Thursday, September 1, 2011

ĐẤU TRANH ÔN HÒA, NẾU BỊ BẮT HÃY NHẬN TỘI ! (Lê Nguyên Hồng)




Lê Nguyên Hồng

Thứ Năm, 01/09/2011

(Bài viết phản biện đến các tác giả Tống Văn Công và Nguyễn Đắc Hải Di)

Chiều nay tôi nhận được một Email của một người bạn đang sống ở Hoa Kỳ. Anh nói anh không mấy quan tâm đến chính trị. Nhưng có mấy người bạn đồng nghiệp rất hay nói chuyện chính trị. Lâu dần thành ra nhiễm “chính trị”. Người bạn hỏi tôi có biết chuyện ồn ào xuất phát từ bài viết về Đảng Việt Tân, của ông Tống Văn Công trên mạng Internet mấy hôm nay không? Tưởng gì, chuyện đó thì tôi biết rõ!

Nếu tôi là Việt Tân, tôi sẽ vô cùng cảm ơn ông Công, vì đã quảng bá miễn phí cho Đảng Việt Tân, như ai đó hay nói là “đánh bóng”. Chuyện đánh bóng chỉ xảy ra một khi ta đã biết, đã nhìn trực tiếp một đồ vật, sự vật, hay vấn đề tên tuổi, thương hiệu nào đó, mà ta muốn nó nổi bật lên, gây chú ý cho mọi người, thì đó có thể gọi là đánh bóng. Đối với những người chưa nghe, chưa thấy, thì việc vô tình hay chủ định gây chú ý cho mọi người nhằm mục đích giới thiệu, gọi việc đó là quảng bá sẽ chính xác hơn. Vì chắc chắn đại đa số người dân trong nước chưa biết đến Đảng Việt Tân ở Hoa Kỳ, nên việc làm cho người dân biết đến họ chính là sự quảng bá. Và một tổ chức chính trị không biết quảng bá cho mình thì là một tổ chức kém. Tôi nghĩ Việt Tân cũng không bao giờ muốn mình là người kém cỏi.

Tạm gác lại việc luận bàn về bài viết của ông Tống Văn Công, và cũng nên thông cảm cho cách nhìn nhận vấn đề của ông Công. Đó có vẻ như là một căn bệnh nghề nghiệp của vị cựu lãnh đạo một “cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản”, đó là báo Người Lao Động. Họ quen sử dụng cách nói khẳng định mà không đặt câu hỏi: Tại sao? Tuy nhiên tôi cũng xin có nhận định, ông Tống Văn Công vẫn là một người đáng kính, và ông viết bài “Kẻ Thù” không mang một dụng ý xấu nào cho Đảng Việt Tân. Đó chỉ đơn thuần là một nhãn quan cá nhân, và là một chính kiến cần bàn luận mà thôi.

Đứng trên góc độ là người ủng hộ Đảng Việt Tân, tôi không có ý định phân tích bài viết “Trao đổi với ông Tống Văn Công” của tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, để tránh chuyện bị cho là bênh vực này khác. Xin nhắc đến một người thứ ba, đó là tác giả Nguyễn Đắc Hải Di (Joyce Anne Nguyễn*) với bài viết “Vài dòng với Đảng Việt Tân và ông Nguyễn Quốc Quân”.

Từ năm 2010; tôi đã có đọc qua một số bài viết của Joyce Anne Nguyễn. Nhiều người đọc đánh giá đây là một hiện tượng lạ, những bài viết của một cô bé được cho là đang tuổi vị thành nên, lại mang được sắc thái văn phong và quan điểm chính trị của một nhà đấu tranh chuyên nghiệp. Tuy một số bài của tác giả này, nếu đọc kỹ thì cũng có ít nhất vài điều để nói. Nhưng vì là những bài của Nguyễn có xu hướng đứng về phía những người đấu tranh chống Độc tài Công Sản, cho nên tôi tạm coi đây là một “thần đồng chính trị”. Mặc dù tôi chưa bao giờ đọc được tài liệu nào, từ cổ chí kim, công nhận một người gọi là “thần đồng” về chính trị cả.

Về bài viết của Joyce Anne Nguyễn, tôi đánh giá chủ quan là tác giả vẫn mắc “căn bệnh” của ông Tống Văn Công, tức là xét đoán. Với những lời lẽ khá dõng dạc và với vẻ từng trải, tác giả đã nhận định “Tôi đang nghĩ, đảng viên Đảng Việt Tân không nắm vững tình hình và không hiểu tâm lý người dân trong nước nên đụng đâu đổ đó, hay thích ồn ào gây sự chú ý, hay rốt cục chỉ muốn phá hoại?”. Cái “đang nghĩ” này của tác giả nên chăng, cứ nghĩ tiếp đi đã, rồi viết ra suy nghĩ và có dẫn chứng hùng hồn thì hay biết mấy!

Tiếp tục tác giả lại vẫn trượt dài theo sự khẳng định là Việt Tân “ăn theo vụ biểu tình do Nhật Ký Yêu Nước khởi xướng”. Liệu tác giả có thể đưa ra bằng chứng ai là chủ nhân của trang Nhật Ký Yêu Nước, và đảm bảo rằng đó không phải là người của Việt Tân hay không?

Về việc tác giả khẳng định Việt Tân đã nhái theo trang Dân Làm Báo thành Dân Làm Blog, liệu tác giả có bằng chứng nào về việc này hay không? Theo tôi, việc tạo một blog dạng miễn phí thì khỏi cần bàn về bản quyền hay thương hiệu. Nhưng nếu đây là một trang có đóng phí thì vấn đề bản quyền luôn luôn được các nhà cung cấp dịch vụ xem xét. Nếu có sai sót thì trách nhiệm không thuộc về người dùng. Và tên của hai trang mạng được nhắc đến ở trên nếu không có sự giống nhau về giao diện, bố cục, màu sắc, phông chữ, hình ảnh vv.., thì chúng hoàn toàn không thể bị coi là “hàng nhái”.

Tôi không dám coi tác giả Nguyễn Đắc Hải Di là con nít, nhưng cách viết quả thực không phải là của một người chín chắn. Tác giả nhận định “nếu có can đảm (Việt Tân) không nên để đảng viên của mình hễ bị bắt là rối rít nhận tội, ký giấy xin khoan hồng”. Tôi xin dám khẳng định, nếu đấu tranh ôn hòa khi bị bắt, bị khởi tố mà không “thành khẩn nhận tội” là điều sai lầm. Thực sự công an điều tra có lý của họ khi ghép tội cho người vô tội. Vì Bộ luật hình sự của họ là một bộ luật khá mơ hồ. Đối với các tội “xâm phạm an ninh quốc gia” thì họ bảo có tội là có, bảo không là không. Ngay đến Hiến pháp còn mập mờ, không chuẩn xác, huống chi là Bộ luật hình sự!

Xin mời tác giả Nguyễn đọc bài viết “Từ trường hợp hiểm nghèo của tù nhân Nguyễn Văn Túc đến chế độ cải tạo trong nhà tù Việt Nam” của tôi viết cách nay mấy năm (đọc tại đây) thì sẽ rõ về sự nguy hiểm của phận người tù. Những nhà đấu tranh mới bị bắt, được gọi là “giam cứu” để điều tra. Đây là thời gian nguy hiểm nhất, vì với các tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia” thì gia đình không được vào thăm trong giai đoạn này. Bị can chính trị bị nhốt chung với tù hình sự, án ma túy, bệnh nhân HIV, nói chung là toàn là “mặt rô”, “đại bàng”, “đầu gấu” cả. Chưa kể đến các ngón đòn hiểm độc về tâm lý và tàn bạo về nhục hình của công an. Như vậy nhận tội và xin khoan hồng cho nhanh, để mau chóng được ra tòa và nhận án. Một khi đã có án, người tù sẽ được chuyển về các trại, được ra lao động, thở hít khí trời và vận động chân tay…

Về mặt pháp lý, theo Bộ luật hình sự Việt Nam hiện nay (sửa đổi bổ xung năm 2009), Chương VII; Điều 46 quy định về “Giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” Khoản 1; từ điểm A đến điểm S; đều không có điểm nào quy định “thành khẩn nhận tội” thì được gảm nhẹ hình phạt. Chỉ có tại điểm P quy định “người phạm tội thành khẩn khai báo” thì được giảm hình phạt mà thôi. Báo chí nhà nước toàn đưa tin mập mờ lẫn lộn, nói rằng người này người kia “đã thành khẩn nhận tội”, thay vì nói “thành khẩn khai báo”, nên được khoan hồng để lừa người đọc. Không tin hãy thử gõ tìm kiếm trên Google cụm từ “thành khẩn nhận tội” xem sẽ được bao nhiêu kết quả?

Vẫn về pháp lý, bị can có quyền giữ im lặng trong lúc bị điều tra. Mọi lời nhận tội đều không có giá trị pháp lý nếu không có bằng chứng chứng minh (tang vật gây án, nhân chứng, dấu vết tại hiện trường vv…). Vì vậy mới có quy định “trọng chứng hơn trọng cung”. Mọi lời nhận tội của bị can (kể cả các nhà đấu tranh ôn hòa bị bắt), đều vô giá trị, vậy tại sao ta lại từ chối nhận tội? Đây là một giải pháp rất nên làm, có giá trị bảo toàn lực lượng về lâu dài…

Trên thực tế đã có hàng trăm các nhà đấu tranh từ trước đến nay ở Việt Nam, khi bị bắt đã nhận tội. Chúng ta không nên học theo cách máy móc là quyết tâm bảo toàn khí tiết như người Cộng Sản vẫn áp dụng trong chiến tranh trước đây. Đây là một chủ trương vô nhân đạo. Tôi lấy ví dụ như ở Na Uy, nơi tác giả Nguyễn Đắc Hải Di đang tạm cư, nhà chức trách luôn khuyến cáo người dân, nếu gặp kẻ cướp thì hãy để yên cho chúng cướp, hầu bảo toàn mạng sống của mình. Việc phá án sẽ để cảnh sát làm sau. Họ coi tính mạng con người cao hơn tất cả, không như ở Việt Nam: Nhà nước khuyến khích người dân tay không bắt cướp, chống cướp. Bắt được một vụ thì hàng trăm vụ khác bị cướp đánh, đâm chém, giết hại. Vụ án chấn động gần đây nhất mấy ngày nay là vụ án cướp tiệm vàng tại Bắc Giang. Cũng vì chống trộm thành ra bị trộm quay ra cướp, giết chết 3 người và chém gần chết một cháu bé 9 tuổi.

Vẫn về vấn đề nhận tội, và đây là lý do chính tôi viết và chọn tựa đề cho bài viết này. Tuy thực tế có nhiều nhà đấu tranh đã nhận tội trong quá trình điều tra. Nhưng hếu hết các nhà đấu tranh sau khi mãn hạn tù đều không từ bỏ con đường đấu tranh cũ. Bản thân các nhà đấu tranh được coi là mang tiếng hèn nhát khi nhận tội mà theo cách nói của tác giả Nguyễn Đắc Hải Di là “rối rít nhận tội”, như Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thăng Long vv.., sau khi về các trại tù thì đều đã có phản ứng với nhà cầm quyền. Đối với anh Trần Huỳnh Duy Thức thì là việc phản cung ngay tại tòa án và tố cáo là mình bị bức cung…

Như vậy thì rất không nên chê bai người khác là hèn nhát hoặc là “rối rít nhận tội” như cách nói của Nguyễn. Tôi nghĩ những người phải chạy trốn khỏi quê hương ra đi tìm đường xin tị nạn (có cả tôi) là quyền lợi của họ. Nhưng trong khi đồng bào đang chịu bao cảnh lầm than, bao chiến sĩ dân chủ trong nước vẫn thẳng lưng ưỡn ngực bước vào nhà tù, những chiến sĩ khác vẫn rời bỏ thiên đường tự do hải ngoại về nước dấn thân, thì những người đang xin tị nạn như Nguyễn Đắc Hải Di nên hạ giọng xuống một chút thì hay biết mấy. Chạy trốn tìm đường thoát thân cho riêng mình, cho gia đình mình là việc làm hèn nhát hơn gấp trăm lần một nhà đấu tranh trong nước bị bắt mà phải nhẫn nhục nhận tội.

Bài viết của Nguyễn đã lạnh lùng chia những người biểu tình ra hai nhóm: “Lơ mơ về chính trị” và “Liên lụy vì bị gắn mác Đảng Việt Tân”. Thử hỏi cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn năm 2007 thì ai “lơ mơ” và ai “bị gắn mác”? Và liệu những người đi biểu tình năm đó còn đang bị vướng vào vòng lao lý như anh Điếu Cày, anh Phan Thanh Hải sẽ nghĩ gì về những nhận định lạnh lùng của Nguyễn?

Nếu tác giả Nguyễn Đắc Hải Di mà chịu khó đọc bài viết “sự hiện diện của Đảng Việt Tân tại Việt Nam” (đọc tại đây) của tôi thì sẽ biết Việt Tân là người đã khởi xướng phong trào “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” tại Hà Nội từ đầu năm 2010 cơ đấy. Vậy nếu bây giờ ngược lại, Việt Tân nói là Nhật Ký Yêu Nước “vi phạm ý tưởng” và “ăn theo chủ đề” của họ thì tính sao đây nhỉ? Ai ăn theo ai lúc này?

Trong bài viết của Nguyễn Đắc Hải Di, tôi còn nhận thấy rất nhiều câu nói ngang ngược trịch thượng, đã thế lại còn sai lạc, với Đảng Việt Tân. Một người con gái như vậy, cứng rắn là một điều tốt, nhưng cứng rắn đến mức tàn nhẫn thì lại là vấn đề nhân cách của một con người. Tôi vốn không cho rằng tài năng và phẩm chất tăng lên theo độ tuổi. Nhưng một người tự cho mình cái quyền ngồi chiếu trên mà phán xét thì đó là một con người không thể tiến bộ. Những kiến thức “ngồi một chỗ” mà lượm lặt, rồi tự “may vá” cho chiếc áo bào của mình thì rốt cuộc nó vẫn chỉ là một mớ mảnh vụn mà thôi…

Lê Nguyên Hồng
Đã đăng trên blog Lê Nguyên Hồng

[*] Tác giả không biết chắc là Nguyễn Đắc Hải Di được nhắc đến trong bài viết này có bị mạo danh hay không.
________________________________

Phụ lục:

Lê Nguyên Hồng
Thứ hai, ngày 29 tháng tám năm 2011

Thứ Ba, 30/08/2011

Chủ Nhật, 28/08/2011

Thứ Năm, 25/08/2011

Thứ Hai, 22/08/2011

.
.
.

No comments: