02/09/2019
Thông tin Mỹ
níu áo đòi Bắc Kinh trả nợ 1.000 tỷ USD trái phiếu thời nhà Thanh tạo
nên nhiều thông tin và ý kiến trái chiều về những khoản nợ lịch sử của một
chính quyền không còn tồn tại. Liệu những khoản nợ này có hiệu lực pháp
lý?
Một tấm trái phiếu do triều đình nhà Thanh phát hành
năm 1911 để xây dựng tuyến xe lửa Hukuang. Ảnh: antique-collecting.co.uk
Kiểm chứng: Mỹ có đang đòi Trung Quốc trả nợ hay không?
Đây không phải là đường lối chính sách chính thức của
chính quyền Donald Trump hiện tại.
Như Bloomberg đưa
tin, Trump và các lãnh đạo tài chính của chính phủ Hoa Kỳ đã gặp mặt đại diện
của những người nắm giữ các trái phiếu này để nghe họ bày tỏ nguyện vọng và
nghiên cứu thử vấn đề này. Tuy nhiên, các cuộc gặp diễn ra vào năm 2018 và vẫn
chưa có cập nhật chính thức từ phía chính phủ.
Cho đến hiện nay, đây chỉ là những nỗ lực vận động
hành lang của một số tổ chức xã hội dân sự tại Hoa Kỳ. Mặc dù Trump là một vị tổng
thống khó đoán, khả năng ông được chuyên gia của mình tư vấn theo đuổi thương vụ
này không cao.
Chính quyền mới có thể rũ bỏ nợ của chính quyền cũ?
Có một vấn đề không nhỏ với bản
tin đăng trên Tuổi Trẻ. Tác giả Nguyên Hạnh viết: “Theo
Bloomberg, vấn đề quan trọng là những trái phiếu này đã hết hạn từ lâu, và hiện
vẫn chưa có quy định nào buộc một chính phủ phải tiếp nhận các món nợ của các
chính phủ trước sau khi xảy ra biến động chính trị”.
Trong khi đó, bài gốc trên Bloomberg khẳng định điều
ngược lại: “Hầu hết [mọi người] đều đồng ý rằng với tư cách là một thực
thể pháp lý, các chế độ chính trị kế thừa khoản nợ của các chế độ tiền nhiệm”
(“most agree that as a legal principle, political regimes inherit their
predecessors’ debt…”).
Hơn thế nữa, chối bỏ các khoản nợ của các chính quyền
tiền nhiệm cũng là thứ hành xử mà hệ thống pháp luật quốc tế hiện đại luôn lên
án và phản đối.
Trong vụ án nổi tiếng Gabčíkovo
– Nagymaros (Hungary/Slovakia) năm 1997 tại Toà án Công lý Quốc tế,
Hungary từ chối tiếp tục tuân thủ nghĩa vụ của mình trong việc hợp tác xây dựng
đập thủy điện Danube với Slovakia, vốn bắt đầu từ thời cộng sản. Họ lập luận rằng
sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi chế độ chính trị ở các nước
Đông Âu đủ căn cứ dựa trên Điều 62, Công ước Vienna về Điều ước Quốc tế năm
1969 để họ không phải kế thừa nghĩa vụ hợp tác với Slovakia. Tòa án Công lý Quốc
tế phủ nhận lập luận này, khẳng định chế độ chính trị thường không phải nền tảng
cơ bản để các quốc gia tham gia vào các điều ước quốc tế, và lại càng không
liên quan đến mục tiêu – mục đích của việc thực hiện nghĩa vụ xây đập nói
trên.
Vì vậy, theo nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế,
chính phủ mới của một quốc gia, dù trải qua bất kỳ biến động chính trị nào, vẫn
mặc nhiên phải tiếp nhận các nghĩa vụ và khoản nợ mà chính phủ tiền nhiệm để lại.
Cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc
đang hé lộ những khả năng ít ai biết tới trước đây. Ảnh: Forbes.
Cá nhân có đòi được một quốc gia trả nợ cho mình?
Luật quốc tế thường chỉ điều chỉnh quan hệ giữa các
quốc gia, các chính phủ với nhau. Vậy đối với các trái phiếu do cá nhân nắm giữ
thì vai trò của pháp luật quốc tế đến đâu? Và họ có thể đòi như thế nào?
Về mặt nguyên tắc của công pháp quốc tế như đã ghi
nhận ở trên, chúng ta có thể khẳng định những khoản nợ lịch sử này có hiệu lực,
nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc đòi chúng không đơn giản và công cuộc tìm
“công lý”cũng rất gian nan.
Một khả năng đòi nợ là sử dụng tòa án của quốc gia
mình để yêu cầu trả nợ. Trong trường hợp cần thiết, bên nắm giữ trái phiếu có
thể đề nghị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc phát mãi tài sản của
chính phủ Trung Quốc trên đất Hoa Kỳ để thu hồi nợ. Trong thực tế, các chủ nợ
cá nhân – tổ chức Hoa Kỳ đã sử dụng thành công biện pháp này để dàn
xếp thu hồi nợ từ chính phủ Argentina hồi năm 2016. Áp lực bị loại bỏ
khỏi thị trường tín dụng quốc tế đã buộc quốc gia Nam Mỹ này chi gần năm
tỷ USD để tái cơ cấu nợ.
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn chúng ta đến một yếu tố
quan trọng khác – quyền miễn trừ quốc gia. Trong trường hợp của Argentina, họ
đã tự nguyện từ bỏ quyền miễn trừ (state immunity) của mình trong Fiscal
Agency Agreement năm 1994 để thể hiện thiện chí trả nợ và kỳ vọng có
thể vay tiếp. Song đối với một quốc gia không tuyên bố từ bỏ quyền miễn trừ của
mình trong thỏa thuận mua bán trái phiếu, việc kiện đòi và xử lý tài sản tại nước
ngoài gần như không thể diễn ra.
Một cách khác để thu hồi nợ là các cá nhân, tổ chức
bán lại khoản nợ này cho chính phủ nước mình, hoặc vận động chính phủ gây sức
ép nhất định để đòi nợ, hoặc dàn xếp khoản nợ. Đây là điều mà nhiều cá nhân tại
Hoa Kỳ đang làm. Lúc này, các khoản nợ quốc gia với một cá nhân sẽ trở thành một
vấn đề đồng cấp quốc gia với quốc gia, và công cụ để thực thi vì vậy cũng đa dạng
hơn.
Trung Quốc luôn khẳng định họ không liên quan gì đến
các khoản nợ do các chính phủ trước 1949 vay. Tuy nhiên, trong giai đoạn
cuối thập niên 1980, khi mà Trung Quốc và Anh Quốc đàm phán về việc trao trả
Hong Kong lại cho Bắc Kinh, London đã thành
công trong việc yêu cầu đại lục trả một phần các nghĩa vụ trái phiếu
mà các nhà đầu tư Anh đang nắm giữ, có trị giá khoảng 23,5 triệu đô-la Mỹ. Khoản
tiền này sau đó được chính phủ Anh phân bổ lại cho các nhà đầu tư trong nước. Đổi
lại, Trung Quốc sẽ được phát hành trái phiếu chính phủ trên các sàn giao dịch lớn
của Anh Quốc, và hiển nhiên là đi kèm theo thỏa thuận về Hong Kong.
Nợ nhà Thanh: Trung Quốc trả hay Đài Loan trả?
Không phải Trung Quốc mà là Đài Loan có nghĩa vụ trả
nợ cho nhà Thanh? Ảnh: armytimes.com.
Đây là vấn đề thú vị nhất trong tranh cãi về “nợ cũ”
mà triều đình nhà Thanh để lại.
Trung
Hoa Dân Quốc (mà nay thường được gọi là Đài Loan), được thành lập năm
1912 sau cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại phong kiến cuối cùng
của Trung Quốc – nhà Thanh. Đến năm 1949, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc thua
trận trong cuộc nội chiến kéo dài ba năm với Đảng Cộng sản Trung Quốc, phải rút
ra đảo Đài Loan và nhường toàn bộ đại lục cho Đảng Cộng sản lập nên nhà nước Cộng
hoà Nhân dân Trung Hoa.
Khác với Trung Quốc, vốn luôn khẳng định nhà nước
phong kiến xưa cũ là chính quyền phản động và không đại diện cho nhân dân,
Trung Hoa Dân Quốc luôn tuân thủ pháp luật quốc tế và dùng mọi biện pháp có thể
trong phạm vi pháp luật quốc tế để khẳng định chủ quyền mà họ tiếp nhận từ nhà
Thanh.
Điều này được thể hiện khá rõ ở việc Trung Hoa Dân
Quốc chấp nhận thực hiện một phần các nghĩa vụ pháp lý mà nhà Thanh đã ký kết,
đồng thời cố gắng dùng các biện pháp ngoại giao để thỏa thuận lại những hiệp ước
mà họ cho là bất công.
Bên cạnh đó, sau khi Nhật Bản dùng vũ lực chiếm được
Mãn Châu (Manchuria) năm 1931, Trung Hoa Dân Quốc đã gửi thư đề nghị Hội Quốc
Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) không công nhận Mãn Châu là vùng đất thuộc
Nhật và đề nghị dừng mọi hoạt động kinh tế, quân sự vốn có thể bị hiểu là ngầm
thể hiện sự công nhận trên. Đây là nguồn gốc của Stimson
Doctrine, và dần dần được biết đến là nguyên tắc không công nhận
(non-recognition principle) rất quan trọng cho sự vận hành của pháp luật quốc tế
sau này.
Như vậy, với lịch sử trên, phải chăng Đài Loan (hay
Trung Hoa Dân Quốc) mới được xem là chủ thể có nghĩa vụ trả các khoản nợ trái
phiếu của các công dân Mỹ thay cho nhà Thanh?
Dù người viết luôn thừa nhận Đài Loan hiện nay là một
quốc gia độc lập theo đúng tiêu chuẩn pháp luật quốc tế, việc yêu cầu họ chịu
trách nhiệm trước những khoản nợ của triều đình nhà Thanh không phù hợp với lý
thuyết và thực tiễn pháp luật quốc tế bởi những lý do sau.
Một là cần phải cân nhắc nguyên tắc tương thích giữa
quyền lợi và nghĩa vụ của quốc gia kế thừa (the correlation between rights
and obligations of successor state).
Hiểu đơn giản, quốc gia ra đời sau sẽ chỉ có thể được
xem là người kế thừa nghĩa vụ của quốc gia trước đó nếu nó cũng sở hữu những
quyền tương ứng với quốc gia tiền nhiệm. Một trong những quyền căn bản và quan
trọng nhất là quyền chủ quyền lãnh thổ.
Trong trường hợp của Đài Loan, dù có thể công nhận họ
là một quốc gia (và chính sách chung của Đài Loan cũng vẫn cho rằng mình đang đại
diện cho toàn thể Trung Quốc đại lục), thực tế cho thấy Đài Loan chỉ còn kiểm
soát chủ quyền của đảo Đài Loan (có diện tích bằng 1/267 Trung Quốc), và điều
này khiến cho họ khó có thể được xem là người kế thừa nghĩa vụ của triều đình
nhà Thanh rộng lớn.
Điểm quan trọng thứ hai là chính sách Một Trung Hoa
(One China) do
chính Bắc Kinh đưa ra và bảo vệ cho đến tận ngày nay. Theo đó, Bắc Kinh khẳng định
thẩm quyền đại diện duy nhất và tuyệt đối cho Trung Quốc, bao gồm cả những phần
lãnh thổ đã bị tách trời trong lúc triều nhà Thanh đang nắm quyền như Tây Tạng,
Mãn Châu, Hong Kong, Macau, v.v.
Mặt khác, bản thân Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng cho
rằng Trung Hoa Dân Quốc chấm dứt tồn tại và mình là người kế thừa duy nhất của
nhà nước này khi vào năm 1949, Hội nghị Tham vấn
Chính trị chung của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra nghĩa vụ của chính phủ lâm
thời là nghiên
cứu các điều ước và thỏa thuận mà chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã ký kết
để từ đó thừa nhận, đề nghị sửa đổi hay phủ nhận tùy thuộc nội dung có lợi hay
hại cho chính phủ cách mạng.
Với những thực tế trên, khó có ai có trách nhiệm trả
nợ cho nhà Thanh ngoài Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
***
Giá trị các khoản nợ liên quan đến đường tàu lửa mà
bài báo của Bloomberg nhắc tới thật ra không đáng là bao nếu so sánh với tổng
các trái phiếu mà nhiều cá nhân, tổ chức Hoa Kỳ vẫn còn đang nắm giữ. Nếu xét tất
cả những khoản vay nợ chính thức và vay nợ trái phiếu của triều đình nhà Thanh,
khoản vay của Trung Hoa Dân Quốc trong Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến cũng như các
khoản nợ khác, tổng nợ mà Bắc Kinh có nghĩa vụ phải trả cho chính phủ và người
dân Hoa Kỳ lên đến hơn một
nghìn tỷ USD.
Song nhiều đời chính phủ Hoa Kỳ (từ thời Bush cha
cho đến tận Obama) luôn ngao ngán nghĩ đến việc phải trải qua hàng loạt những
khó khăn tài chính và căng thẳng chính trị chỉ để đòi những trái phiếu đã không
còn được trả lãi (default bonds) từ năm 1939. Song với sự bất bình thường trong
chính sách của Tổng thống Donald Trump và thực tế ông này đang đưa ra những quyết
sách thương chiến hết sức quyết liệt với Trung Quốc mà ít tổng thống Hoa Kỳ nào
trước đây ủng hộ, các nhóm dân sự nắm giữ trái phiếu Trung Quốc trước năm 1949
có vẻ nuôi tham vọng ước mơ của họ sẽ trở thành hiện thực.
No comments:
Post a Comment