Wednesday, October
22, 2014
Ngày 21/10/2014,
người tù lương tâm nổi tiếng – blogger Điếu Cày – được chính quyền Việt Nam
“đày” sang Mỹ.
Sự kiện này đã,
đang, và sẽ được nhiều blogger, giới đấu tranh dân chủ trong nước và nước ngoài
coi là một tin tốt lành. Điếu Cày, với những hy sinh của ông suốt gần 10 năm
qua, sẽ được đồng bào ở hải ngoại đón tiếp hân hoan và nhiệt thành.
Nhưng xen lẫn trong
niềm vui, cũng có cả những chua xót.
Chính quyền luôn “thắng lớn”
Nỗi chua xót thứ
nhất là, việc trả tự do cho Điếu Cày mà thực chất là trục xuất sang Mỹ “cho
rảnh nợ”, chỉ một lần nữa cho thấy chính quyền Việt Nam sử dụng công dân mình,
nhất là những người bất đồng chính kiến, như con bài để mặc cả, đổi chác như
thế nào. Và điều đáng nói là giới đấu tranh dân chủ cả trong và ngoài nước đều
đi đúng vào hướng mà chính quyền mong muốn: Tất cả đều sa vào những cuộc đấu
tranh đòi “free Nguyễn Tiến Trung”, “free Lê Quốc Quân”, “free Điếu Cày”, v.v.
tóm lại vận động trả tự do cho tù nhân lương tâm, mà xao lãng những vấn đề khác
– những vấn đề thực sự là mấu chốt của cải cách chính trị, mà chính quyền luôn
tìm cách lờ đi.
Đó là sửa đổi Hiến
pháp, cải cách tư pháp để đảm bảo sự độc lập của tư pháp. Là sửa đổi Bộ luật
Hình sự, sửa Luật Báo chí, Luật Đất đai, v.v. Là hủy bỏ tất cả những điều luật
và quy định “xiết chặt quản lý” thay vì bảo vệ quyền tự do của người dân – như
hàng loạt điều khoản vi phạm nhân quyền trong Bộ luật Hình sự và những nghị
định, thông tư đầy rẫy vô lý, vi hiến…
Chính quyền đưa tù
nhân lương tâm ra làm công cụ để đổi chác. Giới hoạt động dân chủ liền vận động
quốc tế gây sức ép để buộc nhà nước Việt Nam phải trả tự do cho tù nhân lương
tâm, mà chỉ riêng việc vận động cho một người thôi cũng đã làm hao tổn không biết
bao nhiêu tâm trí, sức lực, nguồn lực. Có lẽ mỗi năm, mỗi tổ chức chỉ cần tiến
hành 1-2 chiến dịch cũng đủ… hết sức, hết thời giờ, hết tiền. Mỗi cá nhân được
thả lại được coi là một thắng lợi của cuộc đấu tranh, đủ làm giới đối kháng
hoan hỉ, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Còn những vấn đề mấu chốt kia thì vẫn giữ
nguyên trạng.
Biến công dân thành
tù nhân lương tâm rồi đem ra mặc cả quả là có lợi: Vừa có cái để đổi chác với
Mỹ và Tây phương, vừa gây hao tổn nguồn lực của giới đấu tranh dân chủ (nhất là
cộng đồng người Việt ở hải ngoại), lại vừa phân tán, đánh lạc hướng sự tập
trung của họ khỏi các vấn đề có tính chất tử huyệt của chế độ. Lợi nhiều như
thế, chẳng tội gì nhà nước không duy trì việc bỏ tù “bọn phản động”. Suy cho
cùng, nhà nước mới thực là bên thắng, mà thắng lớn.
Điều đau khổ là kể
cả có biết vậy, giới hoạt động dân chủ và cộng đồng quốc tế cũng không thể
không đấu tranh cho tự do của tù nhân lương tâm, vì ngoài ý nghĩa chính trị thì
đây cũng là chuyện nhân đạo. Và thế là, họ tiếp tục đi đúng hướng mà chính
quyền Việt Nam mong muốn: Sa vào cuộc đấu tranh cho những cá nhân cụ thể mà
quên mất cái lớn hơn.
Nguồn ảnh: Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ (2011)
Sự bế tắc của cuộc đấu tranh
Trong niềm vui đón
mừng Điếu Cày được tự do, vẫn có những cái nhìn của blogger nói lên nỗi chua
xót thứ hai.
Ông Lê Quốc Tuấn,
thành viên phong trào Con Đường Việt Nam, viết: “Một tương lai đích thực cho người Việt Nam vẫn còn nằm ở phía trước,
cho đến khi đại đa số người Việt hiểu được rằng dân chủ tự do và quyền con
người quan trọng hơn cơm áo qua ngày của một loại đời sống cúi mặt nhẫn nhục
chờ đợi như hiện nay để cùng đứng dậy, tìm đến nhau cho một câu trả lời chung.
Và, nếu người Việt Nam còn tiếp tục chịu đựng, đến lúc các nước phương Tây sẽ
thấy họ lẻ loi trong việc cứ đi đòi hỏi Hà Nội những điều mà ngay chính người
dân không màng đến… Khi ấy, tôi tin rằng những người tù lương tâm sẽ không còn
được thả nữa”.
Một thành viên khác
của Con Đường Việt Nam, ông Hoàng Triết, cũng bình luận trên Facebook: “Dân chủ của Việt Nam không thể nào đến từ
những người đấu tranh đơn độc trong nước. Càng không thể đến từ những nỗ lực
giúp đỡ từ hải ngoại. Và càng không thể từ sự quan tâm của người nước ngoài....
Khi mà đại đa số người dân trong nước chẳng muốn làm gì cả”.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao ĐẠI ĐA SỐ người
dân trong nước lại chẳng muốn làm gì cả?
Có phải vì các nhà
đấu tranh chưa hiểu đúng, hoặc không thật hiểu người dân Việt Nam không?
Dân chủ, tự do,
nhân quyền. Đó đều là các khái niệm đẹp đẽ, và đều trừu tượng. Một người dân
thường điển hình, chẳng hạn, một công chức ở Hà Nội hoặc TP.HCM, khi nghe câu
“dân chủ tự do và quyền con người quan trọng hơn cơm áo qua ngày của một loại
đời sống cúi mặt nhẫn nhục”, chắc hẳn sẽ có suy nghĩ phản biện như thế này:
“Sao? Chúng tôi đâu
có thấy chúng tôi mất tự do gì đâu? Chúng tôi có nhẫn nhục cúi mặt gì đâu.
Chúng tôi đi làm hàng ngày, hôm nào có kha khá tiền thì đi nhậu, không có thì
về nhà xem tivi, thỉnh thoảng đi hát karaoke, xem phim, du lịch quanh quanh.
Chúng tôi vẫn đọc báo đều, vẫn có Internet để vào mạng, lên Facebook chém gió,
vẫn có tivi mà xem các game show, nóng nực vẫn có cái máy điều hòa, lạnh vẫn có
máy sưởi... Chúng tôi có thấy chúng tôi làm sao đâu mà các vị bảo chúng tôi là
đang nhẫn nhục, phải đòi tự do?
Ông Điếu Cày đấu
tranh gì gì đấy, thì đi tù, rồi được Mỹ nó bảo lãnh cho qua. Ừ, tốt, cũng mừng
cho ông ấy. Nhưng mà cụ thể ông ấy đòi hỏi cái gì ấy nhỉ? Tự do à? Ủa, thì
chúng ta vẫn tự do mà, có ai bị làm nô lệ như thời thuộc Pháp đâu? Ổng đòi tự
do báo chí à? Ô hay, thì chúng ta vẫn lên mạng viết lách, lên Facebook chém gió
ầm ầm kia kìa; vẫn mua báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật Thành phố… ê hề
ngoài sạp kìa, có thiếu gì đâu, mất gì đâu? Tóm lại là các vị đòi cái gì?”.
Tự do, dân chủ,
nhân quyền là các khái niệm đẹp đẽ, nhưng cũng chính là cái bẫy chết người mà
các học giả, các nhà đấu tranh trong nước và hải ngoại rất dễ rơi vào: Đa số
người dân không hiểu chúng là cái gì, mà những nhà hoạt động thì lại đang đấu
tranh cho những thứ rất “chung chung”, “mơ hồ” đó. Và đi đến tận cùng con đường
tranh đấu, nhà hoạt động bị bỏ tù, trở thành tù nhân lương tâm, trong khi dân
chúng đa số không hiểu vì sao họ phải quan tâm đến một cá nhân đã bị cầm tù vì
một sự nghiệp không liên quan gì đến họ.
Hình ảnh xiềng xích, còng, dây
thép gai... là biểu tượng của sự mất tự do, nhưng đang tỏ ra rất thiếu
thuyết phục trong tuyên truyền, vì đa số người dân VN chỉ thấy nghĩa đen
của vấn đề là họ không hề bị xích chân tay gì cả. Nguồn ảnh: PJMedia
Giới hoạt động dân
chủ tiếp tục đi vào hướng mà chính quyền Việt Nam mong muốn, nhưng ở đây thì
lại ngược hoàn toàn với phần trên: Họ sa vào cuộc đấu tranh cho những điều có
vẻ rất xa vời, trừu tượng, lý thuyết đối với dân chúng, mà quên mất những lợi
ích cụ thể, rõ ràng trước mắt người dân, nôm na như quyền được dùng thực phẩm
sạch, không phải uống rượu giả, bia giả chẳng hạn.
Các quyền đất đai
cũng là một lĩnh vực gần gũi, sát sườn với nông dân. Nhưng khẩu hiệu “đấu tranh
vì quyền đất đai” vẫn là một khái niệm chung chung, trừu tượng, cần được cụ thể
hóa hơn nữa, ví dụ trở thành mục tiêu “đền bù công bằng”. (Thế nào là đền bù
công bằng, đền bù công bằng thì phải được thực hiện ra sao, lại cũng là những
điều cần làm rõ).
Có lẽ, chỉ khi nào
phong trào đối kháng ở Việt Nam tìm được cách đấu tranh vì những điều cực kỳ cụ
thể, thì việc làm của họ mới trở nên dễ hiểu và dễ thuyết phục dân chúng.
Posted by Đoan Trang at 4:50 AM
No comments:
Post a Comment