Ngô Nhân Dụng
Tuesday, September 06, 2011 7:03:26 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=136702&z=7
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=136702&z=7
Năm nay tình cờ tôi có cơ hội đi xem cuộc diễn hành nhân ngày lễ Lao Ðộng, mùng 5 tháng 9 tại một thành phố dưới 100,000 dân, trong tiểu bang Iowa thuộc miền Trung Tây nước Mỹ.
Ở đây họ tự coi nằm giữa trái tim của cả nước. Những năm có tranh cử tổng thống, báo chí lại kéo đến theo dõi coi kết quả những cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa. Không phải chỉ vì ở đây tổ chức bỏ phiếu sớm nhất; nhưng còn vì dân tình tiểu bang này thường tiêu biểu cho cả nước; khi đại đa số ủng hộ ứng cử viên nào thì người đó rất có hy vọng sẽ làm tổng thống!
Người Mỹ ở vùng Trung Tây thường tự coi họ là “dân Mỹ thứ thật”. Vì họ vẫn gìn giữ những nếp sống và giá trị cổ truyền của cha ông họ, những người gốc Ðức, Pháp, Ái Nhĩ Lan, Anh, Thụy Ðiển, vân vân, lập nghiệp ở đây từ hai ba thế kỷ. Ðời sống của họ không bị ảnh hưởng của những trào lưu văn hóa mà các di dân mới đem tới; phe mới phần lớn quy tụ tại hai vùng bờ biển phía Ðông và phía Tây lục địa Bắc Mỹ.
Diễn hành những cái gì trong ngày lễ Lao Ðộng? Dân Canada và Mỹ chọn này Thứ Hai đầu tiên trong tháng 9 để “vinh danh người lao động”. Lễ Lao Ðộng lớn đầu tiên được Công Ðoàn Trung Ương (Central Labor Union) ở New York tổ chức vào ngày 5 tháng 9 năm 1882. Họ bắt chước những ngày Lao Ðộng đã diễn ra trước đó ở Toronto, Canada. Năm 1894 thì ngày Lao Ðộng được chính phủ liên bang Mỹ chính thức công nhận, Quốc Hội đưa vào một đạo luật. Họ chọn một ngày đầu tháng 9 một phần cũng vì người Mỹ không muốn nó trùng với ngày Lao Ðộng Quốc Tế mùng 1 tháng 5 như các nước khác.
Nhưng trong cuộc diễn hành ngày lễ Lao Ðộng 5 tháng 9 năm nay ở thành phố Dubuque, nằm trên bờ sông Mississippi giữa ba tiểu bang Wisconsin, Iowa và Illinois, tôi không thấy một cuộc biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân, như thường vẫn thấy ở các nước khác. Chắc chắn không đem biểu diễn các loại vũ khí, không phải là một này duyệt binh. Không có các quan chức đứng quan sát trên khán đài mà chỉ thấy người dân bắc ghế ngồi trên lề đường coi như coi xiệc! Ðây chỉ là một cuộc diễn của các công dân, một hoạt động dành cho xã hội công dân, nhà nước hoàn toàn đứng ngoài lo giúp giữ trật tự. Có mấy chiếc xe cảnh sát đậu ở vài góc đường, nhưng hình như không phải làm việc gì cả. Những người lao động, đáng lẽ đóng vai trò chính, lại chỉ là thiểu số trong cuộc diễn hành: Các công nhân trong các công đoàn lớn: Teamsters, AFL-CIO, đại diện bởi những nghiệp đoàn địa phương: Nghiệp đoàn công nhân kim loại, công nhân xe hơi, công nhân thuộc những công ty lớn cung cấp việc làm cho nhiều thế hệ trong vùng này, như Johns Deere, chế tạo các dụng cụ xây cất, nông cụ, máy móc lớn. Mấy chiếc máy gặt đeo tấm biển viết: “83 tuổi! Vẫn làm việc!” Vừa giới thiệu cái máy cũ bền bỉ, vừa giới thiệu ông cụ ngồi lái chiếc máy! Có nghiệp đoàn thợ mộc. Có các chủ nông trại tự làm lấy. Công ty IBM mới đến mở một trụ sở trong vùng, đem theo hàng ngàn kỹ sư, nhưng chắc họ không lập nghiệp đoàn lao động nên vắng mặt. IBM tới đây đã làm cho số người gốc Ấn Ðộ và gốc Trung Hoa tăng lên hàng chục lần! Một quán ăn đặc sản Ấn Ðộ mới mở cửa năm nay.
Ðối với nhiều người lao động, cuộc diễn hành cũng là một dịp cho gia đình sum họp vui chơi. Không ai hô những khẩu hiệu đấu tranh giai cấp. Cũng không thấy đòi tăng lương, giảm giờ làm việc, hay tăng số lần được đi vào phòng vệ sinh mỗi ngày, như nhu cầu của nhiều công nhân ở Việt Nam. Mấy ông tài xế Teamster lái những chiếc xe tải dài ngoẵng đi từ từ, mỗi ông ôm trên lòng những em bé năm sáu tuổi, có thể là con họ, hoặc đa số là các cháu nội, cháu ngoại. Mấy đứa trẻ hãnh diện vẫy tay chào những người đứng bên đường, lâu lâu lại nhấn còi, xen lẫn với tiếng nhạc khiến cuộc diễn hành rất ồn ào.
Nhưng giới công nhân chỉ là thiểu số. Ban nhạc của các trường trung học nổi bật lên! Các cô cậu học sinh có dịp mặc đồng phục đi biểu diễn ngoài đường, có ban nhạc dài đến trăm người, đánh trống, thổi kèn, chân bước đều, đầu nghểnh lên, điệu bộ rất nghiêm trọng. Trong một ban nhạc, có một nữ nhạc sĩ phải ngồi xe lăn, ôm chiếc kèn; cô được đồng bạn giúp đẩy xe đi, cũng tham dự cuộc diễn hành. Có Hội Phụ Nữ Cử Tri, đi cổ động đàn bà con gái tham gia việc bỏ phiếu. Một bà cụ tóc bạc phơ, chắc phải trên 90 tuổi, ngồi gọn trong một chiếc ghế bành đặt trên chiếc xe tải bỏ trống. Cụ ôm một tấm biển viết: Hãy đi bỏ phiếu (Vote!). Có cả những hội từ thiện diễn hành chung. Có Hội Cha Mẹ Nuôi. Ðông nhất là đoàn Hướng Ðạo, nam và nữ, mang theo một lá cờ Mỹ rộng gần ngập con đường, do mấy chục em khiêng đi. Lại có Hội Thanh Niên Nam Nữ khác. Có cả hội cựu quân nhân, mang theo biểu ngữ kêu gọi đừng ai quên các tù binh và lính mất tích (POW-MIA). Và hai đảng chính trị lớn đều có mặt, Cộng Hòa và Dân Chủ. Mỗi đảng đi qua nơi có nhiều người ủng hộ lại được họ vỗ tay ào ào; các ông bà dân cử kêu tên những người quen hai bên đường, chào hỏi nhau. Tea Party cũng đi phát truyền đơn. Có những ứng cử viên Quốc Hội, ứng cử viên hội đồng thành phố, ứng cử viên vào ủy ban giáo dục, đi phát giấy cổ động. Và tất nhiên, rất nhiều xí nghiệp cũng đưa công nhân của mình đi diễn hành ngày lễ Lao Ðộng, nhân dịp này quảng cáo cho mình: Lau cửa sổ, 50 năm kinh nghiệm (ba chiếc xe)! Câu xe và Sửa xe, 24 giờ! Thông khói, Sửa máy Sưởi, Máy Lạnh (5 chiếc xe van)!
Tức là cả xã hội công dân trong thành phố nhỏ này đều nhân ngày Lao Ðộng đều có mặt để tự giới thiệu mình. Chưa tới trưa thì cuộc diễn hành chấm dứt. Mỗi năm người ta tổ chức ít nhất hai cuộc trình diễn như vậy, lần trước là vào lễ Tưởng Niệm. Trong ngày đó, vẫn các hội hè, các đảng phái chính trị, các trường học, các doanh nghiệp và đoàn thể nam phụ lão ấu đều có mặt; nhưng chắc chắn là các cựu quân nhân tới diễn hành đông đảo hơn. Khi các quân nhân già nua, ngực đeo huân chương đi qua, nhiều người ngồi bên đường đứng dậy để tỏ lòng kính trọng. Ở các thành phố lớn miền Ðông hay phía Tây nước Mỹ người ta không có thói quen đó.
Ðời sống trong vùng Trung Tây theo một nền nếp rất xưa, và họ vẫn bảo vệ. Dubuque có tới 4 trường đại học; nhưng nếp sống ở đây cũng bình lặng, như một thị trấn nhỏ ở miền Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Người dân sống hướng nội, cả về đạo đức lẫn chính trị. Bản tin lớn nhất trên tờ nhật báo không phải là chuyện quân nổi dậy đang chiến thắng ở Lybia hay tin thị trường chứng khoán thế giới tụt giảm vì tình trạng công việc làm ở nước Mỹ không khả quan. Chính trị, là chính trị địa phương, như một câu nói nổi tiếng vẫn nhắc nhở.
Một bản tin có lẽ tiêu biểu cho tinh thần người địa phương, là chuyện gia đình Bob Tannreuther ở làng Waterloo, cả khu vườn trồng cây phong nhà này bị bão tàn phá vào bữa Thứ Sáu. Cây cối gẫy đổ, cành gục xuống, nằm ngổn ngang! Sau cơn bão, bà chủ nhà được xe cấp cứu chở đi nhà thương, tuy không phải vì bão gây ra. Anh chủ nhà kể rằng chính bà nội anh đã trồng những cây phong cổ thụ này từ 140 năm trước đây, tức là trong thời Tổng Thống Ulysses Grant, khoảng 5, 6 năm sau khi Tổng Thống Abrahams Lincoln bị ám sát! Bây giờ anh phải vừa lo trông nom vợ bệnh nặng, vừa lo dọn dẹp đống cây đổ, trước mùa tuyết! Ðúng ngày lễ Lao Ðộng, bỗng có 70 người mang cưa, dìu, cuốc, xẻng, xe chuyên chở, đến nhà anh Bob. Hàng xóm và những người trong cùng một họ đạo đã gọi nhau, không ai nói cho anh biết trước. Trong một buổi họ dọn dẹp sạch đống cành, cây đổ, để lại cho gia đình Tannreuther mấy đống gỗ để làm củi sưởi Mùa Ðông sang năm!
Ðó là cách những người dân miền quê ăn ở với nhau, từ bao nhiêu đời nay rồi. Nếu ở đây lâu tôi e rằng khi trở lại quận Cam sẽ phải tập lại những thói quen đã mất. Như khi ra khỏi nhà nhớ khóa cửa, khi đậu xe cũng phải khóa, trước khi đổ xăng phải trả tiền, vân vân. Nếu bảo người dân ở đây tánh hiền lành, thật thà chất phác, giống như đồng bào Việt mình ở Cù Lao Ông Chưởng hay ở Ðảo Thổ Châu, chắc cũng đúng. Họ không khôn ngoan ranh mãnh như dân thành thị. Hãy coi cách người ta đối phó với cảnh sát khi bị phạt xe vì chạy quá tốc độ. Họ không biết hối lộ, như ở Việt Nam, cho nên tìm cách chối tội! Vào lúc 4 giờ sáng ngày Thứ Bẩy vừa rồi trên công lộ 218, cảnh sát nháy đèn gọi một chiếc xe chạy quá nhanh. Khi nhân viên nhà nước đến bên cạnh chiếc xe đã ngừng, thì thấy ghế tài xế hoàn toàn trống trơn. Xe không có người lái, chỉ có 2 “hành khách” ngồi ở ghế trước và sau xe. Hai người này khai: Tài xế nó sợ quá, nó chạy trốn rồi! Ông Sê Ríp bèn làm thám tử mở cuộc điều tra tại chỗ. Nhìn thấy ngay cái anh hành khách ngồi ghế sau có hai cái chân mà lại chỉ đi có mỗi một chiếc dép xăng đan. Còn chiếc xăng đan kia đâu? Nó lại nằm ở trước cái ghế tài xế ngồi, bên cạnh chỗ pê đan đạp, khi đem so thì thấy đúng là một đôi xăng đan! Anh Esteban Flores, 29 tuổi, bị biên phạt vì lái xe sau khi uống khá nhiều rượu! Ở đây báo chí không được phép cho biết người phạm luật thuộc sắc dân nào, nhưng quý vị có thể đoán được!
Ở cái xứ người ta sống rất chân chất và bảo thủ này, thế nào cũng có những người còn kỳ thị chủng tộc. Một bản tin đáng chú ý là chuyện có kẻ đột nhập nhà một gia đình người Mỹ “gốc Phi Châu” ở ngoại ô thành phố Dubuque vào lúc 6 giờ sáng trong khi mọi người trong nhà còn ngủ. Kẻ gian đốt cái bếp suýt làm cháy nhà, sau khi đã viết mấy câu có giọng kỳ thị màu da trên bức tường ngoài căn nhà! Cảnh sát và lính cứu hỏa đã tới ngay. Rồi nhân viên FBI đặc trách về các tội gây thù hận (Hate Crime unit) cũng tới. Hàng xóm là người da trắng, tỏ ra rất phẫn nộ. Một ông ở bên cạnh nhà đã 5 năm nay, nói với nhà báo: Chúng nó đừng hòng làm cho bà chủ nhà đó sợ! Bà ấy rất can đảm. Chúng ta phải làm cho ra nhẽ cái hành động nhơ bẩn này! Cảnh sát đã đặt 1,000 đô la làm tiền thưởng cho ai tố cáo thủ phạm!
Rồi những biến cố đó cũng qua đi. Báo chí lại loan các tin tầm thường như tai nạn xe cộ, tin ăn trộm vặt, lái xe làm đổ cột đèn khiến trường học đóng cửa vì mất điện, vân vân. Sau ngày lễ Lao Ðộng, mọi người lại... đi cày trở lại. Trẻ em lại đi học. Trong một thành phố nhỏ như ở tỉnh lị, cuộc sống không có nhiều màn hấp dẫn. Nhưng chính những người dân tầm thường ở các thị xã, làng mạc bình lặng này sẽ quyết định ai là những người cai trị nước Mỹ. Cứ hai năm, bốn năm họ lại đi bỏ phiếu một lần. Nhưng trong khoảng thời gian giữa các cuộc bầu cử, họ vẫn tham dự vào đời sống tập thể qua các tổ chức tư nhân tự nguyện: Hội Các Nữ Cử Tri; Tea Party; Công đoàn Thợ Xe Hơi; Hội Nông Trại Nhỏ, Nghiệp Ðoàn Thợ Mộc; Hội Thiện Công Giáo, Hội Thiện Tin Lành, Trung Tâm Hồi Giáo Ba Tiểu Bang; Hướng Ðạo, Hội Nam Nữ Thanh Niên; và hàng trăm tổ chức độc lập khác. Chính sinh hoạt của xã hội công dân này là nền tảng của chính trị tự do dân chủ ở nước Mỹ. Nó biểu hiện tinh thần tham dự của người dân vào cuộc sống công cộng. Nếu không có tinh thần này thì không có xã hội dân chủ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment