‘Phản
đòn’ của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ về Biển Đông và tác động đến Việt Nam?
RFA
27-8-2020
Mỹ bắt đầu trừng
phạt Trung Quốc liên quan Biển Đông
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại
giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong cuộc họp báo ngày 27/8, tuyên bố rằng
quyết định của Hoa Kỳ về biện pháp trừng phạt các viên chức và công ty của nước
này tham gia xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là một sự can thiệp thô bạo vào các vấn
đề nội bộ của Trung Quốc, vi phạm luật quốc tế và các chuẩn mực trong quan hệ
quốc tế.
Tuyên bố của ông Triệu Lập
Kiên được đưa ra ngay sau một ngày Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong thông cáo báo
chí hôm 26/8, cho biết Washington chính thức áp dụng lệnh hạn chế visa đối với
các cá nhân thuộc các công ty nhà nước Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc nạo
vét, xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hoá khu vực Biển Đông hoặc sử dụng
các hoạt động cưỡng ép nhằm ngăn chặn các quốc gia khác trong khu vực khai thác
tài nguyên.
Thông cáo báo chí của Ngoại
trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có đoạn viết: “Những cá nhân này sẽ không được
vào Mỹ và những người trong gia đình của họ sẽ bị hạn chế visa nhập cảnh vào Mỹ.
Ngoài ra, Bộ Thương mại (Hoa Kỳ) đã đưa thêm vào danh sách 24 công ty nhà nước
Trung Quốc bao gồm nhiều chi nhánh thuộc Công ty Xây dựng và Giao thông Trung
Quốc (CCCC)”.
Theo thông cáo báo chí của
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Trung Quốc bị cáo buộc đã sử dụng CCCC và các công ty nhà
nước như là vũ khí để áp đặt việc bành trướng của mình trong khu vực. Đồng thời,
thông cáo báo chí, phổ biến hôm 26/8, cũng ghi rõ các công ty bị đưa vào danh
sách sẽ bị cấm mua các sản phẩm có tính nhạy cảm từ Mỹ.
Trước đó, vào ngày 13/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chính thức
tuyên bố về lập trường của Mỹ, bác bỏ các yêu sách về chủ quyền quá đáng của
Trung Quốc ở Biển Đông và cam kết hợp tác với các nước trong khu vực để đảm bảo
khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở.
Giới chuyên gia nhận định
rằng quyết định của Hoa Kỳ áp lệnh cấm visa đối với những quan chức thuộc các
công ty nhà nước của Trung Quốc tham gia nạo vét ở Biến Đông là hành động mạnh
mẽ mới nhất của Washington đối với Bắc Kinh liên quan vấn đề Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Biển Đông,
thạc sĩ Hoàng Việt, vào tối ngày 27/8 cho RFA biết biện pháp cụ thể vừa
nêu mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa thông báo nằm trong sự tiên liệu của giới
nghiên cứu về vấn đề Biển Đông. Thạc sĩ Hoàng Việt giải thích:
“Điều đó đã được dự báo trước bởi vì thứ nhất là một
số học giả của Hoa Kỳ cũng đã đưa ra biện pháp này từ lâu. Và gần đây nhất,
chính giới Hoa Kỳ là ông Steve Brown trong một bài phát biểu tại CSIS (Trung
tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) vào tầm tháng 7 làm rõ điều này, sau khi
phát biểu của ông Pompeo, vào ngày 13/7, đã nhắc đến một số biện pháp mà Hoa Kỳ
có thể áp dụng. Trong đó, nhắc đến có thể đưa ra biện pháp trừng phạt kinh tế đối
với những cá nhân và doanh nghiệp tham gia việc bồi lấp những đảo nhân tạo trái
phép ở Trường Sa. Điều đó cho thấy là phía Hoa Kỳ vẫn tiếp tục từng bước một sẽ
có những hành động trừng phạt về mặt kinh tế đối với Trung Quốc.
Và đương nhiên, chúng ta cũng chứng kiến Trung Quốc
có những hành động đáp trả. Đặc biệt, gần đây nhất, liên quan hành động tập trận
của Trung Quốc, thậm chí sáng nay báo chí cho biết thông tin rằng Trung Quốc vừa
phóng một số tên lửa nhằm đáp trả lại hành động của Hoa Kỳ.
Tổng hợp tất cả những điều đó, chúng ta có thể dự
báo được rằng tình hình trên Biển Đông sắp tới vẫn tiếp tục căng thẳng hơn nữa.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu
Đông Nam Á-ISEAS (Yusof Ishak), ở Singapore lưu ý về việc Trung Quốc tập trận lần
thứ hai kéo dài 6 ngày, bắt đầu từ ngày 24/8 ở khu vực đảo Hoàng Sa, Biển Đông
:
“Tập trận ở Biển Đông lần thứ hai rất nghiêm trọng
vì họ dùng cả máy bay ném bom chiến lược mà có thể mang bom hạt nhân và hạ cánh
xuống đảo Phú Lâm, là đảo họ đã chiếm của Việt Nam hồi năm 1974. Điều đó nói
lên một điều rằng miệng thì nói hữu nghị nhưng hành động thì họ tập trận và dọa
nạt. Không phải họ chỉ dọa Việt Nam thôi, mà họ dọa tất cả các nước nào có liên
quan đến Biển Đông. Trong đó có cả Mỹ, Đài Loan nhưng chủ yếu là Mỹ.”
Phản ứng của các
bên liên quan: Mỹ-Trung Quốc-Việt Nam
Trong cuộc họp báo ngày
27/8, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng những
hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) nằm
trong vùng lãnh thổ của nước này và hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền và
không liên quan đến quân sự hóa. Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh rằng không có lý
do gì Hoa Kỳ phải áp đặt những biện pháp chế tài mà Trung Quốc cho là “bất hợp
pháp” trên các cá nhân và công ty Trung Quốc khi họ tham gia công trình xây dựng
“nội địa”.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại
giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, tại buổi họp báo hôm 27/8 còn yêu cầu Mỹ “sửa
chữa sai lầm” và sẽ “áp dụng các biện pháp tương ứng để bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Thế nhưng, điều đáng chú
là ông Triệu Lập Kiên không đề cập hay nêu chi tiết về các biện pháp “tương ứng”
của Trung Quốc như thế nào.
Chuyên gia nghiên Biển
Đông của Việt Nam, thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc có thể sẽ
không “mạnh miệng” trong những phát ngôn đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cần phải cảnh
giác những “phản đòn” mà Trung Quốc sẽ tiến hành ở vùng Biển Đông bởi vì Trung
Quốc không cho thấy có biểu hiệu giảm bớt, mà ngược lại càng có thái độ hung
hăng và mạnh mẽ hơn.
Qua diễn tiến mới nhất ở
Biển Đông, một số chuyên gia, trong đó có tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng
nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ xảy ra, và kịch bản xấu nhất sẽ
là xung đột vũ trang. Điều này cũng đã từng được giới chuyên gia tiên liệu
trong một thời gian dài. Tuy nhiên, yếu tố chủ chốt thuộc về biểu hiện của phía
Trung Quốc.
Việt Nam, một quốc gia được cho là bị Trung Quốc lấn lướt và chèn ép
trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ bị tác động như thế nào trong bối cảnh
căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Một số chuyên gia trong
nước đánh giá Việt Nam đang trong vị thế được hưởng lợi nhờ vào các chính sách
của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đồng thời Việt Nam cũng được Hoa
Kỳ mong muốn ủng hộ sáng kiến tại khu vực rộng lớn Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm
đảm bảo trật tự và an toàn lưu thông hàng hải ở vùng biển này.
Thế nhưng, Việt Nam vẫn
đang trong tình thế bị động. Thạc sĩ Hoàng Việt lý giải:
“Việt Nam một mặt vẫn e ngại sức mạnh và ảnh hưởng của
Trung Quốc. Mặt khác thì Việt Nam cũng e ngại quyết tâm và biện pháp của Hoa Kỳ
sẽ tới đâu, cũng như là khả năng Hoa Kỳ sẽ chiến thắng Trung Quốc như thế nào.
Chưa kể đến Trung Quốc là bên có những âm mưu xâm lấn và chiếm đoạt vùng biển của
Việt Nam, cũng như quyền chủ quyền và quyền khai thác tài nguyên của Việt Nam
được hưởng. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn đang tìm cách gọi là đang tận dụng tình
hình một cách tốt nhất. Đấy là tốt nhất theo cách của Việt Nam. Có lẽ là chúng
ta vẫn còn phải chờ bởi vì phía Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc
biệt trong vấn đề dịch COVID-19.”
Theo nhận định của tiến
sĩ Hà Hoàng Hợp thì Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì quan điểm và có những động
thái giải quyết vấn đề Biển Đông rất rõ ràng ;
“Bản chất của Trung Quốc lộ rõ như thế thì chỉ còn
nói chuyện ngoại giao với nhau thôi. Phía Việt Nam thì không bao giờ nói nặng lời
cả. Nhưng mà thái độ của Hà Nội thể hiện rất rõ, có thể chậm nhưng rõ ràng.”
Trong khi đó, giáo sư
Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, mới đây chia sẻ trên trang
Facebook cá nhân quan điểm của ông rằng rất ít khả năng Việt Nam sẽ có hành động
pháp lý chống lại Trung Quốc trong tương lai gần.
Giáo sư Carlyle Thayer nhận
định Trung Quốc đang phản ứng đối với các chính sách Hoa Kỳ bằng biện pháp sẽ nối
lại đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông với các nước khối ASEAN, trong đó
có Việt Nam. Vì thế, triển vọng giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp Biển Đông
vẫn chưa đến hồi kết.
Còn như Việt Nam khởi kiện
Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế PCA, giáo sư Carlyle Thayer lập luận rằng nếu
Việt Nam thắng kiện thì Trung Quốc cũng sẽ hành xử giống như kết quả kiện tụng
của Philippines đối với Trung Quốc, là sẽ phủ nhận phán quyết của tòa. Thế
nhưng, điều này sẽ dẫn đến quan hệ song phương Việt-Trung xấu đi nhanh chóng vì
Trung Quốc có thể sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam.
Việt Nam sẽ làm gì trong vấn đề Biển Đông vào khi chính trị và kinh tế
của Việt Nam bị cho là quá lệ thuộc vào người bạn “4 tốt 16 chữ vàng”? Đài RFA
ghi nhận dân chúng tại Việt Nam luôn đau đáu chờ đợi câu trả lời từ Đảng Cộng sản
Việt Nam và từ Chính phủ Hà Nội.
***
Tin, bài liên quan
·
Việt
Nam làm gì khi Trung Quốc thuê những khu vực trọng yếu?
·
Đảng
Việt Tân hoan nghênh Hoa Kỳ và Úc phủ nhận chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông
·
Bộ
Quốc phòng Mỹ thêm 11 công ty của quân đội Trung Quốc vào danh sách đen
·
Lập
luận không tưởng nhưng nguy hiểm của học giả Trung cộng
·
Thêm
một tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam
·
Nguy
cơ chiến tranh xảy ra trên Biển Đông
·
Hoa
Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ
·
Ấn
Độ-Việt Nam thảo luận các hành động gây bất ổn của Trung Quốc
No comments:
Post a Comment