Thursday, September 22, 2011

HAI BÀI VIẾT PHƠI BÀY CÁI GỌI LÀ TƯƠNG QUAN GIỮA THỰC LỰC & TÂM LÝ HIẾU CHIẾN TRUNG QUỐC (Phạm Toàn)


22/09/2011

Trước khi đọc cả hai bài, xin có đôi lời
Để điều tra tâm lý các dân tộc trên thế giới, người ta tổ chức một cuộc thi viết với chủ đề “Con voi”. Dưới đây là những tác phẩm gửi tới ban giám khảo:
Người Mỹ: một cuốn sách có tên: “Làm thế nào để nuôi voi trong vườn nhà, vui mà lại có lãi?”.
Người Đức: 3 quyển sách dày như từ điển, to bằng nửa cái bàn với tựa đề in bằng chữ đen trên nền trắng: “Sơ khảo về voi – ba tập”
Người Nga: một cuốn sách dày, trên bìa có ghi chữ cổ : “Tổ tiên ta đã tìm ra voi như thế nào?”.
Người Pháp: một cuốn sách mỏng trang trí cầu kỳ với nhiều hình tượng cách điệu ngoài bìa với tựa: “Voi và đời sống tình dục của nó”.
Người Trung Quốc gửi tới gì? Một tác phẩm nghệ thuật viết lối chữ thảo, ký tên Mao Trạch Đông, đọc lên vang vang như sau (Người bảo là bài “Vịnh Côn Lôn”, người bảo là “Vịnh Con Voi”) xin chép nguyên văn:

Vịnh Con Voi
Này ta bảo Con Voi
Không cần cao đến thế
Tựa lưng vào trời
Rút phăng bảo kiếm
Chặt mi làm ba khúc
Một để lại đây
Một ném sang châu Phi
Một ném lên Bắc Cực
Để hoàn cầu chung ấm lạnh
[ … ]
Tần Hoàng Vũ đế thiếu vẻ thanh cao
Đường Tăng Tống tổ chỉ biết giương cung bắn ó diều
Phong lưu nhân vật
Hoàn khán kim triêu

Bạn tôi, dịch giả TĐH nói ỡm ờ “bốn tiếng ở câu cuối cùng không nên dịch”. Tôi đọc lại và thấy bạn mình giỏi: câu cuối phải để nguyên, cho bạn đọc thấy “bút thần không dịch nổi, hiểu thế nào cũng được”. Nghĩa của nó mơ hồ hệt như cụm từ mười sáu chữ vàng hoặc hàng xóm bốn tốt – bố ai mà dịch nổi nội dung của chúng cho khớp với hình thức của chúng. Ở những cách nói đó vừa có cái tật nói phét … một tấc đến Bắc Kinh, vừa có cái hèn nhát của kẻ tự cao tự đại, đành nói lối ấp úng như của Khổng Ất Kỷ. Dùng cách nói này, kẻ tay sai dễ dàng ca ngợi là sâu sắc và tiếp tục làm tay sai. Còn với những ai biết nhà thơ ấy cũng chỉ là một anh hề đại diện cho một hệ thống hề, nên coi bài thơ đó như lời tự phê bình. Thôi thì lẩy Kiều một phát cho có tinh thần dân tộc
Tha cho thì cũng may đời
Vạch ra xấu mặt Xa hồi Chú nghia.
Ban biên tập hỏi “chú nghia” là gì? Yêu cầu làm rõ. Người hay vật? Cây hay con? Cục hay cái? Bị ép quá, đành trả lời cũng bẳng “thơ và từ” như sau vậy:
Vốn người quanh quất đâu xa,
Họ Chủ tên Nghĩa, con nhà ma ranh
Phạm Toàn

-----------------------------------

Posted in Uncategorized by huyminh on 09/20/2011
[Đài RFI 6/9]
Sự kiện Trung Quốc hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên hồi tháng 8/2011 đã làm dấy lên nhiều quan ngại tại châu Á. Nhưng theo nhật báo Ôxtrâylia The Autralian số ra ngày 6/9/2011, các nước trong khu vực không nên quá lo âu. Lý do là vì con tàu khổng lồ của Trung Quốc còn quá nhiều điểm yếu nên rất dễ triệt hạ.
Theo hai nhà nghiên cứu Shashank Joshi – Viện Nghiên cứu Royal United Services Institute tại Luân Đôn và Ashley Townshend – Viện Chính sách Quốc tế Lowy tại Xítni, dù đã được hết sức nâng cấp, nhưng chiếc tàu sân bay Varyag từ thời Liên Xô mà Trung Quốc mua lại vẫn chỉ thuộc loại tàu sân bay “hạ đẳng” so với chuẩn mực của thế kỷ XXI. So sánh với một chiếc tàu sân bay Mỹ lớp Nimitz chẳng hạn, chiếc tàu Trung Quốc không thấm vào đâu. Trong lúc tàu Mỹ chở được 90 chiếc máy bay, có thể hoạt động trên biển liên tục 20 năm trước khi về bến rà soát lại động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân thì ngược lại, chiếc Varyag chở được tối đa 60 máy bay, và chỉ ra khơi được 45 ngày.
Nguyên lý tồn tại của tàu sân bay là làm bệ phóng để phát huy uy lực của các máy bay chiến đấu. Thế nhưng, trái với các tàu Mỹ, chiếc Varyag vẫn sử dụng kỹ thuật cổ điển là cho máy bay chiến đấu cất cánh từ một dàn phóng trên boong. Để có thể cất cánh được, máy bay phải nhẹ, do đó loại máy bay chiến đấu duy nhất của Trung Quốc dùng được trên tàu sân bay là loại J-15 sẽ phải mang ít vũ khí và nhiên liệu hơn. Hệ quả là hỏa lực cũng như tầm hoạt động bị giảm bớt. Hơn nữa, chiếc Varyag không có khả năng chứa các loại máy bay tiếp liệu thường rất nặng. Phạm vi hoạt động của các máy bay chiến đấu J-15 lại càng bị bó hẹp hơn khi không có loại máy bay tiếp nhiên liệu hỗ trợ. Tương tự như vậy, các loại máy bay trinh sát cũng rất nặng, cũng không thể đặt cơ sở trên chiếc Varyag. Điều này khiến cho tàu sân bay Trung Quốc không có được hệ thống cảnh báo sớm, dễ dàng bị không quân đối phương từ xa lao đến tấn công.
Hải quân Trung Quốc cũng chưa làm chủ được kỹ thuật chống tàu ngầm. Điều đó có nghĩa là tàu ngầm tấn công của Mỹ vẫn có thể tự do tung hoành tại vùng lãnh hải của Trung Quốc mà không bị hề hấn gì. Còn ở bên kia eo biển, Đài Loan cũng đang đe dọa các chiếc tàu lớn của Trung Quốc bằng cách triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu, có thể đánh vào các chiếc tàu sân bay đang di chuyển.
Trong khi hải quân Mỹ đã bắt đầu đưa tàu sân bay vào hoạt động kể từ giữa những năm 1930, Trung Quốc hiện vẫn chưa lồng được các loại vũ khí và thiết bị mới mà phần lớn chưa được thử nghiệm trên chiếc Varyag vào một quy trình tác chiến để cho thủy thủ đoàn sử dụng thành thạo. Tàu sân bay Trung Quốc còn thiếu mạng lưới hậu cần để có thể tuần tra xa bờ, chứ chưa nói đến việc chiến đấu. Thực tế này cho thấy là tham vọng thành lập được đội tàu có khả năng can thiệp hữu hiệu ngoài biển khơi của Bắc Kinh còn là một giấc mơ xa vời.
Câu hỏi đặt ra là tàu sân bay Varyag của Trung Quốc có thể thực hiện mục tiêu chiến đấu nào? Theo hai tác giả bài viết trên tờ The Australian, có hai giả thuyết. Một là chiếc tàu sân bay này có thể hữu ích trong một cuộc xung đột với Đài Loan vì nó sẽ cho phép Trung Quốc tung lực lượng không quân và hải quân tấn công từ nhiều hướng, chứ không nhất thiết phải giới hạn ở vùng eo biển. Thế nhưng, Trung Quốc hiện đã có hơn 1.300 tên lửa hướng về Đài Loan (có nguồn tin nói đến 1.600 tên lửa), do đó tàu sân bay Varyag sẽ không mang lại thêm một ích lợi nào. Ngoài ra, trong trường hợp nổ ra chiến tranh ở vùng eo biển Đài Loan, gần như chắc chắn là Mỹ sẽ nhập cuộc và như vậy tàu sân bay “thứ phẩm” của Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị qua mặt.
Kịch bản khác từng được phái diều hâu tại Bắc Kinh nêu bật là dùng chiếc tàu sân bay này để đe dọa các đối thủ đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc. Theo hai chuyên gia Joshi và Townshend, dùng tàu hải giám để hù dọa các tàu thương mại dân sự là một chuyện, nhưng viện đến tàu sân bay là một hành vi leo thang thái quá. Động thái đó sẽ đẩy khối ASEAN xích lại gần Oasinhtơn hơn nữa, vì thế có lẽ Bắc Kinh sẽ không sử dụng chiếc Varyag một cách mạnh bạo như vậy.
Theo báo The Australian, ngay cả khi Trung Quốc điều chiếc tàu sân bay của họ xuống vùng Biển Đông, chiếc tàu này sẽ dễ dàng làm mồi cho các loại vũ khí của đối phương đặt trên đất liền hay di chuyển ngoài biển. Việt Nam đã đặt mua sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo và 12 máy bay chiến đấu Sukhoi; Malaysia cũng trang bị hai tàu ngầm lớp Scorpene; Indonessia dự trù mua hai tàu ngầm trong năm nay và Philippin cũng tìm cách trang bị cho mình một chiếc. Cùng với các loại tên lửa chống tàu mà các nước này đã có, các chiếc tàu ngầm được mệnh danh là phương tiện diệt tàu sân bay này sẽ là ác mộng đối với Bắc Kinh, đó là chưa kể đến uy lực đang được tăng cường của hải quân Ấn Độ và Nhật Bản.
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc biết những yếu kém của họ, thế nhưng tại sao họ lại nhất quyết phải nhanh chóng cho hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình? Đối với Joshi và Townshend, ngoài nhu cầu cần phải có bước khởi đầu để rút kinh nghiệm và huấn luyện đội ngũ, ý nghĩa thực sự của chiếc Varyag nằm trong mong muốn phô trương thanh thế của Bắc Kinh.
Ở trong nước, dư luận ngày càng cho rằng Trung Quốc đã trở thành cường quốc và một cường quốc cần phải có một lực lượng hải quân hùng mạnh, và hải quân hùng mạnh phải có tàu sân bay. Trung Quốc là thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không có tàu sân bay, một thực tế bị hàng triệu người Trung Quốc cho là nhục nhã. Chính vì cho là sự kiện chiếc Varyag được hạ thủy mang ý nghĩa phô diễn là chính, cho nên hai chuyên gia trên báo Ôxtrâylia cho rằng lẽ ra các láng giềng của Trung Quốc không nên có phản ứng quá nóng nảy. Vài hôm sau khi chiếc tàu sân bay này bắt đầu chuyến chạy thử, Đài Loan liền giới thiệu loại tên lửa chống tàu đời mới nhất của họ. Tấm panô quảng cáo cho thấy cảnh một chiếc tàu sân bay bị tên lửa tàn phá.
Về phía Mỹ cũng thế, 4 ngày sau khi Trung Quốc cho hạ thủy chiếc Varyag, siêu tàu sân bay USS George Washington của Mỹ đã neo lại ngoài khơi Thành phố Hồ Chí Minh để đón tiếp báo giới và viên chức Chính phủ và quân đội Việt Nam lên thăm. Đối với Joshi và Townshend, phản ứng thái quá trước một sự kiện không đáng chỉ có tác dụng tăng cường thanh thế cho các thành phần hiếu chiến trong Đảng Cộng sản và Quân đội Trung Quốc, kích động thêm tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong dư luận Trung Quốc. Vào lúc chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hạ thủy, thách thức lớn nhất đối với châu Á là phải làm sao để cho các láng giềng của Trung Quốc phản ứng một cách tỉnh táo, không coi thường mối đe dọa, nhưng cũng không quá hoảng hốt.

****

2. ‘Tàu ngầm VN đe dọa Trung Quốc’
Cập nhật: 05:19 GMT – thứ ba, 16 tháng 8, 2011
BBC
Truyền hình Trung Quốc vừa có một số chương trình phân tích các hoạt động nâng cấp năng lực hải quân của Việt Nam, đặc biệt là hợp đồng mua tàu ngầm từ Nga.
Các chương trình này được thực hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh được báo chí dẫn lời nói hồi đầu tháng rằng Việt Nam “phấn đấu trong 5 – 6 năm tới sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại với sáu tàu ngầm lớp kilo”.
Kênh CCTV-4 Truyền hình Trung ương Trung Quốc mới đây trong chuyên mục ‘Trọng tâm Hôm nay’ dài 30 phút đã có chương trình thảo luận với hai chuyên gia: Chuẩn đô đốc Doãn Trác và nhà nghiên cứu Dương Hy Vũ từ Viện Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế về chương trình hiện đại hóa hải quân của Việt Nam.
Chương trình bắt đầu bằng đoạn video ngắn giới thiệu việc Hà Nội bỏ 3,2 tỷ đôla để mua sáu tàu ngầm hạng Kilo và 20 chiến đấu cơ Su-30 MK2V của Nga.
Theo Chuẩn đô đốc Doãn Trác, các hợp đồng mua bán vũ khí này bắt nguồn từ ba lý do chính. Lý do đầu tiên là các nước trong khu vực Biển Đông hiện đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang, và Việt Nam nay có khả năng tài chính để tăng chi tiêu quốc phòng.
Lý do thứ hai, theo ông Doãn, là Việt Nam dè chừng hiện diện của các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong khu vực.
Lý do thứ ba, quan trọng hơn cả, là Việt Nam tìm cách ngăn chặn Trung Quốc trong các tranh chấp về lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chuyên gia Dương Hy Vũ nói thêm rằng Việt Nam luôn áp dụng cách tiếp cận một mặt mong muốn hòa bình để duy trì quyền lợi nhưng mặt khác lại tăng cường năng lực quân sự để mở rộng quyền lợi khi có dịp.
Ông Dương nói trên CCTV: “Việt Nam có thể ngăn cản được các quốc gia lân cận khác ở Biển Đông nhưng đã quá tự phụ nếu cho rằng có thể cản bước Trung Quốc”.

Đe dọa ở Biển Đông
Câu hỏi mà chương trình truyền hình Trung Quốc đặt ra là việc Việt Nam trong tương lai có trong tay các tàu ngầm và chiến đấu cơ sẽ thay đổi cục diện ở Biển Đông như thế nào.
Chuẩn đô đốc Doãn nhận định rằng tàu ngầm tấn công lớp 636 có thể là “đe dọa nghiêm trọng” (cho Trung Quốc) tại Biển Đông.
Ông Dương Hy Vũ nói thêm rằng Việt Nam đã chọn một khu vực tấn công tàu ngầm ở eo biển Malacca để tập luyện chiến lược.
Ông nói: “Eo biển Malacca là đường thủy tối quan trọng đối với các nước, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc”.
“Tấn công tàu ngầm tại đây sẽ gây tác hại vô cùng nghiêm trọng cho tất cả các nước.”
Các chuyên gia cũng đề cập tới khả năng tham gia tranh chấp Biển Đông của các quốc gia bên ngoài như Nga và Hoa Kỳ.
Chuyên gia Dương Hy Vũ Lu nhận định rằng chính sách của Việt Nam luôn luôn là lôi kéo Nga và Mỹ vào tranh chấp Biển Đông; và không chỉ hai nước này mà càng nhiều nước lớn càng tốt nhằm kiềm chế Trung Quốc.
 “Đây là chủ ý của Việt Nam, nhưng làm như vậy không khác nào đùa với lửa”.
Ông Dương nói: “Chính sách này không chỉ làm căng thẳng thêm tình hình khu vực, mà còn có hại cho chính Việt Nam”.
Chuyên gia này phân tích rằng cả Hoa Kỳ và Nga đều muốn đặt căn cứ tại Việt Nam, nhưng quyền lợi của hai nước này lại mâu thuẫn nhau và do vậy, Việt Nam khó có thể dung hòa quan hệ với cả hai cùng một lúc.

‘Lôi kéo Ấn Độ’
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Việt Nam cũng đang tích cực lôi kéo Ấn Độ tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
Chương trình của CCTV nói Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh hải quân Việt Nam, từng mời Ấn Độ lập cơ sở thường xuyên tại Nha Trang.
Chuẩn đô đốc Doãn nhận xét Việt Nam chọn Ấn Độ vì hai lẽ: trong khi Mỹ đang khủng hoảng kinh tế, Ấn Độ là quốc gia đang lên và có thể có điều kiện đầu tư quân sự vào Việt Nam. Lẽ thứ hai, Việt Nam vẫn còn dè chừng Mỹ, quốc gia cựu thù, vốn có thể hậu thuẫn một cuộc “cách mạng màu” để lật đổ chính quyền Hà Nội. Ấn Độ thì không gây quan ngại này.
Không chỉ CCTV-4, môt số kênh truyền hình khác của Trung Quốc cũng làm chương trình về kế hoạch mua tàu ngầm của Việt Nam, cho thấy đây là chủ đề quan tâm lớn của dư luận trong nước Trung Quốc.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110816_china_viet_scs.shtml

.
.
.

No comments: