Friday, October 24, 2014

Tại sao có thể nhẹ dạ đến như thế? (Nghiêm Văn Thạch - Thông Luận)





Được đăng ngày Thứ sáu, 24 Tháng 10 2014 07:04

Tôi đã đọc vài "Chân dung một người tù bị lãng quên" (1) mà thực sự thấy đau sót. Không phải chỉ vì sự cảm thương và quý mến với các nạn nhân như các ông Nguyễn Tuấn Nam, Trần Tư và Lê Văn Tính, nhất với trường hợp thương tâm của ông Nguyễn Tuấn Nam. Sự đau sót và phẫn nộ của tôi là ở chỗ những tội ác không được tố giác và nhận diện đúng mức độ nghiêm trọng của chúng.

Trước hết tôi xin gửi lời cảm ơn tới anh Phạm Bá Hải, người đang săn sóc ông Nguyễn Tuấn Nam. Một cử chỉ tốt với một người mắc nạn buộc mọi người phải biết ơn, tôi cảm ơn anh Hải. Tôi còn một lý do khác để cảm ơn anh Hải vì anh đang cứu giúp một người mắc nạn vì đấu tranh cho dân chủ. Tôi cũng thấy cần phải nói ra ở đây sự bỉ ổi của chính quyền cộng sản. Họ đã bàn giao ông Nguyễn Tuấn Nam, già cả và tê liệt, cho anh Phạm Bá Hải khi ông đã mãn hạn tù và không còn thân nhân. Tại sao anh Phạm Bá Hải? Đó là vì anh Hải là chủ tịch Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm. Nhưng hội này không được chính quyền cộng sản nhìn nhận và còn bị công an sách nhiễu nữa. Vậy mà khi cần trút bỏ gánh nặng một tù nhân đã già, bệnh và tàn tật người ta lại trao ông Nam cho anh Hải. Thật không còn lời nào để mô tả sự thô bỉ.

Trở lại trường hợp của những cựu đảng viên đảng Nhân Dân Hành Động. Cụ thể là chính ông Nguyễn Tuấn Nam, và cả ông Lê Văn Tính mà tôi đã đọc bài phỏng vấn trên đài Á Châu Tự Do, vẫn chưa hiểu là họ đã bị phản bội, bị gài bẫy để cho công an bắt.

Ông Nguyễn Tuấn Nam nói (theo lời thuật của anh Huỳnh Trọng Hiếu): "Trên thực tế, chúng tôi không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ đảng Nhân Dân Hành Động hay cá nhân ông Nguyễn Sỹ Bình. Tôi là người tiếp xúc và trao đổi thường xuyên với ông Bình cũng như nhiều nhân vật lãnh đạo khác ở Hoa Kỳ và Âu Châu trước khi tôi bị bắt. Tuy nhiên, tôi không nhận được sự hỗ trợ nào, trong suốt quảng thời gian bị giam cầm trong lao tù, tất cả anh em trong tổ chức cũng không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào. Có vài người đã chết vì không được viện trợ".

Sự thực là ông Nam và các bạn đã không chỉ bị bỏ rơi mà họ đã bị gài bẫy. Đảng Nhân Dân Hành Động là một cái bẫy của công an, nó là một tổ công tác của công an tại Campuchia được thành lập sau năm 1991 nhằm triệt hạ những người dân chủ Việt Nam hoạt động tại đây.

Ông Nguyễn Tuấn Nam còn nói:
"Chủ trương của đảng Nhân Dân Hành Động trước khi đưa cán bộ thâm nhập về Việt Nam là chấp nhận hy sinh đối đầu, bị tra tấn cũng phải vượt qua. Khi suy nghĩ lại, tôi cho rằng: sự thực là chúng tôi đã bị bỏ rơi, nếu không, tổ chức đã tìm cách liên lạc và tìm đến địa chỉ của từng gia đình cán bộ để hỗ trợ".

Câu nói này chứng tỏ ông Nam vẫn còn tin rằng đảng Nhân Dân Hành Động là một đảng đối lập thực, chỉ vô trách nhiệm đối với anh em đảng viên mà thôi. Nhưng tại sao vẫn chưa có ai giải thích cho ông hiểu là ông đã bị phản bội chứ không phải chỉ bị bỏ rơi? Đó là vì ít người biết thực chất của Đảng Nhân Dân Hành Động và đa số những người biết lại không thấy cần phải thông báo cho những người dân chủ khác biết để đừng mắc bẫy. Nhưng tại sao lại có thể có tình trạng kỳ quái này?

Nguyễn Sỹ Bình và ông Hoàng Minh Chính

Tôi càng thấy giận vì chính tôi đã lên tiếng vạch trần sự thực về Đảng Nhân Dân Hành Động từ hơn 8 năm nay rồi. Trong bài "Ông Hoàng Minh Chính phục hoạt đảng Dân Chủ"(2) ngoài việc phê phán quyết định của ông Chính tôi còn bày tỏ sự phiền lòng vì ông đã để cho đảng Nhân Dân Hành Động lợi dụng trong khi Đảng Nhân Dân Hành Động chỉ là một dụng cụ của chính quyền cộng sản. Một số độc giả đã chất vấn tôi và ngay sau đó tôi đã viết thêm bài "Xác nhận và ký tên" (3) trình bày những lý do khiến tôi khẳng định Đảng Nhân Dân Hành Động là một dụng cụ của chính quyền cộng sản do chính quyền cộng sản tạo ra để làm cái bẫy tiêu diệt các tổ chức đối lập Việt Nam tại Campuchia.

Ngay sau bài này không còn ai chất vấn tôi nữa. Mọi người đọc không còn gì để nghi ngờ những xác quyết của tôi. Và cũng không thể khác vì anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi có nhiều thân hữu ở trong nước và chúng tôi được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau về Đảng Nhân Dân Hành Động. Đảng NDHĐ đã phản ứng lại bài báo của tôi bằng cách bỏ chạy như một tên trộm bị phát giác. Trong bài này tôi có nói rằng chỉ cần đọc trang Web của đảng này cũng đủ biết nó là một tổ chức của công an và tôi đã trích một vài đoạn do chính họ viết mà nếu để ý thì sẽ thấy họ thuộc đảng cộng sản. Ngay hôm sau đảng NDHĐ xóa sạch trang Web của họ. Ít lâu sau đó họ tổ chức đại hội đảng với nghị quyết chấp nhận để chủ tịch đảng Nguyễn Sỹ Bình và phó chủ tịch đảng Nguyễn Xuân Ngải "từ chức và ra khỏi đảng" đồng thời bầu ông Nguyễn Tường Bá làm chủ tịch đảng.

Tại sao một đại hội đảng do chủ tịch triệu tập lại có thể lấy quyết nghị cho phép chủ tịch và phó chủ tịch "từ chức và ra khỏi đảng"? Chuyện từ chức không cần thiết vì đã mặc nhiên được giải quyết khi bầu xong chủ tịch mới, còn chuyện "cho phép ra khỏi đảng" thì quả là khôi hài. Ra khỏi đảng hay ở lại là quyết định cá nhân sau khi không còn chức vụ nữa, hoàn toàn không có chỗ đứng trong một nghị quyết. Tại sao lại có thể có một nghị quyết kỳ cục như vậy? Lý do chắc là vì Nguyễn Sỹ Bình và Nguyễn Xuân Ngải hốt hoảng sau khi bị tố giác một cách không thể chối cãi và họ thừa biết rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên còn biết nhiều hơn những gì tôi viết ra. Họ hốt hoảng vì ở Mỹ tội giả người tỵ nạn để nhập tịch làm gián điệp có thể bị xử rất nặng.

Ban chấp hành mới chỉ có một ông chủ tịch Nguyễn Tưởng Bá, sau đó đảng NDHĐ chết luôn. Ông Nguyễn Tường Bá đã chỉ khờ khạo làm cỗ xe cho hai tên tội phạm tháo chạy. Thật là vớ vẩn một cách đáng giận.

Hai năm sau khi tôi viết bài này (xin nhắc lại một lần nữa là tôi không gặp một phản bác nào còn Bình và Ngải thì bỏ chạy) đến lượt giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh viết hồi ký. Xin trích một đoạn trong chương ông viết về ông Hoàng Ngọc Hiến:
(…)ít ngày sau, tôi đang ngồi ở nhà (tại Đồng Xa) thì thấy Hiến đạp xe tới. Lúc đó mới độ 8 giờ sáng. Tôi hỏi ra bao giờ. Anh nói ra sáng nay, tàu 7 giờ sáng tới Hà Nội. Tôi ngạc nhiên: vừa về Hà Nội đã vội đến tôi làm gì! Hoá ra anh vừa tham gia một đảng gọi là đảng “Nhân Dân Hành Động” và ra Hà Nội để phát triển Đảng. Người đầu tiên anh định kết nạp là tôi. Anh nói, không sợ gì cả. Tay thủ lĩnh là một tay tiến sỹ ở Mỹ về. Rất trí thức. Đảng này đã thống nhất với cộng sản chuẩn bị ra đa đảng. Trong đảng này có một uỷ viên bộ chính trị và một thiếu tá công an cộng sản. Đảng phát triển chủ yếu vào trí thức. Anh lại hỏi, thằng Thanh nhà ông vào Sài Gòn đã có việc làm và nhà cửa gì chưa, để anh lo giải quyết cho.
Tôi không tin, từ chối: “Cậu định làm chính trịà? Không sợ công an à?”
Hiến có vẻ xem thường, cho tôi là thằng nhát.
ít lâu sau tôi được biết đảng này phát triển mạnh ởvùng Vĩnh Long, vừa bị bắt một loạt. Tôi vào Cần Thơ, Dạ Ngân bảo thế (…)

Đoạn này, nhất là câu cuối, cần một giải thích. Đảng NDHĐ do ông Võ Văn Kiệt, lúc đó đang là thủ tướng, lập ra như là một chi nhánh của công an hoạt động tại Campuchia đội lốt một đảng đối lập. Mục tiêu của nó là phát giác những người đối lập ở Campuchia và tạo điều kiện để công an bắt họ đem về Việt Nam. Nó là một cái bẫy hại người mang tên "Đảng Nhân Dân Hành Động". Hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh cũng đồng ý về phương thức hoạt động của công an tại Campuchia và nước ngoài nhưng không đồng ý việc phát triển đảng NDHĐ tại Việt Nam vì coi nó như là dụng cụ của riêng ông Kiệt nên ra lệnh dẹp. Vĩnh Long là quê hương của ông Kiệt nên hầu hết mọi giáo chức được yêu cầu gia nhập đảng NDHĐ. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có một số thân hữu ở trong trường hợp này. Sau khi đảng này bị dẹp ở trong nước những đảng viên và công chức đã gia nhập bị thẩm vấn và được lệnh chấm dứt mọi hoạt động nhưng tuyệt đối không ai bị bắt cả, chỉ có những người đối lập thực sự vào đảng vì tưởng là đảng NDHĐ là đảng đối lập thực bị bắt mà thôi.

Đoạn trích này của ông Nguyễn Đăng Mạnh hoàn toàn không có mục tiêu chính trị nào cả. Ông Mạnh chỉ kể một câu chuyện về một người bạn là ông Hoàng Ngọc Hiến cho nên không có lý do gì để bịa đặt cả. Nó là một câu chuyện trực tiếp giữa hai ông nên không thể lệch lạc. Tôi cũng xin nói thêm là cả hai ông Nguyễn Đăng Mạnh và Hoàng Ngọc Hiến đều đã nói chuyện với anh Nguyễn Gia Kiểng tại Paris. Cả hai đều xác nhận việc ông Hiến gia nhập đảng NDHĐ theo "yêu cầu" của công an.

Điều đáng buồn là một chuyện khá lộ liễu và rất nhiều người biết ở trong nước như vậy nhưng hầu hết các tổ chức đối lập hải ngoại lại không biết. Năm 2005, khi đảng NDHĐ đưa ông Hoàng Minh Chính tới Mỹ rất nhiều tổ chức đối lập đã sẵn sàng hợp tác để thành lập "Phong Trào Dân Chủ Việt Nam Thống Nhất". Lúc đó sự bịp bợm của đảng NDHĐ đã kéo dài 14 năm rồi. Bất cứ một tổ chức nghiêm chỉnh nào cũng không thể nhẹ dạ như thế. Phải nhìn nhận một sự thực là rất nhiều tổ chức ở hải ngoại chỉ nhắm phần trình diễn ồn ào chứ không có nội dung.

Lê Công Định và Nguyễn Sỹ Bình

Điều còn đáng buồn và đáng giận hơn là đảng NDHĐ đã dụ dỗ được và hãm hại nhiều người. Chỉ riêng trong vụ dàn cảnh "đại hội đảng" tại biên giới Thái – Campuchia cuối năm 1996 đã có hơn hai mươi người bị bắt và bị đem về Việt Nam xử những bản án dã man. Sau đó đảng NDHĐ còn khoe thành tích chống cộng. Đến năm 2009 họ vẫn con dụ dỗ được những người trẻ đầy thiện chí và tiềm năng như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long. Trừ trường hợp anh Lê Thăng Long bị án oan, hai anh Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định đã là nạn nhân của Nguyễn Sỹ Bình. Vụ này còn có hơi hớm của một cuộc đấu đá nội bộ; họ bị coi là chống phe Nguyễn Tấn Dũng.

Những nạn nhân của Nguyễn Sỹ Bình có biết những điều mà nhiều người, trong đó có tôi, đã cảnh báo hay không? Nếu không thì họ quá nhẹ dạ, dấn thân tranh đấu chính trị mà không cần biết ai là ai cả. Nhẹ dạ và nghiệp dư nữa nên đã chẳng cần nghiên cứu môi trường để rồi đặt lòng tin vào một bọn tình báo đã được vạch mặt chỉ tên từ lâu.

Hay họ biết nhưng không tin? Nếu thế thì càng đáng trách. Không lẽ chỉ vì một bài báo vu khống mà cả đảng NDHĐ bỏ chạy? Không lẽ cả tôi lẫn giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đều đã bịa đặt vu khống? Và nếu nghi ngờ như vậy thì tại sao không hỏi ngay hai ông Nguyễn Đăng Mạnh và Hoàng Ngọc Hiến lúc đó đang ở Việt Nam? Làm sao có thể nhẹ dạ đến thế được!

Nhưng dù với mục đích thế nào đi nữa thì việc đảng NDHĐ hãm hại những người dân chủ và gây nhiều thảm kịch như vậy cũng phải bị lên án thật mạnh mẽ. Tất cả những ai tự nhận là dân chủ mà còn vì bất cứ lý do nào liên hệ với Sỹ và Ngải đều không lương thiện. Một trong những nguyên nhân chính khiến xã hôi Việt Nam nói chung và phong trào dân chủ Việt Nam nói riêng không vươn lên được có lẽ là vì chúng ta thiếu đạo đức. Chúng ta không đủ nghiêm khắc với những thành phần gian manh. Đáng lẽ ra những tổ chức đã bị chứng minh là giả dối, gian trá phải bị đào thải lập tức và vĩnh viễn. Trong cuộc chiến đấu vì tự do dân chủ chế độ cộng sản có tất cả nhân lực, vũ khí và tiền bạc, sức mạnh của chúng ta chỉ là sự lương thiện. Nếu ngay cả sự lương thiện của chúng ta cũng bị ngờ vực thì chúng ta tuyệt vọng.

Tôi xin mạn phép kết luận bài này với một lời khuyên cho các bạn trẻ, một lời khuyên rất thành thực của một người đã 85 tuổi và chỉ còn mong các bạn thành công.

Hãy nghiên cứu kỹ tình hình đất nước trước khi dấn thân và hãy chọn kỹ tổ chức mà các bạn tham gia. Hãy chọn những tổ chức đã có đủ thời gian để chứng tỏ là lương thiện, có trí tuệ và có quyết tâm. Những tổ chức như thế là những nơi tập trung và gạn lọc các thông tin; họ biết ai là ai và có những thông tin mà các cá nhân hoặc các tổ chức mới hoặc nhỏ không có. Nếu có ai rủ các bạn tham gia lãnh đạo một tổ chức mới thành lập hoặc sắp thành lập hãy từ chối dứt khoát. Có mọi triển vọng đó là những ngọn lửa rơm chẳng bao lâu sẽ tắt, và cũng có thể đó là những cạm bẫy.

Nghiêm Văn Thạch (21/10/2014)

 
       
(3)   Xác nhận và ký tên           


------------------------------------






No comments: