Friday, September 2, 2011

HUMAN RIGHTS WATCH KÊU GỌI THẢ LINH MỤC LÝ & ĐIẾU CÀY (BBC)




BBC
Cập nhật: 13:55 GMT - thứ sáu, 2 tháng 9, 2011

Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) ra thông báo kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho hai nhà bất đồng chính kiến đang bị tù đày do tình hình sức khỏe của họ ngày một xấu đi.

Trong thông báo ra hôm thứ Tư ngày 31/8 tại New York, HRW cho biết ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, 59 tuổi, đang bị một tổn thương nghiêm trọng trong nhà lao, trong khi linh mục Nguyễn Văn Lý, 65 tuổi, người trước đó đã từng được tạm thời tự do vì lý do sức khỏe do đã bị ba lần đột quỵ và những chứng bệnh nghiêm trọng khác, đã bị tống trở lại vào nhà giam vào tháng 7 năm nay.

Theo thông lệ, Việt Nam thường thi hành đặc xá vào ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm. Năm nay chính phủ Việt Nam thông báo họ thả hơn 12.200 tù nhân. Theo truyền thông nhà nước, chỉ có 5 người trong số này bị tù vì tội ‘xâm hại an ninh quốc gia’.

HRW nhận xét rằng nhà cầm quyền Việt Nam thường dùng chiêu bài ‘xâm hại an ninh quốc gia’ để trừng phạt những người bất đồng chính kiến vì đã thực hiện các quyền của họ một cách hòa bình như quyền lập hội nhóm, quyền tụ tập và quyền tự do ngôn luận
Hàng trăm người bất đồng chính kiến bị buộc tội như thế hiện vẫn ở trong nhà tù của Việt Nam, HRW cho biết.
“Cách tốt nhất để Việt Nam ăn mừng ngày Quốc khánh là thả tự do cho tất cả những người bị bỏ tù vì đã thực hiện những quyền con người của họ một cách hòa bình,” ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW, nói trong bản thông báo.
“Ưu tiên cao nhất là thả tự do vô điều kiện cho những tù nhân bất đồng chính kiến đang cần được chăm sóc y tế khẩn cấp,” ông nói thêm.

Điếu Cày mất tích
HRW cho biết họ quan ngại sâu sắc về tình hình sức khỏe của Nguyễn Văn Hải, người mà công chúng biết đến với tên blogger Điếu Cày.
Ông Hải là người đồng sáng lập của câu lạc bộ phóng viên tự do được thành lập vào tháng 9 năm 2007 để thúc đẩy quyền tự do ngôn luận và báo chí độc lập. Ông bị bắt vào tháng 4 năm 2008. Phiên tòa sáu tháng sau đó đã tuyên án ông 30 tháng tù giam với cáo buộc về tội trốn thuế.
Tổ chức theo dõi nhân quyền thuật lại rằng tháng 10 năm ngoái ông Nguyễn Văn Hải đã bị chuyển từ nhà tù Z30A ở Xuân Lộc, Đồng Nai đến trụ sở của Cơ quan Điều tra an ninh của Công an TPHCM ở số 4 Phan Đăng Lưu quận Bình Thạnh.
Vào ngày 17 tháng 7 vừa qua, vợ cũ của ông Hải là bà Dương Thị Tân đã đệ đơn lên Công an TPHCM khiếu nại về tình hình sức khoẻ và sự an toàn của ông Hải. Theo lời bà Tân thì một sĩ quan công an đã nói với bà vào ngày 5/7 rằng ông Hải ‘đã bị mất một cánh tay’.
Hiện nay không ai biết nơi giam cầm cũng như tình trạng sức khỏe của ông Hải, theo HRW.

Cha Lý ốm nặng
Trong khi đó, linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị đưa trở lại nhà lao vào ngày 25/7. Ông đã bị kết án tám năm tù giam vào tháng Ba năm 2007 vì những hoạt động cổ động cho dân chủ, bao gồm việc ra một cương lĩnh kêu gọi đấu tranh hòa bình để thiết lập nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã buộc tội ông là ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật hình sự.
Cha Lý được thả và đưa về giáo phận của ông vào ngày 15 tháng 10 năm ngoái để được chăm sóc sức khỏe tạm thời sau khi ông đã trải qua ba lần bị đột quỵ trong khi bị giam cách ly vào năm 2009. Ông đã bị đưa trở lại vào nhà lao vào tháng 7 để chịu án tiếp năm năm nữa cho đến khi hết hạn.
HRW cho biết cha Lý cần được chăm sóc y tế vì những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của ông, trong đó có khối u não 3 cm mà có lẽ là nguyên nhân làm cho ông bị liệt chân và tay phải trong thời gian ông thi hành án.
“Cha Lý bị kết tội chỉ vì ông đã thể hiện các quan điểm chính trị một cách hòa bình. Đáng lý ra ngay từ đầu cha Lý không thể bị bỏ tù,” ông Robertson nói.

Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn thường chỉ trích những tuyên bố và báo cáo của những tổ chức nhân quyền nước ngoài như HRW là không khách quan.

-------------------------
XEM THÊM :
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) 
August 31, 2011

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) 
August 17, 2011

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) 
August 1, 2011

July 27, 2011

May 26, 2011

.
.
.

No comments: