16.10.2014
Việc
hàng chục ngàn người – chủ yếu là sinh viên và học sinh - đổ xô xuống
đường biểu tình chống lại âm mưu tước đoạt quyền tự do ứng cử vào năm 2017 tại
Hong Kong của chính quyền Trung Quốc đặt ra vấn đề: thế nào là một chính phủ
dân chủ?
Định
nghĩa một chính phủ dân chủ, lâu nay, người ta hay nhắc đến ba yếu tố: của dân,
do dân và vì dân.
Trong
ba yếu tố ấy, yếu tố đầu (của dân) có tính chất bản thể luận; yếu tố cuối (vì
dân) nằm ở mục tiêu và ít nhiều có tính chất lý tưởng; chỉ có yếu tố giữa (do
dân) thuộc cơ chế, gắn liền với các cuộc bầu cử. Chính vì thế, thời hiện đại,
hầu như chính phủ nào cũng muốn xưng danh là dân chủ, và để chứng minh cho tính
chất dân chủ ấy, người ta cũng thường tổ chức các cuộc bầu cử định kỳ.
Tuy
nhiên, liên quan đến chuyện bầu cử lại có hai vấn đề:
Thứ
nhất, bầu cử chỉ thực sự tự do và dân chủ khi bao gồm ba yếu tố: Một, tự do ứng
cử; hai, tự do bầu cử; và ba, công việc kiểm phiếu phải thực sự minh bạch. Nhà
cầm quyền Trung Quốc, một mặt, tự xưng là dân chủ và cam kết sẽ tôn trọng dân
chủ tại Hong Kong, nhưng mặt khác, lại tước đoạt quyền ứng cử của dân chúng: Họ
quy định, trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương vào năm 2017, chỉ có những
ứng cử viên được họ chấp thuận mới được quyền tranh cử. Hơn nữa, ngay cả khi
dân chúng được tự do ứng cử và bầu cử, dân chủ cũng không thể được bảo đảm nếu
thiếu một điều kiện: việc kiểm phiếu phải minh bạch. Nhớ, Joseph Stalin có lần
nói một cách thật thà: “Những người bỏ phiếu không quyết định được gì cả. Chỉ
có những người kiểm phiếu mới quyết định được mọi thứ” (The people who
cast the votes decide nothing. The people who count the votes decide everything).
Điều
này cũng có thể thấy ở Việt Nam. Trên nguyên tắc, chính quyền không cấm dân
chúng ứng cử, nhưng trên thực tế, họ lại tìm mọi cách để ngăn chận việc tự ứng
cử để hầu như toàn bộ các ứng cử viên đều do Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức
ngoại vi của đảng giới thiệu. Có thể nói, trong mọi cuộc bầu cử, dân chúng chỉ
được quyền bầu những người đã được đảng chọn lựa kỹ càng từ trước. Trong những
trường hợp như thế, ai thắng cử và ai thất cử không phải là vấn đề quan trọng:
Ai cũng là người của đảng cả. Đó là chưa kể đến vấn đề kiểm phiếu: cũng do đảng
hoàn toàn kiểm soát. Bất kể lá phiếu của dân chúng, chính đảng, những kẻ kiểm
phiếu, mới là người quyết định ai thắng ai thua. Bởi vậy, không có gì lạ khi ở
Việt Nam, cũng như ở mọi chế độ độc tài, trong các cuộc bầu cử, kẻ nào thắng
cũng đều thắng một cách “vẻ vang”: bao giờ cũng trên 90% phiếu bầu.
Thứ
hai, ngay cả khi chính quyền là do dân bầu và lá phiếu của họ được kiểm một
cách khách quan và minh bạch cũng không bảo đảm là sẽ có dân chủ. Nên nhớ,
trước đệ nhị thế chiến, cả Hitler lẫn Mussolini, những tên phát xít khát máu,
đều lên nắm quyền sau các cuộc bầu cử. Kenneth Kauna ở Zambia, Francisco Macias
Nguema ở Equatorial Guinea, Jose Eduardo dos Santos ở Angola, Zine El Abidine
Ben Ali ở Tunisia, Charles G. Taylor ở Liberia trước đây cũng như Robert Mugabe
ở Zimbabwe, Paul Biya ở Cameroon, Michael Sata ở Zambia và cả Vladimir Putin ở
Nga hiện nay đều trở thành những tên độc tài sau khi thắng cử. Bởi vậy, người
ta mới nói đến hiện tượng độc tài tuyển cử (electoral dictatorship).
Để
có dân chủ, sau các cuộc bầu cử và sau khi lên nắm quyền, người ta cần một số
điều kiện:
Thứ
nhất, có một hệ thống theo dõi và kiểm soát các chính sách và hoạt động của
chính phủ một cách hiệu quả. Hệ thống theo dõi và kiểm soát ấy bao gồm ít nhất
năm tổ chức: Một, sự độc lập của lập pháp và tư pháp; hai, sự tồn tại của các
thành phần đối lập; ba, sự độc lập và tự do của các phương tiện truyền thông;
bốn, quyền tự do ngôn luận, bao gồm quyền tìm kiếm thông tin, bình luận thông tin
và phát tán thông tin của dân chúng; và năm, tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ở
Việt Nam hiện nay, hoàn toàn không có hệ thống theo dõi và kiểm soát như thế.
Hơn
nữa, nên lưu ý là, ở Việt Nam, dân chỉ được phép bầu Quốc hội trong khi Quốc
hội, dưới chế độ Cộng sản, tự bản chất chỉ là một cơ quan bù nhìn chứ không có
chút quyền lực nào cả; toàn bộ guồng máy cai trị đều nằm trong tay đảng Cộng
sản, nhưng dân chúng lại không được quyền bầu bất cứ vị trí nào trong đảng cả.
Việc quyết định các chiếc ghế thực sự có quyền lực trong việc cai trị đất nước
chỉ nằm trong tay hơn 3 triệu đảng viên, hoặc cụ thể hơn, gần 200 uỷ viên trong
Ban Chấp hành trung ương của đảng Cộng sản.
Thứ
hai, bản chất của một chế độ dân chủ không phải chỉ ở việc theo dõi và kiểm
soát mà còn nằm ở một chỗ khác, quan trọng không kém, đó là sự tham gia của dân
chúng. Tham gia vào việc bầu chọn những người lãnh đạo, đã đành. Dân chúng còn
nên tham gia cả vào việc hoạch định những chính sách lớn liên quan đến vận mệnh
đất nước dưới hình thức phản biện, biểu tình hoặc trưng cầu dân ý. Tất cả những
hoạt động này đều phải được tự do.
Nhìn
từ bất cứ góc độ nào, cả chính quyền Trung Quốc lẫn chính quyền Việt Nam hiện
nay đều trái ngược hẳn với cái gọi là dân chủ.
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự
đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ
Hoa Kỳ.
------------------------------------------
XEM THÊM :
08.10.2014
Cuộc
xuống đường của đông đảo học sinh và sinh viên Hong Kong là nét đấu tranh nổi
bật trong thời gian qua, có tiếng vang rộng lớn trên toàn thế giới. Cuộc đấu
tranh bền bỉ sôi nổi của tuổi trẻ Hong Kong khơi dậy niềm cảm hứng của tòan thế
giới đối với quyền sống tự do của mỗi con người trên trái đất, bất cứ là trên
lục địa nào, thuộc màu da nào.
Bộ
máy tuyên truyền đồ sộ, tốn kém của Bắc Kinh và Hà Nội phụ họa nhau theo chung
một luận điểm là có 2 nền tự do khác hẳn nhau, thậm chí đối lập nhau: nền tự do
của các nước theo nền văn hóa châu Á và nền tự do theo các nước phương Tây. Họ
lập luận rằng nền tự do châu Á thiên về trật tự kỷ cương xã hội, đề cao cuộc
sống tập thể, trong khi phương Tây thiên về tự do cá nhân ích kỷ, đối lập với
những giá trị chung của cộng đồng.
Đây
là sự ngụy biện dai dẳng, xuyên tạc sự thật, không còn lừa dối được ai, trước
ánh sáng của cuộc sống hàng ngày ở mọi nơi.
Vì
sao Trung Quốc phải cam kết tôn trọng nguyên tắc «một nước, 2 chế độ» ở Hong
Kong, cam kết thực thi tại đây một cuộc “bầu cử tự do” vào năm 2017? Ngay việc
công nhận có 2 chế độ chính trị khác nhau, một ở lục địa, một ở Hong Kong đã
cho thấy 2 chế độ ở 2 nơi khác nhau ra sao, đối lập nhau ra sao, một bên là chế
độ độc đóan trên lục địa, hòan tòan không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự
do biểu tình, tự do công đòan, còn ở Hong Kong đã có một chế độ tự do tư tưởng,
tự do ngôn luận, tự do biểu tình hàng trăm năm nay. Nhân dân Hong Kong không
bao giờ cam chịu từ bỏ quyền tự do lâu đời đã được thụ hưởng, từ bầu trời tự do
chui vào trong lồng, trong cũi, trở về thân phận nô lệ của ngày xưa.
Nhân
dân Hong Kong từng sống lâu năm trong môi tường tự do quyết không thể chịu cảnh
«phú quý giật lùi», thực hiện vào năm 2017 một cuộc «bầu cử tiền chế theo kiểu
ở lục địa, trên thực tế là «đảng chọn dân bầu», qua bộ máy cai trị của đảng CS
Trung Quốc đang thống trị lục địa. Bắc Kinh yêu cầu danh sách ứng cử cho chức
vụ cao nhất ở Hong Kong sẽ phải được chính phủ trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh
xét duyệt thông qua, trước khi đưa ra cho nhân dân bỏ phiếu. Đó là một kiểu
«đảng chọn dân bầu» đã thành trò cười cho nhân dân và cho thiên hạ tòan thế
giới. Trò cười «dân chủ lộn ngược» ấy đã kéo dài 73 năm ở Liên Xô, chấm dứt sau
45 năm (1945 - 1990) ở Đông Âu, đang kéo dài một cách trâng tráo ở Trung Quốc,
Việt Nam trước sự phản đối, phủ nhận của ngày càng đông đảo nhân dân, nhất là
của trí thức và tuổi trẻ.
Đã
có một số bạn trẻ từ trong nước tìm cách sang ngay Hong Kong để tìm hiểu và học
hỏi ở bạn. Ngòai một số blogger tự do có cả nhà báo của báo Thanh Niên thuộc lề
phải cũng sang Hong Kong, gửi tin và ảnh về Hà Nội. Đây là một nét tự do ngôn
luận hiếm có đáng khích lệ. Đáng mừng hơn nữa là cả một tập thể gồm 22 Hội đòan
thực thi quyền tự do dân chủ vốn có để hiệp thương ra tuyên cáo chung hoan
nghênh cổ võ cuộc xuống đường của các bạn Hong Kong. Điểm quan trọng của bản
tuyên cáo là không những gửi cho bạn bè ở Hng Kong mà còn gửi cho nhân dân nước
ta tỏ rõ mong muốn tòan dân ta nhân sự kiện Hong Kong hãy học hỏi kinh nghiệm
nóng hổi của bạn nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh cho dân chủ đích thực ở nước ta,
chấm dứt kiểu «đảng chọn dân bầu» phản dân chủ đã diễn ra quá lâu rồi. Tuyên
cáo chỉ ra tình trạng thê thảm của đất nước về mặt dân chủ.
Bản
thân trí thức và tuổi trẻ nước ta đã có một số cuộc xuống đường từ thấp lên cao
từ những năm 2008, 2009, rồi phát triển thêm vào những năm 2012, 2013… Đó là
những cuộc tập dượt quan trọng. Nỗi e sợ cường quyền đã và đang giảm rõ rệt. Đã
có những đồng thuận, quy định chung để duy trì hàng ngũ trật tự, ôn hòa, không
bạo động, không cản trở giao thông công cộng, vận động tranh thủ lực lượng công
an, vận động sự ủng hộ của cựu chiến binh trong Quân đội nhân dân, thu hút vào
hàng ngũ đấu tranh mọi thành phần xã hội, từ trí thức, công nhân, viên chức,
dân oan, nhà giáo, nhà báo, nhà luật học, nhà kinh doanh vừa và nhỏ, tiểu
thương, tiểu chủ, viên chức, nhà nông, đưa ra những khẩu hiệu thích hợp. Lực
lượng đấu tranh đã có kinh nghiệm cô lập, vạch mặt xã hội đen, du côn, lưu manh
được công an thuê mướn phá rối hàng ngũ đấu tranh, ghi hình ảnh và lập hồ sơ
của chúng. Đã có những bài hát cổ vũ phong trào.
Cuộc
xuống đường rộng lớn, bền bỉ, gây ấn tượng lớn ở Hông Kông cho cả thế giới
những kinh nghiệm nóng hổi, những bài học quý. Có thể kể ra là tinh thần tự
tin, tự lập, tự quản của tuổi trẻ học đường gắn bó với nhau trên tinh thần đấu
tranh cho tự do của toàn xã hội, không sợ cường quyền, nắm vững tinh thần bất
bạo động, không bị khiêu khích, ôn tồn từ chối bạo lực, bảo vệ lẫn nhau. Đó còn
là kinh nghiệm cung cấp những vật dụng cần thiết - nước uống, thức ăn nhẹ, ô dù
che mưa nắng, khẩu trang chống hơi cay làm chảy nước mắt, các trạm cấp cứu, có
lực lượng dọn dẹp vệ sinh, có các trạm thông tin, có lực lượng hướng dẫn, phiên
dịch, giải thích cho người nước ngòai. Đã có những người rất trẻ tham gia lãnh
đạo, được phong trào tin cậy và công nhận. Các bạn trẻ vẫn vừa đấu tranh vừa ôn
tập bài học, lớp trên giúp đỡ lớp dưới, làm yên lòng các bậc phụ huynh. Có cả
một tập tài liệu đúc kết hướng dẫn cuộc bất tuân dân sự trong trật tự và tình
thương.
Theo
dõi diễn biến của cuộc đấu tranh ở Hong Kong, nhà báo Đoan Trang thích thú xúc
động thốt lên: «Một cuộc đấu tranh có văn hóa, hay đẹp không thể chịu được».
Đúng
vậy. Dân chủ là dân tự chọn người đại diện cho mình bằng lá phiếu của chính
mình, dân tham gia trực tiếp bầu cử, có nghĩa là dân trực tiếp ứng cử, dân đề
cử và dân bỏ phiếu, không thể có ai làm thay ở một khâu nào. Đó mới là chính
quyền do dân, của dân, vì dân.
Độc đóan đi ngược với dân chủ, là phản dân chủ, không ở đâu có nền dân chủ độc đảng cả.Chế độ cộng sản độc đảng với dân chủ như nước với lửa, không bao giờ có thể dung hòa, chung sống. Lục địa nào, màu da nào cũng cần tự do dân chủ như không khí cần cho cuộc sống. Dân chủ, bình đẳng xã hội là những giá trị phổ quát ở mọi nơi mọi lúc.
Phải
chăng việc nhân dân nước ta cần bắt đầu ngay từ lúc này là không công nhận sư
lãnh đạo của Bộ Chính trị - ông Vua tâp thể 16 người ngự trị về mọi mặt trên
đất nước VN – vì họ không hề được một lá phiếu bầu nào của công dân. Nhân dân
ta cũng có đầy đủ lý do để bất tuân đối với Quốc hội hiện tại vì cả 500 đại
biểu đều không từ nhân dân mà ra, họ đều được Mặt trận Tổ quốc là tổ chức ngọai
vi của đảng CS lựa chọn, được đảng xét duyệt sau lưng nhân dân, rồi bắt ép dân
phải bâu, không có sự lựa chọn nào khác, cho nên có đến hơn 90% đại biểu là
đảng viên CS, trong khi đảng viên chiếm chưa đến 3% số dân; và cũng cần nói
thêm 10% còn lại là nhân sỹ ngoài đảng còn tuân theo đảng hơn cả những đảng
viên CS nữa, nghĩa là trên thực tế họ còn «bảo hoàng hơn vua».
Dưới
ánh sáng của cao trào dân chủ chân thực lan tràn trên tòan thế giới, từ Đông
Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Miến Điện, Hong Kong, cuộc đấu tranh giành lại quyền
tự do dân chủ của tòan dân ta nhất định thắng. Chỉ cần nhân dân ta mong muốn và
hiểu rõ đó là quyền hợp hiến, hợp pháp và quyền sống tự nhiên chính đáng của
con người.
Tuyên
cáo của 22 tổ chức dân sự Việt Nam là một văn kiện đề cao yêu cầu chính đáng về
bầu cử thật sự dân chủ - dân chọn dân bầu, không cần có ai phải cầm tay chọn
giúp người đại diện của mình. Để cho người công dân bàn bạc với nhau trong từng
khu vực, quận huyện, tỉnh thành, tìm cho ra người có thực tâm và có thực tầm
xứng, đáng thay mặt cho nhân dân, sẽ lọai trừ được vô số kẻ bất tài tham nhũng,
những bầy sâu ăn hết của dân, phá tan đất nước, tạo nên một chính quyền trong
sạch, có nhân cách và tài năng do tuyển lựa được đúng những nhân tài quý báu
đang còn tiềm ẩn.
Đây
là bài tóan then chốt cấp bách của nhà nước, của nhân dân đã đến lúc phải giải
quyết đúng pháp luật, đúng đạo lý, đúng chân lý của thời đại, vì sự phát triển
của đất nước, công bằng của xã hội và hạnh phúc bền vững của tòan dân, ngay khi
việc chuẩn bị cho đại hội đảng CS khóa XII và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV
đang được đặt ra.
* Blog của Nhà báo
Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của
Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment