Monday, November 28, 2022

KHI PHÁO THỦ NGA TÌM MỤC TIÊU BẰNG "ỐNG DÒM TRÊN CÂY" (Mỹ Anh / Saigon Nhỏ)

 



Khi pháo thủ Nga tìm mục tiêu bằng “ống dòm trên cây”

Mỹ Anh  -  Saigon Nhỏ

27 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/khi-phao-thu-nga-tim-muc-tieu-bang-ong-dom-tren-cay/

 

Hệ thống pháo binh công nghệ cao của Nga được cho là sẽ chiến thắng áp đảo trong cuộc chiến ở Ukraine nhưng vấn đề ở chỗ lính Nga không biết cách sử dụng, hay nói chính xác hơn là không biết sử dụng một cách hiệu quả và điều này bắt nguồn từ cách bố trí và phân quyền trong quân đội Nga, lẫn một số yếu tố khác.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1242827735.jpg

Pháo thủ Nga nói chung, trong đó có xạ thủ xe tăng T-72BA với khẩu pháo 2S19 Msta-S, đang tiếp tục vật lộn một cách bất lực trên chiến trường Ukraine (ảnh: Artur Widak/NurPhoto via Getty Images)

 

Quân đội Nga dành nhiều thập niên và hàng tỷ đôla để xây dựng hệ thống kiểm soát hỏa lực pháo binh (artillery fire-control system – AFS), vốn từng được giới quân sự nói chung đánh giá là đáng sợ nhất thế giới. Kết hợp máy bay không người lái (drone), radar và hàng nghìn khẩu pháo và bệ phóng tên lửa hiện đại, về lý thuyết, AFS có thể phát hiện mục tiêu, chuyển tiếp tọa độ và gửi phóng đạn xuống mục tiêu (trong tầm bắn) chỉ trong 10 giây.

 

Trong thực tế chiến trường, với sự hỗn loạn của cuộc chiến dàn trải trên diện rộng ở nhiều mặt trận Ukraine, AFS hầu như không hoạt động; và phần lớn là do lỗi của chính xạ thủ pháo binh, theo Maksim Fomin, một chiến binh của Cộng hòa Nhân dân Donetsk ly khai và là một blogger thân Nga. “Hầu hết xạ thủ, trước ngày 24 tháng 2, không biết cách chiến đấu trong điều kiện hiện đại,” Fomin viết dưới bút danh “Vladlen Tatarsky” trong bài đăng trên Telegram ngày 19 Tháng Mười Một 2022.

 

Fomin đề cập đến các xạ thủ thuộc Quân khu Bắc của quân đội Nga, nhưng thật ra điều tương tự cũng có thể nhìn thấy ở gần như mọi quân khu, nếu không nói là toàn bộ lực lượng Nga trên chiến trường Ukraine. Một dàn pháo binh AFS phức tạp sẽ hoàn toàn vô tích sự nếu quân đội không biết cách vận hành. Họ có thể nã ào ạt nhưng vấn đề là nã “phong lông” chẳng mảy may trúng “thằng Tây” nào. Khác với quân đội Mỹ, pháo binh được chỉ huy từ cấp lữ đoàn, quân đội Nga cho phép cấp tiểu đoàn gần như toàn quyền quyết định chiến thuật tấn công. Mỗi tiểu đoàn pháo binh Nga có trung bình 18 dàn pháo.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1244546420.jpg

Trong khi đó, pháo binh Ukraine nã rất hiệu quả (ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Với người Nga, lợi thế là tốc độ. Một chỉ huy tiểu đoàn không cần phải yêu cầu lữ đoàn hỗ trợ hỏa lực; vì ngoài dàn pháo, tiểu đoàn còn có xe tăng và xe chiến đấu bộ binh. Hơn nữa, tiểu đoàn có thể truy cập dữ liệu nhắm mục tiêu nhanh chóng từ máy bay không người lái và radar PRP-4A quét tìm mục tiêu. Để hỗ trợ tiểu đoàn, lữ đoàn có thể cung cấp thêm dữ liệu quan sát nhờ dàn radar SNAR-10 và Zoopark-1 cũng như drone Orlan-10 hoặc Orlan-30. Lữ đoàn cung cấp tọa độ mục tiêu cho tiểu đoàn, bộ tư lệnh tiểu đoàn sẽ chuyển xuống các chỉ huy khẩu đội để họ bấm nút khai hỏa. Vấn đề ở đây là tiểu đoàn, do ở sát tiền tuyến, nên thường không chờ dữ liệu do thám từ cấp lữ đoàn.

 

Về lý thuyết, sự tích hợp chặt chẽ giữa xe tăng, bộ binh và pháo binh sẽ giúp việc nã vào quân thù có thể được thực hiện trong vòng chưa đầy một phút. Thiếu tướng Vadim Marusin, phó tham mưu trưởng lực lượng mặt đất của Nga, từng hãnh diện khoe: “Ngày nay, chu trình [từ trinh sát đến giao chiến] chỉ mất đúng 10 giây”. Trong những cuộc đụng độ qui mô nhỏ trong giai đoạn đầu cuộc chiến với Ukraine, ở khu vực phía Đông Donbas vào năm 2014 và 2015, AFS của Nga đã phát huy hiệu quả. Trước đó, quân đội Nga cũng làm mưa làm gió ở chiến trường Syria. Tuy nhiên, khi lâm vào một cuộc chiến diện rộng dàn trải trên nhiều mặt trận, kiểu đánh này lộ ra tất cả nhược điểm, đặc biệt khi quân đội Nga hấp tấp đưa vào chiến trường Ukraine những tay lính nghĩa vụ non choẹt không có kinh nghiệm.

 

Quan trọng hơn nữa là sự tự mãn của quân đội Nga, vốn tin rằng chiến dịch quân sự xâm lược Ukraine có thể kết thúc chóng vánh. Ngoài ra, họ còn thiếu hụt những thiết bị căn bản để AFS có thể hoạt động hiệu quả. Có quá ít máy bay không người lái Orlan để hỗ trợ hệ thống AFS trên quy mô lớn.

 

Fomin viết: “Vào ngày 24 Tháng Hai, hầu hết pháo binh đã tham chiến với la bàn và ống nhòm trong tay. Thay vì dùng drone để do thám địa hình, lính Nga phải trèo lên cây… hoặc nơi nào đó khác và điều khiển… hỏa lực! Quân đội Nga thiếu drone trầm trọng và trong hầu hết trường hợp, họ hoàn toàn không có drone – Fomin cho biết. Radar không thể bù đắp sự thiếu hụt drone. Tệ hại hơn, “phần lớn (lính pháo binh) không biết cách sử dụng (radar) hoặc có lẽ chúng không hiệu quả,” Fomin viết về hệ thống radar. “Tôi có thể khẳng định chắc chắn một điều: Tôi chưa bao giờ nghe sở chỉ huy tiền tuyến nhận được dữ liệu mục tiêu từ các thiết bị radar” – Fomin viết (dẫn lại từ Forbes).

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1233619738.jpg

Quân đội Nga đang thiếu drone nghiêm trọng (ảnh: Mihail Tokmakov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

 

Thiếu drone, liên kết radar bị hỏng, và chỉ dựa vào “quan sát viên” ngồi vắt vẻo trên cây với ống nhòm, các khẩu đội pháo của Nga lăn lộn vào chiến địa Ukraine trong tình trạng giống như bị… mù. Việc thiếu drone cũng khiến các khẩu đội Nga không thể sử dụng hiệu quả pháo dẫn đường bằng laser Krasnopol. Theo Fomin, máy bay không người lái Orlan-30 được trang bị thiết bị định vị laser là phương tiện dẫn đường tốt nhất cho Krasnopol.

 

Đến nay, tình hình được cải thiện ít nhiều, nhờ hỗ trợ của máy bay không người lái DJI do Trung Quốc sản xuất. Một chiếc drone bốn cánh (quadcopter) – có thể không có thiết bị định vị laser nhưng có camera – dù sao cũng “ngon” hơn so với “ống nhòm trên cây”. Vấn đề là Nga cần nhiều drone hơn nữa. Các nhà sản xuất trong nước Nga đang bị siết chặt bởi các biện pháp trừng phạt nước ngoài, buộc Kremlin phải xoay sở mua hàng Iran. Tuy nhiên, drone Iran cũng có nhiều bộ phận nhập; cho nên, giới sản xuất drone Iran cũng có thể bị vạ lây án cấm vận.

 

Tồi tệ hơn cả là những tiêu chuẩn huấn luyện của quân đội Nga đang ngày càng “đơn giản”, trong bối cảnh ngày càng có nhiều quân nhân có kinh nghiệm đã bị tử trận hoặc đang nằm trong bệnh viện. Trong khi đó, lính quân dịch chỉ được hướng dẫn cách… cầm súng và bóp cò, trong những đợt huấn luyện “siêu cấp tốc” không quá hai tuần. Những xạ thủ Nga được đào tạo hàng tháng hoặc hàng năm hiện còn không có khả năng vận hành một hệ thống điều khiển hỏa lực sao cho hiệu quả thì cơ hội nào cho những tân binh nhập ngũ chưa qua đào tạo đến nơi đến chốn?

 

 



No comments: