Thursday, April 5, 2018

BẢN TIN TỐI 5-4-2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Truyền thông trong nước đưa tin vụ “tàu lạ” đâm chìm hai tàu đánh cá của ngư dân VN: Nghệ An: Bị tàu lạ đâm chìm, 21 thuyền viên gặp nạn trên biển. Báo Dân Trí cho biết, hai tàu đánh cá ở Nghệ An mang số hiệu NA 94281 TS và NA 90427 TS, có 21 thuyền viên trên tàu, đang đánh cá trên biển, thì bất ngờ bị một tàu vỏ sắt, không rõ biển kiểm soát và quốc tịch, đâm chìm rồi bỏ chạy.

Không rõ vụ đâm chìm này xảy ra ngày, giờ nào, chỉ biết lúc 10h sáng ngày 4/4/2018, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, nhận được tin vụ tai nạn xảy ra. Vụ đâm chìm này đã làm cho 7 người trên tàu NA – 90427 bị thương, trong đó có 3 người bị thương nặng là: Bùi Văn Viên, sinh năm 1987; Phạm Văn Việt, sinh năm 1990 và Nguyễn Văn Sỹ, sinh năm 1995, tất cả đều là ngư dân thị xã Hoàng Mai.

Báo Dân Trí đưa tin: Tàu sân bay Mỹ có thể sắp diễn tập trên Biển Đông. Báo Straitstimes của Singapore cho biết: Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt mang theo Không đoàn số 17 đã cùng với tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Sampson “tới cảng Singapore trước khi tiếp tục di chuyển tới Biển Đông để diễn tập”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Xét xử 6 bị cáo về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Sáng nay, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm 6 thành viên của Hội anh em dân chủ là LS Nguyễn Văn Đài, kỹ sư Phạm Văn Trội, mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà báo tự do Trương Minh Đức, blogger Nguyễn Bắc Truyển và bà Lê Thu Hà. Họ bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. “Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày”.

LS Nguyễn Văn Đài tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Báo Người Lao Động viết: Người phát ngôn lên tiếng về phiên tòa xử Nguyễn Văn Đài và đồng phạm. Bà Lê Thị Thu Hằng vẫn trình bày những luận điểm quen thuộc từ Ban Tuyên giáo: “Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, không có việc những người tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ”.

Bao nhiêu trường hợp người yêu nước chỉ vì muốn thực hiện quyền tự do ngôn luận mà bị tù đày, bị hành hạ, như nhà hoạt động Trần Thị Nga, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Nguyễn Ngọc Già, nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn,… nhưng bà Hằng vẫn cho rằng “không có việc những người tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ”.

BBC đưa tin: Xét xử LS Đài và 5 người tội ‘lật đổ chính quyền’. Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW, bình luận với BBC: “Chính phủ Việt Nam sử dụng lý do ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’ để buộc tội, truy tố họ. Điều này, thẳng thắn mà nói cho thấy chính phủ Việt Nam hung hãn thế nào”.

Nhà hoạt động Thảo Teresa viết“Những hình ảnh bên ngoài toà xử Hội Anh Em Dân Chủ tại Hà Nội. Phiên toà được rêu rao là công khai nhưng tất cả những ai đến xem toà xử ra sao thì đều bị bắt hết. Họ muốn bưng bít bịt miệng dân nên tìm mọi cách để che đậy. Xứ sở này vẫn luôn như vậy, rừng rú và bất nhân”.

Công an đứng canh bên ngoài phiên tòa xử 6 thành viên Hội anh em dân chủ. Ảnh: FB Thảo Teresa

Facebooker Trang Nguyen bình luận: “Không có cảnh khóc lóc như Đinh La Thăng. Không có cảnh van xin như Trịnh Xuân Thanh. 6 anh chị, những đồng đội của tôi hiên ngang trong phiên tòa hôm nay”.

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến viết“Mỗi bản án của toà án cộng sản kết tội anh chị em đấu tranh cho dân chủ ngày hôm nay sẽ là một bản luận tội dành cho những kẻ đang cầm quyền và ‘thực thi công quyền’ trong mai sau. Vững bước, anh chị em!”


Tái cơ cấu Bộ Công an
Báo VnExpress dẫn lời Trung tướng Trần Đình Nhã: Bộ Công an đề xuất bỏ cấp tổng cục. Ông Nhã cho biết: “Các phương án đưa ra là giảm cấp trung gian, đồng nghĩa với việc sẽ bỏ cấp tổng cục. Theo đó, từ khoảng 130 cục và đơn vị trực thuộc 6 tổng cục cũng sẽ được thu gọn lại còn gần 60 cục và đơn vị tương đương”.  

Khi được hỏi về những đối sách của Bộ Công an trước “những xáo trộn có thể xảy ra khi sắp xếp lại bộ máy”, ông Nhã nói thêm: “Nhà nước có thể phải chi ngân sách giải quyết thỏa đáng cho những người bị điều chuyển hoặc cho nghỉ sớm”.

Blogger Phạm Viết Đào bình luận: Xóa cấp tổng cục Bộ Công an, phá nguy cơ tạo phản của “đàn em” Ba Dũng. Bài viết lưu ý: “Mô hình cấp tổng cục Bộ Công an chính thức được củng cố, tăng cường dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Lê Hồng Anh. Đây là cái Bộ luôn trương cái khẩu hiệu ‘còn Đảng còn mình ấy’ nhưng  về bản chất sâu xa lại là bộ máy được sử dụng để gác cửa cho Chính phủ”.


“Bí mật” nhà nước
Trung tướng Hoàng Phước Thuận thừa nhận: “Lộ bí mật nhà nước trên Internet có thể vượt xa con số đã phát hiện”, theo trang VnEconomy. Ông Thuận cho biết: “Mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet, tuy nhiên, trên thực tế có thể còn vượt xa con số đã phát hiện”.

Tuy nhiên, ông Thuận chỉ bàn đến các cuộc tấn công từ bên ngoài: “Các cuộc tấn công mạng diễn ra với quy mô lớn, cường độ cao nhắm vào các lĩnh vực trọng yếu cũng như các công trình quan trọng của quốc gia”, mà bỏ qua hiện tượng lộ thông tin mật từ nội bộ đảng CS, điển hình là trường hợp Vũ “nhôm” rời khỏi nơi cư trú trước khi công an đến khám xét.


“Lỗi hệ thống”
Báo Một Thế Giới đưa tin: Thu hồi Huân chương Độc lập của ông Nguyễn Phong Quang. Ông Nguyễn Phong Quang, cựu Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, bị thu hồi huân chương do “ông này bị kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong đảng”.

Sau tháng 10/2016, UBKTTƯ đã kiểm tra và kết luận ông Quang “có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng đến mức phải thi hành kỷ luật. Thời điểm này, bản quyết định và huân chương tặng thưởng cho ông Quang đã được chuyển về Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhưng chưa trao cho ông Quang”.


Cướp đất của dân
Bài thứ 4 trong loạt bài trên báo Pháp Luật Việt Nam về dự án “tỷ đô” của donacoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn – Kỳ 4: “Kỷ lục” thu 562m2 đất, bồi thường… 327 ngàn đồng. Một người dân ở xã Long Hưng cho biết:

“Có sự mập mờ trong dự án mở rộng hương lộ 2. Trước khi Donacoop tới, địa phương từng cắm mốc ranh giới một lần và chúng tôi xây nhà không phạm vào ranh giới đó. Ban đầu hương lộ 2 chỉ được mở rộng 30m nhưng khi dự án của Donacoop hình thành, hương lộ 2 lại ‘lên quy hoạch, mở rộng tới 60m’.”

Chuyện ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam): Vợ liệt sỹ không thể đợi chính quyền lâu hơn được nữa, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Sáu, vợ Liệt sỹ Huỳnh Tư, bị ông Lâm Văn Vân chiếm dụng hơn 700m2 đất ngay trên thửa đất mà bà Sáu đứng tên sở hữu tại Thôn 3, xã Cẩm Thanh. “Sau 5 tháng, đến nay UBND TP Hội An mới có Công văn chỉ đạo giải quyết vụ việc”.

Bài báo cho biết: “Gia đình bà Sáu đã nhiều lần viết đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền. Tuy nhiên, sau nhiều lần chính quyền địa phương tổ chức hòa giải vẫn bất thành khiến vụ việc kéo dài hàng chục năm”.


Môi trường bị tàn phá, bị ô nhiễm
Chuyện ở quận Hoàng Mai, Hà Nội: Người dân khu chung cư N6 Đồng Tàu sống chung với mùi xú uế nồng nặc, theo báo Lao Động. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này “là do đường ống thoát nước bể phốt bị vỡ, khiến chất thải của khu dân cư tràn lên bao quanh khu vực tòa nhà N6, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường”.

Một người dân cho biết: “Nước thải sinh hoạt của cư dân trong tòa nhà cứ thế chảy lênh láng ra xung quanh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Không những vậy, nền nhà cũng bị sụt lún nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chúng tôi luôn phải sống trong sự bất an”.

Báo Xây Dựng có bài: Hòa Bình: Hãy dừng ngay một dự án nguy cơ tàn phá môi trường sông Đà. Theo đó, dự án nhà máy bê tông của Công ty Bê tông Sao Vàng sẽ “gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho dòng sông và có thể sẽ là tiền lệ để họ tiếp tục xây dựng các nhà máy khác, biến sông Đà thành mương thoát nước thải và TP Hòa Bình sẽ phải gánh chịu những hậu quả do ô nhiễm”.

Bài viết đặt câu hỏi: “Chủ đầu tư đã bắt đầu san ủi, đổ vật liệu cát sỏi trong khi dự án còn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định? Ai đã bật đèn xanh cho việc vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng này?”


Lâm tặc lộng hành
Thời Báo Ngân Hàng có bài: Nhức nhối phá rừng ở Quảng Nam. Bài viết đặt câu hỏi về vụ phá rừng phòng hộ Nam Sông Bung ở huyện Nam Giang: “Các đối tượng lâm tặc phải cần đến rất nhiều thời gian mới có thể thực hiện được. Trong khi, lại không bị các lực lượng chức năng phát hiện, kịp thời ngăn chặn?”

Không chỉ có vụ phá rừng ở huyện Nam Giang, còn nhiều vụ phá rừng “diễn ra không quá xa các ban quản lý rừng, lẫn chính quyền các địa phương. Điều này, càng khiến cho dư luận có cơ sở để đặt câu hỏi: Liệu có sự buông lỏng quản lý, hay thậm chí là ‘chống lưng’ cho các đối tượng lâm tặc ngang nhiên tàn phá các cánh rừng?”


Cháy nổ ở VN: Hỏa hoạn hay nhân tai?
Vụ cháy xảy ra vào rạng sáng nay tại khu nhà xưởng của Công ty RK Resources ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương: Xưởng gỗ 3.000 m2 cháy nổ dữ dội suốt nhiều giờ, theo Zing. Lửa bắt đầu cháy từ khoảng 1 giờ sáng, thì đến… 9 giờ sáng, “hỏa hoạn cơ bản được dập tắt. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng làm khu nhà xưởng rộng 3.000 m2 bị đổ sập, nguyên vật liệu và sản phẩm gỗ bị thiêu rụi”.



Vụ cây khủng của tướng công an
Báo Zing đưa tin: Phó thủ tướng giao Bộ Công an làm rõ vụ cây khổng lồ trên quốc lộ. Trong khi dư luận cho rằng, các cây khủng đó của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, cựu Cục phó Cục CSGT, thì Phó thủ tướng lại giao cho Bộ Công an điều tra. Công an điều tra công ai, liệu có tìm ra sự thật?

Hồ sơ về nguồn gốc cây cổ thụ “khủng” nghi bị làm giả, theo báo Công An Nhân Dân. Trước đó, có người tự xưng là “đại diện chủ của các cây cổ thụ” cung cấp 2 bộ hồ sơ cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế. Trong “hồ sơ” này có đơn xin khai thác và vận chuyển cây “được bà H’Phi La Nê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ ký xác nhận vào ngày 23/3”.

Tuy nhiên, bà H’Phi La Nê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ khẳng định rằng bà không hề ký xác nhận vào đơn xin nào như vậy trong ngày 23/3: Bên cạnh đó, “sáng nay địa phương cùng Hạt kiểm lâm vào làm việc với bà H’Yô Na Buôn Yă và bà này khẳng định không hề bán cây đa nào cho một người tên Quân ở Hà Nội”.


Hiện tượng “lạm phát” học hàm
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Chất nhận định chuyện một số ứng viên GS, PGS xin rút hồ sơ: Nếu khai không đúng thì phải xử lý, theo báo Người Đưa Tin. Ông Chất bình luận: “Tại Việt Nam, việc phong hàm GS, PGS lại có một điều nguy hiểm, đó là trở thành một nếp sống thích danh để phục vụ mục đích cá nhân”.

Theo ông Chất, “nước ta không nên để Hội đồng chức danh giáo sư vĩnh viễn nữa. Như các nước tiên tiến, GS là chỉ để giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học chứ không phải học hàm, học vị đó để lên chức ông nọ, bà kia”.

Bộ GD-ĐT quyết định công bố đơn vị xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên GS, PGS 2017, theo báo Giáo Dục và Thời Đại. Bộ GD-ĐT còn yêu cầu thủ trưởng của các cơ sở đào tạo trong danh sách này “tổ chức kiểm điểm, xử lý vi phạm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót khi xác nhận thời gian giảng dạy của các giảng viên thỉnh giảng liên quan đến việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017”.

Danh sách các đơn vị xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên GS, PGS 2017 do Bộ GD-ĐT công bố. Ảnh: GD&TĐ


Giáo dục Việt Nam: Nhà dột từ nóc
Chuyện ở trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương,  TP Hải Phòng: Cô giáo lớp 3 bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng, theo báo thanh niên. Học sinh Phạm Phương Anh kể: “Lúc đầu cháu không uống. Cô liền đếm 1, 2, 3 rồi bảo có uống không. Cháu đưa cốc nước lên và uống hết nửa cốc nước được vắt từ giẻ lau bảng. Nhưng cô bảo vẫn còn loãng nên vắt thêm nước từ giẻ lau bảng rồi bắt cháu uống”.

Hội đồng Giáo dục và Ban Giám hiệu Trường tiểu học An Đồng đã quyết định chấm dứt hợp đồng với giáo viên phạt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng, theo trang Pháp Luật và Xã Hội. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn khẩn đến Sở GD-ĐT TP Hải Phòng, đánh giá rằng: Hành vi của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương “khiến dư luận hết sức bất bình, vi phạm đạo đức nhà giáo hết sức nghiêm trọng”.

Trang An Ninh Tiền Tệ đưa tin: Cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng là con Phó Phòng GD&ĐT huyện. Bà Trần Thị Ngọc Bảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Đồng xác nhận: Cô Hương là con gái của bà Tạ Thị Ng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện An Dương.

Thông Tấn Xã Việt Nam bàn về hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh: Yếu kém nghiệp vụ và thiếu lương tâm nghề nghiệp. Bên cạnh vụ cô giáo Hương bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng, bài viết liệt kê một số vụ khác như chuyện cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung phạt học sinh cả lớp phải quỳ hết tiết, vụ thầy giáo thể dục Nguyễn Văn Chức tát vào một học sinh khiến em này bị tụ máu não.

TS Chu Mộng Long viết: Khi ác quỷ được làm cô giáo“Tôi không cổ vũ những hành động vô pháp hay trả đũa bằng bạo lực. Nhưng nếu những trường hợp gieo rắc tai ác như cô giáo này mà chỉ có kiểm điểm thì có ngày phụ huynh bức xúc sẽ xử thầy cô giáo như xử bọn trộm chó vậy!”

UBND huyện Bến Lức quyết định cách chức Hiệu trưởng bỏ mặc cô giáo bị phụ huynh ép quỳ, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Chủ tịch UBND huyện Bến Lức Trần Văn Tươi xác nhận rằng: “Hội đồng kỷ luật đã tiến hành xem xét và thống nhất hình thức kỷ luật cách chức hiệu trưởng đối với ông Huỳnh Công Sơn”, ông Sơn đã bỏ mặc cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung lúc ông Võ Hòa Thuận ép cô Nhung quỳ.




Sai phạm y tế
Trung tâm Y tế huyện Đa Krông, Quảng Trị đã cho mấy chục bệnh nhân dùng sinh phẩm đã hết hạn, theo báo Pháp Luật TP HCM. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Trần Văn Thành xác nhận rằng trung tâm y tế này “đã cho bệnh nhân sử dụng sinh phẩm Pylori Test (chẩn đoán nhiễm HP) hết hạn từ ngày 26/11/2015”.

Ông Thành cho biết: “Sự việc trên được phát hiện khi BHXH tiến hành giám định hoạt động khám chữa bệnh về BHYT ở Trung tâm Y tế huyện Đa Krông tháng 12/2017 và quý I/2018”.

***

Tin thế giới

Giáo viên đình công ở Oklahoma, Mỹ
Truyền thông Mỹ đưa tin, một cuộc đình công lớn, đòi tăng lương và ngân sách giáo dục của các giáo viên ở tiểu bang Oklahoma đã bước sang ngày thứ ba. Hiện đã có gần 200 học khu trên tổng số 550 học khu ở tiểu bang đã đóng cửa, có khoảng 30.000 giáo viên và các nhà giáo dục, cùng hàng trăm nhân viên chính phủ đã tham gia biểu tình tại tòa nhà Quốc hội của tiểu bang Oklahoma.

Giáo viên ở Oklahoma chống lại việc cắt giảm thuế tiểu bang hàng thập niên qua, dẫn đến việc ngân sách giáo dục bị cắt giảm mạnh. Khoảng 20% trường công ở tiểu bang này chuyển sang dạy 4 ngày/ tuần, làm cho lương trung bình của một giáo viên ở đây bị giảm mạnh, trung bình hơn 47.000 Mỹ kim/ lương, xếp hạng thứ 49/ 50 tiểu bang nước Mỹ.

Suốt 10 năm, giáo viên ở bang Oklahoma không được tăng lương và lương trung bình của họ rất thấp. Lương trung bình của giáo viên ở Oklahoma là 47.301 Mỹ kim/ năm, so với 50 tiểu bang ở Mỹ, chỉ cao hơn lương trung bình của giáo viên ở bang Mississippi (44.057 Mỹ kim/ năm). Trong khi đó, mức lương trung bình của giáo viên cao nhất thuộc về bang New York, 79.301 Mỹ kim/ năm.

Các giáo viên và những người ủng hộ biểu tình, đòi quyền lợi cho giáo viên. Nguồn: Sue Ogrocki / AP





Bán đảo Triều Tiên
BBC đưa tin: Tên lửa Bắc Hàn ‘có thể tới bờ biển Anh trong vài tháng’. Nghị sỹ Quốc hội Anh cho biết, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bắc Hàn “gần như chắc chắn có thể tiếp cận bờ biển Anh trong vòng sáu đến 18 tháng“.

Nhưng bản tường trình của Ủy ban Quốc phòng của Nghị Viện Anh cho rằng, “vẫn chưa có bằng chứng Bắc Hàn trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa“. Bản tường trình cho biết, ông Kim “tàn nhẫn, giống như các nhà độc tài cộng sản khác trước ông, nhưng ông có lý trí” và có thể “bị thuyết phục không sử dụng vũ khí hạt nhân, bằng chính sách ngăn chặn và kiểm soát“.




***









No comments: