HH- Thông thường,
mình nghĩ những trò do thiên hạ bày ra nếu mình không thích thì tốt nhất là
không để ý đến nó, ý kiến ý cò chê bai làm gì cho mang tiếng… Đối với bộ
phim này, ban đầu mình cũng nghĩ thế. Nhưng nghĩ lại thì thấy 21 tỉ ấy cũng là
tiền của dân ta, trong đó có mình nên cũng thấy xót. Đã thế, có một số người
lại còn chỉ trích những người khác không đi xem phim này là những kẻ
“theo đuôi”, không biết gì về nghệ thuật…, nên máu tự ái trong mình lại nổi
lên. “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng” – nên mới lại thấy ngứa tay
mà viết mấy dòng sau: :)
Trong bài viết
Vì sao”‘Sống cùng lịch sử” không có người xem’ (*), tác giả Trần
Kinh Nghị cho rằng:
“… cuốn film không tồi, cả ở góc độ nghệ thuật
lẫn nội dung. Kỹ thuật quay, hình ảnh, âm thanh, tốc độ, kỹ năng, kỹ xảo,v.v…
đều bắt kịp thời đại. Nội dung cũng khá ổn, không có gì đến mức phải nói là
“không đúng sự thật” như một số người nhận xét. Dàn diễn viên có cả người ta và
người tây đều trẻ đẹp… Ý tưởng lồng ghép một chủ đề lịch sử tưởng nhàm chán với
một hoạt động “thời thượng” của giới trẻ VN hiện nay là đi phượt có lẽ nên được
đánh giá cao, ít nhất là trong trường hợp cụ thể của film này”, từ
đó tác giả suy đoán “phải chăng nguyên nhân chính (khiến rất ít người
xem phim – HH) thuộc về phía khán giả, trước hết là tâm lý muốn
“quên” quá khứ một thời CM?… Dần dà người ta trở nên dị ứng với những từ
ngữ “cách mạng”, “lịch sử”…là điều khó tránh khỏi. Thế hệ già còn bị tác động,
huống chi thế hệ trẻ? Người Việt lại có thói xấu hay theo đuôi nhau!”
Với một bộ phim được đầu tư đến 21 tỉ cùng dàn đạo diễn
và diễn viên tài năng và trẻ đẹp cả người ta lẫn người tây, mặc dù chưa xem thì
tôi cũng có thể đoán được là ‘kỹ thuật quay, hình ảnh, âm thanh, tốc
độ, kỹ năng, kỹ xảo,v.v… đều bắt kịp thời đại’ như ý kiến của tác
giả. Tôi cũng đoán rằng nội dung bộ phim thậm chí còn rất ổn chứ
không chỉ “cũng khá ổn” như tác giả nhận xét…
Bất chấp những điều hay ho kể trên, tôi vẫn không
thấy bị thôi thúc phải tìm xem phim này dù tôi không nằm trong số những
người dị ứng với lịch sử hay cách mạng, hoặc muốn quên quá khứ, dù bản
thân tôi cũng rất thích nhìn người đẹp và như đề cập ở trên – cũng không nghi
ngờ gì vào khả năng “bắt kịp thời đại” về hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo
và nội dung rất ổn của nó.
Nói thế để thấy tôi không nằm trong típ người không đi
xem phim này vì những lý do mà tác giả Trần Kinh Nghị suy đoán trong bài viết
nói trên.
Không biết người khác thế nào.Tôi thì không muốn xem phim
này vì thấy nội dung của nó, mặc dù có thể rất ổn, nhưng toàn là những
điều mà mình đã biết, đã đọc, đã nghe như tinh thần chiến đấu hy sinh
dũng cảm của quân ta, tài thao lược của Tướng Giáp thế nào, tấm gương các anh
hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót… ra sao. Tóm lại là chủ đề của bộ phim đã cũ
quá rồi! Với một chủ đề quá cũ như thế thì tôi tin không chỉ bọn “phản động”
mà còn không ít người khác dù vẫn còn rất yêu đảng, kính bác, ngưỡng mộ Tướng
Giáp đến đâu cũng sẽ không muốn mất thời gian để đi xem.
Đối với điều mà đạo diễn khoe là mới, là hay, là
sáng tạo trong phim này, cũng được tác giả Trần Kinh Nghị nhắc lại trong bài
viết là việc lồng ghép chuyện lịch sử với hoạt động “thời
thượng” của giới trẻ VN hiện nay là đi phượt thì riêng tôi lại không
đánh giá cao. Tôi nghĩ nếu có một bộ phim riêng kể về chuyện
phượt phẹt, ăn ngủ nghỉ lãng mạn của các đôi trai gái, không dính gì đến
Tướng Giáp, Tô Vĩnh Diện hay Phan Đình Giót thì có lẽ thu hút được đông đảo các
bạn trẻ, kể cả những người không còn trẻ như mình, đi xem nhiều hơn.
Và cứ cho ý tưởng này là sáng tạo thì người viết
bài này cũng cho là một sự lồng ghép rất khiên cưỡng, giả tạo. Các bạn có tin
vào thời @ này có một đôi trai gái trẻ dẫn nhau đi chơi vừa xa vừa lâu như
thế mà chỉ mơ tưởng đến các anh Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện v.v… mà không
làm gì khác không? Riêng tôi thì tôi không tin. Và đã không tin thì
không xem!
Tóm lại, chủ đề bộ phim cùng nội dung thì quá cũ.
Cái gì đã cũ quá thì hình ảnh âm thanh, kỹ xảo tuyệt hảo đến đâu cũng không làm
cho nó mới được! Cũng như giả sử có cô hoa hậu dù đã từng xinh đẹp đến
đâu nhưng đã quá già, quá cũ rồi thì dù trát phấn tô son kiểu gì cũng không còn
hấp dẫn ai nữa. Ý tưởng “lồng ghép” với chuyện “đi phượt” được cho là sáng
tạo duy nhất của bộ phim thì lại giả tạo, khiên cưỡng…
Tôi không xem phim này chỉ vì lý do đơn giản thế thôi,
chẳng phải vì lý do chính chị chính em gì hết, cũng chẳng liên quan gì
đến chuyện yêu ai ghét ai hay “dị ứng” với cái gì.
Không biết có bao nhiêu người cũng có cảm nhận như
tôi?
Xin các đạo diễn điện ảnh tài năng, các diễn viên trẻ
đẹp, các nhà phê bình văn hóa, nghệ thuật của chúng ta đừng vội trách mắng quần
chúng dân đen chúng em theo đuôi nhau đi đâu mà không chịu đến xem phim
là không hiểu gì về nghệ thuật, là không biết cái hay, cái sáng tạo của
nó. Giời ạ! Thế thì đã có bao nhiêu văn nghệ sĩ, những người am hiểu văn chương
nghệ thuật hơn người đến rạp xem phim này để làm gương cho chúng em theo
đuôi các anh các chị đến xem?
———————————————————————
(*) Đọc bài viết của Trần Kinh Nghị:
Thứ
Hai, ngày 13 tháng 10 năm 2014
Cuốn film nhựa “Sống cùng lịch sử” trị giá 21 tỷ đồng do
Nhà nước đầu tư vừa ra lò nóng hổi đã bị ế đến mức phải rao chiếu miễn phí trên
toàn quốc, nhưng số người đi xem vẫn thưa thớt. Dư luận công chúng, báo giới và
cả giới bình luận chuyên nghiệp đều chê cuốn film cả về nghệ thuật lẫn nội
dung. Một số ý kiến đổ lỗi cho cơ quan quản lý và cá nhân những người làm film.
Có ý kiến cho rằng có nhiều điều không đúng sự thật lịch sử…trong khi ý kiến
khác chê trình độ kỹ thuật, kỹ xảo v.v…Cũng cố ý kiến cho rằng có tiêu cực tham
nhũng trong quá trình làm film. Hình như thói đời vẫn thế- hễ dậu đổ là bìm
leo- đâu đó thấy khá nhiều ý kiến chê film dỡ quá, thậm chí nhiều người chưa
xem phim cũng chê! Đã thế thì tẩy chay cho bỏ tức!
Nhìn chung ý kiến khá phức tạp và trái ngược nhau mặc dù
xem ra ý kiến nào cũng có lý cả. Có một điều đáng suy nghĩ là, bất chấp doanh
thu thấp và sự phê phán của công luận, những người trong giới quản lý ngành
điện ảnh (và cả bản thân đạo diễn cuốn film thì phải?) lại đánh giá “Đã hoàn
thành nhiệm vụ…theo chỉ đao”. Điều này có nghĩa họ coi trọng việc hoàn thành
nhiệm vụ được giao phó hơn là doanh thu! Với tất cả những gì đã và đang diễn ra
có thể thấy số phận cuốn film vốn đã hẫm hiêu chắc sẽ nhanh chóng đi vào lịch sử,
chứ khó có thể sống cùng lịch sử!
Với tâm trạng hoài nghi, người viết bài này đã quyết định
đến Trung tâm chiếu bóng quốc gia (Hà Nội) để mục sở thị xem thực hư thế nào.
Và khi chưa xem thì không dám phát biểu, nhưng xem rồi thì thấy không thể không
nói đôi điều.
Trước hết phải nói cuốn film không tồi, cả ở góc độ nghệ
thuật lẫn nội dung. Kỹ thuật quay, hình ảnh, âm thanh, tốc độ, kỹ năng, kỹ
xảo,v.v… đều bắt kịp thời đại. Nội dung cũng khá ổn, không có gì đến mức phải
nói là “không đúng sự thật” như một số người nhận xét. Dàn diễn viên có cả
người ta và người tây đều trẻ đẹp. Có thể nói đạo diễn đã có sự sáng tạo và
mạnh bạo trong việc thay đổi cách làm đối với loại film chính trị thường đòi
hỏi sự nghiêm túc, cứng nhắc lâu nay. Ý tưởng lồng ghép một chủ đề lịch sử
tưởng nhàm chán với một hoạt động “thời thượng” của giới trẻ VN hiện nay là đi
phượt có lẽ nên được đánh giá cao, ít nhất là trong trường hợp cụ thể của film
này.
Vậy tại sao không có người xem? Tất nhiên có một số
nguyên nhân khác nhau, nhưng phải chăng nguyên nhân chính thuộc về phía khán
giả, trước hết là tâm lý muốn “quên” quá khứ một thời CM? Nói vậy nghe có vẻ võ
đoán, vơ đũa cả nắm…, nhưng đó là sự thật nếu chịu nhìn thẳng vào nguyên nhân
sâu xa của nó là tình trạng mất lòng tin vào giới lãnh đạo đất nước hiện nay.
Khi người dân đã nghe nói quá nhiều về cách mạng nhưng thấy nhiều đồng chí bây
giờ toàn làm ngược lại…thành ra họ nghĩ các ổng (ông í) toàn tuyên truyền! Dần
dà người ta trở nên dị ứng với những từ ngữ “cách mạng”, “lịch sử”…là điều khó
tránh khỏi. Thế hệ già còn bị tác động, huống chi thế hệ trẻ? Người Việt lại có
thói xấu hay theo đuôi nhau!
Sẽ suy nghĩ thêm. Nhưng cảm nhận khá mạnh mẽ sau buổi xem
film là như vậy.
No comments:
Post a Comment