30.08.2011
(Đọc tiểu thuyết LÃO TIỀN BỐI của Khuất Đẩu)
Lão tiền bối là màn thứ ba trong vở kịch được Khuất Đẩu phân cảnh chặt chẽ, với màn khởi đầu là Những tháng năm cuồng nộ; màn 2 là Người giữ nhà thờ họ và màn 3, Lão tiền bối, cũng là màn cuối cùng, để ghi lại một giai đoạn lịch sử xảy ra ở vùng nông thôn miền Trung với biết bao bi hài.
Ở những màn trước là cảnh đấu tố, qui chụp, là sự trốn chạy, ẩn thân vào cảnh cô đơn cùng quẫn dẫn tới tội loạn luân, thì ở màn này là hiện thân của một thân xác trải qua sự phỉnh dụ, bỏ rơi, rồi dựng dậy như một món hàng buôn bán ngoài chợ ở cuối đời; là chân dung một số phận bị đẩy tới tận cùng tiếng kêu bi thống của kiếp người. Đó là cụ Chánh, cha cô Thảnh - một phụ nữ quyền uy trong thời kỳ Việt Minh nổi dậy cướp chính quyền.
Trong thời kỳ đầu của cuộc cách mạng nhân dân, tưởng chừng như cách mạng sẽ là điểm tựa cho niềm tin, là thiên đường cho các bần cố nông bị địa chủ bóc lột, tầng lớp lao động trước kia bị chủ ngược đãi thì bây giờ cuộc đời sẽ đổi khác, tương xứng với những khẩu hiệu kẻ bằng vôi trắng trên những tấm pano làm bằng đất nhào rơm. Kỳ thực, mọi sự không diễn ra như vậy. Nó chỉ diễn ra một chiều. Diễn tiến đúng với mưu đồ, ẩn chứa những mưu mô đằng sau những từ ngữ hoa mỹ, để cuối cùng càng nhìn lại, càng thấy thân phận những anh công nông cả tin bị đẩy xuống nơi tận cùng của sự tối tăm, lạnh lẽo: “Cái giếng trở thành một huyệt mộ lạnh lẽo, nơi những con ma không đầu hay có đầu đêm đêm vẫn ngồi bên thềm giếng cố tìm kiếm một cách vô vọng trên bầu trời hoang vu những ngôi sao bổn mạng của mình”.
Cái ngôi sao bổn mạng kia đã ám vào anh nhà quê mê đờn cò, mê bài chòi được dân làng gán thêm cho tên mới Chín Gối ở ngay thời điểm có thể gọi là bước ngoặc cuộc đời: Đó là lúc ông ngồi xe lửa về Qui Nhơn, gần bên ông Tây lục lộ, và lúc xuống ga Hảo Sơn ông Tây đã cầm nhầm cái cặp đựng quần áo hôi hám của mình. Ông Tây lục lộ kia đã bỏ lại “cái cặp đựng đầy những tờ bạc Đông Dương thơm phức”.
Chính cái cặp và những tờ giấy bạc Đông Dương “thơm phức” đã xoay cuộc đời Chín Gối sang một hướng khác, kể từ khi ông ta ôm chiếc cặp đầy tiền nhảy xuống ở một ga kế cận. Cái của “hoạnh tài” tưởng đâu ông có thể sống một cuộc đời giàu sang sung sướng bên vợ con, bên gánh bài chòi Thanh Bình. Khốn thay, số phần không do ông tự quyết định, mà từ một kẻ nào đó không tên không tuổi, như một bóng ma có cặp mắt luôn theo dõi ông: “Người đàn ông bí ẩn liền vòng tay ra sau lưng, kéo anh đi như mật thám xốc nách áp giải”. Mọi hành động của Chín Gối, Chánh nhạc giờ đây chỉ còn là một hình nhân, múa may hệt một con rối, theo sự điều khiển của kẻ bí ẩn kia. Những tờ giấy bạc Đông Dương được lệnh chuyển thành những trái cau bằng vàng, không làm ông hạnh phúc, sướng mê mà ngược lại trở thành nỗi ám ảnh, nơm nớp run sợ, thoi thóp sống trong cảnh luôn có người thấu suốt mọi hành tung của ông!
Cuối cùng thì số vàng kia cũng phải nộp cho kháng chiến: “Cái lệnh đem tất cả những trái cau bằng vàng và hàng lô hàng lốc những cong những kiềng quyên góp được trong tuần lễ vàng nộp cho Trung ương đã khiến ông thẫn thờ uất ức như bị một thằng đĩ đực nào đó cướp mất vợ. Hóa ra cách mạng là như thế, cộng sản là như thế, thảo nào lão phó Ba bảo cộng sản là cộng các bà vợ lại. Ông Chánh bỏ ăn bỏ ngủ đến cả tuần, khóc trộm trong đêm đến nỗi sáng ra cái gối ướt đầm như được vớt từ dưới ao lên”.
Uất ức mấy, hờn giận mấy, Chánh nhạc rồi cũng phải lên tàu tập kết ra Bắc, và đã được cách mạng đền đáp bằng cách đưa ông lên Điện Biên để xây dựng lại nơi, đã chiến thắng kẻ thù, bị chiến tranh tàn phá. Chạm mặt với vùng đất mới, chỉ vừa chạm chân lên thôi, ông đã hoảng hốt và tự nghĩ: “Thôi rồi, mình bị đày lên đây, chứ một lão già như mình thì xây dựng cái nỗi gì. Giống như 500 năm trước ông cha mình đã bị đày vào đất Đồ Bàn”.
Ông cam chịu với số phận hẩm hiu: hết chôn lấp những xác chết sình thối, lại đi hốt phân bò, sống thui thủi trên chiếc sạp tre, cam chịu giá rét, bệnh tật, đói khát... Hình hài của cụ Chánh nhạc ngày nào, giờ như “một lão ăn mày”: “Không ai có thể tin được ông Chánh nhạc ở làng An Định tươi tắn phương phi ngày nào giờ thảm hại như một lão ăn mày. Cách mạng để đổi đời, đổi như lộn mề gà thật là xót!”
Cái hình hài kia còn được nhà văn đẩy lên cao hơn chút nữa: “Lại còn bị nghi ngờ là CIA của Mỹ, lại bị canh chừng chống đảng. người nọ rình rập người kia. Đi hốt phân bò mà cũng bị hỏi tới hỏi lui. Những đêm dài ở đất bắc, có khóc cũng chỉ dám khóc thầm”.
Nhưng đây cũng chỉ mới là khởi đầu cho màn 3, tức tấn tuồng đời của ông già cố nông tham gia cách mạng từ những ngày đầu cho đến khi thống nhất! Vì cũng như bao nhiêu kẻ chiến thắng khác, cụ Chánh cũng trở về quê cũ với chiếc ba lô con cóc trong đó duy nhất là bộ hài cốt của vợ, với một tâm trạng náo nức, khát khao được quay về nơi chôn nhau cẳt rún, được hít thở không khí quê nhà. Nhưng cái làng An Định của cụ trước đây không còn là An Định trong mắt cụ. Tất cả đều tan hoang, xơ xác từ cảnh vật đến con người. Và cụ cũng vậy: “Những nền nhà cỏ mọc đầy, những bức vách trơ trọi lạnh lẽo và những con người mới hồi cư ngơ ngác tụm năm tụm ba ở miễu thượng. Chẳng ai nhìn ra cụ và cụ cũng chẳng nhìn ra ai”.
Cụ Chánh đã run rẩy ra đi (bởi ánh mắt theo dõi từ phía sau) và trở về cũng lặng lẽ, lạnh ngắt như bóng ma. Công trạng cụ được con gái là cô Thảnh chủ tịch quân quản và anh chàng bí thư địa phương cho sửa sang lại (theo lệnh trên) ngôi miễu đổ nát làm chỗ trú ngụ cho cụ lão tiền bối cách mạng. Dẫu sao ông cũng vui. Vui vì thở được khí trời, nhìn thấy mọi quang cảnh cũ mới, nơi mình sinh ra và lớn lên, nhìn thấy con sông, làng mạc, đồng ruộng của An Định tưởng như không bao giờ rờ chạm được nữa. Bao nhiêu bôn ba, trôi nổi, cuối đời, được sống như vậy kể cũng ấm lòng.
Nhưng mối tương quan giữa con người, xã hội (cụ thể là cuộc cách mạng dối trá), giữa hành động và tư tưởng luôn là mối tương quan biện chứng, để phủ triệt nhau, từ mớ lý thuyết hổ lốn đang trên đà thắng thế. Cái “xoáy trôn ốc” khốn nạn kia không chỉ “xoáy” có mình ông, mà còn “xoáy” cho cả đứa con gái ông, cô Thảnh, một đời luôn gầm nghiến vì sự nghiệp cách mạng, đến nỗi cô quên cả bản thân: “Bất giác cô đưa tay sờ lên ngực mình. Nó như một miếng da thừa càng làm cho cô thêm cay đắng, nhất là với một người đã gần 70 mà vẫn chưa biết đến một người đàn ông nào trong đời. Không hiểu sao hồi đó cô cay nghiệt đến như vậy. Chẳng những với mọi người mà còn với chính mình. Cô đã quên tất cả, chỉ biết hăng say theo đảng một cách ngu ngốc. Cô coi nhiệm vụ là trên hết, yêu đương là phản cách mạng”. Vậy, nhưng giờ đây, cô lại gào lên: “... ‘tao mà phản đảng à? Tao mà phản đảng thì thằng chó nào trung thành?’ Rồi cô ngồi bật dậy, quay mặt nhìn cha, lại gào lên: ‘tụi nó bảo con phản đảng, con bị đánh tơi tả nhưng có khai gì đâu mà nó vu oan như thế. Con mà phản thì cả tỉnh ủy, huyện ủy bị bắt và giết hết rồi, có đâu nghênh ngang lên mặt kỷ luật đảng để chụp lên đầu con cái mũ khốn nạn như thế’.”
Vị trí của những kẻ trung thành tuyệt đối với cách mạng, giờ này là: “Cô bị bố trí công tác sinh đẻ có kế hoạch, tức là đi phát bao cao su và chỉ cách tròng cái bao lên cái của nợ đó trong khi cô chưa biết nó nằm xuôi hay nằm ngược trong háng. Như thế có nhục không!”
Trong những năm tháng đầu tiên thống nhất, xây dựng chính quyền nhân dân, quyền lực và thanh trừng nội bộ luôn diễn ra, thực chất là tranh giành địa vị, là quyền lợi cá nhân được đặt lên hàng đầu, lên trên sự trong sáng của mớ từ ngữ “cách mạng nhân dân” được rao giảng hàng ngày. Lý tưởng vĩ đại, bỗng chốc bị người anh em đồng chí nắn bóp mỗi khi cờ đến tay, và nó trở thành cây gậy, sợi dây giáng xuống, trói chặt những người anh em không có “đồng minh” phe nhóm.
Cụ Chánh thì đã trải nghiệm quá nhiều trong cuộc cách mạng này, không phải là niềm hân hoan, hạnh phúc mà hơn thế, là những dằn vặt, đày đoạ, những hắt hủi đến cô đơn cùng cực, nên anh cố nông cách mạng Chín Gối cuối cùng cũng chỉ rút ra được bài học cá nhân “còn sống là may”, rồi cụ đem bài học kinh nghiệm cả đời khuyên con gái: “‘Thôi im đi, im đi,’ cụ dỗ dành, ‘có gào đến ra máu cũng chẳng ai thèm nghe đâu. Con không biết rằng cha cũng đã từng bị nghi ngờ là giấu vàng của cách mạng sao. Đó là những cái cớ để hất mình đi chỗ khác vậy thôi’.”
Cả hai cha con, người bị xỏ mũi, kẻ thì một lòng một dạ, giờ đây sống dựa vào nhau, sống “chập chờn với hình bóng cũ”. Nay, cụ Chánh không còn là anh Chín Gối, không là kẻ ngồi vểnh râu bên bàn rượu mơ tưởng sự giàu sang hay anh công nhân đi hốt phân bò trên rừng Tây Bắc nữa. Cụ đã già, già lắm rồi. Cô Thảnh cũng già, không còn ai nhớ đến hai người, vì thời gian thì không trở lại để mừng, để uất, để gầm nghiến... Nhưng cuối đời, cụ còn có cái may mắn được thằng cháu đích tôn, nay là Bộ trưởng còn nhớ đến cụ, về làng thăm cụ. Ông Bộ trưởng về làng, kéo theo cả tỉnh cả huyện chợt nhớ đến cụ, rồi xum xoe, rồng rắn theo chân về làng thăm cụ lão tiền bối. Không khí bỗng sôi lên như những ngày đầu khởi nghĩa. Cụ cảm động thực sự với đứa cháu, giọt máu cuối cùng của gia đình, khiến cho “một giọt nước mắt đục như nước vo gạo bất ngờ nhỏ xuống”.
Giọt nước mắt này, có thể xem là chuyển cảnh cho màn cuối cùng trong vở kịch được (lịch sử) dày công dàn dựng từ năm 1945 đến đầu những năm 2000... Một ông già bị cố tình bỏ quên, nay bỗng sáng choang như chiếc lư đồng được phủi bụi, đánh bóng lại. Cụ sáng chói và rực rỡ, được các cấp nhớ đến như một người cách mạng tiên phong, làm vinh dự cho cả làng, xã, huyện, tỉnh. Cái bóng của ông cháu Bộ trưởng như có phép màu thò tay vực cụ lên. Không còn ai dám nghĩ đến anh Chín Gối, lão Chánh nhạc co ro trên núi rừng Tây Bắc chôn xác chết, hốt phân bò nữa, mà là cụ tiền bối, cụ lão thành cách mạng, là niềm vinh hạnh cho cả làng cả tỉnh.
Một ông già gần đất xa trời được dựng dậy để báo công, tuyên dương, mừng thọ. Qua ông lão ham mê đờn cò, đánh bài chòi này, hẳn tỉnh sở tại sẽ được Trên chiếu cố. Và, muốn được thế trước hết con cháu cách mạng lớp sau phải hết lòng chăm sóc đến sức khoẻ cụ, vì cụ chỉ còn thoi thóp. Họ nháo nhào bàn bạc kế sách trì kéo sự sống của anh Chín Gối thời xuân xanh nay chỉ còn cách ba thước đất có một gang tay.
Khốn nạn cho sự quan tâm, lo lắng này, không hơn kém một cuộc đổi chác mua bán một cách ồn ào. Và cụ trở thành món đồ vật rất hời cho địa phương: “Tỉnh ủy đã ra nghị quyết là với bất cứ giá nào cũng phải giữ cho được cái mạng sống của cụ cho đến cái ngày trọng đại đó. Đây không chỉ là ngày báo hiếu vẻ vang của gia đình ngài bộ trưởng mà còn là ngày làm sống lại cuộc cách mạng của cả tỉnh”.
Các cán bộ làm y học đông tây được điệu tới. Họ “hội chẩn” nhưng không kê được toa. Cuối cùng chỉ có lão phù thuỷ phó Ba, bạn Chánh nhạc thuở cởi truồng, thuở còn chõ mồn hô “lồn lồn, cặc cặc” với những con bài Bạch Huê, Ngọc Đượng trong hội đánh bài chòi, mới sáng trí bày cho phương thuốc dân gian để cứu bạn, cứu người có công cách mạng: “Lão gắt: ‘là bú chớ sao, chỉ có mỗi một việc bú mà cũng không biết, vậy mà đòi làm cách mạng.’ ‘Nhưng bú gì nào?’ ‘Thì bú vú chứ chẳng lẽ bú c...!’.”
Kể ra, cái mà cách mạng đang chống đang phá, tức triệt tận gốc rễ đền chùa miếu mạo, thói mê tín dị đoan giờ đây lại tỏ ra rất hiệu nghiệm khi tất cả đành nghe theo “phương thuốc” của phó Ba. Người hồi sinh cho cụ Chánh, không phải nền y học tiên tiến cách mạng mà từ bầu vú của con bé (không chồng, có con), con ông bí thư xã Khấu Thẹo (nay bị hất cẳng về chăn vịt). Nó chịu làm cái việc “khó coi” đó vì sẽ được sở hữu chiếc xe Honda mà nó hằng mơ ước, được trao đổi từ phía chính quyền: “Chị kê thêm gối nâng đầu cụ lên. Con nhỏ sẽ đứng dạng chân phía trên đầu cụ, thòng ngực xuống, thế là có thể cho cụ “ăn”... Và, nó đành làm cái việc lạ lùng khó coi đó, trong khi sữa chảy vào miệng cụ thì nước mắt cũng nhỏ xuống tong tong. Nó là đứa chưa biết nghĩ ngợi xa xôi, nhưng cũng cảm thấy xấu hổ cực nhục”.
Dòng sữa con Khấu Thẹo giúp cụ hồi sinh và bỗng dưng bản năng gốc trong cụ nổi dậy mạnh mẽ. Nó trỗi lên như mầm cây bị kẹp quá lâu ngày dưới mặt đất khô nứt nay gặp cơn mưa rào. Nó trỗi dậy từ bản năng giống đực, phừng phừng như ngọn lửa cháy ngùn ngụt. Ban đầu chỉ là cái mầm nhỏ mới nhú, với bà tiến sĩ đông y: “Vì ta chán hai tiếng đồng chí lắm rồi. Lúc nào cũng đồng chí, đồng chí! / Làm cách mạng mà. / Ta cũng chán cách mạng! / Đồng chí... à. anh thích gì nữa? / Thích hun! / Nữ tiến sĩ bực bội đứng dậy. Theo cô thì lão già này sắp điên, nếu không thì cũng mắc chứng cuồng dâm trong tư tưởng. Nhưng chợt nhớ ra đây là cụ nội của ngài bộ trưởng, nên cô vội vàng cúi xuống hôn phớt lên trán cụ, thỏ thẻ một cách nũng nịu: chào anh, em về!”. Và sau đó là với con Khấu Thẹo: “Nó chưa hiểu mừng tuổi là thế nào, thì cụ đã gác một chân qua mình nó. / Rồi cụ cố sức chồm lên. / Hơi thở cụ phều phào. / Nhưng như một trái cây chín rục, cụ bỗng rơi xuống. / Một nửa trên người nó. Một nửa trên giường. / Nó nghe cụ thở hắt ra. Một bàn chân rung rung rồi lặng im. / Nó lật ngửa cụ. Mắt cụ mở nhưng tròng mắt không động đậy.” Nếu như hành vi bày tỏ với bà tiến sĩ là khởi đầu của sự phản kháng có ý thức để bảo vệ cái gốc của bản thân có chút cười cợt, chế giễu về nhân thân được kẻ khác gắn vào, thì, với con Khấu Thẹo lại là sự kích thích từ bầu vú và dòng sữa làm sống lại chức năng giống đực bị vùi sâu kể từ khi cụ bị “đày” lên Tây Bắc! Đó cũng là khả năng bất biến của loài động vật cấp cao? Chỉ tội nghiệp cho cô Thảnh, đến tuổi 70, cô vẫn không có khả năng nhận biết, chỉ vì “cách mạng” đã choáng hết cả cuộc đời cô: “Khi đem áo quần đi đốt, dưới ánh lửa cô thấy ở đáy quần của cụ có một vết nhầy nhầy. Cô chẳng hiểu là nước gì, không phải trà, cũng không phải sữa”.
Chính cái “vết nhầy nhầy” mới thực sự khép lại cuộc đời đầy những biến cố xô đẩy cụ Chánh đi từ những cực đoan này đến cực đoan khác một cách riết róng. Với cụ, những giây phút cuối cùng này là một kết thúc đẹp cho cụ, khi đã bỏ lại phía sau tất cả những nhục nhằn trói buộc, những đau đớn ê chề. Nhưng cách mạng không muốn vậy, con cái ông không muốn vậy. Cụ phải được kết thúc đúng theo kịch bản đã dựng trước, từ mớ lý thuyết hổ lốn, hoang tưởng của bầy-người-không-người: “Cụ lại được mang tất, đi giày, đeo găng tay trắng. Và để che đôi mắt đã khép lại vĩnh viễn, cụ được gắn thêm một chiếc kính đen. Nếu không sợ bị chê là bất kính, có thể nói trông cụ giống như một ông thầy bói. / Cụ được đặt trên xe lăn. Để khỏi ngã, cô đã kín đáo luồn dây cột cụ vào xe”.
Cái xác bất động của cụ Chánh được đẩy ra hội trường để mọi người chúc tụng, tung hê bằng những từ ngữ hoa mỹ nhất, những phong bao dày cộp. Nhưng cụ nào có nghe có thấy. Người nghe thấy là cô Thảnh và bà dâu mẹ ông Bộ trưởng. Họ dằn vọc cụ đến tận cùng của sự dã man, mất cả tính người. Cả bầy sói đói lâu năm đã bâu vào cấu xé xác chết khô đét để thoả mãn bộ óc và bao tử đầy thú tính: “Thôi được, ngu thì ráng chịu. Bà ngúng nguẩy bước tới thùng đựng tiền. Cứ coi như cái xác đó là phần của cô. Cái này là phần tôi. Bà vừa nói vừa chồm tới ôm thùng tiền, đi ra xe như chạy”.
Duy nhất chỉ có con nhỏ con Khấu Thẹo, kẻ bị gạt tình, một đứa con gái ngây thơ, chơn chất là còn giữ trong người trái tim nhân hậu, chứa chan tình đồng loại: “Con nhỏ con Khấu Thẹo vừa đi vừa khóc sụt sịt. Dẫu sao nó cũng đã áp đầu cụ vào ngực mình để cho cụ “ăn” và nhờ dòng sữa tinh khiết không tội lỗi của nó, cụ đã sống tỉnh táo đến cái phút giờ bỗng dưng mê muội một cách kỳ lạ đó”.
Truyện khép lại ở những đoạn cuối cùng đầy tính nhân văn, khiến người đọc khi đọc xong, có cảm giác như được chiếu dọi lại ba nhân vật đặc biệt, tiêu biểu cho thời kỳ “xấc xược” nhất: Với nhân vật Chánh nhạc, lão tiền bối, dưới ngòi bút Khuất Đẩu, nó vừa mỉa mai vừa bóc trần cái cốt cách “ cách mạng” không chỉ có mình cụ mà còn là hình tượng khờ khạo của các nhà “cách mạng” cộng sản Việt Nam. Với bà con dâu, qua những hành vi và ngôn ngữ lại là sự gút thắt của đám người (cả con cháu) bạc ác và trâng tráo của những kẻ coi trọng tiền của, tiêu biểu cho bản chất của đám tư bản đỏ hiện nay. Riêng con bé con Khấu Thẹo, đứa đã cho ông lão tiền bối “ăn”, là hình ảnh trong sáng và tội nghiệp nhất, đáng thương nhất. Đó cũng là hình ảnh của người dân quê Việt Nam vẫn đang bị bọn cầm quyền cấu kết với tư bản đỏ bóp nặn đến tận giọt sữa cuối cùng.
Có thể nói Lão tiền bối là một khu rừng hoang đang ngủ yên. Nay Khuất Đẩu xới tung lên, lật từng tảng đá, từng gốc cây mục ruỗng để người đọc kịp nhìn lại sự thật hiển nhiên: nhớp nhếch trái nghịch với mớ từ ngữ liên tục phun phèo phèo những cánh hoa tàn úa đầy rẫy ký sinh trùng.
Nguyễn Lệ Uyên
(New Zealand, tháng 8.2011)
.
.
.
No comments:
Post a Comment