Thứ
Ba, 12/31/2024 - 01:04 — songchi
https://www.rfavietnam.com/node/8256
Cuối năm, như thường lệ, là nhìn lại một năm
qua 2024 ở Việt Nam có những chuyển động gì, những sự kiện gì quan trọng hoặc
đáng chú ý. Theo quan điểm của người viết, đó là những sự kiện sau đây:
1.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời (ngày 19/7/2024). Ý nghĩa đối với Việt Nam
và thế giới.
Từ
sau đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2013 cho đến khi ông Nguyễn
Phú Trọng qua đời, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam mới lại tổ chức một đám
tang--nói theo ngôn ngữ bây giờ là “hết sức hoành tráng”-- như vậy. Cũng như với
đám tang ông Võ Nguyện Giáp, toàn bộ bộ máy tuyên truyền khổng lồ với
“nghệ thuật thuộc hàng thượng thừa” của nhà nước cộng sản lại được
huy động hết công suất để ca ngợi. Rất nhiều từ ngữ, cụm từ đẹp đẽ, khoa
trương được sử dụng cho ông Nguyễn Phú Trọng và sự kiện này như “người
đốt lò vĩ đại”, “người cộng sản cuối cùng”, “nhà lãnh đạo lỗi lạc”, “sau Hồ Chí
Minh, Trường Chinh, ngang Lê Duẩn” rồi thì “sự đau thương mất mát lớn của dân tộc,
đất nước” v.v… rồi những hình ảnh tràn ngập về những dòng
người xếp hàng chờ viếng, những khuôn mặt đẫm nước mắt, đoàn xe tang
với nghi thức quốc tang…
Kể
từ sau thời Lê Duẩn, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thự tại vị lâu nhất –13
năm 182 ngày. Ông Nguyễn Phú Trọng đã phá bỏ điều lệ đảng quy định về việc chức
vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, cũng như quy định về việc Ủy
viên Bộ Chính trị để được tái cử phải “không quá 65 tuổi”, để tiếp tục giữ chức
vụ Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, khi đã 77 tuổi (năm 2021).
Sau
khi ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước qua đời vào tháng 9.2018, ông Nguyễn Phú
Trọng trở thành người thứ ba trong lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ cả
hai cả hai chức vụ đứng đầu Đảng Cộng sản và nhà nước, sau Hồ Chí Minh và Trường
Chinh.
Nhắc
lại những điều này để thấy trong vòng vài thập niên trở lại đây, ông Nguyễn Phú
Trọng là người có một vị trí và quyền lực không nhỏ.
Khi
ông Nguyễn Phú Trọng nằm xuống, nhiều nhà phân tích, bình luận chính trị trong
ngoài nước đều cho rằng ông Trọng có lẽ là người Cộng sản cuối cùng, từ phong
cách sinh hoạt cho tới việc vẫn còn tin vào chủ nghĩa Mác Lênin, vào con đường
tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ông
Nguyễn Phú Trọng qua đời, báo chí tiếng Việt khắp nơi nói về di sản của ông. Về
đối nội, như nhiều người đã chỉ ra, điều lớn nhất mà ông đã làm là chiến dịch
“đốt lò” chống tham nhũng. Nhưng kết quả là gì? Hàng ngàn đảng viên bị mất chức,
vào tù hoặc phải từ chức. Không thể nhớ hết là bao nhiêu người, bao nhiêu vụ án
thậm chí đại án, siêu đại án đã được khui ra. Bản thân ông Trọng khơi dậy chiến
dịch đốt lò chống tham nhũng để cứu đảng, cứu uy tín của đảng nhưng lại làm cho
đảng mất uy tín hơn, người dân mất lòng tin hơn vào đảng. Ngay cả những người
bao nhiêu lâu nay chỉ tin vào đảng vào nhà nước cũng phải thấy là tham nhũng đã
trở thành một căn bệnh ung thư của đảng bởi vì chính thể chế này đã tạo ra và
nuôi dưỡng tham nhũng.
Công
cuộc “đốt lò” đó cũng đã tạo cơ hội cho những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực,
hạ bệ lẫn nhau.
Người
ta cũng nhắc đến thất bại của ông Trọng trong tuyển chọn nhân sự. Hàng loạt người
do ông Trọng giới thiệu đều bị khui ra có dính dáng đến tham nhũng và phải rời
ghế, mới đây nhất là Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ.
Đó
là chưa nói đến các quyền tự do dân chủ, tình trạng nhân quyền ở Việt Nam dưới
thời ông Trọng đã xấu đi tệ hại, các chỉ số tự do báo chí, tự do tôn giáo…của
Việt Nam luôn luôn nằm ở top 5 quốc gia tệ nhất.
Về
đối ngoại, người ta nhắc đến chính sách đa phương, “ngoại giao cây tre” dưới thời
ông Trọng.
Cũng
phải thừa nhận là dù vẫn gắn chặt với Tàu, Nga, nhưng Việt Nam vẫn mở cửa với
thế giới, tạo lập và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện
với phương Tây, nhất là Hoa Kỳ.
Còn
về sự ổn định chính trị, một điều mà đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam luôn
luôn tự hào nhắc đi nhắc lại nhưng thời gian vừa qua, khi những cuộc đấu đá
thay người ngay cả ở các cấp cao nhất liên tục xảy ra đã cho thấy sự bất ổn, khủng
hoảng chính trị của Việt Nam.
2.
Ông Tô Lâm, trở thành Chủ tịch nước rồi Tổng Bí thư. Kỷ nguyên của ông Nguyễn
Phú Trọng đã kết thúc, nhưng liệu sự thay đổi có đến với đất nước, dân tộc Việt
Nam qua nhân vật Tô Lâm?
Kế
nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng là ông Tô Lâm, một con người với hồ sơ nhân quyền tệ
hại, chuyên đàn áp dân oan, những người bất đồng chính kiến, mà một trong những
tội ác lớn nhất là vụ án Đồng Tâm, và những vụ tai tiếng bắt cóc người ở nước
khác, ăn thịt bò dát vàng v.v…Có lẽ vì vậy mà khi trở thành Chủ tịch nước rồi Tổng
Bí thư, ông Tô Lâm đã cố gắng cải thiện hình ảnh của mình.
Trong
thời gian ngắn ngủi từ khi nhậm chức Chủ tịch nước rồi Tổng Bí thư, ông Tô Lâm
cũng đã kịp đi công du nước này nước kia, và dù ở trong hay ngoài nước, ông ta
đều có những lời tuyên bố có cánh kiểu như Việt Nam đã sẵn sàng cho một “kỷ
nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”, rồi thì “đổi mới
phương thức lãnh đạo, cầm quyền của ĐCSVN’ là một ‘yêu cầu cấp
thiết’ trong ‘giai đoạn cách mạng mới’…Khiến bao nhiêu người phải suy ngẫm
ý ông Tô Lâm muốn nói gì, kỷ nguyên mới là kỷ nguyên gì. Về điều này TS Khoa học
Nguyễn Quang A đã có câu trả lời ngắn gọn qua một số bài viết mới đây như
bài “Kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ cho Dân tộc Việt Nam vươn
mình”.
Khi
nói chuyện tại đại học Columbia trong chuyến đi Mỹ tháng 9 vừa qua, Ông Tô Lâm
cũng tuyên bố “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế
chung của thế giới và nền văn minh nhân loại". Nhưng không hiểu khi nói thế
ông Tô Lâm có thật hiểu, xu thế chung của thế giới là gì? Đó là xu hướng dân chủ
hóa. Và một nền văn minh nhân loại là phải tôn trọng tự do, nhân phẩm của con
người.
Phát
biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10 ông Tô Lâm lại nói “trong
3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là
“điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Nhiều người đã vội mừng tưởng như nói đến mô
hình thể chế chính trị. Nếu đọc kỹ bài nói chuyện của ông Tô Lâm trước Quốc hội
thì rõ ràng Tô Lâm tất nhiên không nói đến mô hình thể chế chính trị, mà chỉ
nói đến sửa đổi, cải cách về mặt lập pháp, hoàn thiện cung cách làm việc của Quốc
hội vì “trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế
cần sớm được khắc phục”
Với
những ai hy vọng vào Tô Lâm sẽ có những cải cách, chuyển đổi theo hướng dân chủ
hóa để đất nước, dân tộc Việt Nam có sự phát triển tốt đẹp hơn (như đã từng hy
vọng vào Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng), thì phải thấy rằng ông Tô Lâm
không có đủ tầm, tâm, trí, dũng để làm chuyện thay đổi đó. Tô Lâm không phải là
một nhà tư tưởng, một nhà giáo dục, một nhà kỹ trị, Tô Lâm chỉ là một ông công
an cả đời chuyên bắt bớ, đàn áp, thậm chí cũng chẳng có …lý tưởng dù là lý tưởng
dở hơi tin vào CNXH, chủ nghĩa Mác Lê như ông Nguyễn Phú Trọng cả đời đắm đuối
vào mớ lý luận, lý thuyết giáo điều đã bị thế giới vứt vào sọt rác. Tô Lâm thực
tế, thực dụng theo đúng chủ nghĩa “hưởng thụ bò dát vàng”. Mà không chỉ một
mình ông Tô Lâm, cả dàn “tứ trụ” hiện nay cũng vậy.
Với
thế hệ lãnh đạo hiện nay và ít nhất là 5, 7 năm nữa, càng tập trung quyền lực
thì chỉ tạo ra một nhà độc tài hơn chứ không phải tạo nên một nhà cải cách.
Cũng
giống như ông Nguyễn Phú Trọng có công cuộc chống tham nhũng, “ngoại giao cây
tre”, ông Tô Lâm đang cố định hình nhiệm kỳ Tổng Bí thư của mình với cụm từ “kỷ
nguyên mới” và công cuộc “tinh gọn bộ máy”. Nhưng nếu công cuộc chống tham
nhũng không thành công là do chính chế độ độc tài độc đảng không có cơ chế kiểm
soát và cân bằng thì việc tinh gọn bộ máy liệu có thành công? Hay ngược lại là
thất nghiệp gia tăng, hàng chục ngàn người mất việc, bất bình đẳng càng nặng nề….Nhà
văn Tạ Duy Anh nhận định trong bài “Cồng kềnh do đâu?”
“…
Khi chính quyền muốn kiểm soát người dân toàn diện, mọi lúc mọi nơi, đến tận từng
ngóc ngách, từng hành vi; khi mà việc gì của người dân chính quyền cũng phải
thò tay vào mới yên tâm, thì làm thế nào mà bộ máy không cồng kềnh cho được?
Thừa
nhận xã hội dân sự, chính quyền bớt đi nhiều việc phải làm, do đó, một cách tự
nhiên, bộ máy không cần phải phình to. Ở những quốc gia thành công trong phát
triển, xã hội dân sự được tạo mọi cơ hội để hình thành và lớn mạnh. Tại đó việc
gì người dân tự làm được mà không vi phạm luật pháp, không ảnh hưởng đến bất cứ
cá nhân, tổ chức nào, thì chính quyền khôn ngoan đứng ngoài, hoặc ít nhất cũng
chỉ quan sát mà không động tay vào.
Vừa
không cần thiết, vừa tốn kém vô ích…”
Nhưng
tất nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam luôn cảnh giác với người dân, luôn sợ hãi mọi
tổ chức, nhóm, hội, chỉ muốn tập trung quyền lực vào tay mình thì sẽ không bao
giờ chấp nhận như vậy. Và ngay chính ông Tô Lâm là người đã làm phình to thêm bộ
máy khi cho thành lập lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, được hình thành từ
3 lực lượng sẵn có, bao gồm: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân
phòng. Từ 1/7/ 2024 lực lượng này đã bắt đầu chính thức hoạt động trên toàn quốc.
Có nghĩa là người Việt càng bị giám sát chặt chẽ không hó hé cục cựa gì được.
3.
Tiếp tục những cuộc thanh trừng chính trị, với hàng loạt quan chức bị bắt, bị kỷ
luật:
Cuộc
đấu đá phe phái giữa phe quân đội-công an, giữa các vùng miền với nhau như Hưng
Yên-Thanh Nghệ Tĩnh v.v…nhận danh công cuộc “đốt lò chống tham nhũng” từ thời
ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp tục. Đáng lưu ý là lần đầu tiên trong lịch sử đảng
Cộng sản Việt Nam, luật bất thành văn “tứ trụ” được hạ cánh an toàn không còn nữa
khi hai nhận vật cựu “tứ trụ” là Nguyễn Xuân Phúc, Cựu Chủ tịch nước và Vương
Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo, nghe đâu Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng bị
“sờ gáy”, nhưng do đang điều trị bệnh nhưng chưa bị đung đến.
4.
Thêm một năm u ám của tình trạng nhân quyền ở Việt Nam:
Việt
Nam tiếp tục là một quốc gia mà ở đó người bất đồng chính kiến này vừa ra tù
thì người khác lại bị bắt: Những người ra tù như kỹ sư Phạm Văn Trội-thành viên
Hội Anh Em Dân Chủ, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, đặc biệt là tù nhân chính
trị nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức. Ông Thức cùng với nhà hoạt động môi trường
Hoàng Thị Minh Hồng và một người khác được thả sớm trước thời hạn vài tháng,
như một “món quà” trước chuyến đi Mỹ của ông Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm
lúc bấy giờ.
Những
người bị bắt? Tiếp tục tình trạng “Bắt nguội”, “bắt vét” và “truy cùng
diệt tận” những người từ lâu đã không còn hoạt động như Phan Tất Thành, từng
là admin trang Facebook Nhật ký yêu nước, nhà hoạt động, Youtuber Nguyễn Chí
Tuyến tức Anh Chí, blogger Nguyễn Vũ Bình v.v…Một sự kiện đáng buồn là blogger
Nguyễn Văn Dũng (Dũng Aduku) từng bị tù trước kia, nay bị công an khủng bố tinh
thần đã cùng quẫn tìm đến cái chết bỏ lại đứa con trai mới có 6 tuổi…
Trong
số những người bị bắt năm nay có hai khuôn mặt rất nổi tiếng là nhà báo Trương
Huy San tức Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển v.v….
Đáng
lưu ý là nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng tình trạng “đàn áp xuyên quốc gia” qua
hàng loạt sự việc như: Vào tháng 3, một nhóm công an Việt Nam đứng đầu là Thiếu
tướng Rahlan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, đã qua Thái Lan trực tiếp gặp
gỡ, thuyết phục người tỵ nạn về nước, nhưng cũng cùng lúc truy bắt người (trong
đó có anh Y Quynh Bdap); vụ bắt cóc blogger Đường Văn Thái tại Thái Lan đưa về
nước xử 12 năm tù (trước đây nhà báo, blogger Trương Duy Nhất cũng từng bị bắt
cóc tại Bangkok Thái Lan, sau đó bị xử 10 năm tù); vụ đòi dẫn độ nhà hoạt động
Y Quynh Bdap, người Êđê theo đạo Tin lành, tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2018. một
trong những người sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công Lý bằng cách cáo buộc Y
Quynh Bdap là “kẻ khủng bố” liên quan tới vụ xả súng tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023
mặc dù các bằng chứng chỉ ra không phải như vậy; thậm chí khi phái đoàn Thái
Lan có cuộc điều trần tại Thụy Sĩ không liên quan gì tới Việt Nam nhưng một số
đại diện của chính quyền Việt Nam cũng có mặt để theo dõi các thành viên tổ chức
NGO có báo cáo gì về họ liên quan đến những vụ việc ở Thái Lan không v.v… Đặc
biệt, Nghị định 147/2024/NĐ-CP được ban hành mở rộng quyền kiểm soát của chính
phủ Việt Nam trên không gian mạng và rõ ràng là đe dọa đến quyền tự do biểu đạt,
tự do ngôn luận của người dân Việt Nam Với bức tranh nhận quyền tiếp tục xám xịt
trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục bị các tổ chức nhận quyền quốc tế chỉ trích nặng
nề và đề nghị cho vào danh sách CPC (Country of Particular Concern), đặc biệt
là về tình trạng đàn áp có hệ thống đối với các nhóm, hội, tổ chức tôn giáo độc
lập và đồng bào các sắc dân bản địa.
Ngày
27/9/2024, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (United States Commission on
International Religious Freedom, viết tắt USCIRF) đã công bố nghiên cứu về các
tổ chức tôn giáo và ngụy tôn giáo do nhà nước Việt Nam điều khiển. Tức là họ biết
rõ những tổ chức tôn giáo như Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Chi phái Cao Đài
1997, Tin Lành Miền Nam Việt Nam, Tin Lành Miền Bắc Việt Nam, Giáo Hội Phật
giáo Hòa Hảo…đã bị nhà nước Việt Nam điều khiển để phục vụ lợi ích của đảng và
nhà nước trong khi những tổ chức tôn giáo độc lập thì bị đàn áp năng nề.
Hậu
quả là số người phải bỏ nước ra đi tỵ nạn chính trị tiếp tục gia tăng, lần này
thêm cả giới luật sư nhận quyền như 4 luật sư trong vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ:
Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân, Trịnh Vĩnh Phúc; hoặc giới hoạt
động môi trường như bà Hoàng Thị Minh Hồng vừa được thả tù, cũng đã tới Mỹ xin
tỵ nạn chính trị.
5.
Vụ án Vạn Thịnh Phát và hàng loạt vụ đại án về kinh tế được đưa ra xử:
Như
Vụ án Công ty Việt Á, Vụ án tại Tân Hoàng Minh, Vụ công ty AIC “thông thầu” tại
Bắc Ninh v.v…Nhưng đáng chú ý nhất là vụ án Vạn Thịnh Phát vì mức độ quy mô, số
tiền thất thoát, tham nhũng, hối lộ khủng, số người dính líu vào vụ án. Những
người bị xử được chia thành nhiều nhóm: nhóm hối lộ. nhóm tội tham nhũng, nhóm
tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhóm lợi dụng chức vụ, quyền hạn
trong thi hành công vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… Tổng cộng đã có
86 người bị truy tố, và tổng số tiền thiệt hại của vụ án lên tới 677.000 tỷ đồng
(tương đương 27 tỷ USD) thông qua việc lừa đảo giải ngân thông qua các hồ sơ
cho vay của Ngân hàng SCB lên tới 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD), trở
thành một trong các vụ bê bối kinh tế lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, và có lẽ,
cũng là một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Tại
phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 4, Tòa án nhân dân TPHCM tuyên phạt bị cáo
Trương Mỹ Lan tử hình về tội Tham ô tài sản; 20 năm về tội Vi phạm quy định về
cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù về tội Đưa hối lộ.
Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Tòa cũng tuyên án tù chung thân 04 bị cáo,
các bị cáo còn lại nhận mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 20 năm
tù.
Đến
tháng 11/2024, HĐXX cấp phúc thẩm TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên bác kháng
cáo,
y án tử hình với bà Trương Mỹ Lan.
Những
năm gần đây mức độ quy mô của các vụ đại án ở Việt Nam như đại án Việt Á liên
quan đến Test Kit Covid-19, đại án “chuyến bay giải cứu”… ngày càng lớn, thiệt
hại ngày càng nghiêm trọng, với sự tham gia của đông đảo các quan chức trong mọi
lĩnh vực từ trung ương đến địa phương, khiến cho người dân nhận ra sự thối nát
của chế độ. Tham nhũng ở đâu cũng có nhưng những vụ án cỡ như vậy, với mức độ
quan chức cán bộ hư hỏng như vậy, chỉ có thể xảy ra tại những xử sở độc tài
toàn trị không có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực, không có tam quyền
phân lập, các đảng chính trị đối lập, báo chí truyền thông độc lập, các tổ chức
xã hội dân sự độc lập và lá phiếu của người dân.
6.
Về ngoại giao, tiếp tục mở cửa, tiếp tục “ngoại giao cây tre” nhưng đã chọn
bên?
Tháng
4, Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher
có chuyến thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Bộ trưởng
Ngoại giao Tòa thánh, đặc biệt là sau khi thiết lập Đại diện thường trú tại Việt
Nam vào tháng 12/2023.
Trong
năm 2024 Việt Nam tiếp tục năng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với
Úc, Pháp, Malaysia, năng tổng số quốc gia có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện
với Việt Nam lên con số 9: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật
Bản, Úc, Pháp và Malaysia. Nhưng mối quan hệ với Trung Quốc vẫn ở mức cao nhất:
Ba tháng sau khi Việt Nam và Mỹ tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên tầm 'đối tác
chiến lược toàn diện', Tập Cận Bỉnh đến thăm Việt Nam và hai bên đồng ý xây dựng
'cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc' Nhưng trong tiếng Trung thì
vẫn là 'cộng đồng chung vận mệnh' hay nhân loại vận mệnh cộng đồng
thể, là đoạn ngắn của cả cụm từ về nhân loại mà phía TQ dịch sang
tiếng Anh là 'community of common destiny of mankind' (CCD).
Mới
đây Trung Quốc và Việt Nam lại tổ chức cuộc họp đầu tiên của cơ chế đối thoại
chiến lược '3 + 3' về ngoại giao, quốc phòng và an ninh vào ngày 9/12, cho thấy
mức độ gia tăng gắn bó giữa hai nước cũng như mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh đối
với Hà Nội. Điều đáng nói là Trung Quốc chưa thiết lập cơ chế '3+3' với bất kỳ
quốc gia nào khác.
Cho
nên sau sự hồ hởi của đại đa số người Việt trong và ngoài nước khi Việt Nam-Hoa
Kỳ nâng cấp quan hệ vào tháng 9/2023 thì tình hình cho thấy Việt Nam đã “bình
thường hóa” mức độ quan hệ này bằng cách năng cấp với các quốc gia khác, nhưng
vẫn dành cho Trung Quốc một thái độ, chính sách đặc biệt. Việt Nam cũng cho thấy
sự gắn bó lâu dài với Nga khi ngay giữa lúc Nga đang bị cả thế giới lên án về
cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine và Tổng thống Nga Putin bị Tòa án Hình sự Quốc
tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ do đã phạm tội ác khi trục xuất và chuyển giao bất
hợp pháp trẻ em từ các khu vực của Ukraina bị chiếm đóng sang Liên bang Nga thì
Việt Nam, một quốc gia không phải thành viên của ICC đã ngang nhiên tiếp đón trọng
thể Putin khi ông ta đền thăm Việt Nam vào tháng 6/2024.
Có
thể thấy rằng mặc dù nói là “ngoại giao đa phương”, “ngoại giao cây tre” nhưng
bên trong Việt Nam vẫn tự nguyện “cột chặt” với Trung Quốc và Nga. Khi hòa bình
Hà Nội sẵn sàng mở cửa làm ăn với cả thế giới nhưng giả sử nếu chiến tranh thế
giới thứ ba nổ ra hoặc Chiến tranh Lạnh giữa thế giới dân chủ phương Tây với trục
toàn trị độc tài Trung Quốc-Nga-Iran-Bắc Hàn thật khó mà biết Hà Nội sẽ chọn
bên nào.
7. Một
số vụ tai tiếng về quấy rối tình dục của quan chức cộng sản Việt Nam khi ra nước
ngoải.
Đó
là vụ một Cận vệ của ông Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt ở Chile hồi tháng 11
vì đã có hành vi "quấy rối tình dục”, “tấn công tình dục” một nhân viên tại
khách sạn nơi ông này ở, bị đưa ra tòa Chile xử và bị trục xuất về nước, bị cấm
quay trở lại trong hai năm; hai quan chức Việt Nam khi đến New Zealand vì công
việc chính thức đã tấn công tình dục hai cô gái phục vụ bàn nhưng do họ đã kịp
rời New Zealand nên cảnh sát nước này không thể xử lý hình sự. Vụ này thực tế xảy
ra từ tháng 3/2024, nhưng đến tháng 12 mới lộ ra.
Sự
việc này cho thấy, quan chức cộng sản Việt Nam khi ở trong nước thường quen
thói ỷ mình có tiền, có quyền, cứ tự nhiên sàm sỡ với phụ nữ mà lại không bị trừng
phạt. Ở Việt Nam cho tới nay cũng chỉ có quan chức tham nhũng là bị lộ mặt trên
báo chí truyền thông, bị bắt và kết án tù, còn những bê bối đời tư, kể cả những
hành vi quấy rối tình dục, cưỡng bức nếu có thường được giấu kín, như thể là
“vùng cấm”. Nhưng ở nước ngoài thì không phải như vậy, nghề nào ra nghề đó, muốn
chơi gái thì đi đến “phố đèn đỏ”, ra đường bắt gái làng chơi đứng đường, đừng
có nhập nhằng. Thêm nữa, ở nước ngoài các tội quấy rối, tấn công tình dục hoặc
cưỡng hiếp là tội nặng, luật pháp sẽ xử đến nơi đến chốn.
Cũng
liên quan đến tội phạm tình dục, một câu chuyện khác đã và đang gây nên sự phẫn
nộ trong dư luận là một nhà thơ cách đây 2 năm đã lên tiếng tố cáo Phó tổng
biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ, từng cưỡng hiếp mình suốt một thời gian
dài hơn 20 năm trước, khiến cô bị tổn thương tinh thần, từng tự tử nhiều lần bất
thành; sau sự việc đó nhân vật này “được” cho thôi giữ chức Phó tổng biên tập
Báo Văn nghệ “để chờ nhiệm vụ mới”. Nhưng bây giờ hơn 2 năm sau, ông này nay lại
mới được Hội Nhà văn Việt Nam bổ nhiệm chức Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn
& cuộc sống và trong tương lai có khả năng lại trở thành Tổng Biên tập tờ
này. Nạn nhận lên tiếng, dư luận lên tiếng, cha mẹ nạn nhận cũng đã có thơ gởi
tới Hội Nhà Văn Việt Nam, chả biết Hội này liệu có tiếp tục cho qua như từ tờ
báo nơi nạn nhận công tác, giới trí thức, hội này hội kia trước đây đã im lặng
suốt 22 năm qua?
8.
Bão Yagi và thiên tai.
Trong
tháng 9, Bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng về
người và tài sản. Với sức tàn phá vượt qua mọi tưởng tượng, bão số 3 gây nên
các vụ sạt lở đất, lũ quét thảm khốc nhất từ trước đến nay tại các tỉnh Lào
Cai, Yên Bái, Cao Bằng, khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích. Báo chí
đưa tin để khắc phục hậu quả bão, Việt Nam cần gần 54.000 tỷ đồng, trong đó việc
xây lại nhà ở, hạ tầng phục vụ cộng đồng cần hơn 13.700 tỷ đồng.
Cứ
mỗi lần có thiên tai xảy ra thì những vấn đề muôn thuở như sự yếu kém trong
công tác phòng chống bão, lũ từ xa, nạn phá rừng nhất là rừng phòng hộ, việc
chuẩn bị cho người dân chưa đủ (như tập huấn về các phương pháp phòng tránh, kỹ
năng tổn tại, tự ứng cứu…); phương tiện, biên pháp cứu hộ, cứu trợ còn thiếu thốn
thô sơ…lại phơi bày ra. Bên cạnh đó hậu quả của thiên tai ở Việt Nam bao giờ
cũng nặng hơn vì đi kèm với “nhận họa”, ví dụ đợt bão này, chính nạn bạt núi
xây dựng nhà, chặt phá, khai rác rừng bừa bãi...đã gây nên sạt lở đất kinh
hoàng.
Nạn
độc quyền cứu trợ. Nhà cầm quyền Việt Nam không muốn có sự tồn tại và phát triển
của các tổ chức xã hội dân sự vì lo ngại ảnh hưởng của các tổ chức này, ngay cả
các cá nhân là nghệ sĩ, người của công chúng đi làm từ thiện cũng vậy. Các năm
trước từ một vài vụ scandal làm từ thiện không minh bạch của một vài người nổi
tiếng, báo chí chính thống và dư luận nhân đó “đập” te tua những người này khiến
năm nay khi bão xảy ra, chả nghệ sĩ, doanh nhân nào dám đứng ra tổ chức quyên
góp. Cuối cùng tiền đổ vào tổ chức Mặt trận Tổ Quốc đúng như ý muốn của nhà cầm
quyền. Báo chí trong nước cho hay cho đến ngày 17/9 số tiền mà Mặt Trận Tổ Quốc
nhận được là 1.236 tỉ đồng, tương đương khoảng 50 triệu đô la Mỹ, do các cá
nhân, tổ chức trong và ngoài nước quyên góp. Lần này Mặt trận Tổ Quốc đã tiến
hành sao kê hàng chục ngàn trang giao dịch nhận tiền cứu trợ, một hành động
đáng khích lệ, tuy nhiên, cần tiếp tục công khai số tiền đã và sẽ được chuyển
đi đâu, sử dụng như thế nào, và cần phải có các tổ chức kiểm tra/kiểm toán độc
lập.
Nhưng
ngay cả như vậy thì vẫn không thể dành độc quyền việc cứu trợ cho một tổ chức,
khi tai họa xảy ra sẽ không thể bao quát nổi mọi thứ. Ở các nước và ngay ở miền
Nam trước kia dưới chế độ VNCH, các tổ chức xã hội dân sự phát triển rất mạnh
và thường làm rất tốt các công việc thiện nguyện. Việc không chấp nhận sự tồn tại
của các tổ chức xã hội dân sự, thiện nguyện là một sự thiệt thòi lớn khi có
thiên tai.
Không
chỉ bão Yagi, Việt Nam tiếp tục đối mặt với thiên tai và nhận họa khiến thành
phố Hà Nội, Sài Gòn bị ô nhiễm nặng nề, đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, ngập
mặn nghiêm trọng, rồi công trình san lấp của Sun Group ở Cát Bà, hay vụ tiến
hành xây Hồ thủy lợi Ka Pét ở Huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) phá hủy hơn 600
hecta rừng tự nhiên và bất chấp khu vực này có khu Thánh Tích Pô Cei Khar Mâh
Bingu của người Chăm, Raglai Nam Bình Thuận…khiến đồng bào rất đau lòng…Tất cả
những việc làm không cân nhắc thấu đáo sẽ hủy hoại môi trường, di tích…khó lòng
cứu vãn.
9.
Sự xuất hiện của sư Minh Tuệ làm nảy sinh bao nhiêu điều.
Sư
Minh Tuệ, một người 6 năm qua lặng lẽ thực hành lối tu khổ hạnh
(Hạnh đầu đà)-- ngày ăn một bữa, áo mặc là những mảnh vải rách vá
lại với nhau, đêm ngủ ngồi ở gốc cây, nghĩa địa, ngày đi lang thang khất
thực từ nơi này sang nơi khác, không nhận vật dụng, không nhận tiền
cúng dường--bỗng nhiên vì có người quay phim, chụp hình đưa lên mạng
xã hội mà thành “hiện tượng”, thành ra “nổi tiếng” bất đắc dĩ. Khi
người dân vì sùng bái quá mức, kéo đàn kéo lũ đi theo sư Minh Tuệ, quay
phim, chụp ảnh, sắp hàng đảnh lễ, quỳ lạy, thậm chí khóc lóc, đọc
thơ, sờ vào người, đòi đổi nồi cơm điện của sư v.v… cho thấy sự mê
muội, thói mê tín, quan niệm lệch lạc, hiểu sai về đạo Phật của một
số người. Dẫn đến sự ganh tị, “gai mắt” của một số nhà sư quốc doanh và sự “sợ
hãi” của nhà cầm quyền.
Nhà
cầm quyền liền nhận danh bảo vệ trật tự trị an, bảo vê sự an toàn cho sư Minh
Tuệ, đã đột ngột giải toán tăng đoàn, đưa sư Minh Tuệ về Gia Lai, rồi từ đó là
bắt đầu sư Minh Tuệ lúc xuất hiện lúc không, khi xuất hiện thì luôn luôn có vài
người đi kèm sát, và chỉ được phép đi loanh quanh khất thực trong phạm vi nhất
định. Cảm thấy tù túng quá, sư Minh Tuệ liền ngỏ ý muốn đi bộ đến đất Phật và lập
tức cũng lại có sự chuẩn bị, tính toán, kiểm soát của nhà cầm quyền thông qua
việc giới hạn người đi theo, cử nhận vật Thượng tá Báu đi hộ giáp bên cạnh
Youtuber Lê Khả Giáp tự nguyện dẫn đường. Đã có người đặt câu hỏi “Đoàn
Văn Báu: Hộ pháp hay người áp giải Thầy Minh Tuệ?" Khi nhận vật
này tự quyết định đường đi, ai được phép gặp sư Minh Tuệ, hạn chế số lượng người
tham gia bộ hành đến mức thấp nhất, không cho phép bất kỳ một youtuber nào tham
gia đoàn, tất cả các kênh youtuber khác đều phải sử dụng hình ảnh từ Báu và Lê
Khả Giáp. Trong các clip đó, Báu vừa là nhân vật, vừa là người dẫn chương
trình….
Đúng
là chỉ muốn được tu thôi cũng không yên.
Sự
xuất hiện của sư Minh Tuệ khiến lối tu hành xa hoa, “thích hưởng thụ”, “thích
cúng dường”, thích ở chùa to lộng lẫy, ăn ngon, xài điện thoại xịn, đi xe xịn…rồi
kiếm tiền bằng đủ thứ cách như thuyết pháp bậy bạ, bảy đủ trò mê tín dị đoan…của
các ông sư quốc doanh bị lộ mật, bị người dân “soi” dẫn đến việc ông Thích Chân
Qiang bi soi xài bằng giả, mua bằng, phải trả lại mọi bằng cấp, bị kỷ luật…Và
nhiều ông sư như vậy cũng bị dư luận “chĩa mũi dùi” vào.
10.
Kinh tế sẽ phục hồi.
Những
điểm sáng: Báo chí đưa tin gần 74.000 doanh nghiệp rời thị trường trong quý đầu
2024, nhưng đến quý ba, quý tư thì tình hình có khá hơn. “Dưới góc nhìn của Quỹ
Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam trong năm 2024 cũng khá tích cực với mức
tăng 5,8% và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới….
Trong báo cáo gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng
kinh tế của Việt Nam sẽ lên mức 6% vào năm 2024 khi thị trường bên ngoài phục hồi
tốt hơn so với năm 2023” (trích “Năm 2024: Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi
mạnh mẽ”, VNEconomy. Kiều hối đổ về Việt Nam tiếp tục cao: khoảng
16 tỷ USD, trong đó từ Sài Gòn là cao nhất, giúp Việt Nam tiếp tục trụ qua giai
đoạn khó khăn chung hậu Covid-19 v.v…Xuất khẩu tăng mạnh, lạm phát được kiểm
soát dưới 4%,
Viêt
Nam tiếp tục kêu gọi nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực như kinh tế số, tăng
trưởng xanh, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…Một số tập đoàn nước ngoài đã đến
Việt Nam, trong đó tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết hợp
tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ
nhân tạo (AI). Việt Nam chuẩn bị tái khởi động điện hạt nhận. Sài Gòn có tuyến
metro đầu tiên v.v…
Những
điểm tối: Thị trường bất động sản đã có chuyển biến nhưng chưa rõ ràng. Nhiều dự
án gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý nhưng chưa được kịp thời tháo gỡ. Việt
Nam cũng mất hàng tỷ đô viện trợ do tê liệt bộ máy vì chống tham nhũng, thiệt hại
mùa màng gần 3 tỷ đô/năm do hạn mặn; nền kinh tế tiếp tục trong tình trạng
không ổn định, cuối năm hàng loạt cơ sở kinh doanh, hàng quán tại một số thành
phố lớn lại đồng cửa, trả mặt bằng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, đại
đa số dân nghèo đời sống vẫn khó khăn, bấp bênh…
Kết
luận:
Năm
2024 so với tình trạng chung kinh tế suy trầm, chính trị bị khủng hoảng tại nhiều
quốc gia trên thế giới, thậm chí nhiều chế độ độc tài lâu đời bị sụp đổ ở
Bangladesh, Syria…Việt Nam dù sao vẫn khá…bình thường, bình yên. Từ chính sách
ngoại giao cho đến nội địa không thay đổi gì nhiều. Và hướng đi trong tương lai
gần chắc vẫn thế. Phong trào dân chủ cho tới các tổ chức xã hội dân sự sau một
thời gian dài bị đàn áp đã gần như tắt lặng.
Liệu
đây có phải là sự yên lặng trước cơn bão? Khó mà hy vọng như vậy. Sau gần 8 thập
niên cầm quyền ở miền Bắc và gần nửa thế kỷ cầm quyền trên cả nước, đảng cộng sản
đã có thừa kinh nghiệm để ngăn ngừa từ xa, dâp tắt mọi ngọn lửa đối kháng, xây
dựng một xã hội ở đó người dân chỉ biết kiếm tiền, thụ hưởng và không có quyền
gì đối với chính vận mệnh đất nước, dân tộc, và đại đa số đã quen với điều đó.
Nhưng liệu có nên tuyệt vọng? Không.
Dân
chủ hóa là tiến trình không thể đảo ngược đối với nhận loại.
Khát
khao được sống tư do, được tham gia vào các hoạt động đóng góp ý kiến, phản biện,
biểu tình, ứng cử, bầu cử… là điều bình thường ở mọi con người, người Việt cũng
thế. Sẽ đến lúc người Việt cảm thấy xã hội này, mô hình này là không thể chấp
nhận và cần phải thay đổi.
No comments:
Post a Comment