Tác giả: Philippe Papin và Laurent Passicousset
Người dịch: Hoàng Hà. Hiệu đính: Diệu Linh
Posted by basamnews on 10/09/2011
http://anhbasam.wordpress.com/2011/09/10/341-s%e1%bb%91ng-v%e1%bb%9bi-ng%c6%b0%e1%bb%9di-vi%e1%bb%87t-2/
BLOG, BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN, TRUNG QUỐC: KHI CHẾ ĐỘ LO SỢ
Thật là sáo rỗng khi nói rằng Internet đã thay đổi tất cả. Ở Việt Nam cũng như ở Iran và Trung Quốc, điều khẳng định đó có điểm nổi bật riêng: thế giới thông tin, sự kiểm soát và tiếp cận hoàn toàn thay đổi. Đất nước được kết nối theo chiều hướng tốt hơn. Tính đến năm 2010, có tới 25 triệu người ở Việt Nam vào mạng thường xuyên và điều cốt yếu là phải nói rằng người ta có thể tìm thấy một hàng Internet tại bất kỳ một thị trấn nào ở tất cả các tỉnh. Chắc chắn ở những cửa hàng đó, trang thiết bị đều không mới cũng chẳng chạy nhanh, nhưng tất cả các quán net đều đông nghịt thanh thiếu niên đang giao tiếp với thế giới mà chỉ cần dùng đầu ngón tay. Do vậy, chỉ trong vài năm, các tờ báo truyền thống dưới dạng báo in, vốn rất nhiều song cũng đều bị kiểm duyệt, đã phải thành lập thêm báo mạng như các cơ quan báo chí quốc tế, các trang web nước ngoài bằng tiếng Việt, thậm chí có cả những tờ báo mới của Việt Nam chỉ tồn tại trên Internet và có phong cách khá tự do kiểu như Vietnamnet. Mặt khác, mạng Internet cho phép mọi cá nhân đều có thể tiếp xúc với những người truy cập khác trên toàn thế giới, trong đó đặc biệt có cả cộng đồng kiều bào ở nước ngoài, thông qua các trang báo điện tử, các trang web cá nhân, các diễn đàn và trang blog.
Chính những trang blog này khiến chúng tôi quan tâm. Ít ra cũng là những trang blog chính trị hơi thiếu tôn kính một chút, bởi với những trang blog khác phải nói thật là chán ngắt, chỉ thoả mãn với việc đăng tải những chuyện tình cảm thầm kín, những kết quả thi đấu thể thao và những lời khuyên về các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp (ngay cả khi những trang blog đó thể hiện tính đa dạng và chủ nghĩa cá nhân trong một đất nước cộng sản giống như các dạng tạp chí đã tận dụng những phương tiện này). Những người dám đề cập đến lĩnh vực chính trị và thời sự là những người có nhiệt huyết và có rất nhiều trang blog như vậy.
Các trang blog, “những thông tấn xã vỉa hè”
Blog Osin nêu những vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội hiện tại nhạy cảm nhất. Huy Đức, người quản trị trang blog này, không hề lùi bước trước bất cứ thứ gì khi lưu trữ các bản tin hài hước mà ông đã đăng tải gần như hàng ngày. Người ta tìm thấy ở đó những bản tin về Đảng, về các quan chức, về Trung Quốc, bất động sản, giải phóng mặt bằng, mức sống sa sút và tình trạng thất nghiệp bị che giấu, nạn tham nhũng, buôn lậu, sự thông đồng trong hệ thống thể chế: tất cả những gì mà ở Việt Nam phải nói thầm. Là một người rõ ràng có nguồn tin rất nhanh nhạy chứ không phải một người Việt Nam bình thường, nhưng ông không tiết lộ nguồn tin riêng, cũng không chạy theo những chuyện ngồi lê đôi mách. Chiến lược của ông tinh tế hơn nhiều, chỉ thể hiện suy nghĩ của mình về những sự việc hoặc thông tin đơn giản được cung cấp từ nguồn báo chí chính thống mà bất cứ ai cũng có thể đọc được. Chính lời bình của ông mới đáng chú ý và ông trình bày như một lời kết luận logic về những điều ông vừa đọc được trên báo chí.
Khi bình luận về những số liệu thống kê chính thức được Viện Kiểm sát công bố, trong đó nhấn mạnh việc giảm được 12% các vụ tham nhũng và 18,7% lượng can phạm trong sáu tháng vừa qua, trước hết ông nhận định rằng những kết quả khả quan này phù hợp về mặt thời gian với việc đưa vào áp dụng “Luật phòng chống tham nhũng” như một sự ngẫu nhiên, nhưng sau đó lại dẫn chứng một cuộc thăm dò của một văn phòng phương Tây cho thấy hơn 80% số doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề này. Từ đó, ông khiến người đọc thắc mắc cả về tính xác thực của các số liệu chính thức, hiệu quả của luật quy định các cán bộ phải kê khai tài sản cũng như tỷ lệ tham nhũng thực tế ở Việt Nam; ông tiếp tục đưa ra lưu ý rằng những kẻ bị kết án chỉ thuộc những cấp thấp trong hệ thống chính quyền chứ không bao giờ ở những cấp gần tới trung ương. Theo quan niệm của ông, chiến lược Osin rất tốt bởi nó dựa trên việc diễn giải, vốn không bị cấm, chứ không tiết lộ thông tin vì điều này có thể sẽ không được phép.
Một trang blog khác cũng rất có tên tuổi là Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu, 37 tuổi, hiện sống tại Hà Nội. Ngoài việc cáo buộc thẳng thừng cách xử sự của Hà Nội với Bắc Kinh, ông cũng đề cập thẳng thắn đến những vấn đề chính trị, đặc biệt phê phán cách điều hành của chính phủ trong việc xung đột với Giáo hội Thiên chúa giáo mà ông rõ ràng cũng là thành viên. Trong bản tin gần đây nhất của mình, ông đã đăng tải những bức ảnh cho thấy sự đàn áp cộng đồng giáo dân Đồng Chiêm, phá bỏ thánh giá, hai phụ nữ bị công an đánh đập, những bộ quần áo đầy máu me nằm trên một đống gạch. Trong số những trang blog táo bạo này cũng cần phải kể đến các trang Điều Cầy ở Thành phố Hồ Chí Minh bài xích ngọn đuốc Olympic và chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc; “Trang the Ridiculous” quan tâm sát sao tới lĩnh vực kinh tế và cũng tự cho phép mình chỉ trích vai trò của Trung Quốc trong lịch sử gần đây của Việt Nam; Mẹ Nấm ở Nha Trang cũng nổi khùng trước những mưu đồ chiến lược của Trung Quốc; Quê Choa có lượng người xem rất đông; Anh Ba Sàm do một cựu công an lập ra đã có được 2 triệu lượt người xem và có hàng trăm đường link cho phép chuyển sang những trang web và blog khác ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài.
Tất cả những trang blog này đều có một lợi ích lớn cả về mặt cung cấp thông tin ngay từ gốc, được rút ra từ những trải nghiệm cá nhân được mô tả một cách tự do, cũng như về nội dung bình luận. Ở đó người ta được hít thở mùi hương của không khí thời cuộc, đó là sự thật, sự thật từ phát ngôn của người dân. Tất cả những thông tin ở đó chắc chắn không nhất thiết phải chính xác, cũng chẳng tô vẽ, thậm chí chẳng thiếu những ẩn ý, song tất cả đều là những cái hộp cộng hưởng nho nhỏ của những điều mà người Việt Nam trao đổi với nhau.
Trang chủ trên blog của Nguyễn Hữu Vinh (tức Ba Sàm) nhại lại câu của một cơ quan thông tấn với hàng chữ đậm: “Cơ quan của Thông tấn xã Vỉa Hè”. Không thể bỏ qua những trang blog này bởi dù sao đó cũng là nơi duy nhất thực sự có tự do ngôn luận và ngoài việc bàn luận không đâu vào đâu thì đây là phương tiện duy nhất để biết được điều mà mọi người muốn nói. Vả lại đó cũng là một việc thực hành rất bổ ích khi so sánh những điều được đăng tải trên báo chí với những điều mà các bloger thể hiện trên các trang Yahoo-360 hay Multiply mỗi khi xảy ra những sự kiện lớn. Trong những năm 2008 và 2009, khi báo chí chỉ trích những người Thiên chúa giáo biểu tình ở Hà Nội thì các bloger tỏ ra dè dặt hơn, có thái độ nghi ngờ trước sự thống nhất của các phương tiện truyền thông chính thống, tỏ ra bối rối khi một bloger tiết lộ rằng cảnh sát đã cài những thành phần lưu manh vào nhóm biểu tình để gây rối loạn, kinh tởm khi bloger “Buôn gió” đăng tải những bức ảnh người bị thương. Người ta có thể suy nghĩ những gì mình muốn về vấn đề Thiên chúa giáo, nhưng không thể nói rằng về chủ đề này, người Việt Nam rất ngây thơ hay chỉ biết theo đuôi.
Mặt khác, người ta cũng không còn thờ ơ khi đọc tin về sự phẫn nộ của một phụ nữ trẻ trước việc bắt giam hai nhà báo đã tiết lộ tin tức về vụ bê bối tham nhũng PMU 18. Trong lĩnh vực kinh tế, đây đó đều có những phân tích không chính thống và đặc biệt gây khó chịu bởi nó xuất phát từ những môi trường mà không bao giờ được phép phát ngôn, chẳng hạn từ khu vực kinh tế tư nhân phàn nàn về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của khu vực kinh tế Nhà nước. Có thể dẫn ra vô vàn ví dụ song ý tưởng vẫn hết sức đơn giản: nếu không đọc những trang blog này, làm sao người ta có thể nghe được những tiếng nói cá nhân và đôi khi là không hoà hợp của Việt Nam? Vì vậy hãy lắng nghe những tiếng nói đó, dù nó mang lại sự bực bội (hay niềm vui) khi phải đọc những nội dung như vậy, trực tiếp bằng ngôn ngữ của họ, những trang blog của khoảng 2,5 triệu đồng bào hải ngoại ở Mỹ, Canađa, Úc, Pháp hay Nga.
Quả thực những trang blog của người Việt ở nước ngoài được đọc rất nhiều. Đối với thanh niên cũng như nhiều đối tượng khác, đó là một khung cửa rộng mở và càng dễ dàng truy cập hơn khi không còn rào cản ngôn ngữ. Tất nhiên vẫn có những trang web chính trị rất cay nghiệt, nhất là trong cộng đồng người Việt ở California, nhưng chúng ta đừng quên rằng theo kênh này, tất cả các cuộc tranh luận có thể kết nối với tầng lớp trí thức cũ đã rời khỏi Việt Nam từ năm 1954 hay 1975. Trong số hàng ngàn ví dụ này có thể kể đến những trang viết được đánh giá rất cao của Trần Hữu Dũng, giáo sư kinh tế tại Đại học Wright thuộc bang Ohio, hiện đang trở thành một địa chỉ tham khảo về thông tin. Quả thực những người Việt đang sống ở Việt Nam có thể tìm thấy trên trang này những phân tích kinh tế có chất lượng cao dưới ngòi bút của Trần Hữu Dũng cũng như của cây bút xuất sắc Vũ Quang Việt, bên cạnh đó là những bài viết có tính chính trị hơn hoặc hướng vào thời sự trong nước và quốc tế kèm theo những tài liệu tham khảo được dịch sang tiếng Việt từ những ấn phẩm tiếng Anh và tiếng Pháp.
Chỉ với một cái nhấp chuột, dân mạng đã có thể có ngay những tạp chí và sách chưa được biết tới hay bị cấm ở Việt Nam, ví dụ như tập hồi ký của luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Mạnh Tường; nhấp thêm một cái nữa, họ có thể vào được hồ sơ đầy đủ của những trí thức hàng đầu Việt Nam như triết gia Trần Đức Thảo, học tại Đại học sư phạm Paris, tốt nghiệp thạc sĩ triết học năm 1944, chuyên gia hàng đầu về Husserl và tác giả công trình nghiên cứu nổi tiếng về hiện tượng học. Con người này, dù đã tham gia chiến khu Việt Minh từ năm 1951, về sau vẫn bị gạt bỏ, đến mức phải xuống làm sếp một ga nhỏ ở tỉnh, chỉ bởi vì ông có đầu óc phê phán không chịu chấp nhận những khẩu hiệu chính trị thời bấy giờ. Con người vĩ đại này ít được giới trẻ Việt Nam biết đến: nếu họ qua các blog và trang mạng mà biết hơn tí chút về ông thì là điều tốt. Điều này cũng đúng với tất cả những người lớn tuổi đang sống ở nước ngoài, những người đã được hưởng một nền đào tạo cổ điển, là những chuyên gia và là những người yêu nước, nhưng bị lịch sử nghiền nát, họ phải ra đi và tạo thành một đội ngũ song song với các cụ cẩn trọng còn ở lại trong nước.
Thế giới mạng về bản chất là mở, nên các blogger Việt Nam học được ở các bạn nước ngoài bao nhiêu thì cũng cấp nhiều thông tin cho họ bấy nhiêu. Ở khắp nơi trên đất nước, núp dưới những cái tên giả nhiều khi nghe rất bí ẩn, có hàng trăm ngàn người đang đẩy cánh cửa tham gia vào thế giới này. Số lượng và bí mật làm nên sức mạnh, chống lại những kẻ mạnh nhưng bị cô lập, ý tưởng này chính là khẩu hiệu của blog Osin: “Cái cây tìm sự cô đơn ở trên cao/Ngọn cỏ tìm sự đông đảo ở dưới đất”. Cũng chẳng sao nếu đôi khi cũng có những blog lộn xộn và những cuộc trao đổi lằng nhằng. Diễn đàn X-café minh họa cho sự lộn xộn vui vẻ này: mọi người tha hồ trình bày, cảm thán, chê trách mà không ai biết được họ là ai, viết từ đâu, họ tin vào ai. Về toàn cục là bát nháo, phải biết chọn lựa, nhưng phải công nhận rằng nhờ có blog và các forum, người Việt trên toàn thế giới nói chuyện được với nhau. Đứng trên quan điểm nhà cầm quyền Hà Nội, đó là cái hay nhưng đồng thời cũng là cả một vấn đề.
Blog và Bloc (khối): kết nối bất đồng chính kiến
Những người bất đồng chính kiến quả thật đã tận dụng những phương tiện truyền thông này. Khởi đầu là năm 2006. Không muốn nói quá chi tiết, nhưng chúng ta hãy nhớ lại năm đó như có một cơn cuồng tự do đột nhiên xâm chiếm lấy giới lãnh đạo chóp bu; họ mở van cho khai thông ngôn luận, phản biện, làm cho đất nước được hưởng một luồng gió nhẹ tự do. Cả bộ máy của đảng, lúc đó đang chuẩn bị đại hội, cũng bị ảnh hưởng. Báo cáo truyền thống của Bộ Chính trị, bao giờ cũng được viết trước nhưng thường được giữ kín, nay được truyền tay trong giới trí thức và báo chí. Dần dà, một cuộc tranh luận nổ ra. Rất nhanh chóng, nó vượt khỏi những khuôn khổ cho phép và đi vào các blog và trang mạng, ở đây chủ đề tranh luận chuyển thành đa đảng, bầu cử đại biểu đại hội đảng, lựa chọn các ứng cử viên vào các bộ ngành, và không tránh né cả vấn đề tham nhũng nội bộ.
Khi đại hội khai mạc vào tháng 4, các đại biểu không tin nổi vào mắt mình. Họ đạt được việc cho phép đảng viên được “làm kinh tế tư nhân không giới hạn quy mô”, như bên Trung Quốc; họ có tiếng nói trong việc bầu khoảng ba chục trong số 160 vị trung ương ủy viên, mà trước đây việc bầu bán toàn là trò vờ vịt; và, một điều phi thường, họ được phép đánh dấu vào tên của vị trung ương ủy viên mà họ muốn bầu vào chức tổng bí thư. Cũng trên tinh thần ấy, danh sách 14 vị từ Ban chấp hành trung ương đảng được bầu vào Bộ chính trị được công bố không phải theo thứ tự chức vụ đảng như mọi khi mà, lần đầu tiên, theo số lượng phiếu bầu mỗi ứng viên nhận được.
Sự thay đổi không chỉ về mặt hình thức. Các vị ủy viên Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị được trẻ hóa, đổi mới, và có nhiều vị từ cán bộ hạng hai ở tỉnh lên. Tháng sau, tháng 5, chính phủ được cải tổ, khẳng định thêm rõ ràng đã có sự thay đổi quan trọng.
Bây giờ ta đã biết đó chỉ là một điều kiện trong quá trình đàm phán khó khăn để Việt Nam được gia nhập Tổ chức thương mại thế giới-WTO. Dưới sự quan sát liên tục và cảnh giác của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, chính quyền buộc phải đưa ra các đảm bảo, trưng ra bộ mặt đẹp nhất, và trên thực tế phải giảm bớt sự kiểm soát chính trị và xã hội. Mọi việc cốt chỉ để đưa ra ấn tượng tốt nhất, và nhất là, để tránh cho các vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận khỏi nổi lên: tai nạn đã đến rõ nhanh. Cho nên chính quyền để yên cho mà làm, trong khi ký một loạt các hiệp ước, hiệp định xếp Việt Nam vào chuẩn mực của luật pháp quốc tế.
Rồi, sau khi đã vào được WTO tháng giêng năm 2007, người ta đậy lại vung nồi và mọi thứ trở lại như xưa, thậm chí còn tốt hơn vì những kẻ to đầu bây giờ đã được xác định. Ngay tháng 3, đòn trấn áp giáng xuống đầu Bloc (khối) 8406, có tên như vậy vì bản “tuyên ngôn vì tự do chính trị” đầu tiên của khối, do 178 người bất đồng chính kiến ký tên, được công bố ngày 8/4/06. Hơn một tá thành viên của khối bị tống vào tù và xử vội vã, như luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân hay cha Nguyễn Văn Lý (người trước đó chịu án 14 năm tù và vừa bị kết án 8 năm bổ sung trong một phiên tòa giả tạo). Một hình ảnh trứ danh, chụp từ máy điện thoại di động, được truyền đi trên Internet và được lên trang bìa của một tác phẩm khoa học xã hội tại Australia: người ta thấy một cảnh sát mặc thường phục ngăn không cho cha Lý nói tại tòa bằng cách dùng tay bịt miệng cha. Vậy là sự kiểm duyệt không những được nối lại mà còn bị siết chặt hơn, để lấy lại thời gian đã mất.
Khác với thời điểm trước 2006, một số trí thức, nhà báo, nhà văn, luật sư, giáo sư đã thấy nghiện tranh luận. Họ không muốn dừng nữa. Tận dụng tình hình lúc đó, họ tổ chức lại thành một hệ thống chặt chẽ, thay vì chỉ dừng ở những hoạt động cá nhân đơn lẻ. Khối 8406 nhanh chóng nhận thêm những người trước đây là đảng viên Đảng dân chủ Việt Nam, đột nhiên sống dậy từ đống tro tàn, rồi thêm các linh mục và sư sãi trong một liên minh phức tạp. Khối được mở rộng, cho ra một tờ báo bí mật. Đặc biệt, các thành viên đều sử dụng tài nguyên công nghệ mới. Blog, nhắn tin trên Yahoo Messenger và MSN, các đường link giấu trên các trang mạng, hội thoại qua IP và Skype, đưa video lên Youtube trở thành các phương tiện để trao đổi ý kiến, kiến nghị, yêu sách mà vẫn qua mặt được công an.
Sự kết nối giữa Internet và giới bất đồng chính kiến làm thay đổi thế cờ. Cho đến thời điểm đó, mạng được mở rộng, tự do hơn Trung Quốc, với những lỗ hổng lớn, đơn giản là vì không ai để ý mấy và vì khách quan mà nói thì số trang web phản đối chính quyền còn ít, hoặc là quá khích đến mức tự làm mất uy tín của mình. Thư điện tử bị kiểm soát nhờ một phần mềm lọc password-tần số của việc giám sát tùy thuộc vào chỉ số nguy hiểm do công an thiết lập, chủ yếu là đối với người nước ngoài. Những tư tưởng hơi tự do một chút, hoặc phản đối chỉ trích, sớm bị nhận diện ngay, bản thân họ và gia đình họ bị “nhẹ nhàng” thúc bách để lại đi đúng đường. Phải nhắc lại là tất cả những điều này chỉ liên quan đến các cá nhân đơn lẻ.
Sau vụ “mở cửa giả hiệu” năm 2006 và sự xuất hiện của khối 8406, tình hình không còn như trước nữa. Từ nay, giới bất đồng chính kiến được tổ chức hẳn hoi, và lần đầu tiên có hẳn một chính cương mang đến một lựa chọn chính trị khác ngoài sự cai trị của đảng, và phe bất đồng chính kiến này phát triển đồng hành với sự phát triển của các phương tiện trên Internet. Món cocktail trở nên dễ nổ, vì thời gian này đúng là lúc các blog trong giới trẻ đang nở rộ, vì những lý do chẳng liên quan gì tới chính trị. Chỉ đơn giản là đã đến lúc. Khổ nỗi là lúc này không hợp, Internet đã bị nghi ngờ đến nỗi trong các bộ cũng có bộ phận theo dõi. Nhưng khác với thư điện tử, blog rất khó nắm bắt. Tất nhiên là có thể biết tác giả ở đâu, khó nhưng vẫn làm được, nhưng không thể biết độc giả là ai, ở đâu, nhất là khi những người này rất khoái chí khi lướt mạng theo cách vô danh, chẳng thể nào xác định được.
Luồng thông tin cứ thế mà đi ra, đi vô, lặp lại, bật lên, gây tiếng vang, rẽ ra các nhánh nhờ vào các đường link, chuyển ra nước ngoài, phong phú thêm với các bình luận và lời nhắn, cho phép người Việt ở trong nước không chỉ đọc, mà còn có thể viết và phát biểu. Blogger, độc giả và nước ngoài cùng phát ngôn, một cách tự do: còn gì nguy hiểm hơn? Nhất là khi việc phải đến đã đến rất nhanh: blog của các nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài có người vào đọc, và tệ hơn nữa, là lây nhiễm tư tưởng cho các blog trong nước, không rõ vì tin tưởng hay vì cắt/dán dễ quá mà cũng chia sẻ những chỉ trích của họ, ít ra là những chỉ trích dễ chấp nhận nhất. Người ta bắt đầu đọc những lời phản loạn liên quan tới đời sống hàng ngày của người dân, ví dụ như chuyện giải tỏa đất đai hay chuyện đút lót trong giáo dục. Qua các thông điệp có thể đưa lên blog, thanh niên, sinh viên, con cái nông dân kể chuyện mình, chuyện bố mẹ mình và đối thoại với những người đang đi làm, giáo sư, công nhân, hưu trí, những người này trả lời lại họ và thế là thực sự có trao đổi bàn luận.
(Còn tiếp nhiều kỳ)
.
.
.
No comments:
Post a Comment