Monday, February 14, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 14/02/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 14/02/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

14/02/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/02/14/the-gioi-hom-nay-14-02-2022/

 

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Nga “khả năng cao” sẽ xâm lược Ukraine bất chấp các nỗ lực ngoại giao. Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rằng mọi suy đoán Nga xâm lược đều là “phỏng đoán mang tính khiêu khích.” Cũng trong ngày hôm đó, tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo mọi hành động xâm lược của Nga sẽ phải trả giá “nhanh chóng và nghiêm trọng.” Giờ đây tới lượt thủ tướng Đức Olaf Scholz đến gặp Putin. Ông sẽ thăm Ukraine vào thứ Hai và Nga vào thứ Ba.

 

Với việc Mỹ tiếp tục cảnh báo Nga sắp xâm lược Ukraine, các bên đang lên kế hoạch dự phòng. Các nước láng giềng của Ukraine đang chuẩn bị cho dòng người tị nạn trong khi một số hãng hàng không hủy hoặc chuyển hướng bay. Song Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi bình tĩnh, và cho biết không có tin tình báo nào cho thấy sắp có một cuộc tấn công.

 

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cáo buộc EU mượn danh nghĩa bảo vệ pháp quyền để “thánh chiến” với nước ông, và ám chỉ Hungary có thể rời khỏi khối. Vào thứ Tư này, Tòa án Công lý Châu Âu sẽ phán quyết về một vụ kiện chung do Hungary và Ba Lan đệ trình xoay quanh cơ chế yêu cầu tôn trọng các chuẩn tắc pháp lý để được nhận tài trợ từ EU.

 

Cảnh sát ở Windsor, Ontario, Canada cuối cùng cũng giải tán được vụ chặn đường kéo dài từ hôm thứ Bảy, sau khi phải bắt giữ một số người. Hiện biểu tình phản đối các chính sách xét nghiệm và cách ly covid-19 đang lan rộng ở một số thành phố Canada. Trong khi đó, cảnh sát New Zealand tìm cách giải tán một cuộc biểu tình tương tự bằng cách bật đi bật lại các bản hit của Barry Manilow và các loại nhạc khó nghe khác.

 

Ả Rập Saudi chuyển số cổ phần Saudi Aramco trị giá khoảng 80 tỷ đô la vào quỹ đầu tư quốc gia. Con số này tương đương 4% cổ phần công ty và là một phần trong kế hoạch tăng gấp đôi tổng tài sản của quỹ cho tới năm 2025 từ mức 480 tỷ đô la hiện tại, đồng thời giúp vương quốc bớt phụ thuộc vào dầu mỏ. Với giá dầu trên 90 đô la một thùng, Aramco đang có tổng giá trị gần 2 nghìn tỷ đô la.

 

Quân đội đang đổ về Tripoli, thủ đô Libya, để ủng hộ Abdul Hamid Dbeibah khi ông kiên quyết không từ chức thủ tướng. Trước đó quốc hội đã bổ nhiệm Fathi Bashagha thay ông Dbeibah, song ông lại nói sẽ tiếp tục nắm quyền cho tới bầu cử. Hôm thứ Sáu chứng khiến hàng trăm người ủng hộ ông Dbeibah đổ xuống đường tuần hành.

 

Nhà lãnh đạo chuyên quyền của Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov, người nắm quyền tổng thống từ năm 2006, vừa kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 12 tháng 3. Ông nói đã đến lúc cho các nhà lãnh đạo trẻ hơn lên nắm quyền. Thật ra ông muốn ám chỉ con trai ông, phó thủ tướng Serdar. Tổng thống từng thắng hơn 97% phiếu bầu vào năm 2017. Con trai ông sẽ rất thất vọng nếu không đạt được kết quả tương tự.

 

Con số trong ngày: 0, là số đội có chủ sở hữu là người da đen trong Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ, giải đấu có tới 70% cầu thủ là người da đen.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Thủ tướng Đức thăm Nga và Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bị chỉ trích vì thiếu chủ động khi Nga đổ quân về biên giới Ukraine. Giờ đây ông sẽ tiến hành một nỗ lực ngoại giao. Trước đó vào tuần trước ông đã đến thăm Joe Biden để xoa dịu lo ngại của người Mỹ. Đến thứ Hai ông sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky ở Kyiv. Và một ngày sau là chuyến thăm đầu tiên của ông trên cương vị thủ tướng tới Điện Kremlin.

 

Ông Scholz đã tham khảo ý kiến rộng rãi trước cuộc gặp với Vladimir Putin, thậm chí là thảo luận với cả người tiền nhiệm Angela Merkel. Một loạt các chuyến thăm của lãnh đạo phương Tây tới Moscow đã không thể làm giảm căng thẳng, và đó là trước khi Mỹ cảnh báo Nga có thể tiến hành tấn công sớm nhất vào thứ Tư. Hiện Đức là một trong nhiều quốc gia kêu gọi công dân rời Ukraine. Với nguy cơ chiến tranh đến gần, các đồng minh sẽ kỳ vọng rất nhiều vào chuyến thăm của thủ tướng Scholz.

 

Xét xử cựu nhân viên Goldman Sachs trong vụ 1MDB

Roger Ng, cựu nhân viên Goldman Sachs bị cáo buộc giúp biển thủ hàng trăm triệu đô la từ quỹ đầu tư quốc gia 1MDB của Malaysia, sẽ ra tòa New York vào thứ Hai tới. Trước đó, nhà chức trách Mỹ đã tuyên bố có tới 4,5 tỷ USD bị bốc hơi khỏi 1MDB từ năm 2009 đến 2014. Vụ việc khiến thủ tướng Malaysia Najib Razak mất ghế thủ tướng. Sau đó ông bị kết án vào năm 2020 với các tội danh rửa tiền và lạm dụng quyền lực; hiện ông đang kháng án và được tại ngoại.

 

Chính phủ Mỹ cáo buộc ông Ng và những người khác tại Goldman Sachs, bên có hợp đồng phát hành trái phiếu 1MDB trị giá 6,5 tỷ USD, tội tham gia hối lộ. Vụ việc sẽ làm sáng tỏ cách ngân hàng phản ứng trước các cảnh báo nội bộ về tham nhũng. CEO Goldman Sachs David Solomon đã tuyên bố không có quy trình tuân thủ nào bị vi phạm. Song ông cũng thừa nhận “có thất bại về mặt thể chế.” Ngân hàng thậm chí đã đồng ý trả 2,9 tỷ đô la tiền phạt vào năm 2020. Đây chính là tin tốt cho ông Ng, khi ông kiên quyết chối tội.

 

Các nước họp thống nhất văn kiện khoa học về biến đổi khí hậu

Vào thứ Hai, các nhà khoa học khí hậu và đại diện các chính phủ trên thế giới sẽ họp online cho một hội nghị kéo dài hai tuần. Nhiệm vụ của họ là phê duyệt từng dòng một “bản tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách” trong phần mới nhất của báo cáo thứ sáu từ Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), một cơ quan tập hợp ý kiến khoa học được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.

 

IPCC từng đi qua quy trình tương tự vào mùa hè năm ngoái trước khi xuất bản phần đầu tiên, tức bản đánh giá toàn diện nhất của thế giới về bản chất vật lý đằng sau biến đổi khí hậu. Phần tiếp theo tập trung vào các tác động của nóng lên toàn cầu, tính dễ bị tổn thương của con người và các hệ thống sinh thái, cũng như nêu rõ tiềm năng thích ứng. Kết quả sẽ không hào hứng gì — mỗi vòng báo cáo đều đưa ra các cảnh báo rõ ràng hơn vòng trước. Song vẫn còn đó hy vọng. Báo cáo này sẽ cho thấy nhân loại ngày càng có nhiều giải pháp tiềm năng hơn, nếu có thể tập hợp đủ ý chí chính trị để hiện thực hóa chúng.

 

Tranh cãi quanh luật cấm rượu của Ấn Độ

Tháng trước, chính quyền của bang miền tây Ấn Độ Maharashtra đã thông báo các cửa hàng tạp hóa lớn sẽ được phép bán rượu vang. Các quan chức nói điều này giúp tăng thu nhập cho nông dân và nhà máy rượu. Khoản thu thuế lớn từ rượu chắc chắn góp phần đã khiến họ đổi ý. Anna Hazare, một nhà dân túy Gandhi chủ nghĩa lớn tuổi, đáng lẽ sẽ tuyệt thực vô thời hạn từ thứ Hai để phản đối cho bán rượu, trước khi tuyên bố tạm hoãn trong khi chờ quan chức bang tham vấn ý kiến người dân.

 

Lập trường nghiêm khắc của Ấn Độ đối với rượu được ghi hẳn trong hiến pháp, trong đó cam kết nhà nước cấm rượu trừ khi vì “mục đích chữa bệnh”. Mặc dù một số người Ấn Độ đồng ý với ông Hazare, nhiều người lại thấy chán ngán với luật cấm. Các quán rượu luôn biết cách để giữ khách. Khi Tòa án Tối cao Ấn Độ ra lệnh cấm bán rượu trong vòng 500 mét tính từ đường cao tốc, một quán bar ở bang Kerala miền nam đã xây dựng một mê cung ngoằn ngoèo bằng bê tông để tăng khoảng cách từ cửa trước đến đường cao tốc lên trên 500 mét.





No comments: