RFA
23/09/2019
Hôm
23/9, tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM tuyên y án 6 năm
tù đối với bà Vũ Thị Dung, 54 tuổi, và 5 năm tù đối với bà Nguyễn Thị Ngọc
Sương, 51 tuổi, về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin,
tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật
Hình sự năm 2015 và 2017.
Bà Vũ Thị Dung và
Nguyễn Thị Ngọc Sương tại Tòa án Nhân dân cấp cao thành phố Hồ Chí Minh hôm
23/9/2019. Courtesy of FB Manh Dang
Hôm 23/9, tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp
cao TP.HCM tuyên y án 6 năm tù đối với bà Vũ Thị Dung, 54 tuổi, và 5 năm tù đối
với bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, 51 tuổi, về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc
tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”
theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 và 2017.
Trước đó, bản án nêu trên được tuyên tại phiên tòa
sơ thẩm diễn ra tại Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai hôm 10/5/2019.
Cáo trạng của Viện kiểm sát được truyền thông trong
nước trích đăng cho biết, từ tháng 8 năm 2018 đến ngày 10/10/2018, hai bị cáo
đã sử dụng mạng xã hội Facebook với các tên Salem Trần, Hoa Hong Ha Ngoc, Ma Ma
Ma Ma để tương tác với các tài khoản Facebook có tên Tân Thái và Benny Trương để
xem, nghe nội dung các video, bài viết có nội dung chống phá nhà nước. Sau đó cả
hai đã kích động, kêu gọi biểu tình chống luật đặc khu, an ninh mạng, phản đối
Trung Quốc, kích động người dân xuống đường biểu tình vào ngày 13/10/2018.
Cáo trạng cũng cho biết bà Dung đã làm các tờ truyền
đơn có nội dung chống phá nhà nước và rủ bà Sương đi rải truyền đơn tại 4 điểm ở
thị trấn Định Quán, tỉnh Đồng Nai trước khi bị bắt giữ.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong những luật sư nhận
bào chữa cho hai bị cáo, hôm 23/9 đã viết một số phân tích trên facebook cá
nhân, xác định có những oan sai trong bản án phúc thẩm. Theo luật sư Đặng Đình
Mạnh, tội danh theo điều 117 quy định rõ hành vi chống lại nhà nước CHXHCN Việt
Nam, tuy nhiên “tìm trong suốt 103 tài liệu của bà Dung tự tay viết, thì lại
không hề có 1 tờ nào có nội dung đề cập đến nhà nước cả?!”
Liên quan đến cáo buộc kích động biểu tình bất hợp
pháp, luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định trên Facebook:
“Thực tế thì biểu tình là một quyền hiến định, được
quy định tại điều 25 của hiến pháp. Muốn biết một cuộc biểu tình bất hợp pháp
hay không thì phải có Luật biểu tình để đánh giá. Vì Luật biểu tình sẽ quy định
những thể thức để công dân thực hiện quyền biểu tình, nếu không thực hiện đúng
theo thể thức quy định, thì cuộc biểu tình đó mới bị xem là bất hợp pháp/.
Hiện nay quốc hội chưa ban hành luật biểu tình, thì
không có cơ sở pháp lý để giám định viên đánh giá biểu tình bất hợp pháp. Nếu
cho rằng, cứ biểu tình là bất hợp pháp thì thực tế giám định viên đang chà đạp
hiến pháp khi phủ nhận quyền biểu tình của công dân. Nội dung này vị đại diện
VKS lờ, không tranh luận.”
Luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu là hai luật vấp
phải nhiều phản đối của người dân trong và ngoài nước, dẫn đến những cuộc biểu
tình của hàng ngàn người ở nhiều thành phố của Việt Nam hồi năm 2018.
Luật An ninh mạng của Việt Nam đã bắt đầu đi vào hiệu
lực từ đầu năm nay. Đây là bộ luật gặp nhiều chỉ trích của quốc tế vì bị cho là
có những điều khoản thắt chặt kiểm soát tự do Internet.
Dự luật Đặc khu có điều khoản cho người nước ngoài
thuê đất lên đến 99 năm làm nhiều người lo ngại sẽ tạo điều kiện cho người
Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã phải hoãn việc
thông qua dự luật này vì những phản đối gay gắt của người dân.
Từ năm 2018 trở lại đây, Việt Nam cũng gia tăng bắt
giữ những người dám lên tiếng chỉ trích chính phủ. Từ đầu năm 2019 đến nay, RFA
ước tính có ít nhất 10 tiếng nói chỉ trích chính quyền Việt Nam bị bắt giữ đã
được truyền thông trong nước xác nhận. Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế,
Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 133 người vì thực hiện những quyền cơ bản của
mình.
----------------------------------------
XEM THÊM
“Tôi chỉ
muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại
giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp
cho người”[1].
*
Sáng ngày 23/09/2019, Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại
TP.HCM đưa ra xét xử hình sự phúc thẩm đối với hai bà Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị
Ngọc Sương cùng bị truy tố về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền
thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCNVN” theo điều 117 Bộ Luật
Hình Sự.
Có ba luật sư tham gia bào chữa cho hai bà gồm LS Trịnh
Vĩnh Phúc, LS Nguyễn Văn Miếng và LS Đặng Đình Mạnh.
Trước đó, tại cấp sơ thẩm, TAND Tỉnh Đồng Nai đã
tuyên xử bà Vũ Thị Dung với mức án 06 năm tù giam và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương
05 tù giam.
Trao đổi với nhau ít phút trước khi tòa án xét xử,
bà Vũ Thị Dung nhờ luật sư nhắn với gia đình “Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cả rồi!”.
Vào phiên tòa, điều đáng nói nhất là khi LS Đặng
Đình Mạnh mở đầu phần bào chữa thì liên tục bị Hội đồng xét xử cắt ngang nhiều
lần với các lý do khá tùy tiện và sau đó, lần lượt cả LS Nguyễn Văn Miếng và LS
Trịnh Vĩnh Phúc cũng bị cắt ngang lời bào chữa, nhưng các luật sư vẫn kiên trì
tiếp tục thực hiện việc bào chữa cho đến hoàn tất.
Kết thúc tranh luận vào lúc 10h10’, thì sau 10 phút
nghị án, lúc 10h20’, hội đồng xét xử đã trở ra tuyên y án sơ thẩm về tội danh
và hình phạt.
Tóm tắt về diễn biến vụ án theo quan điểm của cơ
quan truy tố như sau: Bà Vũ Thị Dung và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương là hai tiểu
thương buôn bán tại một chợ ở Định Quán, Đồng Nai. Ngày 09/10/2018, bà Vũ Thị
Dung đã mua 04 quyển vở học sinh rồi tự viết vào 103 trang giấy với các nội
dung đả kích Đảng CSVN và ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng CSVN; Kêu gọi
biểu tình chống Trung Quốc, Luật đặc khu; Xuyên tạc tình hình đất nước; Kích động
hận thù giữa các dân tộc; Giới thiệu các trang Facebook, YouTube tên Tân Thái,
Benny Trương là hai trang của các đối tượng chống cộng cực đoan ở nước ngoài …
nhằm chống Nhà nước CHXHCN VN. Rồi giao cho bà Nguyễn Thị Ngọc Sương đi rải ở
những nơi công cộng. Đến ngày 13/10/2018 thì cả hai bà đều bị bắt.
Do tòa án cấp sơ thẩm tuyên hai bà có tội cùng hình
phạt đều dựa vào bản Kết luận giám định tư pháp. Thực chất đây là bản kết luận
về “Giám định tư tưởng”! Cho nên, bản Kết luận giám định tư pháp đã được các luật
sư tận tình “mổ xẻ” tại tòa bên cạnh sự ngăn trở quyết liệt không kém của hội đồng
xét xử. Đương nhiên, hòa cùng với tòa án một cách hết sức khéo léo, trong lời
tranh luận của mình, vị đại diện VKS cũng đã lờ đi hầu hết những điểm khuất tất
tày đình mà luật sư đã chỉ ra trong bản Kết luận giám định tư pháp.
Về yếu tố khách thể bị xâm phạm: Tội danh theo điều
luật 117 Bộ Luật Hình sự có nội dung: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền
thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCNVN”[2]. Như trong chính
văn thức của điều luật thể hiện, thì đối tượng bị xâm phạm (yếu tố khách thể)
là Nhà nước CHXHCN VN. Tuy nhiên, tìm trong suốt 103 tài liệu của bà Dung tự
tay viết, thì lại không hề có 01 tờ nào có nội dung đề cập đến Nhà nước cả?! Mà
chỉ có 11 tài liệu đề cập đến Đảng CSVN và ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng
CSVN mà thôi.
Đương nhiên, không có quy định nào cho phép đồng hóa
tổ chức đảng và tên tuổi cá nhân ông Trọng lại chính là Nhà nước cả. Nội dung
này vị đại diện VKS có tranh luận, nhưng lại tiếp tục nhắc đến tên tổ chức đảng
và tên tuổi người lãnh đạo thay vì nhắc đến Nhà nước!?
Về
vấn đề kích động biểu tình bất hợp pháp:
Về pháp lý, biểu tình là một quyền hiến định, được
quy định tại điều 25 của hiến pháp. Muốn biết một cuộc biểu tình bất hợp pháp
hay không thì phải có Luật biểu tình để đánh giá. Vì Luật biểu tình sẽ quy định
những thể thức để công dân thực hiện quyền biểu tình, nếu không thực hiện đúng
theo thể thức quy định, thì cuộc biểu tình đó mới bị xem là bất hợp pháp. Hiện
nay, trong bối cảnh quốc hội chưa ban hành luật biểu tình, thì không có cơ sở
pháp lý để giám định viên đánh giá biểu tình bất hợp pháp. Nếu cho rằng, cứ biểu
tình là bất hợp pháp thì thực tế giám định viên đang chà đạp hiến pháp khi phủ
nhận quyền biểu tình của công dân. Nội dung này vị đại diện VKS lờ, không tranh
luận.
Vấn
đề kêu gọi xuống đường chống giặc ngoại xâm Trung Quốc => Xuyên tạc hiện
tình đất nước:
Từ nhiều thập kỷ qua, chính quyền Trung Quốc nhất
quán từng bước xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải nước ta là một sự thật khách quan
không thể chối cãi. Toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa thực tế đang bị
Trung Quốc xâm chiếm. Bà Vũ Thị Dung đã nói sự thật chứ không xuyên tạc hiện
tình đất nước. Nội dung này vị đại diện VKS lờ, không tranh luận.
Vấn
đề kích động hận thù giữa các dân tộc:
Từ trước đến nay, khi phê phán, phản đối Trung Quốc
là đều ám chỉ chính quyền Trung Quốc, là thực thể chính trị có chủ trương không
tốt với VN. Chưa bao giờ khái niệm Trung Quốc được dùng để ám chỉ người dân
Trung Quốc cả. Thế nhưng, giám định viên đã tự tiện bịa đặt, gán tội rằng : Nói
chống Trung Quốc tức là đồng nghĩa với việc chống người dân Trung Quốc để gây hận
thù giữa các dân tộc ?! Đây là sự bịa đặt trắng trợn và ác ý. Nội dung này vị đại
diện VKS lờ, không tranh luận.
Vấn
đề giới thiệu, tuyên truyền cho các trang mạng xã hội chống cộng:
Giám định viên cho rằng hai bà đã có hành vi bất hợp
pháp khi giới thiệu, tuyên truyền về các trang mạng xã hội Facebook và YouTube
mang tên Tân Thái và Benny Trương. Về phương diện pháp lý cho đến nay, không có
văn bản chính thức nào của cơ quan có thẩm quyền cấm đoán người dân xem, đọc,
chia sẻ các trang mạng có tên nêu trên cả. Mà “Vô luật bất hình”, không có điều
luật cấm đoán thì không có tội, đồng thời, người dân có quyền làm bất kỳ điều
gì mà luật pháp không cấm. Vì thế, giám định viên khẳng định một sự việc là bất
hợp pháp trong khi không có điều luật cấm đoán là không có cơ sở pháp lý. Nội
dung này vị đại diện VKS lờ, không tranh luận.
Vấn
đề kết luận các bị cáo “hướng tới kêu gọi lật đổ Nhà nước CHXHCN VN”:
“Hướng tới” tức là đang nói đến một hành vi chưa xảy
ra và cũng không rõ có xảy ra trong tương lai hay không ? Nhưng giám định viên
đã “bói” là sẽ xảy ra và điều đó là có tội !? Điều này trái với nguyên tắc “suy
đoán vô tội” hiện đã được pháp luật hình sự VN thừa nhận. Nội dung này vị đại
diện VKS lờ, không tranh luận.
Cuối cùng, một bản Kết luận giám định tư pháp hàm hồ,
bịa đặt, đầy rẫy những nhận định sai trái, vi phạm pháp luật … như vậy đã được
cả hai cấp tòa dễ dãi chấp nhận làm chứng cứ quyết định việc hai bà phạm tội và
tuyên hình phạt 06 năm tù giam đối với bà Vũ Thị Dung và 05 năm đối với bà Nguyễn
Thị Ngọc Sương.
Có lẽ, khi chủ trương tuyên xử y án theo quán tính
quen thuộc, cả hệ thống chính trị xứ sở này đã không nhận ra dấu hiệu bất thường
từ xã hội. Từ khi nào mà những bà nội trợ chân yếu tay mềm, những chị tiểu
thương thấp cổ bé miệng đã dám lên tiếng về quốc sự, chấp nhận sự dấn thân phi
thường, bất chấp tù đày đến như vậy? Không phải khi sự bất công đã lên đến tận
cổ và sự uất nghẹn đã làm mờ đi nỗi sợ hãi rồi hay sao? Xứ sở chúng ta chỉ có
thể thay đổi, phẩm giá dân tộc chỉ có thể được phục hồi… chính từ những sự hy
sinh phi thường như vậy.
_____
[1] Con dân nước Việt phải biết tác giả câu nói này.
[2] Tội danh theo điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015
“Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm
chống Nhà nước CHXHCNVN” chính là biến thể của Tội danh “Tuyên truyền chống Nhà
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” rất nổi tiếng theo điều 88 Bộ luật
Hình sự cũ trước đây (1999).
No comments:
Post a Comment