Thursday, September 15, 2011

QUỐC HỘI VIỆT NAM ĐẠI DIỆN CHO AI ? (Minh Văn)



Minh Văn
Thứ Năm, 15/09/2011

Họ quan tâm điều gì?

Quốc Hội (hay Nghị Viện) là cơ quan dân cử. Đại biểu Quốc Hội là những người đại diện cho nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân. Quốc Hội thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, trong đó có quyền lập Hiến, lập Pháp. Vì thế trong cấu trúc bộ máy của các quốc gia, Quốc Hội có một vai trò quyền lực to lớn. Tiếng nói của Quốc Hội quyết định mọi vấn đề mang tầm vóc quốc gia. Vì đó là tiếng nói và ý chí của người dân, nó có vai trò quan trọng nhất.

Chuyện là vậy, nhưng chúng ta hãy xem ở Việt Nam, cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc Hội ấy hoạt động như thế nào?

Nhà nước Việt Nam tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, và đó là sự thực lịch sử. Quốc gia láng giềng Trung Hoa đã xâm chiếm gần trọn hai quần đảo nói trên, lập đơn vị hành chính và ghép vào bản đồ của họ.

Việc bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên là vấn đề quan trọng và thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam. Vì vậy, phải được Quốc hội bàn thảo trong chương trình nghị sự, đồng thời ra nghị quyết về việc bảo vệ chủ quyền của đất nước. Vậy mà khi Trung Quốc gây hấn và xâm chiếm biển đảo, bắn giết ngư dân Việt Nam trong suốt thời gian qua, các phiên họp của Quốc Hội không hề bàn đến vấn đề này. Các đại biểu coi như không hay biết vấn đề trọng đại và cấp bách mà cả thế giới đều biết kia, ngoại trừ ý kiến của vài đại biểu có tâm huyết?

Còn nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước nữa như khai thác tài nguyên đất nước, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của người dân, giải quyết tệ quan liêu, tham nhũng cùng bao nhiêu nỗi oan khuất của người dân... cũng bị Quốc Hội bỏ qua.

Sự kiện quan trọng đáng ưu tư là khi bộ máy nhà nước có hành động, chính sách vi luật, và ngay cả vi hiến, thì cơ quan Quốc Hội hiện nay cũng không bao giờ có hành động hoặc thái độ ngăn chận hay chế tài. Điều mà người ta thấy là những người lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam công khai điều hướng hoạt động của Quốc hội.
Người dân không thấy được thiện chí đại biểu và nỗ lực phục vụ của Quốc Hội. Hình ảnh mà ai cũng thấy là khi người dân đi lại bằng xe đạp, xe máy với khói bụi chen chúc thì từng đoàn xe ô tô có máy lạnh chở đại biểu Quốc Hội đi nghênh ngang dài đến hàng cây số, có xe cảnh sát hụ còi đi dẹp đường. Mỗi lần Quốc Hội họp phải mất hàng tháng trời, tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc của nhân dân.

Có thể nói, Quốc Hội được lập ra để hợp thức hoá những điều đảng Cộng sản muốn hơn là thực thi trách nhiệm Đại Biểu để đấu tranh nghị trường cho các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân.

Nhìn từ góc độ bầu cử Quốc Hội

Muốn tìm hiểu rõ hơn nữa những bất cập trên, chúng ta hãy bắt đầu từ việc bầu cử Quốc Hội để hiểu được nguyên nhân.
Gọi là cơ quan dân cử thì đại biểu Quốc Hội phải do người dân tiến cử, và các đại biểu phải đại diện cho mọi tầng lớp xã hội và địa phương, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến. Tất cả phải được thực hiện thông qua một cuộc bầu cử dân chủ và khách quan. Có như thế thì Đại biểu Quốc Hội mới thực sự là người đại diện cho dân được.

Trong thực tế, các ứng cử viên Đại biểu Quốc Hội ở Việt Nam đều do Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam - một cơ chế được lãnh đạo trực tiếp bởi đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam, với một hệ thống kiểm soát, điều hành song song với bộ máy chính quyền địa phương các cấp.

Nói tóm tắt, danh sách đại biểu do cơ quan địa phương đưa ra và quản lý, đến ngày bầu cử nhân dân chỉ có mỗi nhiệm vụ là đi bầu những ứng viên đã được đảng cầm quyền chọn sẵn. Do vậy, người dân thường thì cũng không quan tâm đến kết quả bầu cử vì kinh nghiệm cho thấy những người đại biểu này cũng không có khả năng hay thiện chí để giải quyết những khó khăn, nguyện vọng của nhân dân.

Từ đó, chúng ta có thể hiểu tại sao Quốc Hội không hề bàn đến những vấn đề hệ trọng mà nhân dân quan tâm mà chỉ bàn thảo những gì đảng Cộng sản muốn hoặc cho phép.

Quốc Hội đại diện cho ai?

Chúng ta có thể khẳng định rằng: Quốc Hội Việt Nam hoàn toàn là công cụ của đảng Cộng Sản. Nhiệm vụ của Quốc Hội là nói lên đường lối, chính sách của đảng và vì lợi ích mà đảng này hướng tới. Những tiếng nói có tâm huyết vì đất nước, hay từ những đại biểu độc lập, luôn luôn trở nên nhỏ bé và lạc lỏng giữa rừng đại biểu của đảng Cộng sản. Những vấn đề nổi cộm thỉnh thoảng được đưa ra chỉ nhằm để xoa dịu dư luận và thường thì bị nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Trước bối cảnh một đất nước đang đối đầu với nạn ngoại xâm và một xã hội phức tạp đầy nguy hiểm, ai cũng mong nhìn thấy được một Quốc Hội với những Đại biểu thật sự đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của các tầng lớp xã hội. Một khi cơ quan Lập pháp này có thực quyền và sức mạnh thì mới có thể cân bằng được quyền lực lãnh đạo quốc gia; để cùng với cơ quan Hành pháp và Tư pháp phụng sự đất nước và nhân dân.

Muốn chấm dứt tình trạng Quốc hội bù nhìn mà nhân dân Việt Nam đã phải chứng kiến trong hơn 60 năm qua, nhân dân Việt Nam không còn cách nào khác hơn là đấu tranh để thay đổi cơ chế lãnh đạo độc tài toàn trị đang có. Chỉ khi nào cơ quan Quốc Hội có được những vị Đại Biểu do chính nhân dân đề cử và chọn lựa thì bộ máy chính quyền mới thực sự mang ý nghĩa là của dân, do dân và vì dân.

Khi nào nhân dân có thể bầu ra một Quốc Hội thực sự là đại diện cho mình, thì mới có thể có được một Chính quyền Nhân dân đúng nghĩa.

Minh Văn (VN)

.
.
.

No comments: