Thursday, September 2, 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 02/09/2021 (The Economist)

 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 02/09/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

02/09/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/09/02/the-gioi-hom-nay-02-09-2021/

 

Các chiến binh Taliban ở thành phố Kandahar, nơi khai sinh lực lượng này, đã đem các thiết bị quân sự thu được của chính phủ ra diễu binh, ngay khi Mỹ vừa hoàn tất rút khỏi Afghanistan. Tổng thống Joe Biden khẳng định cuộc sơ tán hỗn loạn khỏi sân bay Kabul là một “thành công phi thường.” Trước đó, đà tiến công của Taliban đã làm choáng váng các cường quốc phương Tây. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, tình báo nói Kabul sẽ không rơi vào tay Taliban trong năm nay.

 

Một báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết số lượng thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra đã tăng gấp 5 lần trong vòng 50 năm qua. Ngoài ra, báo cáo cũng nói những sự kiện liên quan đến thời tiết như vậy đã gây thiệt hại khoảng 3,64 nghìn tỉ USD và giết chết khoảng 2 triệu người, nhưng số người chết đang giảm do nhân loại đã có kế hoạch và chuẩn bị tốt hơn.

 

Một nghiên cứu trên gần 7.000 trẻ em Anh của University College London và Public Health London cho thấy khoảng 14% trẻ em 11 đến 17 tuổi mắc covid-19 có thể xuất hiện ít nhất ba triệu chứng 15 tuần sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng phổ biến nhất là đau đầu và mệt mỏi bất thường, nhưng không bao gồm suy giảm sức khỏe tâm thần hay sức khỏe tổng thể.

 

Israel gọi việc Mỹ có kế hoạch mở lại lãnh sự quán ở Jerusalem để giải quyết các vấn đề của người Palestine sát sao hơn là “một ý tưởng tồi.” Văn phòng này vốn bị gộp vào đại sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem khi nó được chính quyền Donald Trump chuyển khỏi Tel Aviv vào năm 2019. Israel tuyên bố một động thái như vậy có thể gây bất ổn cho chính phủ của tân thủ tướng Naftali Bennett.

 

Tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã khiến hoạt động nhà máy ở Đức xuống mức thấp nhất trong sáu tháng. Chỉ số nhà quản lý mua hàng của IHS Markit cho lĩnh vực sản xuất giảm xuống còn 62,6 trong tháng 8 từ mức 65,9 của tháng trước (mặc dù chỉ cần trên 50 là có tăng trưởng). Riêng doanh số bán lẻ của Đức giảm 5,1% trong tháng 7 sau hai tháng tăng trưởng liên tiếp.

 

Các đảng đối lập của Venezuela, do Juan Guaidó lãnh đạo, sẽ trình danh sách ứng viên cho các cuộc bầu cử sắp tới, chấm dứt cuộc tẩy chay kéo dài 3 năm qua. Ngày 21 tháng 11 này sẽ tổ chức bầu cử khu vực và thị trưởng. Chế độ Nicolás Maduro thường xuyên cản trở phe đối lập trong các cuộc bỏ phiếu trước đây. Ông Guaidó được nhiều người xem là tổng thống hợp pháp sau cuộc bầu cử gian lận năm 2018. Đàm phán giữa hai bên vẫn tiếp tục ở Mexico.

 

Các nhà lập pháp phe Cộng hòa ở Texas đã thông qua một gói quy tắc hạn chế quyền bỏ phiếu bất chấp sự phản đối của phe Dân chủ, phá vỡ thế bế tắc kéo dài 6 tuần. Dự luật này giới hạn giờ bỏ phiếu và các điểm bỏ phiếu khi ngồi trên xe (drive-through), bên cạnh các biện pháp khác. Những người Dân chủ nói nó sẽ làm giảm tỷ lệ cử tri đi bầu ở các nhóm thiểu số, những người có xu hướng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Nếu không có gì bất ngờ, thống đốc ​​sẽ ký nó thành luật.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Trung Quốc ra luật khắt khe hơn đối với livestream

Các nhân vật sản xuất nội dung video của Trung Quốc sắp phải đối mặt với một loạt các hạn chế nội dung trong ngành phát trực tiếp đang bùng nổ, nếu Bộ Thương mại xuống tay.

 

Hôm nay kết thúc giai đoạn tư vấn kéo dài hai tuần về các tiêu chuẩn ngành mới. Chúng bao gồm các hướng dẫn gồm người phát video trực tiếp phải nói tiếng Quan Thoại (thay vì tiếng địa phương), ăn mặc sao cho không “vi phạm trật tự công cộng xã hội”, và không tiếp thị một số hàng hóa nhất định, chẳng hạn như nội dung khiêu dâm. Các quy định mới cũng quy định vlogger phải từ 16 tuổi trở lên.

 

Tương tự như các quy định gần đây về trò chơi điện tử, vốn hạn chế trẻ em chơi game một giờ mỗi ngày và chỉ vào cuối tuần hoặc ngày lễ, nguyên tắc phát trực tiếp có hai động lực. Chúng kết hợp hai thứ, một là nỗ lực điều chỉnh một mảng phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số, và hai là nỗ lực thực thi các tiêu chuẩn phù hợp với quan điểm đạo đức của Đảng Cộng sản — đặc biệt là đối với trẻ em.

 

Tòa Brazil xem xét vụ kiện về quyền của người bản địa

Hôm nay, tòa án tối cao Brazil tiếp tục xem xét một vụ kiện sẽ gây khó khăn cho các nhóm bản địa, nông dân và những người có tranh chấp quyền sở hữu đất. Nhân vật chính hôm nay là một luận điểm mang tên “khung thời gian” gây tranh cãi, vốn được dùng để cấp quyền sở hữu đất cho người Brazil phi bản địa. Nó quy định chỉ đảm bảo các lãnh thổ bản địa nếu chúng có người ở vào năm 1988, tức khi hiến pháp được phê chuẩn.

 

Các nhóm bản địa coi ý tưởng này là một sự sỉ nhục (họ đã ở Nam Mỹ nhiều thế kỷ). Hàng nghìn người từ hơn 170 bộ lạc hiện đang cắm trại ở thủ đô Brasília để chờ đợi phán quyết. Nếu phán quyết ủng hộ thời hạn 1988 thì sẽ làm suy yếu quyền bản địa trên khắp Brazil. Song nông dân không muốn tòa phán quyết ngược lại, vì như vậy có thể khiến họ bị trục xuất khỏi mảnh đất đã sinh sống nhiều năm nay.

 

Căng thẳng biên giới giữa Ba Lan và Belarus

Ba Lan sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp dọc biên giới Belarus sau khi hàng trăm người di cư bất hợp pháp, một số từ Afghanistan, vượt biên vào nước này trong tháng 8 (Litva và Latvia đã làm vậy từ tháng 7). Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki chỉ trích Belarus. Ông nói nhà chức trách nước này đang thúc đẩy người di cư đi sang Ba Lan để “gây bất ổn”.

 

Chính phủ cánh hữu đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của ông Morawiecki đã yêu cầu Tổng thống Andrzej Duda ban bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày tại 183 địa phương phía đông. Điều này sẽ cho phép chính quyền hạn chế di chuyển ở các khu vực biên giới. Ông Duda, cũng là một nhân vật kì cựu của PiS, sẽ chấp thuận yêu cầu đó vào hôm nay. Các đảng đối lập và các tổ chức phi chính phủ phản đối. Song chính phủ kiên quyết hạn chế vượt biên, cho dù làm vậy đồng nghĩa bỏ rơi người di cư.

 

Nhân loại kém chuẩn bị trước bệnh suy giảm trí nhớ

Hơn 50 triệu người đang sống chung với chứng suy giảm trí nhớ, và con số này còn tăng nhanh. Năm 2017, WHO đã phát hành một “kế hoạch hành động toàn cầu” để giải quyết vấn đề, đặt ra nhiều mục tiêu khác nhau như tăng gấp đôi sản lượng nghiên cứu toàn cầu từ năm 2017 đến năm 2025 để giúp chống lại căn bệnh. Báo cáo tiếp theo của WHO công bố hôm nay sẽ cho thấy tiến trình đã chậm lại.

 

Người ta từng lạc quan khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt một loại thuốc mới có tác dụng điều trị bệnh Alzheimer hồi tháng 6. Nhưng nhìn chung, nghiên cứu về chứng suy giảm trí nhớ không được tài trợ nhiều như ung thư hay bệnh tim mạch vành. Đại dịch covid-19 chỉ càng khiến vấn đề tồi tệ hơn, vì nó gây áp lực lên các hệ thống y tế. Tuần này các nhà khoa học đã cảnh báo tác động thần kinh của “covid kéo dài” có thể tăng tốc độ khởi phát chứng suy giảm trí nhớ ở một số bệnh nhân. Sẽ còn nhiều người phải chịu đựng căn bệnh cho đến khi tìm ra thuốc chữa.




No comments: