Saturday, December 29, 2018

BẢN TIN NGÀY 29/12/2018 (Báo Tiếng Dân)




29/12/2018

Tin Biển Đông

RFA có bài: Hoa Kỳ thúc giục các đồng minh Thái Bình Dương tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông. Trả lời phỏng vấn báo The Australian, ông Randy Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ về các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương, kêu gọi như trên. Ông Schriver còn cảnh báo rằng, “những người cộng sản Trung Quốc có thể còn muốn thiết lập căn cứ quân sự tại Nam Thái Bình Dương”.

Trung Quốc đã không còn ngần ngại khi “cho tàu chiến ra đối mặt với chiến hạm của Hoa Kỳ khi thực hiện hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Đơn cử như vào tháng 8 vừa qua, một tàu chiến của Trung Quốc suýt đụng phải khu trực hạm USS Decatur của Mỹ khi chiến hạm này đi gần quần đảo Trường Sa”.


Ông Trọng lên đồng

Báo Trí Thức Trẻ có bài: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng. Trong bài có đoạn mô tả ông Trọng cơn mê sảng: “Quê tôi ngày xưa nghèo lắm, bây giờ nhà nào cũng nâng lên nhà tầng hết, ô tô cũng có ở nông thôn rồi, xe máy thì khỏi phải nói, ti vi, tủ lạnh, điện thoại cầm tay có hết. Miền núi cũng vậy, đi chăn trâu cũng a lô cho nhau hỏi đang ở đâu đấy“.

Đi chăn trâu mà xài điện thoại di động, là nghèo kiết xác mà học làm sang. Đây là căn bệnh nhưng ông Trọng không nhận ra, lại còn đứng ra nhận thành tích? Trong khi người dân bị bần cùng hóa, đất nước nợ nần chồng chất, thiếu nhà thầu Nhật 100 triệu USD không có tiền trả, phải dừng thi công dự án metro ở Sài gòn, còn người đứng đầu đất nước thì nổ như tạc đạn!

Ông Trọng lại tiếp tục lên đồng, nói như lên cơn mê sảng rằng, “đi quốc tế, giờ đây, chúng ta cũng không kém cạnh và đi đâu cũng được người ta coi trọng, cả nước lớn, nước chiến lược… đều rất quý trọng Việt Nam ta. Rất nhiều nơi đang mời Việt Nam đi thăm và cũng ngỏ ý muốn sang thăm Việt Nam“. Dường như ông Trọng không đọc tin tức, không biết vụ 152 người giả vờ du lịch sang Đài Loan rồi trốn ở lại để làm cu li, gái mại dâm, osin?

Được thể lên luôn: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Phấn đấu năm 2019 đạt kết quả cao hơn năm 2018. Trong mắt ông Trọng, người dân vẫn đang “phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”, trong khi sự bất mãn ngày càng gia tăng. Đó là hiện tượng “mê sảng”, sống trên mây của lãnh đạo CS, giống như những gì đã xảy ra ở Liên Xô hồi cuối thập niên 1980.

Dường như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói móc ông Trọng? Báo Trí Thức Trẻ có bài: Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Tuy nhiên, lãnh đạo CS nào cũng tuyên truyền, cũng khẳng định “niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước”.


Kinh tế ảm đạm

Tuần cuối của năm 2018, các báo “lề đảng” không quên tô hồng bức tranh kinh tế Việt Nam. Báo Hải Quan dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Kết quả đạt được trong lĩnh vực tài chính – ngân sách rất tích cực, toàn diện. Ông Dũng cho rằng, tình hình ngân sách nhà nước, chính sách tiền tệ và quản lý giá cả vẫn tốt đẹp và trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, vẫn có số ít báo “lề đảng” còn tỉnh táo và cảnh giác. Báo VnExpress có bài của tác giả Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol: Kinh tế 2019, đỉnh cao hay vực sâu. Bên cạnh các thông tin cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ còn tiếp tục nhận được đầu tư nước ngoài, bài viết cảnh báo: “Rủi ro với hệ thống ngân hàng vẫn còn đó. Sức ép tăng vốn và nợ xấu với ngân hàng chưa nguội, thậm chí có xu hướng ấm lên”.

Mặc dù lãnh đạo đảng CSTQ vẫn muốn hỗ trợ CSVN, nhưng “vốn đầu tư bất động sản từ Trung Quốc vào Việt Nam có lẽ sẽ không như cách mà người Trung Quốc đột ngột vào Việt Nam vét mua thanh long rồi đột ngột dừng mua. Nhưng những toan tính của họ là điều mà chúng ta không thể đoán hết”.

Trang Việt Nam Thời Báo đặt câu hỏi: Giàu có sao lại chăm chăm mọi cách ‘bóp cổ’ dân nghèo? Các quan chức CSVN tiếp tục say sưa với “thành tích” kinh tế, nhưng người dân không thấy có gì đáng mừng. Nhà báo Nguyễn Khắc Nhượng, kể rằng: “Cô chủ tiệm cà phê cóc ở vỉa hè đầu hẻm nhà tôi thắc mắc: Tình hình kinh tế nước nhà ngon lành rực rỡ như vậy, sao mấy ổng không giảm bớt gánh nặng thuế má cho dân, mà còn lăm le oánh thuế những người lao động mạt hạng ở vỉa hè như tụi tui”.

Bài viết phân tích: “Tăng thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu cho thấy sẽ làm sụt giảm GDP bình quân đầu người, khi mà chính sách thuế mới đi vào áp dụng trong vài ngày tới đây… thì vận tải, nông nghiệp và thủy hải sản là những nhóm ngành chịu thiệt hại lớn nhất”.

Trước ngày “tận thu”

Trang VietNamNet dự báo tình hình ngày đầu 2019: Thuế tăng kịch khung, bộ lập tức điều chỉnh giá xăng. Theo đó, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định: “Từ 1/1/2019 thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần”. Nếu liên bộ Công Thương – Tài chính “điều hành giá xăng dầu sớm hơn 5 ngày so với quy định thì giá bán xăng dầu sẽ ngay lập tức được cộng thêm 1.000 đồng mỗi lít xăng, dầu diesel thêm 500 đồng một lít, dầu hoả tăng 700 đồng và dầu madut tăng 1.100 đồng”.

Một mặt trấn an người dân, mặt khác, lãnh đạo CSVN tìm mọi cách bóp cổ dân ngay lập tức, để có tiền bù vào ngân khố trống rỗng: “Kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên của năm 2019 theo quy định là vào ngày 5/1. Nhưng có khả năng sẽ được điều chỉnh sớm hơn thường lệ 5 ngày, tức vào ngày 1/1/2019”.


“Củi” Tất Thành Cang

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Ai thay nhiệm vụ đang ‘khuyết’ của ông Tất Thành Cang? Ngày 28/12/2108, lãnh đạo Thành uỷ TPHCM cho biết, “vẫn chưa có thay đổi gì về nhân sự sau khi ông Tất Thành Cang bị kỷ luật cách chức Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015- 2020”.

Hiện tại, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM “phân công đồng chí Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy xử lý công việc thường xuyên và hằng ngày của Thường trực Thành uỷ”. Mặc dù ông Tất Thành Cang đã bị mất chức Ủy viên Trung ương CSVN và chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, nhưng ông vẫn còn là thành ủy viên ở đây.

Báo VnExpress dẫn lời Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong: “TP HCM sẽ giữ vững ổn định chính trị”. Chiều 28/12/2018, ông Phong phát biểu: “Thành phố đã trải qua một năm 2018 với nhiều khó khăn, thách thức khi vừa điều hành phát triển kinh tế xã hội, vừa tập trung thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán”.

Tuy phát biểu này không có ý phê phán chiến dịch “đốt lò” khá rõ như câu nói của ông Nguyễn Thành Phong hôm 6/12, rằng các chiến dịch thanh tra, khởi tố nhiều làm cán bộ TP HCM giảm năng động, nhưng ông Phong vẫn “bằng mặt không bằng lòng” khi nói TP HCM đã vừa phải làm kinh tế, vừa chịu trận trong chiến dịch “đốt lò”.   




Tin nhân quyền

Trong phiên xử ngày 28/12, TAND tỉnh Đồng Tháp phạt tù người sử dụng Facebook chống phá Nhà nước, theo báo Pháp Luật TP HCM. Ông Huỳnh Trương Ca, chủ Facebook “Thằng Nhà Quê” bị tuyên án 5 năm 6 tháng tù về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngoài ra, ông Ca còn bị án 3 năm quản chế.

Theo cáo trạng, từ ngày 23/3 đến ngày 19/8/2018, ông Ca phát trực tiếp khoảng 40 video trên Facebook cá nhân. “Trong đó có 18 đoạn video nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tòa án CSVN cho rằng hành động của ông Ca “gây nguy hiểm cho xã hội”, dù ông chẳng tham nhũng, vơ vét của dân, làm cạn kiệt ngân khố, như các quan tham ăn tàn phá hại đất nước.

Ông Huỳnh Trương Ca tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/12/2018. Nguồn: Pháp Luật TP HCM

VOA có bài: Luật An ninh mạng VN sắp có hiệu lực, vẫn gây lo ngại. Bài viết nhắc lại sự kiện: “Sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng vào tháng 6/2018, có đến 17 dân biểu Hoa Kỳ gửi thư cho công ty Google và công ty Facebook, kêu gọi không lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam”.


Vân Đồn trước ngày thành “đặc khu”

Trước thời điểm Vân Đồn trở thành “đặc khu”, nhiều báo “lề đảng” có bài “dọn đường” dư luận. Báo Người Đưa Tin viết: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – những trải nghiệm đẳng cấp. Bài viết có đầy đủ chất giọng  của một “đơn đặt hàng” để tuyên truyền: “Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn biến sự chờ đợi ở sân bay của hành khách thành những khoảnh khắc tận hưởng thật thoải mái, thư giãn”.

“Trải nghiệm đẳng cấp” là từ khóa rất quen thuộc khi các báo “lề đảng” muốn đánh bóng vấn đề. Tuy nhiên, những người nói tốt cho sân bay Vân Đồn có lẽ đã quên rằng không có “trải nghiệm” nào đủ “đẳng cấp” để đánh đổi chuyện mất chủ quyền. Với sự tồn tại của sân bay quốc tế Vân Đồn, nơi này trong nay mai sẽ trở thành “đặc khu” và liên kết với vùng kinh tế Phòng Thành Cảng của Trung Quốc.


Vụ “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn

Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn tiếp tục truy trách nhiệm cán bộ xã trong vụ ‘xẻ thịt’ đất rừng Sóc Sơn, theo báo Tiền Phong. UBND huyện Sóc Sơn cho biết “trên địa bàn xã Minh Trí có 27 công trình xây dựng trên đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ – bảo vệ môi trường tại thôn Minh Tân”. Tuy nhiên, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho rằng, “thực tế chỉ có 22 công trình nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ”.

Lãnh đạo huyện Sóc Sơn tiếp tục bày trò “truy trách nhiệm” để làm dịu dư luận, bằng cách đổ trách nhiệm cho chính quyền cấp xã, còn chính quyền cấp huyện tỏ vẻ “vô can”. Người dân bắt đầu nghi ngờ sao trong miền Nam có quá nhiều “củi”, còn miền Bắc thì “củi” ít mà “đốt” mãi không cháy.


Người dân vs BOT

Báo Phụ Nữ Việt Nam có bài: Đi 3km phải trả 70.000 đồng tiền phí, người dân phản đối BOT Phả Lại. Một người dân xã Đức Long, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, cho biết: “Chúng tôi ở xã Đức Long thường sang cây xăng Phả Lại đổ xăng. Đoạn đường chỉ có 3km, nhưng chúng tôi phải trả 35.000 đồng/lượt cho xe dưới 12 chỗ. Để đổ được bình xăng, chi phí đi về đã mất 70.000 đồng”. Đó là một trong những lý do khiến hàng trăm tài xế và người dân cùng phản đối trạm BOT Phả Lại ngày 27/12 “gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài”.

Không chỉ trạm BOT Phả Lại, nhiều trạm BOT khác cũng đang “bị người dân phản đối dữ dội vì đặt nhầm vị trí. Hiện tại, Trạm BOT Bắc Thăng Long- Nội Bài (Hà Nội) đang bị người dân phản đối vì thu phí hộ cho đường tránh TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)”.

Người dân phản đối là chuyện của người dân, lãnh đạo vẫn cứ “tận thu”. UBND Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT chấp thuận cho chủ đầu tư thu phí quốc lộ 10, theo VTC. Vụ thu phí quốc lộ 10 bằng trạm BOT Tiên Cựu, Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng vừa có “văn bản đề nghị Bộ GTVT chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng được thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Quốc lộ 10 từ 4/1/2019”.


Nước uống học sinh nhiễm độc

VTC đặt câu hỏi vụ học sinh trường ở Hà Nội uống nước nhiễm trực khuẩn mủ xanh: Hiệu trưởng nói gì? Bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An khẳng định, “đơn vị cung cấp nước Việt Xưa cho nhà trường đã được đoàn kiểm tra liên ngành của quận Hoàng Mai kiểm tra về việc chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhà trường chọn đơn vị này cung cấp nước uống cho nhà trường vào đầu năm học này”.

Ngày 15/12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã kết luận về mẫu nước ở trường tiểu học này: “Mẫu nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai về phương diện vi sinh vật”. Trong mẫu nước có trực khuẩn mủ xanh với tỉ lệ 110 trong 250 ml nước, “là loại trực khuẩn nguy hiểm, khi vào đường ruột có thể gây nhiễm trùng đường ruột hoặc tấn công các vết thương gây nhiễm trùng máu”.

Báo Trí Thức Trẻ đặt câu hỏi, HS tiểu học Hà Nội uống nước nhiễm khuẩn: Ai phản ứng việc lấy mẫu nước? Công ty Cổ phần thực phẩm Delta, đơn vị cung cấp nước uống nhiễm khuẩn cho trường Tiểu học Chu Văn An, phản ứng “việc trường học tự lẫy mẫu đi kiểm định không đúng quy trình (lấy nước từ bình dùng dở nhiều ngày, không đảm bảo quy trình lấy mẫu, không có sự chứng kiến và thực thi chuyên môn của những thành viên theo quy định pháp luật, gửi tới cơ sở không có đầy đủ chức năng kiểm định…)”.


***






No comments: