Tuesday, August 11, 2020

TẬP CẬN BÌNH, GIỐNG HITLER, KHÔNG NGÁN AI HÙ (Trần Trung Đạo)

 

TẬP CẬN BÌNH, GIỐNG HITLER, KHÔNG NGÁN AI HÙ  

Trần Trung Đạo

08:10  11/08/2020

https://www.facebook.com/trantrungdao/posts/3530301233660504

 

Đoạn văn dưới đây người viết viết khi phong trào nổi dậy tại Hong Kong bộc phát với hàng triệu người tham gia vào tháng 6, 2019:

 

“Ngoại trừ một phong trào có khuynh hướng độc lập Hong Kong khỏi lục địa đủ mạnh, có cả hai khả năng bất bạo động và sẵn sàng bạo động, các cuộc biểu tình rồi sẽ tự động tàn dần. Mọi người đều phải trở lại với đời sống áo cơm và đảng CS sẽ từ từ thanh toán, đe dọa, mua chuộc, cô lập hóa, trung lập hóa các thành phần lãnh đạo phong trào còn hoạt động. Ba đặc tính chung của một phong trào là hình thành, phát triển và chấm dứt dù thành công hay thất bại. Phong trào dân chủ Hong Kong cũng thế, nếu lãnh đạo phong trào không nắm cơ hội nâng hoạt động lên thành tổ chức, rồi cũng sẽ lụi tàn.”

 

Tập Cận Bình đang làm một cách chính xác từng chữ, từng câu trong đoạn văn trên qua việc bắt bớ các thành viên phong trào. Đặc biệt lần này bắt luôn cả nhà tư bản không đỏ Jimmy Lai.

 

“Tư bản đỏ” là một trong những sáng kiến cuối đời của Đặng Tiểu Bình sau biến cố Thiên An Môn. Giống như “thành phần phên giậu” trong giới “trí thức”, Đặng đã cho hình thành một “thành phần phên giậu” trong giới kinh doanh. Hai “thành phần phên giậu” này đã góp phần làm vô hiệu hóa lý luận “cách mạng phát xuất từ giới trung lưu” vốn đã có trước đây. Người viết sẽ trở lại chủ đề này khi có dịp.

 

Nhắc lại đoạn văn trên không phải để khoe khoang hay cho độc giả thấy mình bói quẻ đúng về những gì đang xảy ra.

 

Không. Lụi tàn phát xuất từ hai lý do: (1) đó là đặc điểm có tính bản chất sinh diệt tự phát của mọi phong trào vì con người giống như vạn vật hoạt động theo quy luật dù là quy luật xã hội hay quy luật tự nhiên, và (2) Tập không bao giờ để mất Hong Kong vì đó là một phần trong “không gian sinh tồn” huyết mạch của Trung Cộng như người viết vừa viết trong bài tháng Bảy vừa qua “HONG KONG TRONG QUAN ĐIỂM “KHÔNG GIAN SINH TỒN” CỦA TẬP”.

 

Nhắc lại, năm ngoái Tập chọn im lặng để đo lường phản ứng của người dân và chờ cơ hội. Các cuộc biểu tình hàng năm như tưởng niệm Thảm Sát Thiên An Môn hay các phong trào “Cách mạng Dù” chẳng hạn, đặt Tập Cận Bình trước hai chọn lựa (1) đàn áp thẳng tay, (2) thuyết phục từ từ bằng phương pháp giáo dục, truyền thông, truyền hình và báo chí.

 

Nền giáo dục Hong Kong trước đây vốn đặt trên nền tảng tự do suy nghĩ, việc áp đặt các tư tưởng chuyên chế CS như đưa “chủ nghĩa duy vật”, “tư tưởng Tập Cận Bình” vào sách giáo khoa sớm sẽ gây nên phản ứng mạnh.

 

Tập Cận Bình chọn giải pháp thứ hai là tẩy não nhỏ giọt và khi có cơ hội sẽ thanh toán thẳng tay các đối thủ cản đường.

 

Hai năm trước, lần đầu tiên các lãnh tụ phong trào thân dân chủ Hong Kong phát động một cuộc biểu tình chống luật dẫn độ sang Trung Cộng quy tụ hơn một triệu người. Với kích thước và quy mô đó, Trung Cộng không thể che giấu nên áp dụng sách cũ đổ thừa cho các “thế lực thù địch”.

 

Nhưng một người dù ở chức vụ gì khi về già, nhận thức vẫn in đậm nét giáo dục của thời còn trẻ. Cá nhân Tập Cận Bình chỉ tốt nghiệp trường đảng, nghiên cứu lý thuyết CS và lãnh đạo đảng từ cấp quận huyện cho đến cấp trung ương. Không ngạc nhiên, trong một diễn văn dài đọc tại Đại Học Bắc Kinh nhân dịp 200 năm sinh nhật Marx vào tháng 5, 2018, Tập Cận Bình nhấn mạnh “chưa có một tư tưởng nào ảnh hưởng đến nhân loại sâu sắc hơn tư tưởng Marx.”

 

Quyết tâm “Trung Cộng hóa Hong Kong” không phải chỉ mới đây mà là mục tiêu hàng đầu của Tập khi lên nắm quyền năm 2013.

 

Tập viết trong “The Governance of China”, tác phẩm được xem là “kinh điển” tại Trung Cộng và được báo chí quốc tế ví như là “Mein Kampf” (Đời tranh đấu của tôi do Hitler viết trong tù năm 1923) của Tập.

 

Tập nhắc khá nhiều về Hong Kong trong các diễn văn được gom in thành tác phẩm này và xem phần đất đó như một vùng định mệnh: “Hong Kong, Ma Cao và lục địa Trung Quốc nối kết nhau bằng số phận.” (The Governance of China, trang 247).

 

Tập, giống như Hitler, không ngán ai hù.

 

Năm 1936 khi Hitler xua ba ngàn quân chiếm vùng Rhineland, Pháp không cần phải bắn thẳng vào quân Đức mà chỉ bắn lên trời thôi, Hitler cũng đã rút quân. Pháp chọn ngồi im để rồi năm năm sau mất cả nước một cách nhục nhã chỉ trong vài tuần lễ.

 

Nhưng nếu không hù thì liệu Mỹ, Anh và các quốc gia dân chủ Tây Phương có thể làm gì được trước mắt để cứu Hong Kong?

 

Rất khó nếu không muốn nói là không. Thế giới trong cơn nguy khốn vì nạn dịch và nước Mỹ đang phân hóa đến tận cùng từ chính trị đến văn hóa xã hội.

 

Cho dù không có nạn dịch và trong một xã hội Mỹ cũng như Tây Phương ổn định, Hong Kong cũng không thể được cứu.

 

Mỹ đã làm gì sau Cách Mạng Hungary 1956? Mỹ đã làm gì sau cuộc nổi dậy Mùa Xuân Tiệp Khắc 1968? Mỹ đã làm gì sau Thiên An Môn 1989?

 

Không làm gì cả ngoài những tuyên bố, những hăm he.

 

Các nhà làm chính sách của Mỹ với sự vận động của các đại công ty, các đại tư bản Mỹ, không thể bỏ qua thị trường béo bở Trung Cộng với trên một tỉ khách hàng chỉ vì cái chết của vài ngàn người không phải là dân Mỹ.

 

Không ai đau giùm cho vết thương của người khác, không ai rỉ máu giùm cho khúc ruột của người khác. Trong chính trị, nhân quyền và dân chủ chỉ là ngọn cờ, là khẩu hiệu chứ không phải mục đích cứu đời hay cứu người.

 

Đây cũng là bài học cho một số người Việt đang chờ sung rụng. Xin thưa, mùa sung đã qua rồi, đừng ngửa cổ chờ, về nhà trồng lúa mà ăn.

 

Trần Trung Đạo

 

18 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 

 

No comments: