Sunday, September 11, 2011

KHỦNG BỐ 911 & VIỄN ẢNH THẾ CHIẾN IV [1/2] - Minh Võ


10-09-2011

Chuyện tầy trời xảy ra ngày 11 tháng 9, 2001 (người Mỹ thường viết ngược: tháng 9 ngày 11 = 9.11; xin phép gọi tắt là 911) giống như chuyện phong thần kiếm hiệp hay khoa học giả tưởng. Cứ như là ảo thuật. Nhà ảo thuật trứ danh Mỹ David Copperfield với tài xuất quỷ nhập thần có thể làm cho tượng nữ thần Tự Do của Mỹ biến mất trước con mắt khán giả. Hai nhà chọc trời cao nhất Nữu Ước (New York – DCVOnline) cũng bị nhà ảo thuật này làm cho bỗng dưng biến mất. Có điều cần lưu ý là sau đó, đâu lại hoàn đó. Nghĩa là rồi hai tòa nhà đó lại trở về nguyên vị trí cũ.

Còn chuyện khủng bố xảy ra ngày “911”, thì lại khác. Nghĩa là chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, hai tòa nhà Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới đã bị phá hủy hoàn toàn bình địa, mà nguyên việc thu dọn sắt thép và bê tông, gạch vụn cũng đòi phải cả năm mới hy vọng hoàn tất. Và không ai dám nghĩ là sẽ có thể xây lại được hai tòa nhà khác giống như thế ngay tại chỗ cũ.

Câu chuyện khủng bố kinh khủng cứ như ảo thuật này sẽ đưa nước Mỹ tới đâu? Diệt khủng bố để đem lại an bình, hay sa lầy vào một cuộc chiến rộng lớn ảnh hưởng tới cả thế giới?

Lược thuật diễn tiến sự việc

1. Đúng 8 giờ 45 phút sáng ngày 911 (xin cho phép gọi thế), chiếc máy bay Boeing 767 của hãng hàng không American Airlines, chuyến bay mang số 11, khởi hành từ phi trường quốc tế Logan ở Boston, MA, cất cánh lúc 7 giờ 59 phút, để đi Los Angeles, chở 81 hành khách, 2 phi công và 9 tiếp viên, đã bị tên Atta và 4 đồng phạm cướp lái đâm vào tầng thứ 79 của tòa nhà chọc trời phía Bắc. Tiếng nổ kinh hoàng do khoảng 90,000 lít xăng trong bụng phi cơ bốc cháy đã khiến hơn 600 nhân viên của một công ty thương mại lớn ở Nữu Ước (phải chăng là công ty Cantor Fitzgerald?) đang làm việc ở tầng lầu này hóa thành than chết liền tại chỗ (chỉ có ông giám đốc vì có chuyện phải ra ngoài nên thoát chết). Nổ, cháy và đổ vỡ đã gây thiệt mạng cho hàng ngàn người nữa tại 109 tầng khác. Cho đến 9 giờ 50 thì tòa nhà sụp đổ vì cốt thép không chịu nổi sức nóng do hỏa hoạn của 90,000 lít nhiên liệu phát nổ gây nên.

Cái khối khổng lồ hàng vạn tấn thép và bê tông ấy đè nặng trên một cái nền mấy chục ngàn thước vuông làm cho đất lún sâu xuống trên hai chục mét khiến những toa xe điện ngầm khởi hành từ một thành phố nào đó ở New Jersey vừa tới đúng đó bị nghiền nát, tất cả hành khách trên chuyến xe lửa chết tức khắc không toàn thây. Tôi có một người cháu có anh con trai ngoài đôi mươi (một trong số khoảng 50,000 nhân viên làm việc trong hai tòa nhà chọc trời) đáng lẽ cũng bị nạn trên chuyến xe điện ngầm đó. Nhưng nhờ trời khiến ngủ quên dậy trễ, không bắt kịp chuyến xe lửa nên đã thoát chết như một phép lạ!
2. Mười tám phút sau khi chiếc máy bay số bay 11 nói trên đâm vào tòa nhà 110 tầng phía Bắc, nghĩa là vào đúng 9 giờ 03, một chiếc Boeing 767 khác của hãng hàng không United Airlines, số chuyến bay 175, khởi hành lúc 8:14 từ phi trường Logan để đi L.A. chở 56 hành khách và 9 nhân viên phi hành đoàn đã bị tên Marwan al-Sshehhi và 4 đồng đảng cướp lái đâm vào tòa nhà chọc trời thứ hai (phía Nam) với tốc độ 414 dặm/giờ. Tòa nhà bốc cháy và sụp đổ bình địa vào lúc 10:29.

Đến 5:25 chiều cùng ngày thì tòa nhà 47 tầng, cao thứ 3, gần đấy cũng sụp đổ vì hỏa hoạn mặc dù không bị phi cơ tấn công. Tưởng cũng nên nhớ là Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Center), ngoài hai tòa nhà chọc trời “sinh đôi” nói trên còn có 5 tòa nhà khác thấp hơn ở kề cận đó, và tòa nhà cao thứ ba đã sụp đổ theo.

3. 9 giờ 43, không đầy một giờ sau khi tòa nhà chọc trời phía Bắc ở New York bị tấn công, thì một chiếc phi cơ Boeing 757 của American Airlines số bay 77, cất cánh từ phi trường Dulles gần thủ đô mang theo 58 hành khách và 11 nhân viên phi hành đoàn, đi L.A., bị tên Nawaff Alhazmi và 4 đồng đảng khác (trong số này có 2 tên đã từng sống ở San Diego như Alhazmi là Khalid al-Midhar, và Hani Hanjoor) chiếm, lao vào trụ sở bộ Quốc Phòng, phá hủy một trong năm cánh của tòa nhà Ngũ Giác Đài này (hay “Lầu Năm Góc” như Việt Cộng thường gọi). Trong số 20,000 quân nhân và nhân viên dân sự làm việc tại đây có ít nhất trên 100 người thiệt mạng, trong đó có cả một trung tướng. Nhưng ngay chiều hôm đó bộ trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld đã triệu tập phiên họp tại đây để tìm cách đối phó với mọi bất trắc trong tương lai.

4. 10:37 một chiếc máy bay Boeing 757 khác của hãng United Airlines, chuyến bay số 93, cất cánh từ Newark, N.J., để đi San Francisco bị rớt cách Pittsburgh, PA, khoảng 80 dặm về phía đông nam. Được biết 4 tên khủng bố trên chiếc máy bay này đã không đâm được vào mục tiêu (có lẽ là tòa Bạch Ốc) là nhờ có sự chống cự mãnh liệt của những hành khách cam đảm. Nhưng dù sao thì những vị anh hùng đó đã đều tử nạn với toàn thể mọi người trên máy bay. Được biết tên đầu sỏ trong số 4 tên cướp máy bay này là Ziad Jarrahi.

Có tất cả 19 tên khủng bố quyết tử trong 4 vụ cướp máy bay và phá hoại quan trọng này: 5 tên cho mỗi phi cơ, trừ chiếc cuối cùng chỉ có 4 tên. Ít tuần sau CIA phối hợp với các cơ quan an ninh và tình báo Âu Châu (đặc biệt là của Đức, Anh và Bỉ) đã biết thêm là có tất cả 30 tên đã được điều động vào vụ khủng bố quỷ khốc thần sầu này. Công cuộc truy lùng 11 tên còn sống đang tiếp diễn.

Các giới chức trong tổ chức hàng không toàn quốc cho biết vào lúc xảy ra vụ khủng bố nói trên, có khoảng từ 4,000 đến 4,500 chiếc máy bay đang bay trên không phận Hoa Kỳ và hàng trăm chiếc khác đang chờ lệnh cất cánh.

Thiệt hại sơ khởi

Về vật chất, 4 chiếc máy bay Boeing với 266 người chết tất cả trên đó. Ba tòa nhà cao tổng cộng 267 tầng bị phá hủy hoàn toàn. Một đoàn xe điện ngầm tan nát dưới móng hai tòa nhà nói trên. Một phần của Ngũ Giác Đài trong cảnh đổ nát.

Về nhân mạng, ngoài 266 người trên máy bay, tổng số người chết và mất tích tại New York và Wa D.C. được ước tính lên tới 7,000 (sau này được xác định lại là 2,977), không kể khoảng 3,000 người bị thương nặng đã được đưa đi điều trị tại các bệnh viện lân cận. Trong số nạn nhân phải kể đến khoảng hơn 300 lính cứu hỏa và cảnh sát đã hy sinh tính mạng để làm nhiệm vụ ở New York cũng như Wa D.C..

Về kinh tế, ngành hàng không bị nặng nhất. Nhiều chuyến bay quốc nội và quốc tế bị hủy bỏ trong nhiều ngày. Riêng phi trường Reagan sát thủ đô thì mãi tới đầu tháng 10 mới mở cửa lại. Số hành khách tự hủy bỏ chuyến bay đã mua vé, hay bỏ quyết định du lịch bằng đường hàng không làm cho số thu hoạch của ngành hàng không bị giảm đi từ 25 đến 30 phần trăm. Nhân viên hàng không, nhất là ngành an ninh phải làm việc thêm giờ, hành khách bị chờ đợi để kiểm soát an ninh cũng khiến số chuyến bay bị giảm sút. Đến cuối tháng 9 nhà chức trách FAA cho biết số hành khách mỗi ngày chỉ còn trên 600 ngàn so với một triệu vào năm ngoái. Tuy chính phủ đã trợ cấp 15 tỉ MK nhưng sợ rằng nhiều hãng có thể phải khai phá sản.

Từ ngành hàng không sự thiệt hại lây lan sang các ngành du lịch và giải trí… Những khách sạn nổi tiếng như Hotel Del Coronado ở San Diego, nơi cựu Tổng Thống Clinton thường lưu lại khi tới thành phố này đã phải giảm giá tới 50% (từ 500 MK còn 250 MK). Mà vẫn vắng khách. Mấy ngày sau vụ khủng bố, khách vào xem Sở Thú nổi tiếng nhất thế giới có lúc bỏ chạy tán loạn vì có tin kẻ khủng bố sắp tấn công. Sea World ở đây cũng bị nạn tương tự. Đó là chỉ nêu một vài nơi làm ví dụ.

Vì giá xăng tăng vọt, và vì tình hình an ninh bất ổn, người dân giảm bớt sự di chuyển và mua sắm khiến cho mọi ngành sản xuất cũng bị ảnh hưởng lây.

Đặc biệt là thị trường chứng khoán đã bị đóng cửa bốn ngày (lâu chưa từng thấy kể từ thế chiến II), và khi mở cửa lại, sau khi đồng ca bản “God Bless America”, thì thấy chỉ số giảm tới 500 điểm. Thị trường New York dĩ nhiên ảnh hưởng đến thị trường London và Tokyo và lan ra khắp thế giới. Nhưng giới tài phiệt Mỹ sẽ có cách chứng tỏ nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn vững và Hoa Kỳ vẫn xứng đáng là nước phồn thịnh nhất thế giới.

Về tâm lý, từ nay dân Mỹ cảm thấy vô cùng bất an. Không biết bọn khủng bố sẽ xuất hiện ở đâu, ra tay lúc nào đây? Liệu các cơ quan an ninh đã không biết gì về một vụ tầy trời hôm 911, có sẽ tinh ý hơn, cẩn trọng hơn để khám phá kịp thời hầu ngăn chặn các cuộc khủng bố tiếp theo không.

Họ nhớ lại cách đây 8 năm hai tòa nhà chọc trời này cũng đã từng bị đặt bom gây cho 6 người chết và một ngàn người bị thương (1993). Và rồi sau đó 2 năm, đến lượt cao ốc số một ở Oklahoma cũng bị đặt bom làm thiệt mạng 168 thường dân vô tội (1995). Nhìn lại, người dân thấy càng ngày bọn khủng bố càng tiến xa hơn và dùng tới những kỹ thuật tinh vi hơn. Như vậy tương lai sẽ ra sao? Liệu rồi chúng có dùng tới bom hạt nhân, hơi ngạt, vũ khí vi trùng không. Những hãng sản xuất mặt nạ chống hơi ngạt cho biết mấy ngày qua khách hàng đã ùn ùn đến mua mặt nạ đông gấp bội ngày thường.

Nghị sĩ Richard Shelby (Cộng Hòa, tiểu bang Ala-bama) đã đề nghị cách chức giám đốc CIA Tenet. Nhưng ngày 27, Tổng Thống Bush đã đến trụ sở CIA để cám ơn và khen ngợi nhân viên sở này đã không quản ngại khó nhọc, làm việc suốt ngày đêm, đêm ngủ lại tại sở, không về nhà với con cái… Đồng thời ông cũng xác nhận sự tín nhiệm của riêng ông đối với vị giám đốc gặp chuyện xui xẻo này. Đó là sự khôn ngoan tế nhị của vị lãnh đạo không muốn làm giao động tâm lý các nhân viên ngành an ninh trong lúc an ninh quốc gia đang cần họ hơn bao giờ hết.

Phản ứng của chính quyền và nhân dân Hoa Kỳ

Khi biến cố xảy ra thì Tổng Thống Bush đang ở Florida. Ông đã không về thẳng ngay thủ đô để quyết định các biện pháp đối phó, mà lại đi vòng sang Louisiana và Nebraska, để đánh lạc hướng quân khủng bố, vì sợ chiếc máy bay của ông cũng có thể là mục tiêu. Điều đó khiến một số người phê bình ông. Nhưng dù sao những lời tuyên bố và hành động của ông sau khi đã về tòa Bạch Ốc cũng đã khiến mọi người hài lòng và ca ngợi ông là vị lãnh tụ xứng đáng.

Sau một ngày bay mệt nhọc, ngay tối hôm đó ngồi tại phòng bầu dục ông đã tuyên bố sẽ “trừng trị những kẻ đứng đàng sau những hành động tàn ác đó”. Ông nói: “Chúng ta sẽ không phân biệt giữa những tên khủng bố đó với những kẻ chứa chấp dung túng chúng.” Và, “Những vụ tấn công khủng bố có thể làm lay đổ nền móng của những tòa nhà lớn nhất của chúng ta, nhưng không thể đụng tới được nền tảng của Nước Mỹ.”

Mấy hôm sau tổng thống đã đề nghị quốc hội chấp thuận một ngân khoản 43 tỉ Mỹ kim để giải quyết những khó khăn tài chính của những công ty lớn, và tăng cường an ninh chung, đồng thời ban hành lệnh gọi nhập ngũ 35,000 quân trừ bị.

Chẳng những chính phủ mà cả quốc hội lưỡng viện của lưỡng đảng đều tán thành và ủng hộ tổng thống trong quyết tâm tìm ra thủ phạm để trừng trị. Ít khi dân Mỹ thấy các nghị sĩ và dân biểu của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ nắm tay nhau đồng ca bài “God Bless America”. Một biểu hiện của lòng tin của dân Mỹ nơi Thượng Đế, như đồng Mỹ Kim minh thị tuyên xưng, hàng giờ hàng phút vẫn đập vào mắt người tiêu tiền.

Ít ngày sau đó cựu Phó Tổng Thống Gore đã tuyên bố tại một đại hội đảng Dân Chủ ở Iowa:

“George W. Bush là vị tổng tư lệnh của tôi. Tổ quốc lúc này đây đoàn kết hơn bất cứ lúc nào trong đời tôi, như tôi nhớ được.” Và: “Là công dân Mỹ, tất cả chúng ta đứng sau lưng tổng thống và nhắn với thế giới rằng chúng ta sẽ thắng cuộc chiến tranh chống khủng bố này.”

Có nhớ lại những ngày tranh cử gay go và số phiếu sít sao giữa Al Gore và George W. Bush, khiến phải đếm đi đếm lại nhiều lần, mới hiểu hết tầm quan trọng của lời nói và thái độ của ông Gore trong dịp này.

Ngay ngày hôm sau tổng thống đã cùng với Ngoại Trưởng Powell thay phiên nhau tiếp xúc với các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới để vận động cho một liên minh toàn cầu chống khủng bố.

Và ngày thứ năm 27 tháng 9 tổng thống đã đọc một bài diễn văn quan trọng khiến uy tín ông tăng vọt chưa từng thấy đối với một tổng thống Mỹ từ trước tới nay (những cuộc thăm dò dư luận cho biết hiện 90% dân Mỹ ủng hộ ông.) Trong bài diễn văn này ông phân biệt rõ bọn khủng bố với nhân dân Ả Rập và tín đồ Hồi Giáo. Ông “chính thức yêu cầu chính quyền Taliban, từng chứa chấp dung túng bọn khủng bố mà đứng đầu là Osama bin Laden và tổ chức al-Qaeda của y, 4 điều sau đây:

1. Hãy giao nạp ngay những kẻ cầm đầu tổ chức al-Qaeda hiện đang lẩn trốn tại quốc gia này.
2. Hãy trả tự do cho tất cả những nggười ngoại quốc, kể cả những người quốc tịch Mỹ mà họ đang giam giữ một cách bất hợp pháp….
3. Hãy đóng cửa ngay lập tức các trại huấn luyện khủng bố tại A Phú Hãn (Afghanistan) và giao ngay những tên khủng bố, từng tên một, và hệ thống yểm trợ của bọn chúng cho các giới chức hữu trách.
4. Hãy để Hoa Kỳ toàn quyền ra vào những khu trại huấn luyện khủng bố để chúng ta có thể bảo đảm là những trại này không còn hoạt động nữa.”


Các nhà lãnh đạo tinh thần trong nước thì tổ chức cầu nguyện, trước hết là cầu siêu cho linh hồn các nạn nhân, sau là cầu xin bình an cho xã hội và tổ quốc. Phần nhiều các bài giảng thuyết của giáo sĩ trong ngày chủ nhật sau đó đều nhắc đến sự nhân từ của Thượng Đế đã khẽ cảnh cáo con cái Người hãy bớt kiêu ngạo, bớt tự phụ là giầu mạnh nhất thế giới, cái gì cũng biết, cái gì cũng có thể làm. Và nhất là hãy bớt xa xỉ, phung phí, để chia sẻ những cái dư thừa, thậm chí cả những điều mình đang có một cách tạm đủ, cho những dân tộc khó nghèo, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Có vị không ngần ngại nói thẳng ra rằng sự giầu mạnh vô song của Hoa Kỳ và sự thờ ơ của đa số dân Mỹ trước cảnh đói khổ của nhiều dân tộc trên thế giới đã khơi dậy lòng đố kỵ ghen ghét, là mầm mống của những hành động khủng bố dã man, liều chết và không đếm xỉa gì đến những nạn nhân vô tội. Nhìn xem những bộ mặt sầu não của tín hữu đủ các tôn giáo tại giáo đường, thánh thất trong những ngày đó, người ta đã cảm nhận được ơn thiêng còn giành cho dân tộc có truyền thống tự do dân chủ này.
Cũng từ hôm ấy, cái ngày 911, khắp nơi người ta thấy mọc lên những bảng hiệu với những hàng chữ lớn: “God Bless America” và “United We Stand”. Trên nhiều đài truyền hình truyền thanh cũng thường nghe những câu đó.

Tại nhiều ngả đường những toán người tình nguyện đi quyên tiền cứu trợ nạn nhân. Họ cầm một chiếc giầy ống chìa cho khách bộ hành, leo lên các loại xe chuyên chở công cộng giơ ra cho hành khách quyên góp. Có nhiều người khi cầm tiền bỏ vào chiếc ủng đã khóc sướt mướt vì cảm thương những nạn nhân và thân nhân của họ.

Có một trường hợp được báo chí địa phương đưa lên trang nhất là hình ảnh hai chi em Leilani 11 tuổi và Lydia 10 tuổi đã vào vườn tình nguyện hái trái cây cho chủ vườn để lấy tiền công mua trái cây đem bán lại lấy thêm tiền lời quyên giúp các nạn nhân.

Điều khiến người Việt chúng ta phải suy nghĩ là những biện pháp an ninh mà chính phủ cho áp dụng đã khiến người dân phải chọn lựa giữa tự do và an ninh, giữa quyền sống riêng tư và sự an toàn của xã hội. Hầu hết đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh một chút tự do cá nhân vì sự an toàn, ngăn ngừa khủng bố. Tuy nhiên, lác đác trên mặt báo người ta cũng thấy có những ý kiến dè dặt đối với việc thay đổi một số luật lệ về an ninh và giới hạn quyền tự do cá nhân.

Một điều nữa còn đáng quan ngại hơn: Trong vài ngày đầu, phản ứng của một số cá nhân trong quần chúng và cả một vài giới chức trong ngành an ninh đã quá nóng giận gây nên những vụ tấn công vào những sắc dân Ả Rập và Hồi Giáo ngay tại Hoa Kỳ. Đã có tới 500 vụ như vậy, trong số đó một vài người bị tử vong! Cũng may là nhờ tổng thống sớm lên tiếng trấn an nên những vụ như vậy không còn tiếp diễn nữa.

Để tiến hành chiến tranh chống khủng bố, mà Tổng Thống Bush đã nói trước là sẽ lâu dài và đòi nhiều hy sinh của nhân dân Mỹ, quốc hội trong một ngày gần đây sẽ phải thông qua một số đạo luật nhằm tăng thêm quyền hành cho Hành Pháp và hạn chế một số tự do tối thiểu của người dân. Không phải như vậy có nghĩa là người dân sẽ phải chọn giữa tự do và an ninh. Nhưng muốn bảo đảm an ninh chung, mỗi người dân sẽ phải hy sinh một phần nào về tự do cá nhân và sự riêng tư của đời sống. Điều này chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, và sẽ cho thấy quyết tâm diệt khủng bố của chính phủ, quốc hội, và nhân dân Mỹ đạt đến mức độ nào. Nhưng dầu sao thì trong thực tế tự do bao giờ cũng phải trả một cái giá nào đó chứ không phải là sản phẩm biếu không, tặng miễn phí, như thành ngữ Mỹ vẫn nói: “Freedom is not free”. Mặc dầu ai cũng biết là Thượng Đế khi dựng nên con người đã tặng con người món quà miễn phí Tự Do.

Phản ứng của thế giới

Ngay sau khi được tin dữ, các vị quốc trưởng trên hầu khắp thế giới kể cả một số nước theo Hồi Giáo và những nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, đã gửi lời phân ưu với nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ, lên án bọn khủng bố. Khỏi nói những nước đồng minh thân hữu lâu đời như Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Canada v.v... đã tuyên bố sẵn sàng cùng với Hoa Kỳ quyết tâm tiêu diệt bọn khủng bố. Để khỏi phải nhắc lại quá nhiều lời tuyên bố của các vị đó, chúng tôi xin trích một đoạn vắn trong lời tuyên bố tiêu biểu của ông Kofi A. Annan, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là tổ chức bao gồm hầu hết các quốc gia trên thế giới:
“Bọn khủng bố khi tấn công Hoa Kỳ ngày 911 đã chỉ nhắm vào một nước, nhưng chúng đã làm tổn thương toàn thể thế giới. Rất hiếm khi, nếu không nói là chưa từng bao giờ, thế giới lại đoàn kết như vào cái ngày khủng khiếp ấy. Đây chính là một sự đoàn kết phát sinh từ kinh tởm, sợ hãi, xúc phạm, lăng nhục và thương cảm sâu xa với nhân dân Mỹ”.

“Tôi đã bày tỏ với Tổng Thống Bush và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sự liên đới chặt chẽ hoàn toàn của Liên Hiệp Quốc với nhân dân Hoa Kỳ trong cơn đau buồn của họ. Chưa đầy 48 tiếng đồng hồ sau vụ khủng bố, hội đồng Bảo An LHQ và Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã cùng tôi lên án các cuộc tấn công đó và đã biểu quyết ủng hộ những hành động chống lại những kẻ chủ mưu và các quốc gia trợ giúp chúng. Về sự đoàn kết nhất trí này, xin đừng có ai nghi ngờ.

“Và cũng đừng có ai đặt dấu hỏi về sự quyết tâm đấu tranh chống khủng bố khi còn cần phải chống. Câu trả lời toàn cầu hùng hồn nhất cho đến nay đối với những cuộc tấn công ở Nữu Ước và Hoa Thịnh Đốn chính là sự dấn thân, cam kết của các quốc gia thuộc mọi tín ngưỡng và trên mọi vùng đất để cương quyết hành động chống khủng bố.”
Có nhìn thấy những hình ảnh sống động và rất cảm động trên màn ảnh nhỏ trong mấy ngày liền sau vụ khủng bố 911, người ta mới hiểu được đầy đủ ý nghĩa của những lời sau cùng vừa nêu của tổng thư ký LHQ. Khán thính giả đài ABC hẳn còn nhớ những cảnh hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người (riêng ở Canada con số ghi được là 60,000) đã tụ tập nhau, thắp nến cầu nguyện, trong các giáo đường, thánh thất, đền thờ, những syna-gogues, những mosques… và ở công viên, trên đường phố… Đây là lúc nhân loại thấy cần đến bàn tay che chở của Trời Cao! Người ta cầu nguyện, không chỉ vì con số người chết nhiều quá, không phải chỉ vì cảm tình với nhân dân Hoa Kỳ. Người ta cầu nguyện vì thấy Ác Thần quá nguy hiểm, mạng sống của mình quá mong manh, và tự hỏi “Thượng Đế đi vắng tự bao giờ?”

Sau thái độ của Liên Hiệp Quốc là thái độ còn mạnh mẽ dứt khoát hơn nữa của tổ chức Bắc Đại Tây Dương (gọi tắt là NATO), mới tăng cường thêm các nước Đông Âu, sau khi khối Vác-xô-vi khai tử, nay đã lên tới con số 18 thành viên. Chẳng những các không phận, phi trường, hải cảng của các nước này sẽ dành cho Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến, mà Tổng Thư Ký George Robertson còn nói sẽ có các chiến hạm của tổ chức được phái tới vùng Đông Địa Trung Hải để sẵn sàng tiếp ứng. Theo cam kết của Hiệp Ước thì khi một nước bị tấn công coi như tất cả bị tấn công.

Nói chung, như vậy là đã rõ mọi người đều nhất trí phải chống khủng bố. Nhưng về cách thức chống khủng bố thì có nhiều khác biệt và dè dặt.

Không phải chỉ có Trung Cộng và Việt Nam Cộng Sản đòi phải trưng bằng chứng trước khi hành động, và không đồng ý phải làm chiến tranh toàn diện. Mà ngay Tổng Thống Putin của Nga, Tổng Thống Jacques Chirac của Pháp cũng không thấy cần dùng tới hai chữ chiến tranh. Nhiều nước trong khối Ả Rập, kể cả Ai Cập, cũng yêu cầu chỉ ra tay khi có bằng chứng.

Hơn nữa, cần ghi nhận rằng tuy nhà cầm quyền các quốc gia tuyên bố như thế, nhưng trong nội bộ mỗi quốc gia phản ứng cũng rất phức tạp. Hãy chỉ nêu vài ví dụ:

Ngay tại nước láng giềng phía nam Hoa Kỳ là Mễ Tây Cơ, khi bộ trưởng Ngoại Giao George Castaneda nhìn nhận là Hoa Kỳ có quyền đánh trả bọn khủng bố, thì một số nghị sĩ thiên tả đã lên án ông là cổ võ cho sự can thiệp vào nội bộ các nước và đòi cách chức ông. Không rõ những chính khách thiên tả này có chút lòng thương xót khoảng 500 người Mễ vô tội đồng bào của họ đã hy sinh oan uổng trong vụ khủng bố 911 hay không.

Tại các nước Ả Rập và Hồi Giáo thì phản ứng càng phức tạp hơn. Tỷ dụ Pakistan là nước đã giữ liên lạc ngoại giao với chính quyền Taliban của A Phú Hãn cho đến mấy ngày gần đây. Chính quyền của Tổng Thống (tướng) Pervez Musharaff thì ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ nhưng dân Hồi Giáo ở xứ này thì chia rẽ. Giáo sĩ Mufti Nizamuddin Shamzai, lãnh tụ một giáo phái rất có thế lực ở Karachi, là người trong ngày đầu đã lên án vụ khủng bố nhưng gần đây lại lên tiếng cực lực chống đối việc Mỹ có thể sẽ tấn công A Phú Hãn để tìm bắt Osama bin Laden. Tại đây hàng ngàn dân Hồi Giáo đã biểu tình chống Mỹ và chống chính phủ “thân Mỹ” Musharaff. Được sự ủng hộ của những nhóm cực đoan này, nhà cầm quyền Taliban ở A Phú Hãn càng thêm mạnh miệng.

Thái độ của dân Pakistan càng phức tạp hơn nữa. Tờ San Diego Union Tribune số ra ngày 24-9-01 có đăng hình một thanh niên Pakistan tên Muhammad, anh này nói anh ta yêu và coi Osama bin Laden như một anh hùng, dù rằng anh ta cũng yêu nước Mỹ nữa. Một thanh niên khác, con dòng họ Afridi tên là Amar Afridi, sinh viên luật, đã nói: “Mọi người đều thương cảm cho nước Mỹ, nhưng nếu người Mỹ giết nhiều người thì cảm tình đó sẽ thay đổi. Và nếu quốc dân thay đổi thì Tổng Thống Musharraff sẽ không kiểm soát được tâm trạng của đám đông.” Theo những người Pakistani này thì chướng ngại to lớn cho việc liên minh giữa Mỹ và các nước Hồi Giáo chính là cuộc xung đột giữa dân Ả Rập và Do Thái. Anh sinh viên trên nói tiếp, “Mỹ sẽ còn bị tấn công cho đến khi nào xung đột ở Trung Đông được giải quyết.”

Vì dân tình Pakistan phức tạp như vậy, nên mặc dù là nước kề sát bên A Phú Hãn (Afghanistan – DCVOnline) của nhóm Taliban đang dung dưỡng và che chở tên trùm khủng bố Osama bin Laden, và mặc dù chính quyền Pakistan hiện nay ủng hộ Hoa Kỳ triệt để trong vấn đề diệt khủng bố, mà Hoa Kỳ vẫn không dám dùng nước này làm căn cứ xuất phát cuộc trừng phạt Taliban. Một lý do quan trọng khác là vì quốc gia 140 triệu dân này lại có vũ khí hạch tâm. Chỉ vụng về đôi chút, sẽ làm cho tình hình xáo trộn, những nhà lãnh đạo hiện nay có thể bị lật đổ bởi những kẻ quá khích, và khi chúng có vũ khí nguyên tử trong tay thì hiểm họa sẽ không thể lường được.

Về phía Jordan, Quốc vương Abdullah tuyên bố: “Đa số người Ả Rập và tín đồ Hồi Giáo sẽ hợp đoàn với các đồng nghiệp của chúng ta trên khắp thế giới hầu chấm dứt cái tai nạn khủng bố khủng khiếp này.” Nhưng phần đông các nước Hồi Giáo vẫn dè dặt khuyên Mỹ đừng tấn công vào thường dân vô tội, và vẫn chưa sẵn sàng tích cực tham gia vào công cuộc săn lùng và tiêu diệt bọn al-Qaeda của Osama bin Laden.

Ả Rập Saudi cũng tuyên bố tích cực ủng hộ việc tiễu trừ khủng bố. Nhưng lại không muốn Hoa Kỳ dùng căn cứ của mình để từ đó tấn công các nước Hồi Giáo trong vùng. Các viên chức bộ ngoại giao Ả Rập Saudi cũng đặt câu hỏi: liệu Mỹ có tấn công Sudan và Iraq không? Vì hai nước này thường được Mỹ coi là những nước dung túng bọn khủng bố. Hôm 20-9-01 một giới chức bộ ngoại giao Ả Rập Saudi còn tuyên bố minh bạch là nước ông tuy là đồng minh chính yếu của Hoa Kỳ trong vùng, nhưng “sẽ không đồng ý, bất cứ với điều kiện nào, cho Mỹ đánh những quốc gia anh em như Syria, hoặc các nhóm chống sự chiếm đóng của Israel, như nhóm Hamas, Islamic Jihad và Hezbollah.” Ai cũng biết là những nhóm này đều nằm trong danh sách các nước hay tổ chức ủng hộ quân khủng bố của CIA Mỹ.

Hai quốc gia trong Liên Xô cũ, là Uzbekistan và Tajikistan có chung biên thùy với A Phú Hãn thì được Mỹ chú ý và mong muốn được hai nước này yểm trợ bằng cách cho sử dụng các căn cứ của họ. Nhưng lại chỉ mới có Tổng thống Nursultan Nazar-Bayev của nước Kazakstan (cũng thuộc Liên Xô cũ) là quốc gia ở rất xa A Phú Hãn tuyên bố sẵn sàng cho Mỹ sử dụng không phận nước ông, nếu Mỹ yêu cầu.

Còn chính tổng thống Liên Bang Nga Putin thì tuyên bố: “Chúng tôi đã phối hợp lập trường này với các đồng minh của chúng tôi trong số các quốc gia Trung Á. Họ đều chia sẻ lập trường này và không loại bỏ khả năng là có thể cho phép sử dụng phi trường của họ.” Thực ra Nga đang tích cực ủng hộ chính phủ đối lập với nhà cầm quyền Taliban ở Bắc A Phú Hãn, mà Putin cho rằng là chính phủ (tuy chỉ kiểm soát độ 5 % lãnh thổ A Phú Hãn) được nhiều nước trên thế giới công nhận. Nhưng thái độ của các nước trong khối Liên Xô cũ như vậy là vẫn chưa rõ rệt.

Tại Iran, Tổng Thống Mohamad Khatami có xu hướng cải cách và ôn hòa thì ủng hộ Mỹ; sau ngày 911, đã có 4,000 người tụ tập thắp nến canh thức và cầu nguyện cho các nạn nhân. Nhưng cuộc thắp nến canh thức này đã bị nhóm cực đoan đả phá kịch liệt. Còn lãnh tụ tối cao tinh thần là Ayatollah Ali Khamenei thì tuyên bố thẳng thừng sẽ không để Mỹ đụng đến các nước Hồi Giáo anh em, dù đó là A Phú Hãn của nhóm Taliban mà Iran vốn không thừa nhận. (Chẳng những không thừa nhận mà còn tích cực ủng hộ phe đối lập với Taliban, là “Liên Minh Phương Bắc”.)

Trái lại nước Hồi Giáo Sudan trước kia vẫn được CIA Mỹ liệt vào danh sách những nước dung túng và giúp đỡ bọn khủng bố lại có phản ứng trái ngược: Họ đã bắt giữ 30 người ngoại quốc bị nghi là có dính líu đến tổ chức khủng bố của bin Laden!

Nhân dân Palestine và Iraq đã biểu lộ sự vui mừng trong những ngày đầu khi vừa nghe tin hai tòa nhà cao nhất New York bị phá hủy. Nhưng chủ tịch Arafat đã nhanh chóng bày tỏ sự cảm thương đối với các nạn nhân, và khán giả truyền hình Mỹ đã thấy ngay trong mấy ngày đầu, hình ảnh vị lãnh tụ Palestine này giang tay ra cho nhân viên y tế lấy máu để tiếp cho những nạn nhân ở Mỹ.

(Còn tiếp)

Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

.
.
.

No comments: