Saturday, July 28, 2018

THƯƠNG MẠI : TRUMP HÒA CHÂU ÂU ĐỂ CÙNG CHỐNG TRUNG QUỐC (tin tổng hợp)




Ngô Nhân Dụng
July 27, 2018

Tổng Thống Donald Trump chắc đang bắt đầu theo kế của Khổng Minh Gia Cát Lượng!
Khi giao cho Quan Vân Trường trấn thủ Kinh Châu, Khổng Minh dăn dò: “Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền.” Vân Trường quên lời của quân sư, đánh nhau với cả hai, thành mất mà mạng sống cũng không giữ được.

Bài học trong truyện Tam Quốc là: Không nên đánh nhau với hai đối thủ cùng một lúc.
Tổng Thống Trump đã gây chiến, chiến tranh mậu dịch, với hầu hết các nước. Phía Bắc là Canada, phía Nam là Mexico, nhưng đó là những nền kinh tế nhỏ. Ông còn muốn tấn công hai đối thủ kinh tế mạnh nhất nằm bên kia bờ các đại dương: Phía Tây có Trung Quốc, phía Đông là Liên Hiệp Châu Âu (EU). Vũ khí ông dùng là quan thuế, thuế đánh trên hàng nhập cảng từ các nước này.

Sau cuộc gặp gỡ với ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Hội Châu Âu, ông Trump đã theo kế Khổng Minh: Hòa với phía Đông để lo đối phó mặt Tây, nước Tàu ở bên kia Thái Bình Dương.

Mấy tuần trước, ông Trump gọi đích danh EU là “địch thủ” (Foe) về mậu dịch vì Châu Âu bán nhiều mà mua ít, Mỹ bị thâm thủng $152 tỷ một năm. So với gần $400 tỷ chênh lệch khi mua bán với nước Tàu thì con số này nhỏ, nhưng ông Trump vẫn quyết san bằng.

Ông Jean-Claude Juncker đến nước Mỹ cũng chuẩn bị như Gia Cát Lượng vào Giang Đông: Trước hết phải lấy lòng gia chủ. Juncker mang theo một tấm hình chụp nghĩa địa quân đội Mỹ ở nước Luxembourg, quê hương ông, trong đó có mộ Tướng George Patton, người đã chỉ huy quân Mỹ trên mặt trận Pháp, Đức thời Đại Chiến Thứ Hai. Ông viết lời đề tặng: “Dear Donald, hãy nhớ lại chúng ta chung một lịch sử.”

Ông Juncker bước vào Tòa Bạch Ốc, trong tay cầm hơn chục tấm thẻ ghi tóm tắt để nhớ (cue cards), mỗi tấm về một vấn đề, trình bày cả chữ lẫn hình vẽ và con số; đụng chuyện nào sẽ biết mình phải nói cái gì. Cái trò này thì đời xưa Khổng Minh không dùng tới, nhưng đời nay thì cần vì trước một vấn đề mậu dịch giữa hai khối kinh tế lớn nhất thế giới không ai có thể nhớ hết được. Có lẽ ông Juncker đã không phải dùng hết cả chục tấm thẻ, vì ngay từ lúc bắt tay, ông Trump đã muốn hòa hoãn!

Tổng Thống Trump đã chịu “hóa giải” cuộc xung đột không phải vì ông Juncker có tài thuyết phục như Khổng Minh, mà vì các đại biểu quốc hội Cộng Hòa đã dọa sẽ làm luật ngăn cản không cho tiếp tục gây chiến nhiều quá. Trong Tòa Bạch Ốc, ông cố vấn kinh tế Larry Kudlow cũng khuyến cáo như vậy, và đã báo trước cho phái đoàn Juncker biết.

Những điều Juncker và Trump thỏa hiệp giúp cho hai bên đều có thể tuyên bố thắng lợi. Nhưng được lợi nhất là nền kinh tế nước Mỹ, Châu Âu, và cả thế giới. Chỉ cần hai bên tuyên bố ngưng chiến, các xí nghiệp sẽ yên tâm đầu tư lâu dài thay vì đợi coi cuộc chiến sẽ tới đâu. Các công nhân sẽ bớt lo mất việc, và người tiêu thụ không lo giá cả sẽ tăng.

Ông Juncker có thể tuyên bố thắng lợi vì những điều chính mà hai bên đồng ý cũng là những điều kiện của Liên Hiệp Châu Âu từ hai tháng trước, khi họ muốn Mỹ đừng đánh thuế nhập cảng trên thép và nhôm. Chỉ có một thay đổi, là EU hứa sẽ mua đậu nành, một món quà tặng riêng cho Tổng Thống Trump.

Ông Juncker còn có thể khoe rằng ông không nhượng bộ trong một vấn đề quan trọng, vì tổng thống Mỹ không đòi hỏi mở cửa thị trường nông phẩm Châu Âu cho Mỹ tự do vào bán. Chính quyền Barack Obama đã đòi hỏi điều này khi hai bên thảo luận một hiệp ước mậu dịch tự do, gọi là TTIP (Trans-Atlantic Trade and Investment Partnership), nhưng Châu Âu từ chối từ năm 2016. Khi trở về Bruxelles, ông Juncker nhấn mạnh rằng ngay từ đầu ông đã nói với ông Trump xin đừng nói gì tới chuyện đòi mở thị trường nông sản, và ông Trump đồng ý.

Phía bên này, Tổng Thống Trump cũng có quyền tuyên bố thắng lợi vì ông Juncker đã hứa Châu Âu sẽ mua đậu nành của Mỹ. Ngày hôm sau, ông Trump đã đem thành tích này ra khoe với các nhà trồng đậu nành ở các tiểu bang miền Trung Tây. Họ đang lo lắng vì đậu nành xuống giá, và sang năm chưa biết biết trồng gì thay thế. Có nhà xuất cảng đậu nành Mỹ phải đổ xuống biển các bao đậu nành trên một chuyến tàu, chỉ vì con tàu đến bến Đại Liên chậm mấy tiếng sau khi Bắc Kinh áp dụng thuế trả đũa. Người mua từ chối nhận hàng vì phải đóng thuế quan thì giá tăng lên 25% ngay lập tức, trong khi họ có thể mua đậu nành từ Brazil, không phải đóng thuế. Nay ông Trump trấn an các trại chủ đậu nành: Châu Âu là khách hàng mới. Ông Juncker dễ dàng chấp nhận yêu cầu của ông Trump, vì các nước Châu Âu lâu nay vẫn không đánh thuế đậu nành, cũng không trợ cấp các nhà nông trồng đậu nành, trong khi đánh thuế nặng trên các nông sản khác mua từ Mỹ.

Tổng Thống Trump cũng có thể tuyên bố thắng lợi khi Châu Âu hứa sẽ mua khí đốt lỏng (LNG) từ nước Mỹ. Khi qua Bruxelles họp khối NATO, Tổng Thống Trump đã chỉ đích danh nước Đức là đã lệ thuộc khi mua quá nhiều khí đốt của Nga – mua hơn 50% số khí dùng.
Nhưng lý do chính khiến dân Châu Âu dùng khí đốt của Nga là nó rẻ. Giá khí đốt mua của Mỹ đắt thêm 20%. Hiện nay, nước Mỹ sản xuất rất nhiều khí đốt nhờ các kỹ thuật khai thác mới, nhưng các khách hàng chính mua LNG là các nước Châu Mỹ La Tinh và Á Châu – là những nơi Nga chưa đặt được ống dần dầu khí! Biến khí đốt thành chất lỏng đã tốn tiền, đem LNG trên tầu thủy đi bán lại đòi hỏi phải thiết lập những bến cảng đặc biệt. Tất cả làm cho giá thành của khí đốt tăng gấp đôi nếu bán qua Châu Âu.

Nhưng các nước Châu Âu cũng biết họ không thể tùy thuộc quá vào nguồn khí đốt do Nga cung cấp, vì khi cần đến ông Putin có thể khóa ống dẫn khí để tạo áp lực. Hai nước cựu Cộng Sản láng giềng của Nga là Poland và Lithuania cũng đang xây những bến cảng đặc biệt để tiếp nhận LNG. Cho nên, từ Tháng Năm vừa qua, EU đã đề nghị sẽ mua khí đốt của Mỹ.

Mua khí đốt bây giờ là đúng lúc, vì giá dầu lửa thế giới đang lên cao, khí đốt sẽ cạnh tranh dễ dàng hơn. Nhưng chính phủ Mỹ và 28 nước Châu Âu không đứng ra mua bán, công việc này hoàn toàn do tư nhân quyết định. Ngay trong nội bộ Châu Âu, mỗi nước cũng có nhu cầu và chủ trương riêng. Đức muốn cùng Mỹ xóa bỏ hết thuế quan, vì họ sống giầu nhờ xuất cảng. Pháp thì đặc biệt muốn bảo vệ các nhà nông, bằng cách hạn chế thị trường nông sản. Vì vậy, việc thực hiện những lời hứa của ông Juncker với ông Trump sẽ cần nhiều tháng, có thể nhiều năm mới thực hiện được. Tuy nhiên, ai cũng thấy vụ EU mua đậu nành và khí đốt lỏng làm thỏa mãn cả hai bên, EU thì không mất gì hết, còn Tổng Thống Trump thì được ghi một thành tích.

Một điều khác làm Châu Âu hài lòng, là Tổng Thống Trump sẽ hoãn, không đánh thuế 25% trên xe hơi nhập cảng từ Đức, Pháp, Ý hay Anh trong mấy tháng tới nữa, trong khi hai bên thương lượng việc xóa bỏ quan thuế trên các mặt hàng công nghiệp khác. Tổng Thống Trump than phiền xe hơi Mỹ đánh thuế quan 10%, gấp bốn lần suất thuế Mỹ đánh trên xe hơi từ Châu Âu. Ông chỉ lờ đi không tiết lộ rằng Mỹ đánh thuế 25% trên các xe tải và SUV mua vào, để bảo vệ thị trường cho các công ty xe ở Mỹ, khi bán xe tải họ kiếm lời gấp bội so với bán xe hơi.

Một tin mừng cho kinh tế thế giới là Tổng Thống Trump đồng ý hai khối Mỹ và EU sẽ cùng sử dụng WTO, tổ chức Mậu Dịch Thế Giới, trong việc đối phó với Trung Quốc. Trước đây, ông Trump coi WTO là một tổ chức hoàn toàn bất lợi cho Mỹ. Hai khối sẽ hiệp lực trong cuộc tấn công vào các thủ đoạn của Cộng Sản Trung Quốc nhằm đánh cắp các sản phẩm trí tuệ khi cộng tác với các công ty Âu Mỹ.

Trong cả năm qua, khi những lời đe dọa chiến tranh mậu dịch của Tổng Thống Trump khiến thế giới lo ngại, thì Trung Cộng đã làm đủ cách chia rẽ Mỹ với các nước Châu Âu cũng như Nam Hàn và Nhật Bản. Bây giờ ông Trump đã theo kế Khổng Minh: Ngưng chiến với Châu Âu, để có thể cùng tấn công Trung Cộng!

Trong khi đó Bắc Kinh đã chuẩn bị một cuộc chiến tranh mậu dịch “trường kỳ” bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế để đáp lại tình trạng xuất cảng tụt xuống. Những biện pháp cũ kỹ này, chỉ có tính vá víu nhất thời, không biết sẽ giúp Trung Cộng cầm cự được bao lâu.
Nhưng một hậu quả tức thời là Tập Cận Bình phải tạm ngưng công việc cải tổ cơ cấu nền “kinh tế bao cấp” mà ông đã hô hào từ khi nhậm chức. Ngưng cải tổ, tức là nước Tàu tiến chậm hơn, sẽ khó vươn lên thành một cường quốc kinh tế đầy đủ thực lực. (Ngô Nhân Dụng)

----------------------------------------------

Đăng ngày 27-07-2018

Một hôm sau khi tổng thống Donald Trump loan báo thỏa thuận giảm tranh chấp thương mại với Liên Hiệp Châu Âu, các quan chức Mỹ  hôm qua, 26/07/2018 đã không che giấu ẩn ý đằng sau điều có thể gọi là cuộc hưu chiến mậu dịch Mỹ-Châu Âu : Đó là ổn định mặt trận châu Âu để có thể tập trung sức lực cho một cuộc chiến gay gắt hơn nhắm vào Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, nói về thương mại song phương trong cuộc họp báo tai Nhà Trắng, ngày 25/07/2018.REUTERS/Joshua Roberts

Theo thỏa thuận bất ngờ giữa tổng thống Mỹ với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hôm 25/07, Washington sẽ đình chỉ việc áp mọi loại thuế quan mới trên hàng hóa nhập từ châu Âu, kể cả thuế 25% đề nghị trên xe hơi châu Âu. Hai bên cũng sẽ đàm phán về thuế đánh trên thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu. Đổi lại thì châu Âu sẽ nhập thêm đậu nành và năng lượng từ Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh đó, một quan chức Nhà Trắng, xin ẩn danh, đã tiết lộ với hãng tin Anh Reuters rằng một khía cạnh quan trọng của thỏa thuận với châu Âu, là hai bên đã đồng ý liên kết với nhau để giải quyết vấn đề Trung Quốc lạm dụng thị trường : « Họ muốn hợp tác với chúng tôi trên hồ sơ Trung Quốc và muốn giúp chúng tôi cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ».

Theo ghi nhận của Reuters, trong thời gian qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt mức thuế trừng phạt nhắm vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, với mục tiêu ngăn chặn đà vươn lên của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, đe dọa thế thống trị hiện nay của Hoa Kỳ.

Trong vấn đề này, cả Mỹ lẫn Liên Hiệp Châu Âu đều tố cáo công ty Trung Quốc là đã tìm mọi cách để đánh cắp bí mật của công nghệ của phương Tây.

Do vậy, nếu được duy trì, điều hoàn toàn chưa chắc chắn, thỏa thuận hưu chiến thương mại giữa Mỹ và Châu Âu có thể cho phép cả hai bên tập trung mũi dùi vào Trung Quốc, mà đà vươn lên đe dọa cả hai khối.

Về phía Mỹ, giới lập pháp ở Washington vào hôm qua đã thông qua luật lệ nhằm làm chậm tiến trình Trung Quốc đầu tư vào các công ty Mỹ, còn tại châu Âu, những hồi chuông báo động đã liên tiếp được gióng lên trong thời gian gần đây về ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, tin rằng « Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu sẽ là đồng minh trong cuộc chiến chống Trung Quốc, nước đã phá vỡ hệ thống thương mại thế giới trong thực tế ». Ông Kudlow khẳng định là chính chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã nói rõ là ông dự định giúp nước Mỹ và tổng thống Trump trên vấn đề Trung Quốc.

Mới đây, trong nỗ lực kiềm chế các ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, ông Trump đã nhân lên gấp bội lượng hàng hóa Trung Quốc mà ông đe dọa áp thuế hải quan, từ 50 tỷ đô la lên mức 450 tỷ đô la, sau khi Bắc Kinh có biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ.

Đối với đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, nhân vật phụ trách thương mại hàng đầu của tổng thống Trump, trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, Washington không thể để mình bị thua.

Và để giành phần thắng, như vậy là Mỹ có dấu hiệu đang tìm kiếm đồng minh. Sau khi hòa dịu với Liên Hiệp Châu Âu, vào hôm qua, Hoa Kỳ cũng tung tín hiệu tích cực về phía Canada và Mêhicô.






No comments: