Brocheux tại trường Đại học Paris Diderot (Paris 7)

 

TS. Nguyễn Thụy Phương: Những lý do nào khiến GS chọn theo nghiệp nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Á Đông?

 

GS Pierre Brocheux: Tôi sinh ra và lớn lên trong một xã hội thuộc địa, nơi mà nòi giống chủng tộc được coi là tiêu chuẩn để phân cấp nấc thang xã hội. Giống nòi ấn định vị trí của anh trong xã hội. Ngay từ rất sớm tôi đã ý thức được mình mắc kẹt trong địa vị người con lai Á-Âu đầy bất tiện, mâu thuẫn và khó xử, rằng với địa vị pháp lý là công dân Pháp, về mặt lý thuyết anh ta ở thành phần thống trị trong xã hội nhưng điều đó lại không tương ứng với cương vị nghề nghiệp xã hội thực tế.

Tuy nhiên, lý do thứ hai mang tính quyết định, đó là vì bối cảnh, trật tự xã hội và không khí chính trị tôi sống lúc đó đã hoàn toàn bị đảo lộn bởi Đại chiến thế giới lần hai. Pháp bị Đức chiếm đóng. Tại Đông Dương, Nhật làm đảo chính, người Việt Nam đủ mọi thành phần chính trị nổi dậy đòi độc lập, khiến cho sự thống trị bá quyền của tộc da trắng đế quốc Tây phương bị lung lay trên toàn châu Á. Tôi nhận thức rõ về sự bấp bênh của trật tự thuộc địa và khả năng dễ bị kích động của quần chúng.

 

.

GS từng giảng dạy nhiều năm ở một trường trung học Pháp tại Sài Gòn ?

 

Sau khi đỗ chứng chỉ dạy trung học (CAPES), tôi xin về Việt Nam đi dạy tại trung học Jean-Jacques Rousseau. Tôi dạy lịch sử và địa lý. Ban đầu, ý định của tôi chỉ là về hai năm để thăm và đưa vợ con về ra mắt cha mẹ, nhưng cuối cùng gia đình tôi đã ở lại Sài Gòn tới tám năm.

 

.

Trong thời gian này, thông qua việc dạy sử, GS đã cố gắng dựng cầu nối giữa sử Việt và sử thế giới ?

 

Môn sử-địa được dạy theo chương trình Pháp ở trường trung học Jean-Jacques Rousseau nhưng chương trình này không hề lấy Pháp hay châu Âu làm trọng điểm mà mở rộng ra sử thế giới, đặc biệt là ở lớp 12. Năm học 1963-1964, cùng với hai đồng nghiệp Philippe Langlet và Roger Legay, chúng tôi soạn những bài giảng tập trung vào lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á. Chương trình này dành 15 tiếng/tuần để dạy tiếng Việt, sử Việt và văn Việt. Những môn học này đều do các giáo viên Việt đảm nhận.

 

.

Sự hồi sinh của nghiên cứu thuộc địa bắt đầu từ khi nào và nó diễn ra như thế nào thưa GS ?

 

Nhìn từ Việt Nam, sự hồi sinh của nghiên cứu thuộc địa nói chung và Việt Nam học nói riêng bắt đầu từ Đổi Mới, bắt đầu bằng sự mở cửa của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) tại Hà Nội năm 1993, tiếp đến là Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD). Nếu các trung tâm lưu trữ quốc gia mở cửa cho những nhà sử học ngoại quốc thì ở những lĩnh vực khác, những nhà kinh tế học, nhân chủng học, nông học, xã hội học, dân tộc học… cũng bắt đầu đến thực địa nghiên cứu ở Việt Nam. Hợp tác khoa học và kỹ thuật nảy nở thông qua rất nhiều hội thảo và công bố ấn phẩm. Trong tiến trình này nhất thiết phải nhắc đến rất nhiều nhà nghiên cứu đi ra từ Việt Nam bảo vệ luận án tiến sỹ tại nước ngoài. Loại bỏ đi những thiên kiến, họ đã diễn giải lại lịch sử của chính đất nước mình.

 

Tại Pháp, sự hồi sinh này được đánh dấu bởi việc Tạp chí Lịch sử Hải ngoại xuất bản một hồ sơ nhan đề “Đông Dương: thống trị và thỏa hiệp” (*) vào năm 1995 với năm bài viết về chính trị, tôn giáo, giáo dục và y tế. Các công trình nghiên cứu về tương tác và tiếp biến văn hóa nảy nở kể từ 2005 ở những đề tài kiến trúc, văn hóa, chính trị, nghệ thuật, văn học…, đơn cử là những cuốn như: Le Viet Nam au féminin/Vietnam: Women’s Realities [Việt Nam ở khuôn mặt nữ giới] của G. Bousquet và Nora Taylor, Architectures du Vietnam colonial: Repenser le métissage [Kiến trúc Việt Nam thời thuộc địa : tư duy lại về sự lai tạo] của Caroline Herbelin, Théâtres français et vietnamiens (un siècle d’échanges. 1900-2008): Réception, adaptations, métissage [Sân khấu Pháp và Việt Nam một thế kỷ giao lưu : tiếp nhận, phóng tác, lai tạo] do Nguyễn Phương Ngọc và C. Flicker chủ biên, Le Vietnam, une histoire de transferts culturels [Việt Nam : một lịch sử chuyển giao văn hóa] do Hoài-Hương Aubert-Nguyễn và Michel Espagne chủ biên…

 

.

GS Pierre Brocheux sinh ra ở Chợ Lớn – Sài Gòn năm 1931. Cha ông là người Pháp đến lập nghiệp ở Đông Dương năm 1929, mẹ ông xuất thân trong một gia đình Việt nhập tịch Pháp trong thời thuộc địa. Ông học từ tiểu học đến trung học trong trường Pháp tại Việt Nam, nơi pha trộn những chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Không chỉ có tuổi thơ gắn với bản địa, khi trưởng thành Pierre Brocheux còn từng tham gia các hoạt động xã hội và trải qua một số sự kiện lịch sử quan trọng như tham dự hai cuộc biểu tình lớn đòi độc lập cho Việt Nam của những lực lượng chính trị đối lập nhau: Đảng Cộng sản dưới danh nghĩa Việt Minh, Thanh Niên Tiền Phong, Phục Quốc Hội, Dân Xã Hội, nhóm trotskyste. Sau này, Pierre Brocheux sang Paris học tú tài, rồi theo học cử nhân và tiến sĩ ngành sử ở Đại học Sorbone. Luận án của ông bảo vệ năm 1969 về đề tài đồng bằng sông Cửu Long trong một thế kỷ (1860-1960) dưới lăng kính dân cư Nam bộ chứ không phải lịch sử thuộc địa.


.

Ông là một trong những GS đầu tiên giảng dạy Việt Nam học tại Khoa Ngôn ngữ và văn minh Á Đông (LCAO) của Đại học Paris Diderot. Hãy kể cho chúng tôi sự hình thành của Ban Việt học trong trường này ?

 

Đầu những năm 1970, Chính phủ Pháp quyết định thành lập hem tám trường đại học mới trong nội thành Paris. Những giảng viên biên chế được phân bổ về những trường mới này tùy vào thiên hướng chính trị, triết học hay sư phạm. Tại Đại học Paris 7, các giáo sư sử chủ trương không dạy sử theo “bộ tứ”: Cổ đại, Trung cổ, Hiện đại và Đương đại, mà nhấn mạnh đến lịch sử đối chiếu và mở ra không gian ngoài Âu châu. Thời điểm đó tôi chọn Paris 7 để được tiếp tục làm việc với GS Jean Chesneaux, từng hướng dẫn luận án cho tôi. Ông khai mở ngành sử mới ở ĐH này, lịch sử Á Đông. Tại đây, tôi gặp lại hai nhà sử học Daniel Hémery và Georges Boudarel. Trên thực tế, tôi không thuộc biên chế của khoa LCAO mà là khoa Sử, Địa, Khoa học xã hội. Nhà nghiên cứu sử học đầu tiên được tuyển vào khoa này là Philippe Langlet, người đã dịch Khâm định Việt sử thông giám cương mục sang tiếng Pháp và chuyên gia về lịch sử Phật giáo Việt Nam.

 

https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/khach-quan-va-binh-lang-nhin-ve-mot-qua-khu-day-xung-dot/Paris7.jpg

GS Pierre Brocheux là một trong những người đầu tiên giảng dạy về Việt Nam học tại
Khoa Ngôn ngữ và văn minh Á Đông (LCAO) của Đại học Paris Diderot (ĐH Paris 7).
Ảnh: Một góc Đại học Paris Diderot. (Thuỵ Phương).

 

.

GS đã viết hai cuốn sách về Hồ Chí Minh. Vì sao ông lại chọn nhân vật lịch sử này ?

 

Ban đầu, tôi quan tâm đến lịch sử nông thôn và giai cấp nông dân, và thế giới lao động nói chung, đấy là giai đoạn “mác xít” của tôi. Nhưng tôi cũng hiểu ngay ra rằng không thể nào tách biệt ra khỏi bối cảnh xã hội. Vì vậy tôi nghiêng về lịch trình của toàn bộ xã hội Việt Nam: tư sản thành thị, giới trí thức mang tư tưởng hiện đại hoặc canh tân hoặc cách mạng. Chính tại nút giao này tôi gặp Hồ Chí Minh. Nhân vật này đại diện cho một xã hội đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ, tự tìm đường trong thế kỷ 20 toàn cầu hóa đầy thảm kịch: sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc và hai cuộc đại chiến. Lúc đầu tôi chỉ viết một bài báo ngắn tiêu đề “Hồ Chí Minh, Marx và Khổng Tử” đã gây chú ý đến hai nhà xuất bản Presses Sciences Po và Payot. Từ đó mà hai cuốn sách ra đời.

 

.

GS có thể đưa ra nhận định so sánh về những nhà Việt Nam học người Mỹ và người Pháp của thế hệ ông?

 

Các công trình khoa học của tôi được nghiên cứu đúng vào giai đoạn chiến tranh Việt Nam, thời điểm mà cả thế giới là một sân khấu của các phong trào cách mạng. Những giáo sư, giảng viên Pháp và Mỹ như chúng tôi có quan hệ mật thiết với nhau cả trên cương vị đồng nghiệp và tình bạn. Nhiều người trong số họ và chúng tôi tham gia vào phong trào quốc tế phản chiến tại Việt Nam. Về mặt học thuật, chúng tôi quan tâm đến giai đoạn thuộc địa, các phong trào cách mạng, độc lập, phản đế. Khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam thống nhất, khi phong trào Thế giới Thứ ba và khối Xô viết tan vỡ, những mối bận tâm học thuật của chúng tôi dần thay đổi hoặc chuyển hướng.

 

.

Theo ông, những chính sách đổi mới, mở cửa của Việt Nam tác động như thế nào đến việc nghiên cứu của ngành Việt Nam học trên thế giới?

 

Hai sự kiện quan trọng: một là việc mở cửa những kho lưu trữ ở Việt Nam và hai là, các nhân chứng hay tác nhân của lịch sử bắt đầu kể, nói hoặc viết, và điều này dẫn đến hệ quả cho hai ngành sử: lịch sử thuộc địa và lịch sử Việt Nam. Những công trình gần đây quan tâm đến mối tương tác và trao đổi giữa thực dân và bị trị và kết quả của những tương tác này là sự hình thành nên tính hiện đại của Việt Nam. Các nhà sử học cũng quay về quá khứ trên những địa hạt khác như khảo cổ, lịch sử tôn giáo, nghệ thuật và văn học… với mục đích đối chứng quá khứ với hiện tại, giữa cái cũ và cái mới. Ở mảng này, các nhà nghiên cứu sử Pháp làm ra những công trình xuất sắc làm hồi sinh ngành phương Đông học vốn bị chỉ trích là cổ lỗ từ vài thập niên. Phía các nhà sử học Mỹ, họ lưu tâm đến cổ sử Việt Nam. Một số khác khảo cứu lại lịch sử Việt Nam Cộng hòa hoặc đào sâu vào lịch sử thể chế Bắc Việt. Tôi nghĩ rằng các nhà sử học Pháp và Mỹ đã chọn đúng hướng khi giải đáp những chất vấn của hiện tại về quá khứ và quay lưng hẳn với những luận chiến phản đế giản đơn. Những cuốn quan trọng trong thời gian gần đây theo tôi là: A History of Vetnamese [Một lịch sử của người Việt] của K.W. Taylor, Vietnam, A New History [Một lịch sử mới] của C. Goscha, Misalliance, Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam [Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ và số phận của miền Nam Việt Nam] của Edward Miller, Vietnam. A history from earliest to Time to the Present [Việt Nam. Một lịch sử từ khởi thủy cho tới hiện đại và đương đại] của Ben Kiernan…

 

.

Xin chân thành cảm ơn GS!

 

Nguyễn Thụy Phương

26/04/2017

 

(*) Revue Française d'Histoire d'Outre-Mer, tome 82, n°309, 4e trimestre 1995, "Indochine : Domination et Transactions". Đây cũng là nhan đề bài dẫn nhập của Pierre Brocheux, giới thiệu 5 bài viết của hồ sơ (Chú thích của Diễn Đàn)





No comments: