Nguyễn Quốc Quân
Thứ Năm, 01/09/2011
Kính gửi ông Tống Văn Công
cùng quí vị quan tâm đến thực trạng đất nước,
cùng quí vị quan tâm đến thực trạng đất nước,
Thưa quí vị, trước khi ông Tống Văn Công đề nghị “chấm dứt câu chuyện này ở đây để nghĩ về Biển Đông” ông đã dẫn chứng thêm cuộc phỏng vấn của ông Đỗ Hoàng Điềm với đài RFA cũng như cho biết ông chỉ “đưa những suy đoán, nghi vấn đó của bà con, mà lẽ ra không nên trong lúc này”. Thú thực là tôi không được thuyết phục vì: (1) dẫn chứng của ông Tống Văn Công không thay đổi gì về thứ tự thời gian và chuỗi dữ kiện mà tôi đã trình bày trong thư trước. Tôi có ngày giờ của từng sự việc đã xảy ra và sẽ gởi riêng cho vị nào muốn biết; (2) không có thống kê công luận tối thiểu nào tại Việt Nam lúc này để chúng ta có thể bảo đâu là suy đoán, nghi vấn của “bà con”; (3) lời cáo buộc Việt Tân là sản phẩm của Bắc Kinh để lại nhiều đau đớn trong lòng anh chị em đảng viên Việt Tân và gia đình họ.
Nhưng thôi, tôi cũng xin đồng tình và mời gọi toàn thể quí vị cùng đồng ý dồn suy tư của mình vào vấn đề Biển Đông hoặc rộng hơn nữa là vấn đề sinh tồn của đất nước.
Nhân đây, tôi xin cảm ơn ông Tống Văn Công đã thay mặt mỗi chúng ta nêu lên nỗi bức xúc về những cuộc biểu tình bị trấn áp một cách vô lối có chủ đích của nhà cầm quyền CSVN. Từ những bực bội và bế tắc đó, lẽ tự nhiên chúng ta dễ sinh ra buồn giận rồi hích mạnh các bạn đồng hành một cách cảm tính mà quên đi thực chất của vấn đề hay mục tiêu hành động của chính mình.
Trở lại vấn đề Biển Đông. Với thực trạng Trung Quốc đã/đang/sẽ tiếp tục khống chế Việt Nam trong nhiều lãnh vực khác nhau như: văn hoá, kinh tế, chính trị,… trong chiêu bài từng bước khống chế lãnh thổ, lãnh hải, và tầng lớp lãnh đạo VN; thì mỗi người dân quan tâm khi có mặt ở các cuộc biểu tình biểu lộ lòng yêu nước là lẽ đương nhiên. Nhưng sự thể đã không dễ dàng như vậy!!!
Với thực trạng nhà cầm quyền Việt Nam công khai khẳng định với Trung Quốc rằng “sẽ kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam” (QĐND), mọi người tham gia trong các cuộc biểu tình đều biết trước và chấp nhận phiền toái cùng với những rủi ro! Chắc chắn sự hiện diện ấy về nguy cơ mất nước đều không chỉ nhằm hô vang các khẩu hiệu cho thoả lòng; mà là một sự trả giá có ý thức cho mục tiêu kêu gọi và ép buộc ĐCSVN phải bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.
Trong hoàn cảnh đó, vũ khí của dân tộc Việt Nam là gì?
Bằng những phương thức ôn hoà thừa hưởng những kinh nghiệm và thành quả của thế giới, vũ khí của dân tộc Việt Nam không chỉ là biểu tình, mà còn là nỗ lực vận động sức ép quốc tế, nỗ lực hỗ trợ người bị nạn, nỗ lực xây dựng niềm tin và ý thức dân tộc, nỗ lực tìm hiểu và học hỏi: các phương pháp phá vỡ bưng bít thông tin, bảo mật thông tin, kỹ thuật đấu tranh bất bạo động, v.v…
Tựu trung là những hành động nối kết lòng dân để tạo sức mạnh, tạm gọi là nỗ lực đoàn kết dân tộc. “Đoàn Kết” không có nghĩa là phải lập tức thống nhất dưới một ngọn cờ, một sắc áo hay một thành phần dân tộc ưu tú nào,… mà phải tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người, mỗi nhóm, mỗi tổ chức để bắt tay vào hành động và chia sẻ những gian nan. Không tị hiềm về cách làm khác nhau hay không tị hiềm vì phải làm theo lời kêu gọi của một cộng đồng tôn giáo, một nhóm thanh niên chỉ có mươi người, một trang mạng, một vị trí thức thực lòng, một nhà đối kháng, một tổ chức chính trị,… Mỗi người chúng ta cứ chọn cho riêng mình một tập thể thích hợp và cùng bước đến một mục tiêu lớn nhất; đó là Bảo Vệ Chủ Quyền Đất Nước.
Điều mà lãnh đạo đảng CSVN sợ hãi nhất lúc này là sự đoàn kết của toàn dân chống lại toan tính xâm lược dần dần của Trung Quốc mà chính họ đã chấp nhận chịu thua, dâng nhượng đất nước để tiếp tục cai trị độc tài. Lãnh đạo đảng CSVN sẽ làm hết sức để phân hóa sự đoàn kết toàn dân vì đất nước.
Với lòng yêu nước và trí tuệ của dân tộc, chúng tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ thành công và tự hào đã góp mặt để chia sẻ những gian nan trong giai đoạn gay go nhất của đất nước.
Trân trọng,
Ngày 31-8-2011
Nguyễn Quốc Quân
----------------------
THEO DÒNG THỜI SỰ :
Lê Nguyên Hồng
Thứ Năm, 01/09/2011
Lê Nguyên Hồng
Thứ hai, ngày 29 tháng tám năm 2011
Thứ Ba, 30/08/2011
Chủ Nhật, 28/08/2011
Thứ Năm, 25/08/2011
Thứ Hai, 22/08/2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment