Wednesday, September 21, 2011

"QUẢN LÝ THÌ ĐỪNG SỞ HỮU" - MỘT BÀI VIẾT GIÀU SỨC THUYẾT PHỤC (Vũ Cao Đàm)



Vũ Cao Đàm
21/09/2011

Một tổ chức vừa làm quản lý, vừa làm sản xuất là sáng kiến của Lênin trong khuôn khổ một hình thức gọi là Hội đồng Dân ủy. Sau khi Lênin chết, Stalin quay về hình thức tổ cức gọi tên là “bộ”, nhưng vẫn giữ nguyên chức năng vừa quản lý, vừa sản xuất, không khác gì thời Lênin. Sáng kiến ấy của Lênin có thể đúng ở cái thời của nền kinh tế do Nhà nước chỉ huy, nhưng dứt khoát không thể đúng trong nền kinh tế thị trường, dù kéo theo cái đuôi là “định hướng xã hội chủ nghĩa”Trong nền kinh tế chỉ huy, kế hoạch sản xuất là do nhà nước định đoạt, nhà nước không kinh doanh với ai, sản phẩm xuất xưởng thì được phân phối, giá cả do nhà nước định đoạt, lỗ lãi do nhà nước chịu, y hệt hoat động trong một bộ lạc mà ông tù trưởng chính là ông thủ tướng.

Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã phát hiện vấn đề này ngay từ cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, gọi đó là căn bệnh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, anh cầu thủ trên sân đồng thời làm trọng tài trên sân bóng, và đương nhiên không bao giờ thổi còi phạt cái chân mắc lỗi của mình. Rất nhiều hội thảo khoa học thời đó đã đưa ý kiến đòi tách chức năng kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý, mà những nhân chứng thời đó vẫn đang còn sống cùng thời với chúng ta, như Cựu Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, nhà nghiên cứu Trần Việt Phương, Giáo sư Đào Xuân Sâm, cựu chủ nhiệm Khoa Kinh tế của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, nay là Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia..

Ngày nay đã chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng chắc lẽ vì cái đuôi “định hướng XHCN”, vẫn xem nhà nước đóng vai trò chủ đạo, và đó là lý do tồn tại doanh nghiệp trong cái hình hài như chúng ta thấy hiện nay. Và vẫn diễn ra sự lúng túng từ thời Lênin và Stalin trong cái “chức năng kép” vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Bi kịch của sự lúng túng ấy càng được khoét sâu, khi xuất hiện nhiều thành phần kinh tế trong nền kinh tế định hướng thị trường, vì quyền của ông chủ Nhà nước rất lớn: Ông ném tiền vào đầu tư, ông thổi còi thiên vị trên sân, trong đó có mặt đủ loại: có thằng cầu thủ “nhà nước”, có thằng cầu thủ “tư nhân”, có thằng cầu thủ “nước ngoài”, có thằng cầu thủ “liên doanh”, … có đủ hạng con đẻ, con nuôi, con lai và con hoang. Có bố mẹ nào mà không xót thằng con đẻ bệnh hoạn, ghẻ lở, què quặt, ngu dốt… Không chỉ có thế, mà còn nghĩ đủ chiêu để kìm hãm các loại con khác để nó khỏi vượt lên đầu thằng con đẻ, để làm lu mờ “vai trò chủ đạo” của thằng con đẻ què quặt bệnh hoạn này.

Chúng ta cần “bật mí” một chuyện gọi là “thâm cung bí sử” khác: Bố mẹ còn tư túi với thằng con đẻ chia phần hơn cho nó (và mình) bằng chính phần đóng góp của lũ con kia… Nói trắng ra, cái thằng con đẻ này là một cái ổ để ngấm ngầm chia chác… Xả tín dụng vào đây, khai lỗ giả vào đây, định giá “đểu” cũng chính ở đây, bảo vệ công nghiệp nội địa ở đây… Nền kinh tế mà nhà nước đóng vai trò chủ đạo là một tuyệt chiêu để các quan chức tham nhũng… Trên mặt báo, học chính trị, chúng ta được chứng kiến rất nhiều bài biện minh cho “tính phổ biến” của tham nhũng trên toàn thế giới, biện minh cho việc không phải chỉ có ở chủ nghĩa xã hội mới tham nhũng… Thật ra họ chỉ lừa được dân đen, giấu biệt đi một bí quyết tham nhũng tuyệt chiêu, chỉ có trong chủ nghĩa xã hội. Vì nó luôn giữ trong mình cái thiết chế nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi: vừa kinh doanh, vừa làm chính sách kinh doanh, vừa giám sát kinh doanh. Hơn nữa, hệ thống này đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng: Đảng viên vừa tham nhũng, vừa “lãnh đạo” chống tham nhũng.

Nhân đây, chúng ta cần bình luận thêm một chuyện khác. Trong các thể chế dân chủ, thực sự gọi cái tên như ta vẫn gọi, là “nhà nước pháp quyền” có một chức danh không có ở nước ta và các nước XHCN. Đó là “Quốc vụ khanh” (State Secretary), hơi giống chức vụ “Thứ trưởng thường trực” của Việt Nam. Quốc vụ Khanh là chức vụ được bổ nhiệm độc lập với Bộ trưởng. Nhân vật này đóng vai trò “Tổng công trình sư” của Bộ, ông ta cầm chịch về quản lý và chính sách thuộc phạm vi bộ mình phụ trách. Bộ trưởng bị đổ theo nội các còn Quốc vụ khanh làm việc đến khi về hưu. Vì vậy, trong các quốc gia theo thể chế đa nguyên, chính trị có thể chao đảo, chính phủ có thể khủng hoảng, khốn đốn, nhưng toàn bộ hoạt động kinh tế và xã hội hoàn toàn ổn định khi có sự biến động về chính trị, không như báo chí “lề phải” ở ta vẫn tuyên truyền, là sự bất ổn chính trị thì dẫn đến đến bất ổn về kinh tế. Những ai đã ngồi trong các doanh nghiệp và các bộ của Thái Lan trong không khí sôi động của các cuộc biểu tình chống chính phủ thì được chứng kiến các hoạt động kinh doanh và hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước ổn định đến chừng nào.

Hệ thống tổ chức “vừa đá bóng vừa thổi còi” của Lênin và Stalin, sau này là của tất cả các nước XHCN, là một lá chắn bền vững cho tham nhũng và tạo được cái cớ “có lý” về sự độc quyền lãnh đạo.

Bài viết “Nói và làm: Quản lý thì đừng sở hữu” của tác giả Lê Khắc cho chúng ta một hình ảnh sinh động về sản phẩm của cái nhà nước “vừa đã bóng vừa thổi còi” trong một nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo.

Bài viết thật sâu sắc, đầy sưc thuyết phục, góp một lời cảnh báo cho những ai vẫn quyết tâm duy trì cái mô hình đầy khuyết tật: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết với độc giả Bauxite Việt Nam.

V.C.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

------------------------------

Lê Khắc  (Diễn đàn kinh tế Việt nam)
Thứ hai, 19/9/2011 17:43 GMT+7

(Tamnhin.net) - Đầu 2011, Thủ tướng đã yêu cầu đổi mới DNNN theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu DN. Bởi sự mất cân đối giữa quyền lực và trách nhiệm trong DNNN đã làm nảy sinh tình trạng nơi thì can thiệp quá sâu, nơi bỏ lỏng chức năng quản lý của chủ sở hữu.

Hàng loạt DNNN thua lỗ mới được công bố một lần nữa nhắc lại sự yếu kém và những bấp cập trong quản lý và hoạt động DNNN. Trong đó, không thể không nhắc đến việc chậm trễ trong cải cách, đổi mới mà một trong những ví dụ là khó khăn và kéo dài trong việc tách quyền chủ sở hữu DN ra khỏi các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong thông điệp đầu nhiệm kỳ mới 2011-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc tới yêu cầu đổi mới xây dựng cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp.

Thực tế điều này không có gì mới vì chúng đã được quy định trong luật và đã được hiện thực hóa bằng các cơ chế cụ thể trên thực tế nhưng đến nay quá trình này chậm và khó.

Trong Luật Doanh nghiệp, hai nguyên tắc về thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước đã được quy định khá rõ ràng, đó là tách biệt chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với các chức năng khác của nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu một cách tập trung và thống nhất. Trên thực tế, cùng với quá trình cổ phần hóa DN, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đã ra đời để thực hiện điều này. Theo đó, tổ chức này sẽ là một đơn vị tiếp nhận phần vốn nhà nước tại các DN, để thực hiện quyền chủ sở hữu một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả nhất.
Đây có thể coi là mấu chốt quyết định quá trình tách bạch vai trò chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước ra khỏi vai trò hoạch định chính sách của các đơn vị quản lý hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, Tổng công ty đầu tư – kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã nhiều lần kêu ca, quá trình chuyển quản lý vốn nhà nước ở DN từ các bộ ngành và địa phương về SCIC gặp nhiều khó khăn và chậm trễ. SCIC được thành lập nhằm tập trung quản lý, kinh doanh vốn nhà nước một cách chuyên nghiệp và hiệu quả nhưng ngay ở khâu đầu tiên là chuyển vốn về để quản lý đã trắc trở.

Trong khi đó, một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại các DN có cổ phần chi phối của nhà nước cho thấy 27% chủ sở hữu không có vai trò trong quyết định chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; 21% chủ sở hữu không có vai trò về các chính sách đầu tư lớn; 40% chủ sở hữu không có vai trò gì trong quyết định các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp với người có liên quan… Chỉ có khoảng 47% chủ sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có vai trò trong quyết định phương án phân phối lợi nhuận…

Ngược lại, sự can thiệp của chủ sở hữu nhà nước vào các quyền của bộ máy điều hành của doanh nghiệp lại cao hơn với 72% doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 67% doanh nghiệp nhà nước đã sở hữu cho rằng họ thường xuyên hoặc đôi khi phải có sự đồng ý của chủ sở hữu nhà nước khi ký các hợp đồng thuộc thẩm quyền của HĐQT, tổng giám đốc… 30% doanh nghiệp nhà nước đa sở hữu phải thường xuyên có sự đồng ý của cổ đông nhà nước khi ký các hợp đồng thuộc thẩm quyền quyết định của bộ máy quản lý, điều hành cho dù sự đồng ý này trên thực tế chỉ là phê duyệt chủ trương.

Điều này cho thấy thực tế, các cơ quan nhà nước đã không làm hết trách nhiệm của mình trong vai trò chủ sở hữu, thậm chí, trong một số trường hợp lại trở thành tác nhân gây nên những khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Sự mất cân đối giữa quyền lực và trách nhiệm này đã làm nảy sinh tình trạng nơi thì quá chặt và can thiệp quá sâu, nơi bỏ lỏng chức năng quản lý của chủ sở hữu. Nhưng tất cả có một kết quả chung là không hỗ trợ tốt cho DN hoạt động.

Tuy nhiên, điều lạ là khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, hay thất bại trong kinh doanh, việc chỉ rõ trách nhiệm của từng chủ thể rất khó. Điều này cho thấy sự chồng lấn, không phân định các chính sách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước và chủ sở hữu DN. Và dù luật đã ghi rõ, cơ chế đã có nhưng thực thi vẫn rất khó khăn và chậm chạp. Hy vọng, với chỉ đạo mới từ Thủ tướng sẽ xốc lại và đẩy nhanh việc này.

Tuy nhiên, ai cũng biết, việc làm này “gỡ” bớt việc và “giảm” bớt quyền của cơ quan nhà nước, chấm dứt tình cảnh “một cổ nhiều tròng” mà các DN đang gánh chịu. Và dường như các bộ ngành hay địa phương chưa ai muốn từ bỏ nên việc tách bạch quyền chủ sở hữu mãi vẫn chưa thể dứt điểm. Tất nhiên, khi được tháo gỡ khỏi cái “ách” này thì các DN không còn lý do vướng mắc, hạn chế trong quản lý để bao biện cho yếu kém của mình. Từ đây, sẽ chấm dứt nhưng ưu đãi đang gây bất bình đẳng giữa DN nhà nước với DN tư nhân.

Bất cập thì ai cũng thấy, cách giải quyết cũng đã có nhưng thực hiện vẫn diễn ra mang tính chất miễn cưỡng và đối phó. Trong khi đó, quá trình cổ phần hóa cũng đang rất chậm. Với tình hình này thì quá trình đổi mới DN e rằng còn phải trì hoãn. Đi kèm đó là hiệu quả và chất lượng DNNN cũng chậm được cải thiện. Với những tín hiệu mới, chúng ta hy vọng những quy định sẽ được thực thi, những cơ chế sẽ được vận hành tốt nhằm tách bạch chức năng quản lý DN kinh doanh ra khỏi quản lý nhà nước của các bộ ngành. Đó là một điều cần thiết để hoạt động của DN nhà nước minh bạch và hiệu quả hơn.
L.K.

.
.
.

No comments: