Joshua Keating, Foreign Policy, 15/9/2011
http://wikileaks.foreignpolicy.com/posts/2011/09/15/whats_happening_to_those_named_wikileaks_sources
Hiếu Tân dịch’
Ngày đăng: 17.9.2011
Đầu tuần này, tôi đã viết về trường hợp hai viên tướng Zimbabwe có thể bị khép tội phản bội vì những lời bình luận về các cấp trên của họ trong một cuộc nói chuyện kín với đại sứ Hoa Kỳ, và tên của họ sau đó bị lộ ra trong đống mật điện WikiLeaks chưa biên tập hồi tháng trước.
Vụ này dường như vẫn còn treo đó, nhưng đã có tình hình rối ren khác ở Ethiopia, Ủy ban Bảo vệ các Nhà Báo (Committee to Protect Journalists - CPJ) cho biết:
Các bức mật điện ngoại giao Hoa Kỳ bị WikiLeaks lộ ra hồi tháng trước nêu tên một nhà báo Ethiopia và nhắc đến nguồn tin giấu tên của ông từ chính phủ, buộc nhà báo này phải trốn khỏi đất nước sau khi cảnh sát thẩm vấn ông về nhân thân của nguồn tin, hôm nay CPJ nói. Đây là trường hợp đầu tiên CPJ xác nhận một đoạn trích trong một bức mật điện đã gây ra hậu quả trực tiếp cho một nhà báo.
Ngày 5 và 6 tháng Chín các quan chức từ Nha Truyền thông của Chính phủ Ethiopia, (GCAO) triệu tập nhà báo Argaw Ashine đến văn phòng của họ ở thủ đô Addis Ababa với đại diện báo chí của ông, Ashine nói với CPJ hôm thứ Ba. Ông bị gọi bởi vì ông bị nhắc đến trong một bức mật điện từ đại sứ Hoa Kỳ tại Ethiopia hôm 26 tháng 10 năm 2009 liên quan đến những kế hoạch của GCAO năm 2009 nhằm bịt miệng Addis Neger - nay đã đóng cửa - lúc đó là tờ báo độc lập hàng đầu của nước này, các nhà báo địa phương nói.
Ngày 8 tháng Chín, Ashine bị gọi lần nữa, lần này bởi cảnh sát, họ đã thẩm vấn ông và cho ông 24 giờ để hoặc khai báo nhân thân của nguồn tin của ông ở GCAO, hoặc đối mặt với những hậu quả không lường trước, nhà báo này nói với CPJ như vậy. Ashine trốn khỏi Ethiopia vào cuối tuần. Vì lý do an toàn ông yêu cầu không nói lộ nơi ở hiện tại của ông.
Biết rằng nguyên lý chủ đạo của mô hình WikiLeaks là bảo vệ nhân thân của các nguồn tin của nó, dường như nó đủ chai mặt để biện hộ cho việc làm lộ một nhà báo trong một nước độc tài, cho dù nó làm bối rối chính quyền Mỹ trong quá trình đó.
Tờ Christian Science Monitor cũng tường thuật (qua nguồn twitter thiết yếu cho mọi thứ của WikiLeaks, Trevor Timm) rằng, ít nhất cho đến nay, những nguồn tin Trung Hoa bị nêu tên trong các bức mật điện hình như chưa chịu hậu quả:
"Hai tuần sau khi WikiLeaks tung lên mạng những phiên bản chưa được biên tập của một phần tư triệu bức mật điện ngoại giao Hoa Kỳ, bộc lộ tên của những người địa phương tiếp xúc với sứ quán Hoa Kỳ trên khắp thế giới, không có dấu hiệu nào về hậu quả xấu đối với các nguồn tin Trung Hoa, theo những người muốn "đứng ngoài".
"Đến giờ chưa có chuyện gì xảy ra cho tôi, và tôi cũng chưa nghe nói ai khác bị rắc rối," Wang Zhenyu nói, ông là một luật gia ở Bắc Kinh cho biết ông thường xuyên gặp các nhà ngoại giao Hoa Kỳ để thảo luận quá trình cải cách luật pháp ở Trung Hoa và tên của ông có nghĩa là "được bảo vệ tuyệt đối" theo một bức mật điện dẫn lời ông.
"Tôi không nghĩ tôi sẽ có vấn đề với chính quyền, mặc dầu có một số người bình thường không hiểu" Wang Xiaodong nói thêm, anh là một người phát biểu thẳng thắn những tư tưởng dân tộc chủ nghĩa có một số lớn người hâm mộ trên Web, anh cũng chia sẽ những nhận thức sâu sắc của mình với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, theo những bức mật điện bị tiết lộ."
Cập nhật: Một mẩu khác từ Mark MacKinnon của Globe and Mail nhận xét rằng trong khi chưa có những hậu quả pháp luật, phản ứng của mạng internet Trung Hoa là đáng sợ:
Một số học giả hàng đầu và các nhà hoạt động nhân quyền đang bị tấn công như "những kẻ phản bội" và "gián điệp" sau khi tên của họ bị lộ ra như nguồn tin của Đại sứ quán Hoa Kỳ trong những bức mật điện nay đã được tung lên mạng.
Việc tung ra những cái tên trước đây đã được bảo vệ đã gây nên một cuộc "săn lùng và tìm diệt" của các nhóm dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa, với sự biện hộ dùng bạo lực chống lại những ai hiện nay được biết là đã gặp nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ. "Khi đến lúc, họ sẽ bị bắt và bị giết" đó là đoạn văn điển hình trên một website mao-it mới, nổi tiếng.
Tất nhiên những hậu quả có thể là thảm khốc trong một số trường hợp, đặc biệt là cho những nhà hoạt động Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ bị lộ ra là đã chuyển tài liệu cho Washington. Trong những trường hợp khác, - kể cả một số quan chức Đảng Cộng sản có tên như các nguồn "được bảo vệ" hay "được bảo vệ nghiêm ngặt" – hậu quả tệ hại này chắc chắn gây bối rối hay có lẽ làm mất đi khả năng thăng tiến.
Chúng tôi tiếp tục dõi theo những hậu quả đối với các nguồn tin trong những ngày tới.
.
.
.
No comments:
Post a Comment