Saturday, September 10, 2011

SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (3) Tác giả: Philippe Papin và Laurent Passicousset


Tác giả: Philippe PapinLaurent Passicousset
Người dịch: Hoàng Hà
Posted by basamnews on 11/09/2011



BLOG, BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN, TRUNG QUỐC :  KHI CHẾ ĐỘ LO SỢ

Những phiên tòa bất công để sân khấu hóa bất công

Ngay giữa thời điểm công an đang siết lại vòng kiểm soát, xảo trá thay, chính trị lại đang thoát ra khỏi những kẻ vốn nắm độc quyền về lĩnh vực này. Bản chất họ không muốn dân can dự vào chính trị làm gì; trong bối cảnh này, họ sợ sẽ có thêm người gia nhập đội ngũ bất đồng chính kiến. Kinh nghiệm của Trung Quốc đã thuyết phục họ: bản kiến nghị tung lên mạng năm 2008 bởi nhóm tác giả bản Hiến Chương 08 (tương đương Khối 8406 của Việt Nam) đã thu được một vạn chữ ký trong 2 tháng từ mọi tầng lớp trong xã hội, cả ở Trung Quốc cũng như ở nước ngoài. Ở Việt Nam, từ 2008, chính quyền lồng lên: một mặt tiếp tục loại bỏ các lãnh tụ tư tưởng của nhóm 8406, mặt khác nhắm bắn cả hệ thống mạng Internet. Đến năm 2010 tình trạng này vẫn còn, với việc cố tình đánh đồng giữa những nhà bất đồng chính kiến viết blog và những người viết blog có thể trở thành bất đồng chính kiến.

Nhớ lại hồi tháng 10/2009, có 9 nhà bất đồng chính kiến bị kết án từ 2 đến 6 năm tù. Tháng 1/2010, Trần Anh Kim, cựu sĩ quan, bị tòa án tỉnh Thái Bình kết án 5 năm rưỡi tù giam kèm thêm 3 năm quản thúc. Cùng tháng đó, tại Hải Phòng, Nguyễn Xuân Nghĩa và 5 người khác bị tòa phúc thẩm giữ nguyên mức án từ 2 đến 6 năm tù. Tất cả đều bị kết án với các tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “đe dọa an ninh Nhà nước xã hội chủ nghĩa”, hay “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” (mức án cao nhất có thể là tử hình, theo điều 79 Bộ luật hình sự).

Phạm Thanh Nghiên, 37 tuổi, nhà văn, được tặng thưởng giải Human Rights Watch, thành viên Khối 8406, ngày 29/1/2010 bị tòa án Hải Phòng kết án 4 năm tù, cộng thêm 3 năm quản thúc, vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước, câu kết với các phần tử phản động, và phát tán truyền đơn vu khống trên Internet”. Là một phần tử đối lập đã bị tố cáo lên chính quyền, cô bị quấy rối ngay từ tháng 9/2008 (từ đó đến giờ, sau khi đã bị một số tay chân của công an hành hạ, cô bị tống giam vì có ý định tổ chức tại Thanh Hóa một cuộc biểu tình ủng hộ gia đình những ngư dân Việt Nam đã bị hải quân Trung Quốc bắn hạ).

Một tuần sau khi Nghiêm bị kết án, ngày 5/2/2010, đến lượt Trần Khải Thanh Thủy ra trước vành móng ngựa. Nhà văn, 49 tuổi, cũng được giải của Human Rights Watch, thành viên danh dự của Pen Club, thỉnh thoảng viết blog, bà đã từng bị tù 9 tháng năm 2009 vì ủng hộ nông dân mất đất. Lần này bà bị xử 3 năm rưỡi tù, chồng bị 2 năm, và bị quản thúc. Trường hợp của cặp vợ chồng này rất có ý nghĩa. Thanh Thủy bị bắt ngày 8/10/2009, khi đang định đi Hải Phòng ủng hộ một số nhà hoạt động sau này cũng bị kết án nốt. Tối hôm đó, công an cho du côn đến nhà vợ chồng chị ở phố Khâm Thiên, Hà Nội và đánh đập họ không ghê tay; họ đi bệnh viện và bị công an chính quy bắt ngay ở đó. Ngay ngày hôm sau, một chiến dịch tuyên truyền trên báo chí được dựng lên chống lại họ. Báo chí theo lệnh trên kết tội họ đã đánh đập hai người qua đường ở chợ Khâm Thiên, khi hai người này trách người chồng dựng xe không đúng chỗ; sau một hồi cãi nhau, Thanh Thủy vì muốn giúp chồng đã ném hai viên gạch vào mặt một công dân lương thiện và dùng một tấm ván đánh người kia.
Báo chí đăng ảnh người bị thương ; không may các bloggers lại thạo tin học nên chỉ ra ngay được chỗ nào là ảnh ghép. Có sao đâu : cặp vợ chồng này bị khép tội phá hoại trật tự công cộng (chẳng liên quan gì tới quan điểm chính trị của họ, tất nhiên) và bị kết án vào tháng 2, tức là 4 tháng sau đó.

Ngày 20/1/2010, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra phiên xử 4 người bị công khai khép tội có âm mưu và tiến hành các hoạt động phản động. Họ bị kết án từ 5 đến 16 năm tù giam. Trong số các bị can có luật sư Lê Công Định, được đào tạo ở Mỹ về, chuyên gia về các hồ sơ dính dáng đến nhân quyền (nhưng cũng là người đã đứng ra bảo vệ cho quyền lợi kinh tế của Việt Nam trước Hoa Kỳ), cựu phó chủ tịch đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt từ tháng 6/2009, đến tháng 8 thì bị buộc phải đọc một bản công khai nhận tội thảm hại trước các máy quay truyền hình, sau đó thì bị kết tội « câu kết với những phần tử Việt kiều phản động và các thế lực thù địch sống lưu vong » : kết án 5 năm tù giam. Nguyễn Tiến Trung, sinh viên tin học đã từng học ở Rennes, Pháp, bị giam từ tháng 7/2009, lãnh án 7 năm tù. Lê Thăng Long, thuộc « nhóm nghiên cứu chấn hưng nước Việt», lãnh án 5 năm. Còn Trần Huỳnh Duy Thức, đảng viên Đảng dân chủ Việt Nam, không chịu nhận tội trước toà nên phải chịu bóc lịch 16 năm.

Phiên xử những người bất đồng chính kiến này diễn ra nhanh chóng và được báo chí đưa tin rất có mức độ nhưng cũng đủ để thể hiện đúng bản chất của nó : một đòn cảnh cáo. Ngay ngày đầu tiên của phiên toà, đài truyền hình trung ương đã phát một trích đoạn chọn rất chuẩn lời khai của 2 trong số các bị can mặt mày căng thẳng đọc bài học của mình, thì thầm nói họ đã vi phạm luật pháp Việt Nam (bài học được phần lớn các báo trích lại khi đặt tít nhỏ « Họ công nhận đã phạm pháp » ). Ngày hôm sau, đến phần cuối cùng của chương trình thời sự, đài truyền hình dành hẳn 6 phút cho đề tài này ; phát thanh viên nhấn mạnh đến tính chất “đặc biệt nghiêm trọng” của tội phạm có mục đích lật đổ chính quyền. Khán giả được nghe lời khai của Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, công nhận hoạt động cho Đảng dân chủ và Liên đoàn thanh niên dân chủ Việt Nam; đài đem tách riêng phần Lê Công Định nói có nhận được sự ủng hộ từ nước ngoài, sau đó phóng sự đến phần phỏng vấn một nữ luật sư ở thành phố Hồ Chí Minh, sau khi một đồng nghiệp ở Hà Nội đã phát biểu, cô này mặt mày nghiêm túc khẳng định rằng “quá trình xét xử đã diễn ra đúng luật và bản án là khách quan”. Cuối cùng, như ai cũng biết, là phần phỏng vấn nhanh một loạt người để chứng tỏ với khán giả rằng nhân dân đồng tình với phán quyết của tòa án…

Giới quan sát viên ngoại quốc, vốn được xếp ngồi phòng kế bên phòng xử án, nơi diễn biến phiên tòa được truyền một phần qua màn ảnh nhỏ (tiếng tắt, hình đứt đoạn), được một phen cười gần chết trước trò nhại công lý này. Tất nhiên họ không nhầm. Tuy nhiên phải hiểu mục đích của phiên tòa bất công này chính là dàn dựng ra sự bất công: đây chính là một vở kịch được trình diễn; một sự chứng minh người thật việc thật để răn đe chớ có kẻ nào dại dột mà đi theo vết xe đổ của 4 bị can kia. Cuối cùng, phiên tòa theo kiểu Stalin này không chứng tỏ chính quyền đã rắn hơn, vì thực ra chính quyền luôn cư xử như vậy, mà cho thấy một sự bất mãn phổ biến trong xã hội, sự bất mãn ấy buộc chính quyền phải đe dọa nhân dân, đi xa hơn việc mọi khi vẫn làm là vô hiệu hóa những phần tử bất đồng chính kiến.

Khán giả cũng như độc giả chẳng ai tin các bị can có tội. Cứ hỏi thử xung quanh mà xem. Ngay ngày hôm sau trên blog của mình, Ba Sàm viết Lê Công Định đã không trình bày quan điểm của mình mà chỉ đọc bài đã được học, và để độc giả của blog thấy được vụ xử này đã gây căm phẫn trong dư luận quốc tế đến như thế nào, blogger này cấp luôn một loạt đường link đến các báo quốc tế. Trong lúc đó, một số người bạn Việt Nam tâm sự với chúng tôi rằng họ thấy tởm lợm trước trò diễn thảm hại này, vì “dù lên án việc gì đi chăng nữa, trò diễn này cũng kéo lùi lịch sử nước nhà đến 30 năm và càng làm xấu đi hình ảnh đất nước”. Tuy thế, hiện nay, việc bày tỏ ý kiến của nhân dân cũng không vượt qua mức độ tâm sự riêng; mà đấy là còn phải khuyến khích mãi: sự chán nản và e sợ làm mọi vận động như ngưng trệ.

“Trên Internet, các thế lực thù địch xúi giục bất ổn”

Không hiểu là tin thế thật hay giả vờ tin, chính quyền lại hâm nóng chuyện kẻ thù từ bên ngoài và âm mưu quốc tế. Chỉ thị số 34 Ban chấp hành TƯ Đảng, một văn kiện lạ lùng được ban hành từ tháng 12/2009, khẳng định: “các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ mới, Internet và blog để in các tài liệu xấu, thông tin sai lạc, quan điểm sai trái, khuyến khích mọi người thu thập và trao đổi thông tin trên Internet, báo mạng để biến những vấn đề Việt Nam đang gặp phải thành những vấn đề thời sự, gây bất bình trong dân chúng và xúi giục bất ổn, làm loạn”. Trong một bài phát biểu, tháng 2/2010, Tổng bí thư Đảng trích dẫn nguyên văn một số đoạn trong chỉ thị này, chứng tỏ nó đã trở thành kinh thánh.
Quân đội cũng cùng lập trường với Đảng, như vẫn luôn như vậy. Trên báo quân đội, tướng Hoàng Minh Thảo viết: “thế lực thù địch”, trung thành với âm mưu thâm độc “diễn biến hòa bình” (nghĩa là gây bất ổn ở Việt Nam mà không cần chiến tranh), đang lén lút cuốn hút các “trí thức trẻ Việt Nam”, thậm chí mua chuộc họ, để họ phản đối chế độ và đòi đa đảng. Trước mối hiểm họa này, theo ông, phải cấp bách tăng cường giáo dục chủ nghĩa mác xít-lê nin nít và “lòng yêu nước chân chính”.

Thế lực thù địch, âm mưu từ bên ngoài, xúi giục thanh niên: mục tiêu được nhắm tới sau tất cả những từ cũ kỹ từ thời chiến này chính là Internet. Với bản chất quốc tế, vô danh, đặc biệt là khi truy cập từ các tiệm café, mạng Internet làm cho giới canh gác cổ hủ càng thêm tin rằng mối họa núp dưới vỏ bọc của sự hiện đại đến từ nước ngoài. Cho nên phải kiểm soát mạng, cũng như tất cả những thứ khác. Kỹ thuật cho phép làm điều chính trị yêu cầu. Thế nên mới có chuyện khó truy cập, tăng cường thêm phần lọc bằng cách sử dụng từ khoá và chặn một số trang và mạng (ví dụ như Facebook, bị khóa tháng 9/2009: đại sứ Mỹ phản đối, hai chúng tôi cũng vậy). Cũng giống như người Trung Quốc và với sự giúp đỡ ra mặt của họ, Việt Nam tỏ ra có hỏa lực cỡ tuần dương hạm khi tiến hành tấn công mạng. Cuộc tấn công lớn nhất, tháng 4/2010, nhằm vào Google. Họ cũng tiến đánh có trọng điểm, như vụ đánh mạng X-café đầu năm 2010; tháng 2, trang này không truy cập được từ Việt Nam, và từ Pháp, một ghi chép cho hay: “Trang này thường xuyên bị tấn công từ 19/1”. Sau khi đã gõ mã bảo vệ và vào được trang, các quản trị viên cho biết các cuộc tấn công xuất phát từ các máy chủ đặt ở Việt Nam và Trung Quốc.

Bây giờ chẳng ai lạ gì việc các tiệm café Internet ngày nay bị theo dõi chặt chẽ và người phụ trách các diễn đàn phải chịu vô vàn phiền toái. Một số thành viên quen thuộc của mạng X-café bị công an truy hỏi mấy ngày liền vì tội “nói xấu Đảng”. Một trong số họ, Phạm Hùng Vĩ, đã phản ứng ngay lập tức bằng cách tung lên mạng một bài viết lên án chuyện công an không ngừng can thiệp để anh bị đuổi việc (cũng giống như blogger Osin): “Hôm qua, ông chủ bảo tôi là công an cách đây 2 ngày đã đến gặp ông, để hỏi vì sao ông lại thuê tôi, và dọa nếu còn giữ tôi thì sẽ phải đóng cửa doanh nghiệp! Mối nguy này liên quan đến bài viết “Khủng hoảng và các giải pháp có thể cho Việt Nam” của tôi được đăng lại trên BBC. Đây không phải lần đầu người ta tìm cách dọa tôi bằng đủ mọi cách, nhưng lần này tôi quyết định không để yên nữa. Lần đầu tiên, năm 2006, họ bắt tôi trên đường mà không có lệnh bằng văn bản. Năm 2007, khi tôi định ra ứng cử kỳ bầu cử địa phương, công an đã tìm mọi cách để ngăn cản. Sau đó, dưới sức ép của họ, gia đình tôi buộc tôi quay lại làm việc ở Phú Yên, nơi trước đây tôi làm tiếp thị cho một nhà máy bia. Ngay cả ở đó, mọi tiếp xúc của tôi với khách hàng cũng đều bị theo dõi. Vì không muốn ảnh hưởng đến công ty, tôi xin thôi việc, mà tôi làm thế là đúng vì giám đốc nhà máy cho tôi biết công an đã hứa trả một khoản tiền hậu hĩnh để ông tố tôi tội biển thủ công quỹ. Thế nên tôi lên Hà Nội tìm việc. Ngay cả đến giờ, hễ cứ tìm được việc nào là công an lại can thiệp để tôi bị đuổi!”.

Bối cảnh hiện tại và tình hình đàn áp các bloggers và forum là thế. Tổ chức Phóng viên không biên giới trước đây xếp Việt Nam vào vị trí thứ 168/173 trong số các nước khảo sát về tự do báo chí lại vừa cho nước này vào trong nhóm 12 nước là “kẻ thù của Internet”. Về phần mình, Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ, New York) xếp nước này vào vị trí thứ 6/10 nước khó khăn nhất cho các bloggers. Đối với chính quyền, coi như canh bạc này thua chắc. Người dân càng thấy rõ hơn mình bị tước đoạt quyền được tự do và thông tin như thế nào. Phe bất đồng chính kiến xoa tay. Họ đã thành công, dịp Tết Nguyên đán 2010, trong việc cho dán lên tường và đè lên các áp phích tuyên truyền của Đảng, tại nhiều thành phố, một loạt truyền đơn trả thù kêu gọi dân chúng nổi dậy chống lại “bọn phản quốc, hại dân và bọn xâm lược Trung Quốc”. Theo như chúng tôi được biết thì đây là lần đầu tiên có chuyện này.

Bóng đen Trung Quốc, bùng nổ chủ nghĩa dân tộc

Cùng thời gian đó dấy lên một cuộc đàn áp đối với các bloggers trước đây chưa hề phải lo lắng gì. Điếu Cày bị bắt tháng 4/2008 thì đến tháng 12 bị kết án 2 năm rưỡi tù giam theo kiểu rất mafia về tội trốn thuế từ 10 năm nay. Vào tháng 9, khoảng 15 bloggers khác ít nổi tiếng hơn cũng bị bắt. Tháng 7/2009, khoảng 40 người ra trước vành móng ngựa vì tội “lạm dụng tự do dân chủ”. Khi dư luận đã chuẩn bị xong (một kỹ thuật địa phương) là đến lượt những bloggers có nhiều người đọc nhất.
“Người buôn gió” bị bắt ngày 27/8, hôm sau đến lượt “Trang the Ridiculous” (Phạm Đoan Trang), rồi “Mẹ Nấm” (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 30 tuổi) ngày 2/9. Tất cả đều bị giam 1, 2 tuần, trong điều kiện nghe nói là cũng tử tế. Osin hình như chỉ bị báo mình cho thôi việc, vì dám nói quá tự do về bức tường Berlin, nhưng các thông tin liên quan đến người này còn nhiều mâu thuẫn. Trong khuôn khổ hạn hẹp của giới nhà báo và trí thức chỉ có thể biết được rằng đợt trấn áp này cực kỳ mạnh trong quý 1 năm 2010 đối với thế giới nhỏ bé của các bloggers Việt Nam và gia đình họ (lại một kỹ thuật địa phương nữa).

Người ta có thể tưởng rằng nguyên nhân của những vụ bắt bớ này là nỗi sợ đối với tranh luận chính trị, hay tự do ngôn luận với một đề tài nào đó, nhưng không hẳn như vậy. Một số người bất mãn khác, dù là bloggers, nhà báo hay trí thức tên tuổi, thỉnh thoảng vẫn có thể phát biểu về những chủ đề này một cách khá dễ dàng mà không bị đem ra xử chính thức. Nhiều blogs mạnh bạo vẫn tiếp tục hoạt động, các blogs của Osin, Trang the Ridiculous hay Người buôn gió lại mở cửa trở lại. Rút cục, người ta chỉ đánh động vài người, kiểm tra xem họ có nằm trong nhóm bất đồng chính kiến không, tống họ vào tù 10 ngày, và tất nhiên, nói đôi ba câu tử tế với gia đình họ. Chẳng qua chỉ là cảnh cáo. Cảnh cáo về cái gì? Và tại sao lại nhằm vào các bloggers này mà không phải những người khác? Trên thực tế, đó là vì họ đã dám chỉ trích Trung Quốc và chính sách hòa hoãn của Việt Nam với nước này.

Điểm chung của tất cả các bloggers đã bị xét xử này (những người khác “nản chí” không dám làm tiếp nữa) đúng là việc họ đã lên tiếng phản đối những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đối với biển Đông và về chuyện Hà Nội nhượng cho Trung Quốc các mỏ bô xít ở Tây Nguyên. Mấy vụ phiền hà của Trang the Ridiculous và Mẹ Nấm bắt đầu khi họ mặc áo phông in chữ “No China. The Spratleys and Paracels belong to Vietnam”, cùng lúc với cuộc biểu tình hơn một ngàn thanh niên trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, tháng 12/2007. Phiền nhiễu lại tăng lên khi hai cô này tham gia phong trào phản đối rộng rãi chống công ty Chinalco của Trung Quốc khai thác mỏ bô xít và nhân đó xuất khẩu lao động tới Việt Nam.

Việc khai thác lộ thiên quặng bô xít để sản xuất nhôm gây rất nhiều ô nhiễm vì tạo ra loại bùn độc hại, tốn nước và tốn điện trong khi Việt Nam đang rất cần những tài nguyên này, và việc khai thác lại diễn ra trong một khu vực chiến lược và nhạy cảm, nơi có nhiều dân tộc ít người sinh sống, mà những người này đã từng nổi dậy trước việc mọi trật tự bị đảo lộn, một phần là do trồng café tràn lan, một phần là do Tin lành nhiệt tình lôi kéo. Việt Nam, nhà sản xuất bô xít thứ 3 trên thế giới, không có nổi 15 tỷ euros để tạo ra một nền công nghiệp chiết xuất quặng hiện đại: nên Trung Quốc đứng ra lo, cho dù Trung Quốc đã đóng cửa các nhà máy bô xít ở chính nước mình. Và dự án được triển khai mặc dù vấp phải sự phản đối của những người dân thường, các bloggers, những người chống Trung Quốc đủ loại (số này đông), và thậm chí cả tướng Giáp, người chiến thắng đầy uy tín tại Điện Biên Phủ, với 2 bức thư ngỏ gửi tới chính quyền. Cũng trong thời điểm này, một báo cáo của các chuyên gia Liên xô đánh giá làm bô xít ở đây không thuận lợi từ thời còn Hội đồng tương trợ kinh tế được nhắc lại. Các blogs và trang mạng dày đặc tin về chủ đề này, có hẳn một trang hoàn toàn dành cho bô xít.

Người ta hoàn toàn có thể chỉ trích việc đẩy nông dân ra đường và việc công chức tham nhũng, chế nhạo nhẹ nhàng các lãnh đạo, kêu ca nền giáo dục tệ hại, nhưng Trung Quốc là đề tài cấm kỵ. Về bản chất là cấm kỵ và đề tài này còn đưa ra điểm chung cho 3 nguồn bất mãn chủ yếu: bloggers, bất đồng chính kiến và đường phố. Nói cách khác, nếu chính quyền điên lên đến mức bỏ tù các bloggers và cho bên ngoài thấy hình ảnh tồi tệ của mình, làm hỏng cả những nỗ lực đã bỏ ra bao năm trời, thì đó là vì chính quyền sợ sẽ có một mặt trận chung chống Trung Quốc hình thành.

Tình cảm này trước đây có lợi vì nó ve vuốt bản sắc dân tộc. Nhưng bây giờ chính quyền cho rằng Việt Nam không được phép có sự xa xỉ ấy nữa: nước này phụ thuộc không những về mặt cơ cấu thương mại với Trung Quốc (60% số hàng nhập khẩu của Việt Nam là từ Trung Quốc), mà còn cả về tài chính (thậm chí cả tiền tệ). Người ta biết, dù không có bằng chứng chính thức, rằng Việt Nam đã bí mật sang xin tiền Trung Quốc để khỏi phải bỉ mặt công khai đi vay Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Nhưng tiền vay thì phải trả, nhất là vay bí mật. Cho nên với Trung Quốc đã có thỏa thuận, trao đổi, mặc cả. Ta thấy chính quyền Hà Nội làm mọi thứ để bịt miệng những kẻ phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc trên biển Trung Hoa (biển Đông theo tiếng Việt), thậm chí cả khi chính sách này làm hại đến mình (như chuyện liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa), và bịt miệng những người chỉ trích những điều kiện quá ưu đãi mà chính quyền dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Nếu phải phân biệt giữa bloggers và các nhà bất đồng chính kiến, thì cũng phải phân biệt giữa các blogs chỉ trích thông thường và các blogs động chạm đến quan hệ Việt-Trung. Loại thứ nhất bị quấy rối, thỉnh thoảng lại bị công an gọi lên (như các tác giả của blog boxite đã trở thành tiếng nói của giới trí thức Việt Nam) và, một cách ma mãnh hơn, là bị nhân bản bằng những blog cá nhân giả danh thực ra là do người của chính quyền nắm; loại thứ 2 bị thẳng tưng coi là mục tiêu trấn áp. Phân biệt rõ ràng. Tuy nhiên cần nói rõ: phản đối chính quyền yếu đuối trước Trung Quốc là một việc dũng cảm, nhưng điều đó không có nghĩa là cởi mở dân chủ. Chỉ cần đọc qua một số blogs là thấy chủ nhân của chúng đôi khi có những lập luận kiểu nước lớn, dân tộc cực đoan.

Ngại vết dầu loang

Đối với chính quyền, việc dân chỉ trích chính sách đối ngoại của họ là nguy hiểm, vì dân Việt vốn đã chẳng mấy ưa Trung Quốc. Vấn đề lãnh thổ cực kỳ nhạy cảm, còn hơn cả chuyện bô xít, vì nó biểu trưng cho việc Việt Nam lùi bước trên đường biển sau khi đã lùi bước trên đường bộ. Năm 1999, người Việt đã rất khó chịu khi mất 227 cây số vuông vào tay anh bạn láng giềng, đặc biệt là thác Bản Giốc và ải Nam Quan nổi tiếng, nơi trước đây hai bên sứ thần vẫn tiến hành trao đổi. Người Việt nổi giận, vào cuối năm 2007, khi được tin Hoàng Sa đã bị biến thành một đơn vị hành chính của Trung Quốc: thành phố Tam Sa (Sansha). Xung đột liên tục diễn ra đặc biệt là giữa dân chài hai nước, nhưng vẫn không ngăn được việc Hoàng Sa đã mất.

Và thế là dân chúng suy nghĩ và tự đặt câu hỏi. Chưa bao giờ chỉ trích xã hội lại đi xa đến thế. Tình cờ nói chuyện với bà chủ một quán café bình thường ở Vinh, chúng tôi ngạc nhiên thấy tự nhiên bà này hăng tiết rồi cao giọng nói dù chế độ Sài Gòn ngày xưa có là bù nhìn của Mỹ đi chăng nữa, những người lính của chế độ ấy vẫn chiến đấu kiên cường năm 1974 để lấy lại những hòn đảo đã bị chính quyền cộng sản ngoài Bắc để cho Trung Quốc chiếm giữ: “Hơn 100 người đã bỏ mạng, trong đó có nhiều sĩ quan, nhưng đảo đã lấy lại được. Ngày nay, những người còn sống sót sau chiến công anh hùng đó thậm chí còn không được coi là thương binh. Thật là thảm hại!”. Ở Việt Nam này, rất ít khi thấy ai ca ngợi chính quyền miền Nam, đặc biệt là ở miền Trung và miền Bắc, nên lời nói của người đàn bà này càng thêm sức nặng. Cuối cùng, bà kết luận: “ Hai anh tôi đã hy sinh trong cuộc chiến chống lại chính quyền miền Nam, tôi khổ tâm lắm, thế mà tôi buộc phải công nhận với các anh là kẻ thù ngày xưa còn bảo vệ lãnh thổ quốc gia tốt hơn chúng tôi bây giờ.”

Trong không khí căng thẳng ấy, cái gì cũng nổi lên hết. Từ biển đảo đến bô xít, người ta tiến tới lật lại hồ sơ chủ nghĩa Mao, cải cách ruộng đất, sự phản bội của Trung Quốc trong kháng chiến chống Mỹ; rồi chẳng chóng thì chầy người ta sẽ nhắc tới các mỏ apatit ở miền Bắc vốn cũng trong cùng tình trạng với các mỏ bô xít ở miền Trung. Rồi người ta lại tự hỏi sức nặng kinh tế thực sự của Trung Quốc là gì, bao nhiêu công ty Việt Nam đã bị mua chuộc, tại sao Trung Quốc lại được hưởng đối xử ngoại giao khác với các nước khác. Nhiều tin đồn điên rồ đang lan tràn về việc Trung Quốc có kế hoạch xâm chiếm Việt Nam, như một minh chứng rõ ràng cho nỗi bức xúc của nhân dân.

Cần phải hiểu rõ diễn biến tình hình từ năm 2008. Cho tới thời điểm đó, chính sách ngoại giao, cũng như chính sách nói chung, chỉ là việc của chính quyền. Dân chúng tự hài lòng với việc lơ đãng nhìn TV một tí khi bản tin thời sự hầu như chỉ là một chuỗi các hình ảnh chán ngắt về các chuyến thăm viếng chính thức, các đoàn ngoại giao và các vị khách mời nước ngoài uy tín. Dân chúng không những không tham gia vào chính sách mà nói cho đúng ra là không quan tâm. Và trong các trường hợp gai góc thì thông tin bị giấu nhẹm: thời đó chẳng ai biết gì về việc xử lý bí mật việc phân chia đường biên giới trên bộ. Cũng như chẳng biết gì việc Việt Nam bảo hộ chính trị với Lào và cái cách mà Việt Nam đã mất đi sự bảo hộ ấy. Từ bấy tới giờ mọi thứ đã thay đổi, công luận tham gia ngày càng tích cực và mạnh mẽ hơn vào các cuộc bàn luận về chính sách đối ngoại. Nguồn cơn của sự thay đổi ấy chính là vấn đề Trung Quốc đã động phải một sợi dây vô cùng nhạy cảm của lòng tự hào dân tộc. Hơn cả vấn đề tự do ngôn luận, chính những sự sỉ nhục liên tiếp này mới là lý do khiến các công dân không còn có thể mãi e dè nữa.

Việc ý thức dân tộc đang được thức tỉnh mạnh mẽ chính là mối nguy to lớn nhất đối với đảng cộng sản từ nhiều năm nay. Đảng bị tấn công dữ dội trên mặt trận dân tộc chủ nghĩa, vốn là thế mạnh của mình. Nếu như làm mất uy tín phe đối lập gồm có lèo tèo vài người bất đồng chính kiến và các tổ chức đến từ nước ngoài là dễ dàng, thì đối phó với sự tức giận của dân chúng trước việc thể diện quốc gia bị xúc phạm là không đơn giản chút nào. Đảng bị thua ngay trên sân nhà là chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trong suốt bao nhiêu thập niên, Đảng đã xây dựng Việt Nam thành một huyền thoại, ca ngợi truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm và tinh thần thượng võ của dân tộc. Thế mà giờ đây ai cũng bảo đảng chịu uốn mình chỉ vì vài lý do kinh tế tài chính tầm thường…

Trong bối cảnh ấy, khi Đảng chuẩn bị đại hội XI cũng là lúc người ta bắt đầu lo lắng. Đất nước mở cửa chính là dịp để chơi một trò ảo thuật chính trị, lén lút chuyển cái chính danh do đã chiến thắng về mặt quân sự thành cái chính danh do đã mang lại tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Bản thân Đảng cũng đưa yếu tố chính trị xuống hàng thứ hai mà đặt cược tất cả vào phát triển kinh tế. Nguy cơ quả thật là lớn. Hóa đơn sẽ nặng. Nếu kinh tế khó khăn, uy tín Việt Nam giảm sút, như từ khi bắt đầu khủng hoảng năm 2008, thì không gì có thể thay thế được những lý lẽ hay ho thời xưa đã từng gắn chặt Đảng với lịch sử dân tộc. Đứng trên quan điểm của mình, chính quyền có lý khi lo ngại sự kết nối giữa nỗi bức xúc của những người dân thường, các bloggers và cả phe bất đồng chính kiến. Và thế là, một kết quả không lường trước của việc Trung Quốc lăng nhục Việt Nam là dân chúng lại bắt đầu làm chính trị, trong khi Đảng 10 năm nay không còn làm nữa.

Trang sử phi chính trị hóa quần chúng đã được lật qua.

(Còn tiếp nhiều kỳ)
.
.
.

No comments: