Wednesday, September 14, 2011

BÉ KÝ - HỒ THÀNH ĐỨC : MỘT CẶP "SONG KIẾM HỢP BÍCH" . . . (Luân Hoán)


Luân Hoán
Sunday, September 11, 2011

Chừng một phút trước, tôi vẫn có ý định chia gia tài kỷ niệm có được với Hồ Thành Đức và Bé Ký thành hai phần riêng rẽ. Nhưng khi bắt đầu gõ những dòng này, tôi chợt thấy không nên và cũng không thể tách rời cặp song kiếm hợp bích trong hội họa Việt Nam này.

Xin lỗi, tôi đã vừa ví von thiếu chính xác và vô duyên. Song kiếm hợp bích là một bộ kiếm pháp tuyệt đỉnh, đòi hỏi một đôi nam nữ, tâm đầu ý hiệp, cùng nhau hết lòng luyện tập mới đạt được kết quả tốt. Trong bộ kỳ thư võ hiệp Thiên Long Bát Bộ, nhà tiểu thuyết lỗi lạc của Trung Hoa, ông Kim Dung, đã cho hai nhân vật Dương Quá và Tiểu Long Nữ luyện thành công bộ kiếm pháp này trong một ngôi cổ mộ. Ngoài tình yêu, Tiểu Long Nữ và Dương Quá chỉ cùng luyện chung một bộ môn võ thuật. Như vậy, Bé Ký và Hồ Thành Đức chỉ có thể là song kiếm hợp bích trong tình yêu, tình chăn gối. Ở lãnh vực hội họa, họ có trường phái riêng, sở trường riêng. Tuy luôn luôn hỗ trợ nhau trong nghệ thuật, nhưng họ hoàn toàn độc lập khi thực hiện tác phẩm.

Bé Ký là một họa sĩ thành danh với nghệ thuật carricature gồm hoạt họa, ký họa, tốc họa… và tranh lụa. Tài năng vô cùng đặc biệt này được ra đời từ Hải Dương, miền bắc Việt Nam trong năm 1938, mang một danh xưng rất ít người biết: Nguyễn Thị Bé. Mặc dù cuộc đời khắc nghiệt, sớm cướp mất của chị Bé cả hai đấng sinh thành, chị vẫn say mê hội họa và khởi đầu sự nghiệp bằng thiên phú bẩm sinh. Theo tiết lộ của người bạn tình, họa sĩ Hồ Thành Đức, Bé Ký bắt đầu đùa nghịch với cây bút mình cầm, từ năm lên năm, lên sáu nhưng mãi đến khi chị vượt qua cái tuổi lên mười một vài năm, ngọn bút trên tay chị mới bắt đầu nhuần nhuyễn.

Con chim, con cá, con trâu, con gà… rồi bụi cỏ, nhành cây, cục đất… rủ rê bàn tay của một cô bé sớm biết nhìn ngắm, biết yêu thiên nhiên. Trong một dịp được đi Hải Phòng, cô bé tình cờ đi ngang một phòng tranh, và đã không cưỡng được sự tò mò, cô ghé vào xem. Lòng yêu thích hội họa, đưa cô bé từ bạo dạn làm người xem tranh đến việc xin phép vẽ thử. Họa sĩ Trần Đắc, chủ nhân của phòng tranh đã thích thú chấp thuận, và sau vài lần thử tay nghề, ông nhận Bé Ký vào làm học trò. Họa sĩ Trần Đắc đã mang kinh nghiệm của mình, dạy cho Bé Ký phương pháp vẽ hoạt họa bằng chì than rồi đi dần qua màu sắc trên lụa. Cô học trò càng ngày càng xuất sắc. Ngoài những giờ ở xưởng vẽ, Bé Ký mang giấy bút dạo khắp phố Hải Phòng. Cô bé vẽ lại những hình ảnh cô cho là ngộ nghĩnh, dễ thương, trong đó cả những khuôn mặt của người ngoại quốc. Chính những phác thảo chân dung linh động này, đã thường xuyên mang lại cho cô bé những đồng tiền đầu đời. Đương nhiên cô bé mang cả về cho gia đình người thầy. Tình sư phụ ngày một tốt đẹp và không lâu sau, Bé Ký được chấp nhận làm con nuôi. Trong biến cố lịch sử 1954, cô Nguyễn Thị Bé theo gia đình cha mẹ nuôi vào Sài Gòn.

Trong những năm đầu của thập niên 60, không nhớ rõ năm nào, tôi đã được gặp họa sĩ Bé Ký trên những trang báo của tạp chí Thế Giới Tự Do. Tạp chí này được xem là một tạp chí có hình thức đẹp nhất thời bấy giờ, với giấy trắng tốt, mực màu, do Phòng Thông Tin Mỹ phổ biến. Những bản vẽ của Bé Ký được in trang trọng bên cạnh bài giới thiệu rất ưu ái về tranh và tác giả. Tiếc rằng tôi không còn nhớ người viết. Cùng thời gian này, những người Sài Gòn chắc không xa lạ với hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn, nhẹ nhàng, thường lang thang qua nhiều ngã phố với những tờ croquis đơn giản. Trên tay cô, theo tháng ngày, nặng dần những hình ảnh sinh hoạt đời thường của thị dân. Những hình ảnh được lưu giữ, được cho phép sống đời trên mặt giấy, qua một bút pháp vô cùng riêng biệt và cũng vô cùng độc đáo. Tài nghệ của cô gái thu hút mạnh mẽ sự thưởng ngoạn của mọi người, đặc biệt là những người ngoại quốc hiện diện trên phố Sài Gòn. Bé Ký đã thổi vào từng đường vẽ bay bướm nhưng đơn giản của mình cả tâm hồn thanh thản của chị. Sức sống mộc mạc được chị phân phát, chia sẻ trong từng hoạ phẩm. Đi từ đơn giản chân phương này đến cái chân phương đơn giản khác, chứ không vượt đến cái trừu tượng, cao siêu, nhưng tranh Bé Ký đứng vững được với thời gian vì nhờ cô đọng, sống thực. Nét đặc thù này chính là cá tính của tác phẩm Bé Ký.

Ngày 06 tháng 12 năm 1957, Bé Ký được ông René de Berval, phê bình gia mỹ thuật cho tạp chí France d’Asie (Sài Gòn) và Journal d’Extrême Orient, bảo trợ cuộc triển lãm đầu tiên tại cơ sở Alliance Francaise (Pháp Văn Đồng Minh Hội). Cuộc triển lãm thành công về tài chánh, nhưng quan trọng hơn là có giá trị như một sự khẳng định tài năng của Bé Ký, người “Nữ Họa Sĩ

Của Vỉa Hè Đô Thành”, một biệt hiệu thân mật được dân Sài Gòn dành cho chị.

Từ năm 1957 đến năm 1975, Bé Ký đã có đến 18 cơ hội khai mạc phòng tranh (16 lần tại Sài Gòn, 1 lần tại Pháp vào năm 1959 và 1 lần tại Nhật Bản, vào năm 1969, cùng với 9 họa sĩ khác quốc tịch). Sau 1975, chị bày tranh chung tại Ba Lan vào năm 1984, và 8 lần tại Hoa Kỳ, khi đã định cư tại Mỹ. Trong 8 lần này, có hai lần được xem là rất quan trọng trong việc đưa tên tuổi Bé Ký đi càng rộng trong giới thưởng ngoạn của thế giới.

Cuộc Triển Lãm Quốc Tế Women: Beyond Borders, tại Santa Barbara Contemporary Arts Forum (California) với mục đích giới thiệu tiếng nói hội họa của phái nữ toàn thế giới, được tổ chức năm 1995, kéo dài đến năm 2000. Trong năm năm, cuộc triển lãm này được di chuyển qua một số quốc gia có họa sĩ được mời tham dự: Mỹ, Do Thái, Nhật Bản, Á Căn Đình, Kenya, Úc, Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Thụy Điển, Ý, Cu Ba, Pháp, Phần Lan. Bé Ký góp mặt trong cương vị hội họa của Việt Nam. Hiện nay cuộc triển lãm này đã được chuyển về lại Hoa Kỳ, và trở thành một phần trong một phòng tranh thường trực mở cửa lâu dài.

Cuộc triển lãm không kém phần quan trọng thứ hai có tên: “Cuộc Triển Lãm Quốc Tế Về Tình Yêu, Gia Đình Và Niềm Tin” tại Johnson Art Collection, vào ngày 23-9-2006 đến 21-10-2006. Chỉ có hai hoạ sĩ Việt Nam được mời tham dự : Bé Ký và Hồ Thành Đức, bên cạnh Yuroz (Armenia), Milon Townsend (Hoa Kỳ), Max Rodriguez (Cuba), Adrian Wong Shue (Jamaica), Ushangi (Georgia), Hank Garcia (Hoa Kỳ), Edward McCluney (Mỹ gốc Phi Châu).

Đề tài trong tranh Bé Ký thường dung dị với các hình ảnh súc vật và con người bao gồm những cảnh sinh hoạt, chân dung. Hình ảnh người mẹ được lưu giữ rất nhiều trong tranh Bé Ký. Con gái út của chị, Hồ Thị Hải Dương, một dược sĩ, viết một đoạn tùy bút về người mẹ họa sĩ của mình, rất chân tình cảm động:
“Khi nhìn thấy những tấm tranh mẹ con - chủ điểm trong đề tài sáng tác của mẹ tôi, tôi biết rằng mẹ tôi thương yêu các con vô cùng ! Mẹ tôi vạch một đường cong là mắt mẹ nhìn lên, hai chấm đen tròn là mắt con ngước nhìn mẹ. Đơn giản vậy thôi nhưng lại âu yếm biết bao !
Mẹ tôi, người đàn bà nhỏ nhắn, giản dị nhưng mang một nét đẹp thuần túy của một phụ nữ Việt Nam, chân chất hiền từ và đầy lòng nhân hậu…
…Gia đình tôi, từ bố mẹ đến các anh chị ai cũng là họa sĩ, nhưng riêng tôi lại theo một ngành khác hẳn – Pharmacy, và gần như không có chút gì di truyền về năng khiếu hội họa. Tôi có cảm giác mình là “một ngoại lệ bất đắc dĩ” ! Thế nhưng , cái tên Hải Dương của tôi lại gắn liền với tiểu sử mẹ tôi vì Hải Dương là quê hương của bà. Hơn nữa, trời đã công bằng để cho tôi được nối truyền một tài nghệ khác ngoài vẽ ra, ở mẹ tôi- đó là tài nấu ăn”

Ngoài bóng dáng sinh hoạt của người mẹ, chúng ta còn bắt gặp ở tranh Bé Ký những thiếu nữ qua nhiều dáng vóc, độ tuổi khác nhau, có cả những chân dung khoả thân nhẹ nhàng, thanh khiết. Các tên tuổi lỗi lạc trong giới sinh hoạt chữ nghĩa, âm nhạc, hội họa… một số được sống đời với nghệ thuật Bé Ký, có thể kể: Bùi Giáng, Võ Phiến, Văn Cao, Phạm Duy, Nguyên Sa, Du Tử Lê… Những phác họa chân dung này đương nhiên khác hẳn với lối vẽ truyền chân thường thấy ở những người hành nghề vẽ chân dung chuyên nghiệp, đòi hỏi sự giống nhau như nghệ thuật nhiếp ảnh. Bé Ký chỉ ghi lại cái phong thái, cái thần và đôi nét nổi bật của người được vẽ. Trong số chân dung các danh tài vừa kể, tôi thích nhất là bức phác họa thể hiện một người đàn ông nổi tiếng yêu châu chấu, chuồn chuồn. Ông tài hoa này cũng đã vẽ cả thiên hạ bằng thơ:
“chân trời mộng mị vàng pha/ mùa Phương Lan giậy bên tà dương buông/ vói tay sầu khổ hao mòn/ đầu nghiêng rũ tóc miệng tròn thơ ngây/ chiêm bao dàn rộng phai ngày/ liễu in giòng rụng thu đầy hồ phơi/ hào hoa tiếng lạnh trong lời/về trong vân thạch em ngồi vén xiêm”
(Bùi Giáng, Sầu Lục Tỉnh, Mưa Nguồn)

Phải công nhận, sự thành danh nhanh chóng của họa sĩ Bé Ký một phần nhờ vào những người sưu tập hội họa Âu châu, tiếp theo là những bài viết giới thiệu, phê bình của nhiều tạp chí ngoại quốc như: Le Journal d’Extrême Orient, The Yomiuri Shimbun, The Manila Times, Asiaweek, The Orange County Register, Los Angeles Times. Về phía Việt Nam, nhà nghiên cứu, phê bình hội họa, Huỳnh Hữu Ủy đã nhận xét tranh Bé Ký:
“… Bút pháp của Bé Ký thuộc về đại chúng, đó là một thứ nghệ thuật của quần chúng. Như vậy, chẳng có gì đáng tiếc khi nghệ thuật của Bé Ký chỉ ngừng ngang mức dân gian mà không đi xa hơn nữa. Nếu chúng ta đã có những nguồn tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, tranh đỏ Kim Hoàng, tranh làng Sình ở Huế, thì chúng ta còn có thêm một nguồn tranh dân gian quý giá không kém chính là thế giới tranh Bé Ký. Dĩ nhiên, tranh Bé Ký cao và thơ mộng hơn nhiều vì nó là hơi thở thuần nhất của một nghệ sĩ chân thành và tài hoa, độc đáo và sáng tạo. Một giòng tranh dân gian của đại chúng như tranh Đông Hồ, thì hoàn toàn ngược lại, xoá hẳn cá tính vì được hình thành bằng nhiều thế hệ qua thời gian và lịch sử.
Tôi chỉ muốn nói tranh Bé Ký dừng ngang mức dân gian, bởi vì bà không được đào luyện về kỹ thuật và ý thức hiện đại. Hơn nữa, bà cũng không có nhu cầu gì về một ý thức nghệ thuật hiện đại. Mà chính vì thế, bà lại như có được một lợi thế riêng biệt của mình: tạo được một thế giới rất đẹp, thấm đẫm tâm hồn và hương hoa dân tộc…”

Ở đoạn cuối bài viết, nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy bày tỏ:
“…Bé Ký là một khuôn mặt nghệ thuật đầy bản sắc suốt hơn bốn thập niên qua, với một cuộc hành trình đầy đam mê và rất thơ mộng. Trước đây, Bé ký nổi bật với các hoạt động vui tươi và đầy sinh khí của bà ở Sài Gòn, ở miền Nam. Ở miền Bắc người ta không biết đến Bé Ký. Nhưng ngày nay, tình hình đất nước đã đổi khác, đã trở thành một thể thống nhất, Bé Ký phải thuộc về toàn dân tộc, chứ chẳng thể của riêng ai…”
(Huỳnh Hữu Ủy, Mấy Nẻo Đường Của Nghệ Thuật Và Chữ Nghĩa)

Tranh Bé Ký đương nhiên được rất nhiều người trong giới sinh hoạt văn học nghệ thuật bày tỏ những nhận xét và hầu hết đều tán thưởng. Nhà văn Võ Phiến viết tám câu thơ tặng Bé Ký :
“Bao năm cách nước xa non/ mượn hình nương tiếng lần con đường về/ lấy câu lục bát làm quê/ trông tranh Bé Ký nghĩ tre đầu đình/ nghe câu quan họ Bắc Ninh/ sống bao xúc cảm ân tình chứa chan…
Đó đây thấp thoáng quê hương/ những mảnh quê hương bên ngoài bờ cõi/ những mảnh quê hương trong tầm tay với/ những mảnh quê hương của giới lưu vong/ nghìn trùng vẫn núi vẫn sông”
(Những mảnh quê hương ngoài biên giới- Võ Phiến)

Nhà thơ Du Tử Lê, không tặng thơ, ông viết mấy dòng:
“ Tranh Bé Ký đơn giản, mộc mạc, như tâm hồn chị. Một chấm đen thay cho con mắt. Một vạch cong thay cho niềm vui hay nỗi buồn. Vậy mà, tài tình, lạ lùng xiết bao, ở những nét bút đơn giản kia, không ngừng dấy lên những rung động Việt Nam, rất Việt Nam. Có dễ chẳng một cuốn sách, một tác phẩm biên khảo nào tả chân-dung-tâm-hồn người phụ nữ Việt Nam được như tranh Bé Ký.
Tôi cho tranh Bé Ký là dương bản hồn tính người mẹ Việt Nam vậy”.
(Du Tử Lê tháng 12-1994)

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê cho rằng:
“ ...Các họa sĩ thường bắt đầu từ dessin rồi dựa vào dessin mới phóng ra các màu sắc khác nhau. Bé Ký dừng lại ở dessin. Dường như bà đã tìm thấy vùng đất Thánh và dứt khoát ở lại thiên đường nguồn cội của mình. Bà không lớn nữa. Có thể nói Bé Ký- như cái tên lựa chọn có ý tiền định của bà- đã lấy tuổi thơ làm quê hương, dừng lại ở thời điểm hàn vi, ngây thơ (naif) trong hội họa và trong đời. Bé Ký là hiện tượng không già, rất độc đáo trong hội họa Việt…
…Trong thế giới hội họa Bé Ký , nhân vật, động vật và tĩnh vật , rọi lọc qua ánh sáng giác ngộ, có những nét hồn nhiên và ngây thơ. Từ con trâu, em bé, đến chiếc xe thổ mộ, cái váy của người đàn bà, chiếc khăn mỏ quạ, tóc vấn đuôi gà…tất cả đều thoát ra một cái gì chân chất, rất lành, rất mộc mạc như chưa từng có lớp son màu lòe loẹt nào bay đến làm ô uế, ô nhiễm đi…”
(Bé Ký, Nỗi Hoài Nhớ Niềm Vui Đã Khuất)

Trong bài bày tỏ cảm nghĩ, nhân một cuộc triển lãm của Bé Ký được Việt Art Gallery tổ chức năm 2004, của ông Phan Gia Quang, có một đoạn, nhận xét rất tinh tế:
“…Chúng tôi rất lấy làm cảm phục khi thưởng ngắm một bức tranh của Bé Ký. Cảm phục bởi vì qua một vài nét đan thanh thật đơn giản, Bé Ký đã có thể truyền đạt được cái chân thật của tình cảm một cách sống động và thuần túy. Khi nhìn vào một tác phẩm “Mẹ Con”, chúng tôi đã quên rằng mình đang ngắm một tác phẩm hội họa. Chúng tôi đã chìm đắm trong tình thương vô bờ bến, trong sự trìu mến xuất phát từ những nét mực đen, những màu sắc giản dị và ấm cúng. Hình ảnh những đứa trẻ ngồi xem đá gà đã từ lâu được chôn trong tiềm thức của một kẻ xa quê hương. Bức tranh “Chọi Gà”, nay làm sống lại những nét tinh nghịch, hồn nhiên của thời thơ ấu… Đặc điểm của Bé Ký không nằm ở chủ đề. Nó ẩn tàng trong cách vận dụng những nét mực một cách tối thiểu để biểu lộ tình người một cách tối đa. Nếu tranh Nhật Bản có tính cách của thiền học, thì tranh Bé Ký sẽ làm cho chúng ta liên tưởng đến tinh thần biểu hiện bản chất và giữ sự chất phác của Lão giáo. Bé Ký, với những nét mộc mạc nhưng không kém mỹ miều, đã tạo cho mình một vị trí biệt lập, độc đáo trong ngành hội họa Việt Nam.”
(Phan Gia Quang)

Tất cả những ý kiến trên, cùng nhiều ý kiến tôi chưa sưu tập được, cũng như những gì sẽ được những người thưởng ngoạn sẽ phát biểu về tranh Bé Ký sau này, tôi nghĩ sẽ không khác biệt nhau bao nhiêu. Nó làm cho người đọc, có cảm tưởng rằng mọi người đã bắt chước nhau trong sự nhận định. Người này lặp lại nhận xét của người kia. Thật ra, có lẽ, chẳng ai bắt chước ai mà chỉ vì tranh của Bé Ký đều cho mọi người một thẩm định gần như nhau, thế thôi. Ai cũng đọc được tranh của chị. Ai cũng thấy được lòng mình ra sao khi được nhìn ngắm những ký hoạt có tính cách trường cửu của chị. Tôi là người thiếu bén nhạy, thông minh và rất ấm ớ trong nhiều lần bị bắt buộc phải đưa ra một ý kiến về một vấn đề gì đó, nên với chị Bé Ký và những đứa con tinh thần của chị, tôi đã viết lạng quạng mấy câu ngũ ngôn:
“Sinh ký dong mực đọng
lung linh xanh đường gân
bàn tay chuyền hơi thở
dung ảnh ngời nét thần
đâu chỉ ngắm bằng mắt
diện nhận từ chân tâm
người vật chợt vô động
mà thở cùng tháng năm”
(LH- Ổ Tình Lận Lưng)

Hồ Thành Đức là khúc đầu một con rồng, ra đời năm 1940. Trong thuật định tuổi âm lịch, dùng để chấm tử vi, người ta thường căn cứ vào Thập Lục Hoa Giáp tức là sự kết hợp giữa sáu chu kỳ hàng Can và năm chu kỳ hàng Chi. Đây là điều tôi nghe lóm, không biết có đúng hay không ? Nhưng mỗi tên gọi của hàng Chi là một con giáp, hay còn gọi là tuổi, là điều nhiều người đã biết. Và trong chúng ta ai cũng phải có một trong mười hai tuổi sau đây: tý (con chuột), sửu (con trâu), dần (con cọp) mẹo (con mèo), thìn (con rồng), tỵ (con rắn), ngọ (con ngựa), mùi (con dê), thân (con khỉ), dậu (con gà), tuất (con chó) hợi (con heo). Với hình ảnh một con vật tượng trưng cho năm sinh của mình, chưa nói lên được sự thăng trầm của cuộc đời mình thừa hưởng. Ra đời năm sửu, cầm tinh con trâu không hẳn cả đời phải kéo cày. Ra đời năm dậu, cầm tinh con gà không nhất thiết phải bương chải để kiếm miếng ăn quanh năm. Ra đời năm thìn, cầm tinh con rồng, đâu đã chắc hưởng một kiếp thanh thản bay bổng trên mây xanh, Cầm tinh con ngựa, tuổi ngọ, nhưng chắc gì có dịp đi chu du thiên hạ. Mang nghiệp tuổi mùi, con dê, nhưng hiền lành như bụt cũng là chuyện thường… Bản tính và sự thịnh, suy của cuộc đời còn tùy thuộc vào ngày, giờ sinh và cái Can, đã qui định. Hồ Thành Đức có hình tượng con rồng nhưng lại rơi vào ngôi thứ bảy của thập Can có tên gọi là “Canh” nên chưa chắc đã thong dong hưởng cái phú quí trời cho. Số mệnh có thể là chuyện có thật, nhưng không hẳn hoàn toàn chính xác.

Hồ Thành Đức đến với cuộc đời với đầy đủ hai bậc sinh thành. Thân phụ anh người của nông thôn huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam. Thân mẫu anh, cùng tỉnh nhưng ở miền Điện Bàn. (vùng đất này cũng là sinh quán của mẹ ruột tôi). Hồ Thành Đức chính xác mang họ Nguyễn. Họ mà người cha chưa có cơ hội làm khai sinh cho con, đã vội vã về trời, kéo theo mẹ anh, không lâu sau đó. Hồ Thành Đức thành trẻ mồ côi rất sớm. Cuộc đời của trẻ mồ côi tại nông thôn một miền “cày lên sỏi đá” trong những thập niên 40 chắc cũng không khó hình dung. Trải qua nhiều gian khổ từ ấu thơ, Hồ Thành Đức, chắc nhờ cái mạng con rồng, nên được một bậc tu hành trong đạo Cao Đài tại Đà Nẵng nhận làm con nuôi. Con người phúc đức này có quí danh là Hồ Tăng Sinh, nên cậu bé mồ côi gốc Đại Lộc được khai sinh với cái tên Hồ Thành Đức. Thành là thành tài, thành đạt, thành công ? Đức là đức độ, đức hạnh, có lẽ vậy.

Đã có được tấm giấy khai sinh, hẳn nhiên phải từ từ có được những thứ lỉnh kỉnh khác của cuộc đời, dù hơi muộn. Hồ Thành Đức làm quen với lớp học, với mẫu tự, vào năm lên mười, năm đã biết tắm mưa liếc trộm. Bậc tiểu học thủng thỉnh đi qua, ông bố nuôi, tuy tu hành nhưng có bén duyên với Việt Binh Đoàn theo thời thế, nên phải thuyên chuyển ra Huế. Hồ Thành Đức theo ra cố đô, và làm học trò của trường trung học Nguyễn Tri Phương. Lên đệ nhị cấp anh xin chuyển về trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, nhưng lúc bấy giờ những anh hào học sinh như Phan Duy Nhân, Phan Nhật Nam, Huy Giang… chưa lộ, nên không có ai cầm chân, rủ rê anh. Anh lại về Huế. Hết trung học, Hồ Thành Đức trở thành sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế trong hai năm. Con rồng đã thấp thoáng thấy mây xanh khi cùng Đinh Cường, Rừng, Nguyên Khai… ngồi trong Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, và tốt nghiệp vào hai năm sau.
Đức kể lại việc học vẽ của mình:
“…Và tôi có năng lực rất đặc biệt. Tôi ra Huế học và tôi được ông thầy dạy vẽ tôi từ trung học, ông ấy khen tôi, đó là ông Tôn Thất Quy, viết thơ bảo tôi ra Huế học. Không được học trong lớp ở đây được nữa. Anh đi học vẽ mới đúng nghề của anh, tôi thấy anh từ nhỏ đến lớn như vậy. Quả thật, khi ra học vẽ, không bao giờ tôi đứng nhì trong lớp. Các môn khác trong lớp bao giờ tôi cũng đứng chót…”
(lời ứng khẩu của Hồ Thành Đức trong ngày hội đồng hương Quảng Đà, tháng 5-2003, được đặc san QNĐN chép lại)

Năm 1960, hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam được thành lập tại Sài Gòn. Hồ Thành Đức là một trong những hội viên đầu tiên của hội. Một sinh hoạt có tính cách hằng năm là giải hội họa mùa xuân được thành hình sau đó. Hồ Thành Đức đã cùng Nguyên Khai đoạt huy chương đồng của giải này vào năm 1963. Năm họa sĩ Cù Nguyễn đoạt huy chương vàng. Và hai họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung lãnh huy chương bạc. Theo Hồ Thành Đức tấm huy chương đồng đã mang đến cho anh một bước ngoặc mới, đầy phấn khởi trong sự nghiệp hội họa của anh sau này.

Theo nhận định, phân loại của những người có chuyên môn trong làng vẽ Việt Nam, Hồ Thành Đức được xếp vào trường phái ấn tượng (impressioniste) và trong giai đoạn đầu, dùng kỹ thuật đắp giấy (collage) để hoàn thành tác phẩm, sau này anh chuyển qua sơn dầu và sơn mài và vẫn giữ sở trường collage của mình. Trong giới cầm cọ Việt Nam, không rõ còn họa sĩ nào sử dụng kỹ thuật cắt dán, đắp giấy hay không ? Nhưng nổi tiếng trong kỹ thuật này hình như chỉ một mình Hồ Thành Đức. Trên Washington Post, số tháng giêng, 1997, có một bài giới thiệu Hồ Thành Đức của Eric Sciliano. Bài này được ông Phan Lang chuyển sang Việt ngữ đăng trên tạp chí Thế Giới Nghệ Thuật năm 1998, có đoạn:
“…Tranh của Đức là thành quả một quan niệm sáng tạo độc đáo: ông làm chủ được cách phối hợp kỹ thuật sơn mài cổ truyền Việt Nam với lối tranh dán giấy “collage” của Tây phương (sử dụng hình chụp màu trong tạp chí Tây phương). Ông tìm thấy con đường sáng tạo riêng ấy cho mình như bù đắp vào đời sống nghèo nàn của một chàng hoạ sĩ trẻ vào thời chiến tranh Việt Nam, những năm của thập niên 60 (sinh vào thế hệ của những năm 40) đang vươn lên thành tên tuổi lớn trong làng hội họa Sài Gòn thời bấy giờ. Màu vẽ nhập cảng thì mắc mỏ, mà sách báo Anh ngữ đổ ra hàng núi từ các PX Mỹ. Đức vốn ham mộ họa sĩ Georges Braque- người đã sử dụng giấy báo và các phế liệu khác sáng tạo thành những tác phẩm bất hủ. Nhưng lối tranh dán của Đức thật khác hẳn với tranh của Braque hoặc các trường phái họa sĩ Pop Art thời 1960.
Thay vì giữ nguyên hình chụp hoặc in, vay mượn trong báo, ông đã sáng tạo lại, “vẽ lại” cắt xén, sắp xếp, tái bố cục những mảng hình rời rạc ấy, rồi sơn phết tô vẽ lên trên đến độ hình dán đột biến thành hình tượng bất ngờ. Chẳng hạn bức ảnh chụp tiểu tiết những nét khắc cuộn tròn trong nghệ thuật kiến trúc thời Baroque thì biến thể thành những lọn tóc quăn Đức Phật, hoặc tấm hình vỏ thân cây sần sùi thì trở thành làn da trên chiếc cổ quằn quại của Chú Giê Su.
Suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, rồi tiếp theo là những đói khổ tù đày, tranh của Đức bủa đầy sắc màu thê lương của bóng tối và mộng dữ. Góc phố trong tranh ông mà nhìn ra như những nẻo đường làng điêu linh chiến cuộc hoặc vùng tử địa tỏa đầy âm khí, còn nhân vật trong tranh ông-dù là thần thánh hoặc những mặt tù đầy- cũng đều đè nặng những đau đớn nội tâm. Từ khi định cư tại nước ngoài, bước đầu đến trại tạm trú Phi Luật Tân, rồi tiếp theo là Little Saigon ở quận Cam, lần nữa chiếc giá màu của Đức lại bùng vỡ lên biết bao nhiêu màu sắc theo dòng sáng tạo. Những tảng những cấu trúc, lần nữa đối chọi nhau dũng mãnh đến tàn bạo, rồi lùi mãi, lùi dần đến chỗ tan biến mờ mịt để bất chợt tìm thấy sự lắng đọng hài hòa của một cõi an tịnh nào đó. Chúng liên tiếp cận kề nhau như những âm vang chát chúa pha lẫn với những khả dỉ tựu thành những mảnh đời con người tị nạn. Cái đối nghịch mâu thuẫn ấy cũng chính là bản chất của mảnh đất tên gọi California vậy. Khiến ta nhớ cái danh từ thời thượng mà người ngoại cuộc hay gọi là “The Vietnam experience” - cuộc kinh qua Việt Nam- thì biết sao tránh khỏi ? Nhưng, đây là một cuộc kinh qua được diễn tả đầy cuồng bạo và dùng thứ ngôn ngữ sắc màu của Roualt, Ensor, Kokoschika và trường phái biểu tượng Đức quốc. Tranh ông là nơi gặp gỡ chẳng những chỉ có hai thế giới Đông-Tây, mà có đến cả ba thế giới”
(Eric Scigliano – Phan Lang chuyển ngữ)

Không ít những người ngoại quốc viết về Hồ Thành Đức, nhưng qua đoạn trích dẫn trên, có lẽ đã quá đủ. Chỉ tiếc, hình như rất hiếm những bài viết về hội họa Hồ Thành Đức từ những người cùng một nguồn gốc với anh.

Trong cuộc đời sinh hoạt hội họa, Hồ Thành Đức đã khai mạc phòng tranh rất nhiều lần. Tại Sài Gòn vào các năm 1963, 1964, 1973. Tại các quốc gia khác gồm: Đài Loan, 1965; Ấn Độ năm 1965; Nhật Bản tại Tokyo và 9 thành phố khác năm 1969; Ba Lan 1984; Phi Luật Tân 1989. Riêng tại Hoa Kỳ, Hồ Thành Đức bày tranh và tham dự nhiều cuộc triển lãm tại nhiều thành phố: Burbank, California, 1992; Westminter, California, 1992; San Diego, California, 1992; Arlington VA, 1995; San Jose, 1996; Long Beach, 1996; Pasadena, 1996; Michigan Union, 1997…Hồ Thành Đức rất thú vị với “cuộc triển lãm quốc tế về tình yêu, gia đình và niềm tin”, kéo dài một tháng (23-9 đến 21-10-2006) tại John Art Collection. Anh càng hãnh diện hơn khi một mình anh là họa sĩ Việt Nam được mời tham dự cuộc triển lãm Artists For Human Rights (Nghệ Sĩ Vì Nhân quyền) tổ chức tại Los Angeles, bên cạnh 30 họa sĩ thế giới từ 26-10 đến 16-11-2006. Hồ Thành Đức đã chọn bức The Sorrow Is Still There (Nỗi Buồn Còn Nguyên) vẽ bằng nhiều chất liệu (mixed media) trên tấm gỗ vuông mỗi chiều 122cm (48 inch) để triển lãm. Trong tất cả những cuộc triển lãm kể trên, Hồ Thành Đức đều thu lượm được nhiều kết quả khả quan về tinh thần cũng như tài chánh. Nhưng đáng kể hơn hết là cuộc bày tranh lần đầu tiên. Lần đó, anh có thu hoạch bất ngờ và quá tuyệt vời.

Hồ Thành Đức kể lại, vào một giờ vắng khách, anh đang lai rai dạo quanh phòng tranh, ngắm lại những tác phẩm của mình đang hít thở trên các mặt tường. Anh muốn chia sẻ với chúng những hồi hộp chờ đợi, những băn khoăn, nghi ngại, chợt anh thấy từ cửa phòng tranh xuất hiện một cô gái tóc kẹp, thả dài xuống lưng. Anh bất ngờ giật mình, nhưng làm tỉnh được ngay. Cô gái đã dừng trước họa phẩm thứ nhất, im lặng ngắm. Ánh nắng chiều của Sài Gòn hình như đang dịu lại. Những tiếng ồn ào của một thành phố sinh động cũng chừng như lắng xuống. Hồ Thành Đức tưởng chừng những tiếng bước thật khẽ của cô gái là những âm thanh hiện hữu duy nhất trong phòng tranh giàu linh hồn của anh. Mỗi họa phẩm có mỗi trái tim riêng. Tất cả chúng đang cùng anh lắng nghe, đang cùng anh quan sát, theo dõi theo từng động tĩnh của một người biết yêu nghệ thuật. Cô gái quả thật không có nhan sắc của một giai nhân. Nhưng sự dịu dàng từ tốn đã là một sắc đẹp, gợi mở trong Hồ Thành Đức những thao thức rất lạ lùng. Anh thoáng nhớ đến cô nhân tình xinh xắn của mình. Trong một giây, bàn tay vô thức của anh đưa lên vuốt tóc. Những ngọn tóc rất ngoan không làm phiền cái vầng trán rộng rãi những ưu tư. Đức thật tình không muốn rình rập người khách đặc biệt mà anh đã biết rõ là ai. Nhưng lòng anh cứ thắc thỏm. Và sự chờ đợi như được sắp xếp từ tiền định đã đến:
Chào ông, phòng tranh có vẻ vắng quá.

Đức chợt tìm thấy ngay cái mau miệng lém lỉnh của mình:
Không đâu thưa cô, có lẽ giờ này chưa được thuận tiện.

Anh cười dù cỏ vẻ hơi phật lòng. Cô gái không mỉm cười trả lễ, nhưng không lạnh lùng, cô nhìn quanh phòng tranh. Đức cũng đưa mắt theo chiều quan sát của người khách. Bình hoa màu vàng óng, đang ánh lên những tảng nắng ghé thăm. Chiếc khăn trải bàn trắng nõn. Đức thấy cây bút nằm hờ hững trên lòng tập đựng chữ ký lưu niệm. Anh đang định mời cô gái, thì bất ngờ nghe tiếng hỏi:
Anh có biết tôi là ai không ?

Chừng nửa giây ngập ngừng, Đức đáp chững chạc, tự nhiên;
Thưa rất làm tiếc, xin lỗi cô là ai.

Không lưỡng lự, cô gái, giới thiệu mình:
Tôi là Bé Ký

- A, thế ra cô là những họa sĩ của hè phố

Lẽ ra Đức phải có cái nụ cười tinh nghịch, châm chọc như thói quen. Nhưng không hiểu sao, lòng anh thấy yên ả, bình thản và có cái gì như ấm áp đang vây bọc lấy anh.

- Hôm nay cô không ra Lê Lợi, Catinat…?

- Không, mấy hôm nay tôi không ở Sài Gòn. Tôi vừa từ Buôn Mê Thuộc về đây, cốt yếu xem phòng tranh của anh.

Đức lượm được cái cảm động thật tình thứ nhất. Anh mơ hồ thấy sự bềnh bồng của hồn vía mình. Tảng nắng chiều đang ngả sang màu vàng nhạt, mở ra cho hai người họa sĩ một khoảng không khí tươi mát vừa đủ để nói chuyện đời.

Hoá ra chặng đời làm con nuôi của Bé Ký không được bằng phẳng dễ đi. Chị đã chịu đựng khá nhiều vất vả cũng như tủi nhục. Không chọn lựa sự giàu sang, nhưng “vừa ăn vừa khóc như mưa tháng mười” vẫn từng xảy ra. Chị đã mở hết một khoảng đời mình để cho người bạn họa sĩ vừa mới quen nhìn vào. Không hiểu vì sao họ chóng đọc được lòng nhau mau như vậy. Đức quên cô tình nhân đang có. Anh đưa người nữ họa sĩ của thủ đô Việt Nam Cộng Hòa về nhà. Và chẳng bao lâu sau. Anh chị cho bạn bè một bữa tiệc thân mật. Ngày cưới của Hồ Thành Đức, Bé Ký gần như không có họ hàng, bà con của cả hai bên. Họ sống chân tình với bằng hữu, nên trong ngày vui thật vô cùng đông đảo. Cánh bạn đồng hương Quảng Nam, cánh bạn họa sĩ, cánh bạn làm văn thơ, viết báo. Có cả những viên chức rủng rảng chức vụ, quyền uy. Ngày vui đó nằm trong năm 1965.

Sau khi thành cặp song kiếm hợp bích trên diện tích một cái giường đôi, hạnh phúc của đôi họa sĩ ngày một bành trướng nhanh hơn cả mấy anh ba Tàu. Anh chị mua ngôi nhà đầu tiên có đến hai cái “sur” trên đườngYên Đổ: 184/ 34/ 14.

Tôi gặp Hồ Thành Đức từ năm 1962, cũng có thể là 63, không nhớ chắc. Lần đó Đức về Đà Nẵng thăm ông bố nuôi. Nhà bố nuôi của anh nằm ngay sau lưng nhà Châu Văn Tùng, bạn tôi. Nhà của ba mẹ Tùng gồm nhiều căn, thừa chỗ ở nên cho gia đình anh em Lê Viên Côn, Lê Hiếu Đằng thuê. Lê Viên Côn cùng lớp tôi ở Phan Châu Trinh, sau này anh trở thành Hải quân Trung Tá của Việt Nam Cộng Hòa, Côn hiện ở Houston Hoa Kỳ. Đằng học sau chúng tôi vài năm, về sau ra bưng rồi về làm gì đó khá lớn ở thành phố Sài Gòn. Khi Đức về thăm, Tùng rủ tôi lên gặp mặt ông họa sĩ thủ đô. Tôi không ham lắm, nhưng cũng đến. Đêm đó, chúng tôi, gồm cả Côn và Đằng ngồi sau chái bếp nhà dưỡng phụ Đức cho muỗi đốt để nghe Đức nói dóc. Những người đi xa về, nhất là đang ở thủ đô, hình như cao lớn lên, kẻ cả ra. Không phải cái cao lớn vể thể xác mà là cái tự tôn coi rất tự nhiên. Hồ Thành Đức lại là người hoạt bát, vui tính, có duyên nói đùa, có tài kể chuyện tiếu lâm. Anh kể rất nhiều chuyện trong giới sinh hoạt văn chương, âm nhạc, hội họa… tại Sài Gòn. Hình như chuyện nào anh cũng có thêm gia vị khôi hài. Đại loại như chuyện “đứt giây n” của một bạn nhạc sĩ tài danh bậc nhất. Gặp Đức không thể không cười, sau này cũng vậy. Đức có tài chọc cười giống như họa sĩ Nghiêu Đề. Nhưng cái cù léc của Đức dễ gây ngộ nhận, hờn trách hơn anh Trai Bủng.

Năm 1967 tôi có dịp ghé thăm chị Bé Ký và Đức nhiều lần. Lúc đó ông bà đã đổi chỗ ở. Ngôi nhà mới nằm trên đường Trần Quang Diệu, gần Đại Học Vạn Hạnh. Ngôi nhà rộng rãi, có một khoảnh sân đủ cho những cơn gió nghỉ chân. Chỗ ở Bé Ký và Đức trở thành một địa điểm gặp mặt của một số bằng hữu thân tình. Không là một chiếu rượu lớn. Nhưng có Đức ở nhà là gần như có một vài bạn lai rai. Uống rượu không phải vì buồn. Uống rượu không phải vì vui. Uống rượu cũng không phải vì ghiền. Mà uống rượu để mừng gặp mặt nhau, để cho câu chuyện trên trời dưới đất có duyên, có thêm sức sống.

Tôi không rõ nghề tay phải của Đức vào thời gian đó, nhưng vào các năm sau, anh dạy học. Cái nghề gõ-đầu-trẻ-em-dậy-thì của Đức phát triển rất mau. Những năm từ 1969 đến 1975 anh là giáo sư hội họa của Đại Học Vạn Hạnh, và giữ chức Khoa Trưởng ngành Họa Thực Tiễn tại Đại Học Phương Nam Việt Nam (1974-1975). Tôi không biết chính xác Hồ Thành Đức có đảm nhiệm chức Chủ tịch của Hội Hoạ Sĩ Trẻ lần nào chưa. Tiểu sử anh trên vài tạp chí tại hải ngoại có ghi anh giữ vai trò này trong nhiệm kỳ 1968-1975. Nhưng tôi bị chỉ trích thiếu chính xác khi ghi lại điều này trong cuốn Tác giả Việt Nam. Chủ tịch hay không chủ tịch cũng qua rồi một giai đoạn, cái quí là tác phẩm để lại, cái sức còn làm ra những tác phẩm có giá trị khác. Con gà thường ghét những tiếng gáy của nhau. Họa sĩ là những người tạo hình làm nên những tác phẩm nghệ thuật để đời. Tôi không tin những có những chuyện không đẹp trong giới sống còn vì cái đẹp.

Những lần ghé lai rai chim mía, khô mực với Đức, tôi rất ít khi được chuyện trò với chị Bé Ký dù chỉ vài ba câu. Bà họa sĩ lúc nào cũng bù đầu trong bếp. Chị làm được những món ăn rất ngon miệng. Trong thời điểm này, tranh chị vẫn bán chạy đều. Trong một bài viết của nhà báo Trần Lư Nguyên Khanh trên tạp chí Thế Giới Nghệ Thuật số 2, tôi đọc thấy con số “một ngàn năm trăm” họa phẩm của chị đã được giới thưởng ngoạn mang về làm của riêng. Quả là một con số không nhỏ. Vì lý do thương mại, một số tranh của chị được làm bản phụ nhiều lần. Chính tôi cũng được chị cho một bản phụ, dù có đầy đủ triện son và chữ ký “live” của chị. Dĩ nhiên tôi rất quí.

Tôi với Hồ Thành Đức hình như có điểm giống nhau. Chúng tôi rất trân trọng tình bạn. Và cùng sợ đơn độc nên càng kết thân với nhiều người càng tốt. Trong vài năm đầu của thập niên 70, tôi đau tim, yếu phổi tưởng đã nghỉ chơi. Trong những ngày nằm bệnh, tôi nhớ bè bạn vô cùng bèn làm thơ. Trên Vuông Chiếu Đời Ta do đó mà có đến 132 câu, 7 chữ. Tên Hồ Thành Đức dĩ nhiên cũng bị réo tới:
“…Hoan hô như thể Hồ Thành Đức
năm ngoái gặp ta, đã rỉ hơi:
“hai ta cùng tuổi canh thìn đấy
sang năm giàu có đã đến thời”
thật đúng y bon, chàng họa sĩ
ta đang giàu có tiếng kêu trời…”
(RHĐR)

Tôi với Đức cư ngụ chung trên thân thể một con rồng. Cũng không ít bạn sinh hoạt nghệ thuật, văn học bám víu trên con linh vật này như Hồ Hữu Thủ (40), Lê Thành Nhơn (40), Lê Uyên Phương (02-2-41), Thái Tú Hạp (40), Nguyễn Đồng (40), Vĩnh Điện (40), Cao Đông Khánh (1-41), Nguyên Khai (40)... Con vật chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, chúng tôi cũng là những người không có thật chăng ? Hay sự hiện diện vốn bềnh bồng trên mây ? So sánh cuộc đời đã đi qua giữa tôi và Đức, có nhiều điểm khác nhau. Đức hiên ngang, hoạt náo ở phần đầu đầy râu ria quắc thước của Canh thìn (1940), còn tôi bám hờ ở tận cái vảy đuôi ưa vùng vằng (1941). Nhưng thật là lạ. Nếu Đức có một tuổi thơ không được tốt đẹp, thì tôi, ngược lại, đã có được một ấu thời rất hạnh phúc. Hồ Thành Đức có khá nhiều gian truân trong cuộc sống để cuối cùng hưởng được những phúc lộc rất tươm tất. Tôi chưa có giai đoạn nào tuyệt vời phong phú, nhưng đã đi gần hết một đời thong dong. Ông bà ta nói “bảy mươi chưa khoe mình lành”. Tôi có gì, còn gì để khoe, ngoài vỏn vẹn bốn năm biết lao động có mồ hôi và nước mắt. Ngày tháng của tôi gần như là một giây chuyền sống bám kéo dài. Thời nhỏ qua luôn cả thời độc thân, hết mẹ đến cha chăm sóc; vào quân ngũ, đồng đội chăm lo; lưu lạc xứ người có cô nhân tình bên cạnh đỡ đần. Tôi có mạng “chỉ tay năm ngón”, dù trong một phạm vi thật nhỏ hẹp. Và có khá nhiều độc đoán. Viết về Hồ Thành Đức, Bé Ký mà tôi xen “cái tôi” vô thế này, có phải là một cuộc đi lạc tình cờ ? Đương nhiên không. Đây chỉ là những dòng hồi ký ghi lại một thời của chính tôi. Tôi dựa vào bè bạn để nhớ ra mình, vẽ lại mình, là một tính toán khôn khéo nhất, đủ để nhà văn Hoàng Mai Đạt, ghi ra khi giới thiệu cuốn Quá Khứ Trước Mặt của tôi trên tạp chí Văn Học và Hợp Lưu:
“… có lẽ ông là người có biệt tài nói về cái tôi hay nhất, nghệ thuật nhất trong những người viết tại hải ngoại…”
(Hợp Lưu, số tháng 8&9 năm 2006)

Hay, nghệ thuật hay không, không dám nhận. Chỉ mong được hiểu:

“từ bạn, tôi gặp lại tôi
gặp lại con muỗi, con ruồi... ngày xưa
gặp lại lá tre, lá dừa...
gặp lại cục đất, tảng đá, nắng, mưa... bên đời
từ tôi, bạn gặp bạn ngồi,
gặp bạn đi, đứng, nói, cười...vân vân
trăm năm vẫn khoảng cách gần
một phút vời vợi buồn lần không qua
từ tôi, từ bạn thấy ra
dãy sông con núi lân la bên người
vụng tay thêm lần nữa rồi
từng trang mộ ấm bóng người ảnh tôi ?
vẽ ra người để thấy tôi
vẽ tôi ra để thấy người
chúng ta
hôm nay đã khác hôm qua
nhưng mà cốt lõi vẫn là như nhau
cái chân cái bụng cái đầu
sợi lông sợi tóc sợi râu vẫn là
bén từ hồn vía thịt da
vẫn thơm từ trẻ sang già đấy thôi
vẽ người là để thấy tôi
một đời sống ké hơi người ra sao...”
(Ổ Tình Lận Lưng)

Giữa năm 1984, tôi đưa gia đình vào Sài Gòn. Vì lo sợ những trục trặc có thể xảy ra trong chuyến ra đi đoàn tụ, tôi hạn chế việc ghé thăm bè bạn. Nói là hạn chế, nhưng cũng đã gặp hầu hết những người quen biết: Trần Dzạ Lữ, Chu Vương Miện, Thành Tôn, Hà Nguyên Thạch, Đynh Hoàng Sa, Phan Nhự Thức, Đinh Trầm Ca, Cung Tích Biền, Huy Tưởng, Hoàng Trọng Bân, Phan Kim Thịnh, Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ, Thái Tuấn, Nghiêu Đề… Cả Mường Mán cũng có bắt tay, đứng tán dóc mấy phút bên đường. Tôi ghé Hồ Thành Đức hai lần. Lần đầu nhị vị họa sĩ đi vắng. Lần sau, từ ngoài đường nhìn vào, thấy bạn Đức đang có một số khách đến chơi, tôi ngại không vào. Lần thứ ba theo dự định không thực hiện được. Tuy không gặp được anh chị Hồ Thành Đức, Bé Ký nhưng tôi nghe bè bạn kể về Đức khá nhiều. Có tin tốt, có tin xấu. Tốt xấu giữa một thời buổi giao thời thật ra không nên câu nệ lắm. Đức tham dự nhiều cuộc vượt biên. Bến đến đầu tiên của anh là trại giam Phan Đăng Lưu vào năm 1977. Bạn đồng điệu ngồi chung một mái nhà tù có những bậc trưởng thượng: Hồ Hữu Tường, Doãn Quốc Sỹ… Chị Bé Ký chỉ được cho nếm mùi tù tội có 4 tháng. Phần thưởng rút ngắn thời gian này có lẽ do bốn người con gián tiếp ký lệnh ân xá. (Bốn con của Ký, Đức lúc này còn khá nhỏ, sau này, tại Hoa Kỳ, Hồ Thành Cao tốt nghiệp kỹ sư; Hồ Thành Cung, nối nghiệp bố mẹ; Hồ Thị Hải Dương, dược sĩ. Cô con gái Hồ Thị Cẩm Thư, theo tiếng gọi tình yêu, ở lại Việt Nam, vui chơi với nghề phóng viên cho Vietnam New). Hồ Thành Đức ăn cơm tù được tròn hai năm, đủ bằng cấp để nói về nhà tù, về một góc cạnh của một thời đã qua. Gần đây, trên trang Web VietWeekly, Đức giải độc một tin xấu của những tháng ngày sau 1975, qua cuộc phỏng vấn của ông Lê La:
“VW: Có dư luận cho rằng ông là “Cộng sản nằm vùng”, ông nghĩ sao?
HTĐ: Thì hồi ngày xưa bên nhà, tôi có khuynh hướng thiên tả. Nhưng tôi cũng không ưng chuyện Mỹ đổ bộ lên miền Nam, sau đó, tôi không thích Cộng sản, tôi bỏ tôi đi. Người Mỹ bảo lãnh cho tôi mà. Còn nói chuyện tôi “nằm vùng” là vô căn cứ. Ông viện trưởng viện Lê nin kia còn chán Cộng sản, nói gì đến tôi. Phải phân biệt ra người Việt Nam tiến bộ, yêu nước khác với người phát-xít chứ”.

Có lẽ có lỗi “đả tự”, hoặc ghi không chính xác câu trả lời của Đức, bởì đã khuynh tả thì chắc chắn không ưng chuyện Mỹ vào miền Nam, không cần phải “nhưng nhị” gì nữa. Nếu phải nhưng thì câu tiếp đó phải là “nhưng tôi cũng không ưng Bắc Việt tiến đánh miền Nam” mới đề huề nói lên cái trung lập của mình. Việc phân biệt giữa người tiến bộ yêu nước với phát xít trong giai đoạn đó có vẻ mơ hồ, chưa nói là hơi ngụy biện. Hình như Hồ Thành Đức còn bị đặt trong nhiều nghi vấn khi sở hữu ngôi villa do một người Pháp nhường lại trên đường Phan Thanh Giản, số 79 Bis. Đường Phan Thanh Giản nay đã thành đường Điện Biên Phủ. Ngôi villa hiện nay vẫn do con gái Đức, Hồ Thị Cẩm Thư cư ngụ. Một phần nhỏ của ngôi nhà được tặng cho một gia đình cán bộ. Có lẽ đây là một thủ tục đầu tiên cho một vấn đề gì đó. Hồ Thành Đức và Bé Ký vẫn thỉnh thoảng về thăm. Quê hương chẳng là một cái gì cả, nếu chúng ta không có một trái tim biết thương yêu.

Hồ Thành Đức, Bé Ký, không thuộc diện H.O, cũng không có thân nhân để được xếp vào chương trình O.D.P. Nếu trong lãnh vực nghệ thuật, Bé Ký lẫn Hồ Thành Đức đã nhờ vào tài năng và lòng đam mê để vươn lên, không phụ thuộc vào bất cứ thế lực nào khác, thì trong đời sống, nhờ vào sự thành danh của cả hai đã giúp gia đình họ đến Hoa Kỳ định cư, do chính người Mỹ trân quí nhân tài bảo lãnh. Tại Hoa Kỳ, những ngày đầu, gia đình Ký Đức được một nhà sưu tập tranh của Đức cấp cho chỗ ở, nhưng anh chị, ngay sau đó chọn về vùng đất lành, đông đồng hương: Quận Cam California.

Chị Bé Ký trả lời phỏng vấn của ký giả Jeffrey Brody trên tạp chí Register, số ra ngày 2 tháng 7 năm 1990, trong đó có câu:
“…Tôi không thể nào vẽ theo lối họ muốn được. Tôi nhớ có lần một cán bộ cho tôi coi bức họa theo lề lối anh ta thích. Thật là dễ sợ và không trung thực được…Chúng tôi đã có thể làm mọi thứ để mà sống còn…Nhưng vẽ tranh thì chúng tôi cần thể hiện cảm nghĩ của mình. Chúng tôi đã không thể làm được việc đó, bởi vậy nên đã ra đi”

Vào một dịp khác, Bé Ký tâm sự:
“…Tôi mất tình thương yêu gia đình từ thuở ấu thơ nên khi lập gia đình tôi sống trọn vẹn, trân quý với mái gia đình. Là người vợ, người mẹ, tôi làm trọn bổn phận của người đàn bà Việt Nam dù sống ở bất cứ nơi nào, thời điểm nào, đó là niềm hạnh phúc cao đẹp nhất tôi đã dâng hiến và được nhận lãnh. Tôi rất mê hội họa và yêu quê hương. Vì vận nước, vì thời thế đã hai lần tôi giã từ nơi chốn thân yêu, lòng tôi vẫn còn nhung nhớ. Từ trước đến nay tôi vẫn vẽ tất cả hình ảnh mang bóng dáng, sinh hoạt của quê hương”
(tài liệu này được trích từ bài viết của nhà báo Trần Lư Nguyên Khanh, trên tạp chí Thế Giới Nghệt Thuật, ấn hành tại Hoa Kỳ)

Hồ Thành Đức và Bé Ký đã trở lại cái thú được sáng tạo của mình. Đức có phần tích cực hơn. Anh hoàn tất được nhiều tác phẩm ưng ý, như: Thiếu Nữ Và Hoa (Young girl and flowers – mixed media, 48’’ x 48’’, 1992), Em, Trời và Mây (Lover, Sky and Clound, collage, 32’’ x 48’’, 1993), Múa Quạt (Fan Dancing, mixed media, 42’’ x 42’’, 1993), Ấn Tượng (Impression, collage 20’’ x 20’’, 1994), Tình Yêu (Love, mixed media, 1994), Nước Mắt và Nụ Cười (Tears and Smiles – collage 32’’ x 32’’, 1995), Khỏa Thân (Nudes, mixed media 48’’ x 48’’, 1995), Models (collage 48’’ x 48’’, 1995), Trời Và Đất (Heaven and Earth, acrylic on wood, 40’’ x 40’’, 1996), Nỗi Buồn Còn Nguyên (The Sorrow Is Still There, mixed media 48’’ x 48’’, 1996), Bến Thuyền (Harbor, lacquer 72’’ x 36’’, 1997), Thiện và Ác (Good and Evil, collage, 16’’ x 16’’, 1997), Cuộc Hành Trình Của Đôi Ngựa (A Journey of Horses, acrylic on wood, 30’’ x 30’’, 1997), Tường Nước Mắt (Wall of Tears, mixedmedia 48’’ x 48’’, 1998), Mộng Tưởng (Immagination, mixed media, 24’’ x 48’’, 2000), Thung Lũng Đau Buồn (The Valley of Tears, collage, 2000), Trời Đất Nở Hoa (The Blossom of Heaven and Earth, mixed media, 2000), Trên Đồi Golgotha , (On The Golgotha Hill, collage, 2000), Bốn Cô Gái Việt Nam (Four Young Ladies, mixed media, 32’’ x 48’’, 2001), Mùa Xuân ở California (Spring in California, collage 36’’ x 36’’, 2001), Thạch Nhũ (Stalactites, 34’’ x 44’’, 2001), Tuổi Hoa (Sisters at Youth, mixed media 34’’ x 44’’, 2001) vv…

Sức làm việc của Hồ Thành Đức quả thật bền bỉ. Nhưng chị Bé Ký cũng không thua anh chồng họa sĩ của mình. Chị để lại cho đời: Mother and Child (acylic on wood, 32 x 24’’, 1996), Mother and Child (acrylic 32x24’’, 1998), Combing Hair (acrylic on wood, 36x24’’, 2002), Cock Fightings (acrylic on wood, 24x36’’. 2003), Horse (acrylic on wood, 24x32’’, 2002), Nude (acrylic on wood, 32x24’’, 2001), Mother and Child (acrylic on wood, 36x24’’, 2004), Mid -Autumn Festival (acrylic on wood 34x48’’. 2004), Spring (acrylic on wood 32x24’’, 2004), Young Ladies and Lotus (acrylic on wood, 36x36’’, 2002), Enjoying Music (acrylic on wood 36x36’’, 2004) và rất nhiều bức mẹ và con khác đã được vẽ vào mỗi năm.

Đối với tất cả họa sĩ, việc ấn hành một tuyển tập bao gồm những bản chụp các họa phẩm của mình là điều cần thiết và thích thú. Nhưng để xuất bản được “cái tổng quát sự nghiệp” của mình không phải là dễ dàng về mặt tài chánh. Hồ Thành Đức, Bé Ký đã cố gắng thực hiện được việc này. Hai cuốn sách đã được ra đời: Hồ Thành Đức Ấn Tượng Trong Đời Tôi (Impressions In My Live), gồm 30 trang khổ 21,5cm x 28cm, giấy trắng tốt, 20 Mỹ Kim. Và Việt Nam Quê Hương Mến Yêu (My Beloved Vietnam) của Bé Ký 99 trang, cùng khổ sách như Đức. Đây là những tài liệu quí về hội họa, được in ấn mỹ thuật, công phu. Chị Bé Ký còn được cơ sở Viet Art Gallery in cho một tập The Art Of Be Ky, mỏng hơn, nhưng cũng rất mỹ thuật, trang trọng.

Tuy việc sáng tác chiếm nhiều thời gian, nhưng Đức và Ký vẫn không quên dành cho mình những giờ phút thong dong đây đó. Năm 1998 vợ chồng anh cùng cậu con trai Hồ Thành Cung ghé thăm thành phố Montréal. Đức đã nhờ một khách hàng mua tranh quen biết cũ, thuê cho gia đình anh phòng tạm trú trong khu ký túc xá học sinh, đang bỏ trống trong dịp hè. Địa điểm này nằm chênh chếch trước mặt ngôi nhà thờ nổi tiếng thiêng liêng Saint Joseph. Cả Đức lẫn Ký đều rất thích. Montréal đang ở vào mùa hè, đất trời óng ả đẹp. Hoa và chim đầy thành phố. Tôi lại có nhiệm vụ làm tài xế mấy ngày cho Đức, Ký đi thăm một số bằng hữu cư ngụ tại đây.

Khi từ nhà bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, (nguyên bộ trưởng Bộ Thanh Niên VNCH) ra về, chúng tôi vừa chạy xe vừa nói chuyện trên đường Edouard Montpetit, bất ngờ một chiếc xe ngược chiều, lạc tay lái, ào ào tiến ngay vào đầu xe tôi. Hốt hoảng, nhưng không còn lề trống để tránh, tôi đạp thắng và chờ đợi một va chạm có thể chết người. Nhưng rất may, chiếc xe trước mặt kịp thời tỉnh ngủ, lách qua, cận kề trong năm ba centimètre. Thật hú hồn. Giá lần đó xảy ra tai nạn chắc bạn bè gần xa đã tốn ít trang chia buồn.

Tin Hồ Thành Đức, Bé Ký đến Montréal được anh em bạn văn biết mau lẹ. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, cũng mở tiệc khoản đãi tại gia như hồi đón gia đình họa sĩ Nghiêu Đề. Đến bắt tay Bé Ký, nghe Hồ Thành Đức kể chuyện vui hôm đó có nhà văn Song Thao, nhà văn Trang Châu, nhà văn Hồ Đình Nghiêm, nhà thơ Lưu Nguyễn và đương nhiên có tôi cùng Lý. Hồ Thành Đức thành thật, cởi mở nhưng cũng phách lối rất mực. Chị Ký thay vì nói, chị cười nhiều hơn. Hệ thống thính giác của chị gặp một số trở ngại nên câu chuyện giữa các bà có phần hạn chế. Lý, vợ tôi có số được nhiều bà vợ của bè bạn tôi mến. Đã có nhà văn Minh Quân từ Việt Nam qua nhận làm chị nuôi, nay có thêm chị Bé Ký, hai bà rất quấn quít nhau. Ngoài bữa ăn tại nhà anh chị Hoàng Xuân Sơn, Kim Lân, Văn Bút Việt Nam tại Montréal cũng xuất quĩ đãi vợ chồng Hồ Thành Đức một bữa nhậu vui vẻ, như từng tiếp đón các họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung, Nghiêu Đề,…Nhắc lại những bữa nhậu (đúng ra là ăn, uống), chỉ có mục đích nhắc lại những sự họp mặt cởi mở,và cái tình giữa những người trong cùng một dòng sinh hoạt với nhau. Miếng ăn không thể nào là “miếng tồi tàn”, nên tôi nhắc thêm chút nữa. Như đã biết, chị Bé Ký là người đầu bếp thơm tay. Hồ Thành Đức khoe chị làm món nghêu hấp rất tới và khuyến khích vợ thực hành ngay. Tại nhà tôi, sau đó, chúng tôi thưởng thức được tài nghệ của chị.

Sau bữa ăn, cũng do Hồ Thành Đức đưa ý kiến rồi thúc hối chị Bé Ký phóng bút vẽ vài nét Luân Hoán. Tôi rất khoái chuyện này, nhưng ngại ngùng, được bạn vàng mở đường đâu dễ bỏ qua cơ hội. Tôi ngồi im, mặt nhìn nghiêng ra hướng đường Barclay. Hai cánh cửa kính rộng đã được đẩy dồn về một phía. Nhà quay về hướng tây, nhưng dòng nắng không còn đủ sức chói. Thỉnh thoảng một cơn gió tạt ngang. Càng ngồi im tôi càng nghe khắp thân thể mình cử động. Vài sợi tóc như muốn sà xuống trán, tôi se sẽ mím môi. Chị Bé Ký mắt quan sát, tay phác họa. Chị nhìn ngắm khuôn mặt già bụi đời của tôi từ những điểm nào ? Không rõ. Tôi chợt ngại chị bắt gặp hai cái quầng-mắt-dưới ú nụ những phong trần của mình. Tôi chợt lo hai má hóp quá, và rồi tự tin bởi hai hàng lông mi rất cong, đôi mắt liếc gái rất nhuyễn. Tôi trực nhớ đến các bàn tay của Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, La Toàn Vinh, Phạm Thế Trung, Vivi…những bạn đã trực tiếp “bắt” tôi bỏ lên mặt giấy. Bất chợt tôi lại mím môi. Chị Bé Ký dán ngay cái nét tai hại ấy lên bản vẽ và chừng ít phút sau, chị cười, thả cây bút xuống mặt bàn. Tôi thở ra nhẹ nhõm quên cả cảm ơn chị. Nét phác họa về tôi được chị Ký mang về Mỹ, dùng bút nhà nghề, tu chỉnh lại, và gởi qua với khổ lớn 52cm x 65cm. Không riêng tôi, Lý cũng được vẽ, cũng được gởi qua một bản y như tôi. Chúng tôi sung sướng đóng khung treo ngay phòng khách. Cái chúng tôi trân quí ngoài chữ ký, nét vẽ còn có cái tình của chị, lẫn của Đức gởi cho. Tôi đã được nhiều họa sĩ thân quen, làm cho nét mặt không đẹp của mình trở thành đẹp sáng, có cốt cách hơn, làm sao quên gởi lời cảm ơn đến với: Đinh Cường, Thái Tuấn, Trịnh Cung, Khánh Trường, Võ Đình, Trịnh Công Sơn, Nguyên Hạo, Bé Ký, Phạm Thế Trung, Nguyễn Quốc Tuấn, Vũ Uyên Giang, Vivi, La Toàn Vinh, Hoàng Trọng Bân, Hồ Đình Nghiêm, Nghiêu Đề…cùng các bạn lấy thân tình phác họa chân dung tôi bằng nét thơ như nhà văn Song Thao, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, nhà thơ Song Vinh, nhà thơ Chu Vương Miện…Thật ra, có lẽ, các bạn đã chỉ vẽ cái dễ thương ẩn khuất của tôi thôi. Mà tôi quả thật dễ thương ở chỗ ai thương cũng xin chấp nhận. Thế nhưng có một họa sĩ quen biết lâu ngày, cố tình lơ cái dễ thương của tôi đi đấy, các bạn biết ai rồi chứ gì ! Vợ chồng Hồ Thành Đức ở chơi với Montréal độ một tuần, tôi đưa anh chị thăm viếng một vài nơi như đã từng thực hiện với nhiều bạn khác. Hình như có đưa Bé Ký Hồ Thành Đức đi chợ trời, hay hái dâu, hái táo gì đó, để biết thêm một góc cạnh Montréal.

Kỷ niệm theo tôi là một tế bào. Khi mới được cấy vào cơ thể có ngay những cảm xúc bồi hồi chóng vánh. Sau đó là sự sống thầm, tưởng chừng như mất dạng. Nhưng khi được khơi lại, những tế bào có tuổi hơn lại hiện ra minh bạch, sắc sảo hơn những anh mới hội nhập, dù đôi khi thiếu thứ tự. Kỷ niệm có được với Hồ Thành Đức, Bé Ký cũng có phần lộn xộn. Sau ngày ông bà họa sĩ về lại Hoa Kỳ, chúng tôi lơi dần những liên lạc bằng điện thoại. Nhưng tôi vẫn theo dõi những sinh hoạt của bạn mình. Đức làm thơ khá nhiều trong những năm gần đây. Thơ anh viết đăng trên một số tạp chí, nhất là các đặc san, tuyển tập của quê hương Quảng Nam. Tôi muốn “mách có chứng” một chút, qua trích đoạn dưới đây:
“Con phố nhỏ đưa ta vào nỗi nhớ/ bao mùa xuân trăn trở giấc ly hương/ Hội An ơi, cồn bãi với phố phường/ trông ngoảnh lại, với muôn vàn thương tiếc
buổi ra đi, cánh buồm giăng biền biệt/ núi sông hờn ! luyến tiếc gót giày hoa / em ở lại, mẹ già chiều nắng xế/ anh ra đi ngày tháng ánh trăng lu/ chiều cuối đông thành phố nhớ sương mù/ em cửa sổ mây bay vòng tuế nguyệt
gót phong trần đã in màu sương tuyết/ ta lưu linh làm kẻ ngóng thiên đường/ sáng mai nào thành phố nhỏ đầy sương/ em áo tím đến trường qua ngõ hẹp/ thơ yêu em cả trăm lần sao chép/ vẫn hắt hiu ngói cũ với tường rêu/
ta ở đây sáng nắng với chiều mưa/ nơi xứ lạ, nhập nhòa trăng cánh hạc/ năm mươi năm tan tành trong đổ nát/ chuyện ra đi cứ canh cánh bên lòng/ hẹn ngày về sáng đợi với chiều mong/ tình thuở trước phai dần trong tưởng nhớ
trong yêu thương có điều gì tan vỡ/ buổi ra đi còn chút nắng ngày về/ mùa xuân này gởi lại bức tình thơ/ em yêu dấu ! Hội An ngày trở lại/ ngựa yên cương, thành cao, đường quan ải
lớp lớp về ! nhìn lại dáng em xưa/ thời rong rêu ! cửa đóng với then cài/ trăng cửa sổ, nhìn sâu đêm tình ái/ con nước về cuối bãi gió vi vu/ ta về đây thành phố xám sương mù/ em thức giấc ! Hội An ngày trở lại”
(Hội An Trong Nỗi Nhớ HTĐ tháng 12-1995 Hoa Kỳ, đặc san Quảng Đà, 1998)

Hồ Thành Đức có lẽ là niềm tự hào của cộng đồng Quảng Nam ở xứ người. Tôi thấy anh được đề cao tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ. Anh đã tham gia vào nhiều cuộc sinh hoạt của cộng đồng từ thuyết trình, triển lãm, ngâm thơ.... Một hôm tôi giật mình thấy chân dung anh đăng trên một đặc san. Vẫn cái mũ bê rê có vành chồm trước trán, vẫn dáng người dong dỏng cao, nhưng sao cái miệng lệch hẳn một bên. Khuôn mặt vì vậy trở nên giàu thêm tuổi đời. Tôi ngẫm nghĩ, hỏi thầm: “sao cái thằng này già mau như vậy ?” Rồi đâm lo lo. Dĩ nhiên không phải lo cho anh, mà lo cho chính mình. Trong dịp ghé thăm quận Cam, hè 2006, tôi mới vỡ lẽ cái miệng của Hồ Thành Đức chỉ nghiêng tạm thời trong một vài tháng vì nằm ngủ lấn cấn gì đó.

Dù có ý định sẽ thăm thủ đô người Việt tị nạn một cách âm thầm, trốn hết bạn bè. Nhưng cuối cùng tôi thấy ra cái vô lý của mình. Không đến nỗi ngàn năm một thuở. Nhưng cơ hội của ngày hôm nay chắc gì có được ở ngày mai. Nhất là với một người có tuổi đời bị trừ đến gần hết. Nhà thơ Thành Tôn bố trí cho tôi một buổi gặp mặt bạn bè tại quán cà phê Bistro. Nhà thơ Đạm Thạch nhiệt tình thông báo cùng anh em. Quán cà phê Bistro, một địa điểm nổi tiếng, quen thuộc của giới sinh hoạt văn hóa tại quận Cam. Quán nằm khiêm nhường trong một bãi đậu xe khá rộng. Khi chúng tôi đến nơi, khách đã ngồi chật ngoài hành lang. Các bạn văn đã hiện diện. Tôi gặp lại Ái Cầm, Thái Tú Hạp sau 30 năm. Tôi gặp lại vợ chồng Thành Tôn sau 21 năm. Tôi gặp lại Hạ Quốc Huy sau 36 năm. Tôi gặp lại Phạm Phú Minh sau 7 năm. Tôi gặp lại Hồ Thành Đức, Bé Ký sau 8 năm. Và tôi được gặp những người bạn từng quen biết rất lâu qua thư từ, điện thoại như Đặng Hiền, Nguyễn Nam An, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Văn Nam, Rừng, Trần Yên Hòa, Đạm Thạch, Hà Nguyên Du…Chuyện tầm phào bao giờ cũng vui hơn chuyện nghiêm túc, giống như món ăn chơi ngon hơn ăn thiệt. Hồ Thành Đức phát biểu trước đám đông, đây là lần đầu tiên chị Bé ký và phu nhân Thành Tôn ghé đến quán Bistro vì sự có mặt của người tình muôn đời của nhà thơ Luân Hoán. Cả Lý và tôi đều rất cảm động. Vội vã đến tìm Lý còn có chị Nguyên Ngọc, người vợ của cố nhà văn Nguyễn Đông Ngạc.

Khách đến, khách đi, dòng nắng lấn dần vào mái hiên, vàng óng từng phần trên vai, trên ngực những người bạn đang vui vẻ tán dóc. Ngồi bên Hồ Thành Đức, anh nghiêng người nói nhỏ nhưng cũng đủ cho cả bàn nghe. Anh đang thực hiện một tác phẩm rất độc đáo. Tác phẩm của anh lần này không phải là một họa phẩm, mà là một cuốn sách. Sự đặc biệt của nó là từ một người nói đến nhiều người. Đức cũng giống tôi, ưa thích kéo bè bạn vào giang sơn riêng của mình. Tác phẩm của Đức là những bản chụp tranh màu của anh được đi kèm với vài câu thơ, vài dòng nhạc, dòng văn của bạn bè. Dĩ nhiên toàn những anh chị đã thành danh lâu ngày với cuộc đời văn học, nghệ thuật. Tôi được Hồ Thành Đức dành cho 2 trang. Sách sẽ được in trên giấy tuyệt hảo nhất, do một nhà xuất bản uy tín ở quốc nội ấn hành ngay sau khi Đức hoàn tất. Tôi chia sẻ niềm vui cùng Đức và cũng như anh, tôi mong mỏi những tác phẩm có giá trị chóng được ra mắt bạn đọc. Đức cũng không quên kể với tôi sự thành công về tài chánh từ một họa phẩm anh bán được gần đây. Mừng cho bạn nhưng tôi chợt cảm thấy băn khoăn, vì những mẩu chuyện ấy, anh thỉnh thoảng nhắc lại, kể lại như mới nói lần đầu tiên. Sự chợt quên chợt nhớ hình như đã đến với Đức. Nhà thơ Đặng Hiền thì nói nhỏ với tôi về sự ảo tưởng của Đức. Ảo tưởng cũng là một điều thú vị, nhiều khi chúng ta cũng nên cần nó chút đỉnh.

Trong bữa ăn trưa khá thịnh soạn thứ nhất do vợ chồng Thái Tú Hạp mời anh em, tôi ngồi giữa Đặng Hiền và Hồ Thành Đức. Tôi chọn món mì Quảng cho phần ăn của mình. Tuy không ngon miệng lắm nhưng tôi chợt nhớ đến nhà văn Tưởng Năng Tiến, một người bạn chưa gặp, đầy tình nghĩa của tôi. Trong phạm vi bè bạn văn thơ Quảng Nam, Tưởng Năng Tiến được xem như gắn liền với mì Quảng, dù anh không phải dân xứ hay cãi, mà chỉ vì đã viết được một bài rất tới về món ăn dân dã này. Hồ Thành Đức nhắc chừng tôi cách trộn bát mì, cả việc chan thêm nước chấm. Anh tưởng rằng tôi đã quên cách thưởng thức một món ăn nguồn cội. Tôi chưa quên và còn nhớ rất rõ những lần ăn cùng với Nguyễn Nho Sa Mạc ở quán mì Lợi Ký Tam Kỳ, những lần ăn cùng với Nguyễn Thanh Ngân, Vĩnh Kha ở Nam Phước, dọc đường quốc lộ 1 và cả lần ăn với Hoàng Quy ở Ngã Năm Đà Nẵng…Những lần đó cũng tương tự như lần này, cái việc ăn của tôi bị câu chuyện từ bè bạn ảnh hưởng, không tìm ra được cái khoái khẩu tuyệt đối. Chỉ có những lần ngồi ăn cùng Lý bên hè đường Hoàng Diệu, tôi mới nhận được ra phần nào sự tinh tuý, thâm trầm của một món ăn mình luôn luôn nhớ, sẵn sàng thèm khi được nhắc đến. Trong bữa ăn thứ hai, tiếp liền theo sau chặng đường chạy đổi quán, tôi bị mất tập trung vì cú điện thoại của một bạn cựu học sinh Phan Châu Trinh.

Tán dóc, uống, ăn, chụp hình… rồi cũng trôi qua chóng vánh. Tôi chia tay đám bạn cũ mới trong lòng luyến tiếc, buồn buồn. Chúng tôi không kịp giờ để ghé đến thăm nhà Bé Ký, Hồ Thành Đức, cho anh nợ tiếp một thời gian nữa họa phẩm mà anh định tặng tôi treo chơi từ mấy năm nay. Hội họa là một nghệ thuật tôi không am hiểu gì mấy, nhưng lại thích cận kề bên tranh, bên cả những người sinh ra chúng. Việc này có lẽ khởi đi từ lúc tôi tình cờ sở hữu một thời gian họa phẩm Thiếu Nữ của họa sĩ Cù Nguyễn. Tôi không chắc bức tranh đó có phải là bức giao vào tay Cù Nguyễn tấm huy chương vàng mùa Xuân năm 1963? Có thể đây chỉ là một sáng tác khác của Cù Nguyễn. Bức tranh Thiếu Nữ này được đi vào nhà ông Thái Trử, chánh sở tài chánh thành phố Đà Nẵng. Ông Thái Trử còn là tác giả vài tập thơ dưới bút hiệu Việt Trữ. Có thể ông đã mua họa phẩm hoặc được Cù Nguyễn tặng (Cù Nguyễn cũng người Quảng Nam). Không hiểu vì lý do gì, một hôm con trai ông Trử, Thái Anh mang sang nhà tôi, hỏi “anh có thích không, lấy treo đi”. Tôi khoái tranh ngay sau đó. Bức Thiếu Nữ ở với tôi được vài năm cho đến khi tôi nhập ngũ, 1966. Khi ra trường, về thăm nhà, không rõ bức tranh bị ai đưa đi đâu mất, và tôi vì lo nghĩ đến chiến trận sẽ trực tiếp tham dự trước mặt không còn giờ truy tìm. Sau này tôi được Nghiêu Đề, rồi Đinh Cường khuyến khích lấy tranh về treo nhưng tôi đều không dám nhận. Với Hồ Thành Đức cũng vậy thôi. Hoạ phẩm nào cũng là một phần tâm tư, da thịt của họa sĩ, tôi phải để các anh xử dụng nó đúng chỗ hơn.

Có một lần, một bạn văn vui với những chuyện loanh quanh trong văn học nghệ thuật, đã hỏi tôi: “Anh có thích tranh của Hồ Thành Đức không ?”. Câu trả lời của tôi đương nhiên là “Có”. Sở dĩ trong những thi phẩm tôi đã in chưa có tập nào được Hồ Thành Đức trình bày bìa, vì trong những thời gian đó, tôi không liên lạc được với Đức. Tính tôi lại rất nôn nóng, không thích chờ đợi, nên tôi chỉ làm phiền những bạn họa sĩ thường liên lạc nhiều hơn. Xin trích một bài thơ tôi viết về người thiếu nữ trong tranh Hồ Thành Đức, minh chứng sự yêu thích của tôi:
“Em chằng chịt những sợi gân / thênh thang như suối như sông phiêu bồng/ khai sinh từ cõi chân tâm/ quí đời, kính Phật, yêu nồng nàn yêu/ khai hoa giữa sáng hay chiều ?/ giữa thời hưng thịnh ? tiêu điều ?, chả sao/ bởi hình tượng, sống – lúc nào/ cũng đầy chân mỹ là bào thai em/ sắc nhan em chẳng là em/ em là nhan sắc trái tim con người”
(SNCNTNT)

Chúng ta thường nghe nói “ông tơ, bà nguyệt”. Hai nhân vật theo truyền thuyết này có nhiệm vụ kết hợp những người nam, người nữ giữa cõi đời thường thành đôi thành cặp, sống đời với nhau. Dù hai nhân vật dễ thương này có thật hay không, tôi cũng xin phép được bắt tay mỗi người một cái, để cảm ơn sự trói buộc giữa Bé Ký và Hồ Thành Đức. Từ hai người mồ côi nghèo khó, họ đã dìu nhau vượt qua mọi gian nan để thành công trong tình yêu, sự nghiệp và cả sự đào tạo những nhân vật tiếp nối. Nếu không phân biệt trường phái, thể loại…chỉ dùng hai chữ hội họa chung chung, thì Hồ Thành Đức, Bé Ký quả đúng là Song Kiếm Hợp Bích trong nghệ thuật cao quí này.

.
.
.

No comments: